Thứ Năm, 19/08/2021 00:22

Lục bát Nguyễn Phúc Lộc Thành: Trường hợp “Giấc mơ sông Thương”

Mỗi nhà thơ đến một độ nào đó thường có sự nhất quán trong quan niệm thẩm mĩ, trong cách cảm nhận về thế giới... (VĂN GIÁ)

VĂN GIÁ
 

Quan sát công cuộc làm thơ lục bát của Nguyễn Phúc Lộc Thành ngay từ những bài thơ đầu tiên (sau đưa vào tập Giấc mơ sông Thương) cho tới tận bây giờ, thấy nhà thơ luôn đưa ra những hạn định để rồi tự vượt. Đó là việc đặt một “thi đề” cho tập thơ ngay từ đầu (Giấc mơ sông Thương, Chiều, Chân quê), và giới hạn số bài của mỗi tập là 36, không hơn không kém. Nếu nhìn kĩ, nhà thơ còn tự ép mình hơn thế, tuy không phải tất cả, nhưng phần lớn mỗi bài gồm ba (hoặc đôi khi bốn) đoạn được đánh số theo thứ tự, trong đó đoạn 1 là một cặp câu lục bát, đoạn 2 giữ phần “chính văn” chiếm số câu nhiều nhất; và đoạn 3 trong vai trò kết bài gồm một - hai cặp câu lục bát. Chưa hết, nhà thơ lại chỉ chơi lục bát theo lối bẻ dòng, ít khi để nguyên dòng trên sáu dưới tám thông thường. Tất cả đó là những lựa chọn cố ý, chủ động. Có người vân vi: Liệu cứ nhất thiết phải như thế? Vâng, có thể không nhất thiết với ai đó, chứ với Nguyễn Phúc Lộc Thành thì cứ là nhất thiết. Tự dựng lên những rào chắn, như một thách đố, như một trò chơi, rồi tự thử thách, tự gây khó, hối thúc mình phải vượt qua. Tôi gọi đó là những “công án thơ” mà nhà thơ đã theo đuổi, thực hành. Tất cả 108 bài thơ trong ba phần của tập Giấc mơ sông Thương (Nxb Hội Nhà văn, 2018) đều là những công án thơ như thế. Cái đích đặt ra là phải hóa giải được công án, siêu thăng để thành thơ. Có lúc mĩ mãn. Có lúc chưa. Âu cũng là chuyện thường tình của việc “hành thi”.

Đọc Giấc mơ sông Thương chính là khám phá các “công án thơ” như thế, mỗi người mỗi cách, mỗi người mỗi thấy.

1. Thế giới của những chia biệt, tàn phai

Mỗi nhà thơ đến một độ nào đó thường có sự nhất quán trong quan niệm thẩm mĩ, trong cách cảm nhận về thế giới. Điều đó quy định cách lựa chọn, biểu đạt thơ của mỗi nhà thơ theo cách có ý thức hoặc nhiều khi rất vô thức, điều mà chính nhà thơ cũng chưa chắc đã biết và kiểm soát được.

Giấc mơ sông Thương, có một âm hưởng chủ đạo choán chỗ, bao chiếm: xúc cảm về một thế giới chia biệt, tàn phai với nhiều mức độ, sắc thái khác nhau. Ở đâu cũng thấy hao khuyết, đứt gãy, xa lìa. Viết về mẹ, không giống với các nhà thơ khác (hay kể công ơn mẹ, tình thương và sự ăn năn với mẹ…), Nguyễn Phúc Lộc Thành nói về cái chết của mẹ, cái chết trong một khung cảnh trời đất, cây cỏ, đồng bãi, sông núi cũng lên màu tang tóc: Mưa như kinh kệ gào gầm/ Trời như khóc tận xa xăm khóc về; Chiều nay cây bưởi địu tang/ Rạ rơm khóc dưới đàn đàn bụi mưa… Những câu thơ không nhắc đến những chữ xót thương mà hiển hiện một nỗi đau mất mẹ. Các bài thơ về mẹ của Nguyễn Phúc Lộc Thành bao giờ cũng nói về sự già nua, héo úa, cái chết như một tất yếu, như một nỗi buồn định mệnh, không ai muốn, không ai thoát được. Vươn tới ý niệm siêu hình, bài thơ khép lại, tuy đau buồn nhưng có được sự yên tĩnh nội tâm: Bên đồng/ Một xe hoa vơi/ Chở mùa/ nước mắt/ về trời/ không ngai

Trong một vệt chủ đạo, thơ về tình yêu cũng vậy. Biểu đạt tình yêu không chỉ là câu chuyện thụ hưởng. Nhưng trong cách cảm nhận của nhà thơ, ngay cả khi trạng thái cảm xúc thăng hoa nhất của tình yêu đã thấy những phôi pha, hao hụt, đe dọa lẻn vào một cách bất ngờ, không báo trước, không có tính lí do, như bị dẫn dắt bởi một lực vô hình nào đó. Trạng thái này có mặt tràn lan trong các bài thơ tình của Nguyễn Phúc Lộc Thành. Nhặt mấy câu ngẫu nhiên làm minh chứng: Này em/ Lưng lửng nhau rồi/ Trong ta/ đã trổ một chồi biếc câm (Sao lại là “câm” mà không phải là tiếng?); Thơm lên/ da thịt cũ sờn/ Hương/ va/ vào/ những khóc hờn/ trăm năm (Sao lại “cũ sờn”, “khóc hờn”?); Em đi/ Sông khóc ời ời/ Đò đưa/ khắp chốn/ cùng nơi/ là mồ” (Sao lại những “khóc” cùng “mồ”?)... Có những câu thơ thật đẹp nhưng tất cả được nhúng trong một từ trường của tàn phai, chia biệt, chết chóc: Bàn chân ngồi khóc bàn chân/ Bàn chân giờ đã trắng ngần ao xa/ Cuộc tình nay dẫu nua già/ Còn nghe vết sẹo trên da ngậm ngùi; Thấy trên/ phiến gạch già nua/ Tóc xanh/ chết trước cửa chùa rêu phong; Sớm nay/ em mặc áo nâu/ Tóc thì con gái đi đâu không về… Nguyễn Phúc Lộc Thành có rất nhiều câu thơ hay một cách buồn bã nát tan như thế. Nhân vật “em” - người tình của chủ thể trữ tình này vốn rất phồn thực, tràn trề dục tính, chìm đắm hoan lạc, nhưng điểm cuối của các cuộc tình bao giờ cũng rơi vào trạng thái rã rời, tan hoang, gần như hư vô: Lạy trời/ Mới đó một đêm/ Mà sao đã ngỡ cả thềm xác hoa; Bàn tay/ ngày ấy/ còn đâu/ Ngực đêm rười rượi một màu hoa xưa…

Giấc mơ sông Thương, chia biệt, tàn phai, thậm chí tang tóc không chỉ trú ngụ trong hồn người mà còn tràn ra khung cảnh, không gian. Nhất quán trong một cảm thức tàn phai, trời đất, sông núi, hoa cỏ, trăng sao… cũng vận động, chuyển dịch từ tươi tốt, thoáng rộng, sáng ấm sang héo úa, chật chội, tối lạnh: Mưa như kinh kệ gào gầm/ Trời như khóc tận xa xăm khóc về; Một đêm/ giăng gió lên khơi/ Đò khuya/ nghe đã ời ời bến mê; Gạn trời/ vạc sạch câu thơ/ Thấy trơ/ một phiến/ ngày xơ xác ngày… Trong thế giới thơ Nguyễn Phúc Lộc Thành chỉ có chỗ cho không gian chiều và tối, hầu như không có sáng, trưa. Chiều chuyển sang tối, bóng chiều và bóng tối chẳng phải là hiện thân cho sự trôi chảy, tàn phai của ngày/ ánh ngày đó sao? Con người và không gian, tâm tình và khung cảnh, hợp lại, nhất quán làm thành một thế giới ngả về những sa sút, mất mát, hư hoại, tàn phai.

Những câu thơ hay nhất đều mang địa chỉ tàn phai. Chỉ có đi vào vùng cảm xúc về cái tàn phai, hồn thơ Nguyễn Phúc Lộc Thành mới thăng hoa tận độ. Điều này như một dấu chỉ làm nên nét riêng khác của nhà thơ.

2. Bản tụng ca về tính thiêng

Trong sáng tạo văn chương nói chung và thơ ca nói riêng, tất cả các chất liệu đời sống, không phân biệt, đều được quyền có mặt. Cái quan trọng là mỗi người nghệ sĩ sẽ xử lí các chất liệu ấy như thế nào, theo cách nào mà thôi. Chẳng hạn, cái gọi là ngôn ngữ tục (được phân biệt đối lập với thanh) trong đời sống giao tiếp hằng ngày khi đi vào văn chương sẽ có nhiều cách xử lí: giữ nguyên để khắc họa tính cách nhân vật, xây dựng bối cảnh; hoặc theo kiểu “đố tục giảng thanh” như cách nói truyền thống. Ngay cả ngôn từ nằm trong trường ngôn ngữ tính dục cũng vậy, với mỗi nhà thơ mỗi khác, sẽ có cách xử lí riêng khác. Có người sử dụng nó với hi vọng để câu khách, chiều chuộng sự hiếu dâm của người đọc. Có người lại biến nó thành cái đẹp của sự sống sinh nở... Tập Giấc mơ sông Thương tràn đầy yếu tố tính dục, với nhiều cách biểu đạt biến hóa, đa dạng, phì nhiêu được thể hiện trong hình ảnh, ngôn từ; và cùng với nó là cái nhìn, cách cảm của tác giả. Có một điểm nhất quán ở Nguyễn Phúc Lộc Thành là tất cả yếu tố dục tính được biểu đạt theo cách thiêng hóa, nghĩa là biến chúng thành những yếu tố thiêng, gắn liền với sự trân trọng, nâng niu, dè dặt, tôn quý.

Yếu tố dục tính này trước hết thể hiện ở trường từ vựng chỉ các bộ phận cơ thể người - ở đây là người nữ, người tình: môi, mi, ngực, vú, tóc, da, tay, chân, lưng… (hoặc được nói theo lối ẩn dụ: động hoa, nụ đào, cỏ, sông, trăng, đồi…); sau nữa là các từ chỉ động hình ân ái: hôn, chạm, hỏa, cài, đóng, mở, cởi, cời, nhỏ, vào, lên, xuống… Tất cả những từ này xuất hiện với mức độ dày đặc trong Giấc mơ sông Thương.

Như đã nói ở trên, điều đáng quan tâm nhất là cách ứng xử với các yếu tố dục tính như thế nào ở mỗi thi sĩ. Với Nguyễn Phúc Lộc Thành, anh không bao giờ để các hình ảnh, ngôn từ dục tính đó rơi vào sự tầm thường, tự nó, mà bao giờ cũng đẩy lên theo hướng mĩ hóa, gắn chúng với những hình ảnh không gian thiên nhiên, vũ trụ thanh khiết, diễm lệ, nhiều hình ảnh thuộc về nước non cẩm tú. Đến đây, không thể không dẫn ra một vài câu thơ làm chứng: Then trời/ đã đóng chưa em/ Cho ta mở yếm lụa mềm buộc nhau; Tay đêm/ Chạm đáy lưng ong/ Tôi như đò góa/ Phải lòng bến Thương; Tôi về/ Gỡ mảnh thia lia/ Đêm qua/ Mắc ở lưới khuya, sông trời… Nhà thơ thường sắp đặt cho các cuộc tình chan hòa trong không gian thiên nhiên, vũ trụ như vậy đó. Bản chất của sinh thái trong tính tích cực của nó là an lành, sinh sôi, bí ẩn, gợi cảm và thiêng. Đi theo cách này khiến câu thơ thanh thoát, tự nhiên mà vẫn hàm chứa được tính thiêng cần thiết, như một lựa chọn.

Nhờ nhất quán chiêu thức nói trên, thi sĩ đã biến các câu thơ vốn đầy nhục cảm được thoát xác, cất cánh, vẫn gợi mà đẹp: Chiều nay/ nhấp cạn nửa trời/ Tay cào đáy chén/ môi cời trăng lên; Này em/ cái buổi dại đầu/ ta mang cầm cố/ trong nhau suốt đời/ Một đêm/ giăng gió lên khơi/ Đò khuya/ nghe đã ời ời bến mê; Vú trăng/ nhỏ một giọt mời/ Tình say/ chim hát ngàn lời cốm non… Nguyễn Phúc Lộc Thành có nhiều câu thơ hoa khôi như thế. Thanh khiết. Thiêng liêng. Nhục cảm đấy mà không khi nào sa vào sự tầm thường.

Trừ những bài thơ dành cho mẹ - một hình ảnh có tính khái quát mang ý nghĩa đấng sinh thành, hi sinh, chịu ơn, tính mẫu - còn những thi phẩm khác chiếm phần lớn, viết về địa hạt tình yêu, tôi gọi đó là thơ tình của những dục-tính-thiêng-liêng.

Như trên kia đã phân tích, thơ Nguyễn Phúc Lộc Thành hướng về một thế giới tàn phai. Những cuộc tình vốn mang kết cục tàn phai, thì các dấu chỉ dục tính trong đó cũng không cứu nổi sự tàn phai ấy, thậm chí còn thúc đẩy quá trình tàn phai diễn ra nhanh hơn. Cái đẹp trước nguy cơ phôi pha, tiêu biến lại càng cảm thấy thiêng hơn. Mối quan hệ giữa cái tàn phai và cái thiêng liêng chính là một mạch ngầm trong cảm niệm của hồn thơ Nguyễn Phúc Lộc Thành.

 

3. Một nỗ lực lục bát dụng chữ

Thơ lục bát Việt có cả một lịch sử hùng hậu và không ngừng được làm mới qua các thời kì, giai đoạn với những dấu mốc quan trọng, bằng những cá nhân vượt trội (Nguyễn Du, Nguyễn Bính, Bùi Giáng, Nguyễn Duy). Nếu xét theo tiêu chí phong cách, có dòng lục bát dân gian và lục bát cổ điển. Xét theo giọng điệu, có các lục bát điệu kể, điệu than, điệu ghẹo, điệu trào. Xét thuần về tổ chức hình thái câu thơ, có thơ liền dòng, vắt dòng, bẻ dòng; câu thơ ngữ pháp và câu thơ phi ngữ pháp. Xét theo việc tổ chức nhịp, sẽ có nhịp tự nhiên, cổ điển 2/2 đi suốt toàn bài, cùng với nó là nhịp chẵn hoặc nhịp lẻ với những biểu hiện đa dạng. Còn sử dụng từ láy, không chỉ có láy đôi mà còn có cả láy ba láy bốn… Tất cả những điều này đều đã có mặt (không đồng đều) ở bốn đại bút trên (và ở không ít các cây bút khác) với những mức độ và biến hóa khác nhau.

Một bề dày lục bát thâm hậu như thế ắt “làm khó” cho các cây bút lục bát về sau. Những ý đồ làm khác nào cũng vướng. Tuy nhiên, nhiệm vụ đặt ra đối với lớp hậu thế vẫn cứ phải làm khác, nghĩa là vẫn cứ phải sáng tạo không ngừng.

Tuy nhiên, cái gốc rễ có ý nghĩa quyết định cho mọi sự sáng tạo, làm mới vẫn phải là cách cảm nhận và quan niệm mới về sự sống, nói theo cách thông dụng là phải có tư tưởng. Điều này cực khó. Tuy khó, nhưng không có nghĩa là không thể.

Trên một tinh thần như vậy, nhìn vào lục bát Giấc mơ sông Thương thấy người sinh ra nó có một nỗ lực bền bỉ làm khác rất đáng trân trọng. Về cơ bản, lục bát của Nguyễn Phúc Lộc Thành có mấy điểm chung: thuộc về điệu lục bát cổ điển, được tổ chức theo lối bẻ dòng, chủ trương đơn vị câu thơ phi cú pháp, phối hợp linh hoạt nhịp chẵn lẻ, phá luật bằng trắc, phân đoạn thơ và đánh số… Tất cả điều này không hẳn là mới. Theo tôi, xét trên phương diện tổ chức văn bản thơ, một điểm có thể coi là có màu sắc mới ở lục bát Nguyễn Phúc Lộc Thành là nỗ lực dụng chữ, làm mới chữ như một tinh thần xuyên suốt toàn tập.

Nhà thơ có hai chiêu thức dụng chữ: sáng tạo chữ mới và kết hợp chữ theo cách mới để làm mới chữ. Trong trường hợp sáng tạo chữ mới, nhà thơ đột xuất đặt vào câu thơ một số từ láy đôi rất ấn tượng, không bị trùng lặp với người khác. Chẳng hạn: nòn nõn (Ngực trời nòn nõn/ một bầu thiên thu), đèo đẽo (Ba lô đèo đẽo/ một đời sương sa), gào gầm (Mưa như kinh kệ gào gầm), rã ràng (Bào thai mẹ vỡ/ đêm tôi rã ràng), xăm xắp (Hoàng hôn/ xăm xắp/ lên đầy/ bóng quê)… tham gia vào việc tạo nên sắc thái nghĩa và biểu cảm tế vi cho mỗi câu thơ. Hay có khi nhà thơ tiến hành động từ hóa danh từ, tính từ, tạo ra những sắc thái nghĩa sống động: trinh (Để trinh/ một giấc/ thật thà/ có nhau), úa (Cỏ buồn/ úa vào mênh mông), len lén thắm (và len lén thắm/ giữa mùa không hoa), rịn rịn (Giọt quê rịn rịn trên môi), thanh bần (là ta cũng sẽ thanh bần nhau thôi)… Tất cả những chữ ấy lại đặt trong một quan hệ với những chữ khác, tự bản thân nó và những quan hệ mà nó có được cùng làm nên những câu thơ đẹp, mang cảm giác khác lạ, khinh khoái.

Còn trong chiêu thức thứ hai, nhà thơ tiến hành kết hợp từ với nhau: những từ đơn nếu đứng một mình thì không mới, nhưng đưa vào một tổ hợp từ, bỗng nhiên phát lên những tia sáng khác lạ, thậm chí gây bất ngờ. Về điểm này, có mấy cách mà nhà thơ thường tiến hành: 1) nhân hóa thiên nhiên, muôn vật, mang sự sống của người (ngực trời, ngực xuân, ngực đêm, môi trời, môi đêm, đò góa, lọn sương, núm đồi, trăng già, áo chiều, áo trời, liệm trăng, cỏ nằm, bầu trăng, nắng gầy, phản trời…; 2) thiên nhiên hóa con người (chồi biếc câm, giọt ngực, đài môi, triền da ngực, triền tóc; 3) trừu tượng hóa những từ chỉ bộ phận hay hoạt động cơ thể (vai ngục tù, da ngậm ngùi, cơn thơm…). Trong ba cách này, cách thứ nhất chiếm số lượng nhiều hơn cả, được coi là sở trường của nhà thơ. Kết quả của kiểu kết hợp này phần lớn là hệ từ trong trường nghĩa dục tính.

Các chữ được coi là mới trong Giấc mơ sông Thương chính là nỗ lực “lạ hóa” ngôn từ, lạ hóa bằng sáng tạo mới và kết hợp mới. Chúng không gây cản trở cách cảm cách hiểu cho người tiếp nhận. Bởi phần lớn chúng là những chữ biểu nghĩa, gợi nghĩa, tuy có những chữ có tính mơ hồ nhưng không tự trị, “phi vụ lợi”, từ chối biểu nghĩa (như một số trường hợp thơ của Trần Dần, Lê Đạt, Dương Tường - những người thuộc hệ hình thơ hiện đại). Tuy nhiên, cũng cần nói thêm rằng, các chữ có màu sắc khác lạ đó được Nguyễn Phúc Lộc Thành sử dụng phóng tay quá mức, thiếu sự tiết chế cần thiết, nên đã bị lặp lại ở không ít các bài. Thường thì những cái mới, lạ nếu đang thuộc số ít thì còn mới, lạ; một khi đã nhiều rồi thì cảm giác mới, lạ chắc chắn sẽ hư hao.

Khi nói thơ lục bát dụng chữ của Nguyễn Phúc Lộc Thành như trên kia, tôi nghĩ đến một vế khác: thơ anh ít dụng tứ. Xin nói ngay, có kiểu thơ có tứ, có kiểu thơ không tứ, và cả hai vẫn hay nếu nhà thơ thật sự có tài có tình. Nhưng về cơ bản, theo tôi, nếu thơ có tứ thì khả năng sẽ có bài hay, hay trên đơn vị toàn thể; còn nếu thơ không có tứ, khó hay ở đơn vị toàn thể mà hay ở bộ phận: câu/ đoạn. Trở lại với Nguyễn Phúc Lộc Thành, dường như mỗi bài thơ đến với anh thoạt tiên xuất hiện là một trạng thái đời sống, tâm tưởng được khởi lên qua một tín hiệu nào đấy. Từ đây cảm xúc được nung nóng, các câu thơ cứ thế mà cất tiếng, có khi đột xuất, bừng sáng, xuất sắc; cũng có khi vật vã, bế tắc, rơi vào trung bình. Thơ Nguyễn Phúc Lộc Thành hầu như bài thơ nào cũng có câu thơ hay, nhưng toàn bài hay chưa nhiều. Tôi vẫn ước những bài thơ hay như Chiều thứ 31 (Mẹ 2), Chân quê 2, Chân quê 7… chiếm số lượng nhiều thêm nữa.

Đến đây, câu hỏi đặt ra là: Nguyễn Phúc Lộc Thành đã có một lục bát riêng khác? Với ba đặc điểm trên, tôi nghĩ đã có một giọng lục bát mang sắc điệu Nguyễn Phúc Lộc Thành. Tuy nhiên, để trở thành dấu mốc thực sự cho tiến trình thơ lục bát Việt Nam đương đại, chắc hẳn cần nhiều điều kiện hơn nữa.

V.G