Thứ Năm, 05/09/2019 08:40

Lòng tin cho con người “mua chịu” cái chết

Chết chịu là một triết lý sống được tác giả nhắc đến trong tác phẩm cùng tên. Nếu cứ sống thì mãi như vậy, nhưng chết cũng không phải là giải thoát, làm gì có giải thoát hay cứu rỗi gì khi mà ta đã chết... (NAM TRÂN) 

 Chết chịu là một triết lý sống được tác giả nhắc đến trong tác phẩm cùng tên. Nếu cứ sống thì mãi như vậy, nhưng chết cũng không phải là giải thoát, làm gì có giải thoát hay cứu rỗi gì khi mà ta đã chết. Chỉ có chết mới tạo ra lòng tin (crédit), có lòng tin thì mới được phép "mua chịu", "mua trả góp".

Tác phẩm Chết chịu do dịch giả Dương Tường chuyển ngữ

Cuộc đời nhiều tranh cãi

Nói về nhà văn Louis-Ferninand Céline, tiến sĩ văn học Phùng Ngọc Kiên khẳng định ông là một cái tên gây nhiều tranh cãi cả trong tiểu sử và sáng tác.

Sinh năm 1894, tại Courbevoie, Louis-Ferdinand Céline, xuất thân từ một gia đình tiểu thương. Năm 11 tuổi, Céline chạy việc vặt sau đó làm nhân viên bán hàng cho một thợ kim hoàn. Mặc dù không được giáo dục bài bản nhưng ông đã mua sách bằng tiền mình tự kiếm được và tự học.

Năm 18 tuổi, trong lúc bốc đồng, ông đã đăng ký nhập ngũ. Hai năm sau, khi Chiến tranh Thế giới thứ 1 bùng nổ, khoảng thời gian này ông không hài lòng với cuộc sống quân ngũ và đã từng bị coi là đào ngũ. Trong các truyện ngắn của mình, ông kể lại trải nghiệm ấy với nhiều cay đắng và tất cả đọng lại trong ông chỉ là cảm giác bi quan nặng nề.

Trở về Pháp năm 1918, Céline bắt đầu theo học ngành Y. Ông lấy con gái Hiệu trưởng trường Y nơi ông học và có một người con. Trong những năm tiếp theo, ông còn đảm đương nhiều chức vụ, thường là với tư cách tự do. Năm 1926, ông điên cuồng phải lòng Elizabeth Craig, một nữ vũ công người Mỹ. Mối quan hệ giữa họ kéo dài bảy năm, nhưng Louis-Ferdinand Céline vẫn mê đắm người phụ nữ trẻ ấy suốt một thời gian dài sau khi họ chia tay.

Có thời kì ông đã viết thư cho một số tạp chí cộng tác, tố cáo người Do Thái. Ngay cả một số phát xít cũng nghĩ rằng những tuyên bố chống đối của Céline là cực đoan đến mức phản tác dụng. Bernhard Payr, tổng giám đốc tuyên truyền người Đức ở Pháp, cho rằng Céline "bắt đầu từ những quan niệm chủng tộc" nhưng "tiếng lóng man rợ, bẩn thỉu" và "lời nói tục tĩu" của anh ta đã làm hỏng "ý định tốt" của anh ta.

Năm 1932 ra mắt cuốn tiểu thuyết đầu tay của ông, Du hành đến tận cùng đêm tối. Tiếp đó, năm 1936, là Chết chịu. Kể từ lúc này, Céline bắt đầu viết đều tay: ông xuất bản Bagatelles pour un massacre (tạm dịch: Những tiểu tiết trong một vụ tàn sát), L’école des cadavres (tạm dịch: Trường học các xác chết) và Les beaux draps (tạm dịch: Những tấm ga đẹp). Các tác phẩm ông viết được chào đón nhờ chất lượng văn chương đỉnh cao, đặc biệt với việc thường xuyên sử dụng ngôn ngữ nói. Tuy nhiên, thái độ bài Do Thái cùng sự phân biệt chủng tộc mà ông nhắc đến trong các tác phẩm đả kích đã làm hoen ố danh tiếng của ông. Trong thời kỳ chiếm đóng, ông cho xuất bản nhiều bài báo khủng khiếp chống lại người Do Thái. Giai đoạn giải phóng, ông bị lưu đày sang Đức rồi Đan Mạch. Khi trở về Pháp, ông thoát án tù nhờ danh hiệu thương binh có được năm 1914.

Trong năm 1939, ông và nhà xuất bản Denoël bị kết tội vu khống sau khi lần lượt viết và cho xuất bản tác phẩm Trường học của các xác chết. Đây là tập thứ ba trong xê ri bốn tập bài Do Thái do Céline sáng tác. Ủng hộ các tư tưởng cực tả, các tác phẩm này là lời đả kích sâu cay chống lại thế giới nơi người Do Thái điều hành và khai thác.

Tiến sĩ Phùng Ngọc Kiên cho rằng cuộc đời Céline đối đầu với cuộc sống thực tại. Khi còn nhỏ ông đối đầu với cha mẹ, với xã hội, khi trưởng thành ông đối đầu với con người – thế giới mà ông tiếp xúc. Điều này đã thể hiện rõ rang qua các tác phẩm của Céline, trong đó tiêu biểu là Chết chịu.

Tác phẩm “trượt” khỏi những điều bình thường

Chết chịu (Mort à crédit) là những hồi tưởng của bác sĩ Ferdinand Bardamu về những năm tháng thơ ấu của mình trong một gia đình tư sản nhỏ vào khoảng những năm 1990. Thời thơ ấu của Ferdinand gắn liền với những lời trách móc cay đắng của cha mẹ, việc học của anh là một chuỗi những thất bại. Một cuộc đời tưởng chừng như đã vô vọng bỗng dưng sang trang mới nhờ cuộc gặp gỡ định mệnh với một nhà phát minh lập dị…

Chết chịu là một triết lý sống được tác giả nhắc đến trong tác phẩm. Sống thì là đi xuống mãi, nhưng chết cũng không phải là giải thoát, làm gì có giải thoát hay cứu rỗi gì khi mà ta đã chết. Chỉ có chết mới tạo ra lòng tin (crédit), có lòng tin thì mới được phép "mua chịu", "mua trả góp". Tài sản duy nhất mà con người sở hữu chính là cái chết.

Tác phẩm là một câu chuyện không đầu không cuối, một tiếng kêu hận thù và tuyệt vọng, một Paris đầu thế kỷ XX đầy biến động trước những tiến bộ khoa học, nơi mỗi người dân phải đấu tranh để kiếm sống, để tồn tại.

Bản thân tên Chết chịu là một tựa đề gây hấn. Dịch giả Dương Tường giải thích: Người ta thường nói mua chịu, bán chịu, chứ ai nói là chết chịu. Nhưng ở đây đến cái chết còn không đủ. Chết là hết, không còn lại gì.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên khẳng định đây là một cuốn sách khó đọc. Ông không dùng thứ văn chương đẹp đẽ, chau chuốt, mà dùng ngôn ngữ đường phố, thứ ngôn ngữ tạo ra không khí thời đại. Tác giả có những câu văn dài hàng trang nhưng khi đọc bản dịch của Dương Tường đều là những câu văn cộc, kết thúc bằng dấu ba chấm. Điều này làm người đọc cảm thấy bứt rứt, khó chịu.

Văn chương của Céline trượt khỏi thứ văn chương thông thường. Ngay cả những tác phẩm đầu tiên của ông hụt giải Goncourt, văn chương của ông đã tạo ra sự chia rẽ trong giới nhà văn đương thời. Và trong Chết chịu cũng cho thấy sự chia rẽ trong cách đọc tác phẩm của ông. Trong bản thân mỗi cộng đồng đọc hình dung sự phân liệt mạnh mẽ.

Tờ Pierre Langers của Pháp từng đăng: "Những trang viết táo bạo nhất trong Chết chịu là của một nghệ sĩ, một nghệ sĩ chân thành. Dĩ nhiên, dự kiến những phản ứng dữ dội từ phía công chúng (hoặc từ một phần công chúng): mỗi lần động chạm tới lĩnh vực tình cảm và các vấn đề tình dục là một lần ta nhận thấy xảy đến những phản ứng khủng khiếp. Như trường hợp 'Quán rượu', trường hợp của Baudelaire, hay đừng quên cả trường hợp của Proust chẳng hạn. Nhưng biết làm gì đây? Hậu thế sẽ đánh giá mọi điều và mọi giá trị. Tôi thì tôi có niềm tin vào Louis-Ferdinand Céline…”

Tiến sĩ Phùng Ngọc Kiên cho rằng Chết chịu không dễ để chia sẻ rộng rãi, đọc trước công chúng, mà là sự cảm nhận mỗi cá nhân. Trong ấy có nhiều chủ đề của văn chương Pháp được nói một cách “trắng phớ” như câu chuyện về đồng tính. Vào thời điểm những năm 1930, rất khó có thể nói đó là một chi tiết giáo dục, tố cáo… văn chương của Céline đơn giản chỉ là cuộc sống của con người ở đây.

Sau giải ngũ, Céline được đi học đào tạo y dược và làm luận án về lịch sử y học. Chi tiết này được ông viết năm 1924 và sau khoảng 20, 30 năm sau ông vẫn nhắc đi nhắc lại trong các bài viết. Céline đã chọn nhân vật chính là người bác sĩ để thể hiện thái độ của một nhà văn đứng trước đám đông, điều mà ông cho là sự thật. “Trong lịch sử của mọi thời đại, cuộc sống chỉ là một cơn say. Sự thật đó là cái chết”. Câu này được lặp đi lặp lại trong các tác phẩm. Ông mang tâm trạng hư vô chủ nghĩa, nhìn nhận sự thật cuối cùng của cuộc đời này là cái chết. Đó là điều không thể tránh khỏi.

Chết chịu là cuốn sách thứ hai của Céline được phát hành tại Việt Nam, trước đó là Du hành đến tận cùng đêm tối. Tác phẩm được báo chí Pháp bình luận là trang sử thi kinh khiếp”. “Đây là một cuốn sách khủng khiếp. Ở đó không có chỗ dành cho nhà phê bình”, “Chết chịu’’ là cuốn sách quan trọng nhất thế kỷ này. Bởi lẽ nó chứa đựng toàn bộ nỗi trầm uất của con người”.

NAM TRÂN