Chủ Nhật, 16/06/2019 14:32

Mái nhà lính thợ

Tôi không nghĩ mình rời đơn vị đã hai mươi hai năm. Ngần ấy thời gian, cũng chẳng mấy khi tôi trở về thăm nơi từng gắn bó quãng đầu đời quân ngũ.

.Bút kí. PHÙNG VĂN KHAI

Tôi không nghĩ mình rời đơn vị đã hai mươi hai năm. Ngần ấy thời gian, cũng chẳng mấy khi tôi trở về thăm nơi từng gắn bó quãng đầu đời quân ngũ. Năm 1994, khi khoác ba lô hăm hở đi nhận công tác ở Xưởng X1 - nơi từng có tiểu đoàn chuyên gia Liên Xô với những kĩ sư, thợ kĩ thuật lừng danh chuyên về xe tăng, xe thiết giáp, tên lửa, súng pháo, khí tài... cứ nghĩ ắt nó phải khang trang bề thế, nhà cao cửa rộng, nhộn nhịp tấp nập lắm. Ai dè, hành quân bộ hơn hai cây số, hỏi dân bên đường số 3 đoạn Tân Minh - Gò Sỏi mãi mới đến được. Cảm nhận đầu tiên là mấy dãy nhà cấp bốn lợp fibro ximăng cũ kĩ (sau này ở đó, mới ngấm tiếng mưa rơi và cả tiếng kêu lanh canh của thau chậu hứng nước từ trên mái dột xuống thành dòng, có hôm nước dâng cao, cá bơi cả vào trong lòng nhà trũng thấp). Chẳng còn bóng dáng ông Liên Xô nào cả, thấy mỗi đàn bò gần chục con gầy trơ xương quẩn quanh bên lò gạch than bùn nham nhở. Quanh quất mãi tìm nộp giấy tờ, mới thấy một anh đại úy gầy gò mảnh khảnh đi chiếc xe Simson cũ khẽ nở nụ cười nói nhỏ với anh cán bộ tổ chức:
- Cậu này đã được phân về trung đội vệ binh. Tiện vừa giao ban xong, để tôi chở cậu ấy về nhận công việc và vị trí ăn ở luôn thể.
Đó là anh Ma Thiện Hùng - Trung đội trưởng Vệ binh. Tôi học thợ kĩ thuật sửa chữa tăng - thiết giáp sao lại được phân công làm lính gác kho xưởng? Cũng chẳng sao. Người lính vốn vậy. Nhiệm vụ là nhiệm vụ. Sau này tôi mới biết là mình may mắn. Trung đội cảnh vệ do nhiệm vụ đóng quân độc lập mãi bên ngoài gần đường tàu nên rất tiện cho lính tráng chúng tôi dân vận. Đã thế, còn được ăn uống độc lập nên thường tươi hơn. Trung đội có vườn rau bốn mùa xanh, ao cá lúc nào cũng tũng toẵng. Chúng tôi còn nuôi mấy chú ỉn, tết nhất xôm tụ, thơm inh ỏi. Phải cái đi gác khá xa. Đêm nào vác súng vòng quanh đơn vị cũng già hai cây số. Mùa hè còn đỡ, đông đến, gió bấc ù ụ rít trên ray đường tàu, lính tráng đang độ tuổi hai mươi, rút được người ra khỏi mấy lớp chăn trấn thủ cũng tư tưởng lắm. Vậy mà, ba năm ở đó lại là ba năm đầy đặn nhất, từ niềm vui tới nỗi buồn. Có cả những bản kiểm điểm chẳng đâu vào đâu. Đứa con đầu còn trong bụng mẹ cũng lên thăm bố ở đấy. Đồng đội nhường cho cái giường sắt đã hoen gỉ sao ấm áp vô cùng. Chiếc xe đạp duy nhất của trung đội được giao cho vợ chồng mới cưới. Những món ăn đồng đội để dành dẫu nguội lạnh vẫn khiến rơi nước mắt. Khu gia đình khi ấy còn lèo tèo xập xệ vẫn thơm thảo nghĩa tình từng bữa cơm cà mắm mời dâu cảnh vệ. Đời vợ bộ đội hạnh phúc chưa bao giờ được đong đếm bằng vật chất. Đời người chiến sĩ lại càng không. Mãi sau này, tôi mới thấy hết vẻ đẹp của mái nhà lính thợ Xưởng X1 bình dị mà đằm sâu dài rộng.

*
* *


Thấm thoắt hai nhăm năm kể từ ngày tôi đặt chân đến mảnh đất này.
Đã một phần tư thế kỉ rồi ư? Vẫn là địa danh ấy, vùng đất ấy, con người ấy, đơn vị ấy sao hôm nay đổi thay đến ngỡ ngàng. Tôi vòng đi vòng lại mấy lần hỏi thăm mới tìm được đường vào đơn vị cũ. Quốc lộ 3, đoạn Sóc Sơn - Phố Nỉ hai bên đường nhà cao tầng, cửa hàng, khu chế xuất bề thế nổi trội lấn át mặt đường. Ngày trước chỉ là những đồng lúa, hồ cá miên man. Ngay cái chợ tạm dập dìu mua bán ngày nào cũng chẳng còn. Vẫn biết đơn vị những năm gần đây khang trang hơn trước rất nhiều, nhưng chẳng ngờ Xưởng X1 - Cục Kĩ thuật binh chủng - Tổng cục Kĩ thuật hôm nay lại bề thế đến vậy.
Đón ngay ở cổng là hai ông vệ binh đời 94 Đinh Văn Tiến, Hoàng Văn Sơn nay đã là những đại úy, thiếu tá với cương vị tham mưu, kĩ thuật được các cháu vệ binh chào rất nghiêm. Hóa ra mình đã lên chức, chuyển thế hệ từ lúc nào rồi. Còn đang tay bắt mặt mừng chỉ trỏ tòa nhà chỉ huy bề thế của xưởng, nhà ở của các phân xưởng, ban bệ, đã thấy Đại tá Lương Khắc Tiến - Giám đốc đi bộ thẳng từ nhà chỉ huy xuống chỗ chúng tôi. Ngày trước, khi tôi còn ở đây, anh Tiến là đại úy, tiểu đoàn phó. Lên cấp trưởng, rồi được cử đi học, theo nhu cầu sử dụng cán bộ thuyên chuyển lên Cục Kĩ thuật binh chủng, rồi lại trở về mái nhà lính thợ. Hôm có quyết định Giám đốc xưởng, anh hẹn tôi lên. Tôi bỗng thấy con người này cũng lạ. Người khác chỉ mong phát triển đi lên, anh lại muốn trở về nơi từng nuôi dưỡng mình, về với anh em lính thợ. Mãi sau này tôi mới rõ thêm tâm can của anh. Điều này không phải anh nói ra, mà chính là đồng đội nói với tôi. Những cơ ngơi khu gia đình khang trang, chuẩn chỉ; những vườn cây trĩu quả mướt mát; hồ cá tũng toẵng, lô nhô san sát chép, trôi, trắm, mè… là tiếng nói sát sườn nhất cho sự trở về ấy của anh.
Đại tá Lương Khắc Tiến dắt chúng tôi ra khu vườn cam xanh tốt, giọng hồ hởi:
- Nhà văn thấy khác nhiều lắm đúng không? Vườn cam thượng hạng đúng tiêu chuẩn sạch, năm nay thu cả trăm triệu đồng để lo tết cho bộ đội đấy. Cam X1 vào tận Đà Nẵng, Sài Gòn, Cần Thơ, nhiều người đặt mua không có. Giá thành cao gấp đôi ngoài thị trường nhưng chúng tôi chỉ ưu ái bán cho anh em làm quà. Ấm áp gì bằng quả cam bộ đội do con em mình đem về biếu ông bà, cha mẹ. Công phu lắm đấy. Từng thất bại đấy. Nhưng duyên cây bén đất như duyên con người thủy chung với mái nhà lính thợ nơi đây đã cho trái chín. Mồ hôi nhỏ xuống gốc cam để hương vị ngọt lành thơm thảo lan tỏa đang là thế mạnh của những người lính thợ X1.
Tôi nhìn mãi ra xa, chỉ một màu cam xanh ngút ngát. Xa nữa là vườn bưởi đang ươm trồng. Đầu hè nắng mới, lá vẫy gió xôn xao. Từng chùm quả mướt xanh mỡ màng. Tại sao lại được như thế nhỉ? Ngày trước, lính thợ chúng tôi chai sạn chân tay mãi mới đào nổi cái hố nông choèn để trồng cây. Đất sỏi Sóc Sơn lì lợm đã thấm bao mồ hôi người lính thợ mà chỉ lưa thưa mấy dãy bạch đàn vô tích sự. Đến bạch đàn còn khó phát triển thì bưởi, cam sao lại có thể cho sản phẩm thơm ngon?
Như thấy được thắc mắc của tôi, Đại tá Lương Khắc Tiến mỉm cười nói:
- Có mẹo cả đấy bố ạ. Ở dưới toàn là bùn từ đầm ngoài chở về. Cái hay là không mất tiền vẫn cải tạo được đất. Đầm họ cần nạo vét, tôn tạo. Đất đá ong thì ta sẵn. Vậy là chuyển đổi. Hai bên đều tìm thấy sự hợp lí và lợi ích của mình. Bộ đội không phải múc từng xô bùn ủ gốc cây mà thay thế cả tầng đất bằng máy móc.
- May mắn thế còn gì. Đúng là buồn ngủ gặp không phải chiếu manh mà hẳn chiếu... hoa nhé. Chỉ việc sẵn đó trồng, cây gì mà chả tươi tốt cho năng suất cao rồi tha hồ báo cáo thành tích. Nhất ông anh rồi!
Đại tá Lương Khắc Tiến cười phá lên:
- Còn lâu bố ạ! Lần đầu cây chết thẳng cẳng. Không chết cũng khật khừ không hoa quả gì hết. Không dễ xơi thế đâu.
- Sao lại có chuyện ấy? Ở Hưng Yên, Văn Lâm, Văn Giang, người dân toàn dùng bùn ao phơi khô bón cho cam, quất, bưởi mà thành thương hiệu.
- Do thiếu hiểu biết chứ do đâu. Cái chính là máu quá. Đất bùn chưa khô đã đưa cây vào trồng nên bị chết. Lính thợ xe tăng tháo lắp, mang vác hàng chục tấn đi khắp đất nước chẳng khó khăn mà lội vào vũng bùn trồng cam trồng bưởi lại vấp phải vách sắt mới kinh chứ. Nhưng thời đại nào rồi mà không trồng nổi cây cam, cây bưởi. Chúng tôi lập tức hành quân tới những nơi trồng giỏi nhất, kĩ thuật cao nhất, năng suất và chất lượng tốt nhất để học hỏi và mời họ về, vừa dạy vừa thực hành giúp mình. Bây giờ thì có hàng thương phẩm mấy năm nay rồi. Xưởng đang cho cấy ghép, lai tạo vài trăm gốc bưởi chất lượng cao.

Các đại biểu tham quan giá thử ổn định trên xe tăng tại Xưởng X1 - Ảnh: PV

Tôi mỉm cười cảm phục sự linh hoạt của anh. Tâm huyết con người còn phải đi cùng với nhiều thử thách, cả thất bại, những trăn trở và quyết đoán mới có thể thành công. Sẽ có thể có những ì xèo phía sau, sự ngãng ra khó tránh, nhưng cái được bao giờ cũng mau chóng làm đầy đặn những thiếu khuyết cũng là lẽ thường. Dắt tôi sang hồ cá rộng vài nghìn mét vuông, anh vỗ vỗ tay, đoạn cầm chiếc hốt xúc cám hất xuống mặt nước. Rì rào, rồi rộ lên sóng sánh, những đầu cá nhô lên há miệng, đuôi quẫy nước bắn tung tóe xô nhau vào bờ đón thức ăn. Trước cảnh ấy, tôi chợt lặng đi. Nơi đây, ngày trước chính là khu lò gạch, vốn là nỗi e ngại của lính thợ chúng tôi. Đất sỏi đá ong mà phải nhào luyện thủ công thành viên gạch là một cực hình. Rồi theo thời gian, lò gạch cũng được phá bỏ. Người lính thợ phải về đúng vị trí của mình, phải tỏa ra toàn quân chăm sóc, bảo dưỡng, sửa chữa, nâng cấp súng pháo, khí tài kĩ thuật mới là đắc dụng. Bàn tay người lính thợ không thể chỉ cầm viên gạch, viên than mà phải cùng với cái đầu nhiều sáng kiến chữa lành bệnh cho xe tăng, xe thiết giáp, súng nhỏ súng to như ngày xưa các chuyên gia Liên Xô từng chỉ bảo. Hướng đi và đích đến của người lính thợ X1 hôm nay cũng vẫn thế, nhưng bên cạnh đó, họ còn có thể tự hào về sự linh hoạt trong việc tự chăm lo đời sống thường nhật của mình.

*
* *


Ngoài vẻ đẹp truyền thống về chuyên môn, mái nhà Xưởng X1 còn là sự ấm áp tình đoàn kết hữu nghị Việt - Xô. Thời gian càng lùi xa, tình cảm ấy càng bền vững. Không chỉ trong chiến tranh, mà cả những ngày hòa bình, khi không còn hiện diện những chuyên gia Liên Xô ở vùng đất sỏi Sóc Sơn nữa, ta vẫn như thấy hơi ấm của bạn truyền sang bàn tay nóng ấm của người lính thợ X1 hôm nay.
Thực hiện Hiệp ước hữu nghị hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam - Liên Xô, năm 1979, Bộ Quốc phòng Liên Xô đã đưa sang Việt Nam ba tiểu đoàn sửa chữa tổng hợp cấp chiến dịch, mang theo trang bị và vật tư kĩ thuật giúp Quân đội ta sửa chữa số vũ khí trang bị kĩ thuật hiện có đang bị hư hỏng, xuống cấp. Phía ta cũng thành lập ba tiểu đoàn tương ứng để học tập kinh nghiệm, cùng sửa chữa, đồng thời tiếp quản trang bị do bạn bàn giao lại. Từ khi bạn sang Việt Nam đến khi rút hết về nước vừa tròn mười tám tháng, riêng Tiểu đoàn 1 Liên Xô và Tiểu đoàn 1 Việt Nam (tiền thân của Xưởng X1 bây giờ) đã sửa chữa được gần năm trăm xe tăng, xe thiết giáp và hàng nghìn xe ô tô, súng pháo, khí tài quang học cho các đơn vị phía Bắc. Ngay từ những ngày đầu mới thành lập, trong cái “nôi” của nhà máy Z153, chỉ trong thời gian ngắn đầu năm 1980, tiểu đoàn được giao nhiệm vụ nhận một xe tăng T54B của Trường Sĩ quan Thiết giáp về tự tổ chức sửa chữa mà không có sự tham gia hướng dẫn của chuyên gia Liên Xô. Chất lượng xe sau khi sửa chữa, bàn giao được đơn vị đánh giá tốt. Từ lần đầu tiên đó, qua bốn mươi năm, Tiểu đoàn 1 nay là Xưởng X1 đã tổ chức sửa chữa được hơn bốn nghìn lượt xe tăng, xe thiết giáp; hơn ba trăm lượt xe công trình; hơn hai nghìn quả đạn tên lửa, năm mươi đài điều khiển tên lửa B72 và hàng nghìn khí tài quang học; kiểm định hàng chục nghìn bình khí nén, cứu hỏa và sản xuất hàng tấn chất chống cháy EtylBromua, sấy hàng chục tấn Silicagen. Bảo quản, bảo dưỡng hơn một nghìn năm trăm lượt xe công trình các loại; gia công hàng nghìn chi tiết, phụ tùng phục vụ cho nhiệm vụ sửa chữa tại chỗ và cơ động, sửa chữa hàng nghìn máy thông tin và mũ công tác trên xe tăng, xe thiết giáp. Tổ chức gần tám trăm lượt đội khảo sát và sửa chữa cơ động xe tăng, xe thiết giáp, khí tài đặc chủng, hơn sáu mươi lượt đội kiểm tra bảo dưỡng, sửa chữa tên lửa chống tăng B72 cho các đơn vị tăng - thiết giáp, pháo binh trong toàn quân và các nước bạn Lào, Campuchia. Đặc biệt, năm 2002, Xưởng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị đột xuất trong thực hiện nghĩa vụ quốc tế đối với nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, góp phần tăng cường sự đoàn kết giữa quân đội hai nước, được Bộ Quốc phòng của cả Việt Nam và Lào đánh giá cao và được tặng bằng khen.
Suốt bốn mươi năm qua, dưới sự lãnh đạo sâu sát của Cục Kĩ thuật - Binh chủng Tăng - Thiết giáp, và sau này là Cục Kĩ thuật Binh chủng - Tổng cục Kĩ thuật, Xưởng X1 đã luôn hoàn thành nhiệm vụ. Dấu chân của những người lính thợ X1 đã in khắp trên mọi miền của đất nước, từ đồng bằng, thành phố đến miền trung du, Tây Bắc, Việt Bắc; từ miền Trung đến miền Đông Nam Bộ, rồi các vùng biển đảo như Cô Tô, Vạn Hoa, Vĩnh Thực, Bạch Long Vỹ, Trường Sa…; với nước bạn Lào là đặc khu Say Khẳm Bun, Viêng Chăn, Nậm Ngừm; với nước bạn Campuchia là Prếtvihia, Phnôm Pênh... Dù ở đâu, xưởng luôn giữ vững truyền thống đoàn kết gắn bó với chính quyền, nhân dân địa phương, thực hiện tốt công tác dân vận. Thực hiện phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, hàng năm, xưởng tổ chức vận động cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ đóng góp xây dựng nhà tình nghĩa, ủng hộ kinh phí để địa phương xây dựng nhà tình nghĩa và các công trình phúc lợi, xứng đáng là một trong những điểm sáng của huyện Sóc Sơn về công tác dân vận, xây dựng địa bàn và đoàn kết quân dân.
Trong sự trưởng thành vững vàng ấy, bản thân mỗi cán bộ chiến sĩ ở đây luôn xác định chặng đường phía trước sẽ còn nhiều gian lao thử thách, đội ngũ cán bộ giàu kinh nghiệm, thợ giỏi đang đến tuổi nghỉ, đội ngũ kế cận cần phải rèn luyện toàn diện hơn để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Những thách thức ấy đang là mục tiêu để lãnh đạo xưởng cùng anh em lính thợ đoàn kết vượt qua.

*
* *


Đêm vùng đất đồi sỏi Sóc Sơn tĩnh lặng đến vô cùng.
Những đêm ở đây hơn hai mươi năm về trước cũng tĩnh lặng như vậy. Khi ấy chúng tôi, những người lính thợ dưới mái nhà Xưởng X1, không thể nào hình dung buổi mình trở lại đơn vị đổi thay nhiều đến vậy. Thế hệ lính thợ ngày trước đã lên ông lên bà. Có những người đã khuất như Giám đốc Xưởng Mai Văn Kiểng... Khu tập thể gia đình ngày trước lèo tèo vài mái nhà cấp bốn nắng nóng như rang luôn ậm ọe tiếng trẻ khóc, tiếng gắt gỏng đêm mất điện, bây giờ là những tòa nhà san sát ba tầng, hai tầng nước sơn còn mới. Các tòa nhà ở của cán bộ, chiến sĩ phân xưởng, với hệ thống điều hòa, bình tắm nóng lạnh, các thiết bị dân dụng hiện đại phục vụ bộ đội từ nhiều năm nay luôn là chốn đi về ấm cúng của người lính thợ. Đôi bàn tay vàng của hàng trăm người lính thợ các thế hệ Xưởng X1 đã chữa lành, làm mới biết bao chi tiết kĩ thuật các loại súng pháo, xe tăng, xe thiết giáp, thì vẫn là đôi bàn tay ấy ân cần, nâng niu từng trái cam, trái bưởi đang trĩu nặng xôn xao. Vẫn đôi bàn tay ấy đang nắm chặt lấy nhau kết thành đội ngũ, để cùng với trí óc, niềm tin của người lính thợ càng đầy đặn hơn, trưởng thành hơn trong mái nhà chung bền vững của người lính Cụ Hồ.
Tôi bình lặng bước đi lắng nghe tiếng cây cỏ, đất trời nơi mảnh đất đã nuôi dưỡng tâm hồn mình những ngày đầu quân ngũ. Trong tiếng đất thì thầm, như vọng lại những nụ cười, ánh mắt của các đồng chí chuyên gia, thợ kĩ thuật Liên Xô ngày trước. Họ từ nơi xứ tuyết sang ăn ở, trần lưng dưới cái nóng ngót bốn mươi độ để vừa cùng làm, vừa chỉ dạy ngôn ngữ, chuyển giao kĩ thuật cho người lính thợ Việt Nam khi đất nước ta hai đầu vẫn ì ùng tiếng súng. Đêm càng sâu càng tĩnh mịch, tôi nghe có cả những tiếng thì thầm của các thế hệ lính thợ từ chiến trường ra, học tập, rèn luyện và trưởng thành, rồi lại tỏa đi khắp các vùng miền đất nước. Đi để lại trở về đây, đầy đặn hơn kiến thức, sự tin yêu và kinh nghiệm sống rồi sẵn sàng trao lại cho đội ngũ thợ kế cận để đội ngũ ấy ngày càng dày vững, thảo thơm trong sự bình dị, chất phác, hồn hậu vốn là đặc trưng của lính thợ Xưởng X1.
Mái nhà lính thợ Xưởng X1 vừa thân thương gần gũi, vừa bát ngát mênh mông dẫn dụ chúng tôi buổi trở về
P.V.K