Tại Paris - thủ đô văn chương, hiệu sách huyền thoại Shakespeare and Company vẫn là biểu tượng của giấc mơ viết lách. Tuyển tập phỏng vấn các tác giả từng xuất hiện tại đây mang đến cái nhìn sâu sắc và sống động về nghề viết, như một cuộc trò chuyện kéo dài mãi giữa văn chương, ý tưởng và sáng tạo.
Shakespeare and Company: Hơn cả một hiệu sách

Zadie Smith đọc cho đám đông tại Nhà sách Shakespeare and Company, Paris.
Từ lâu, Shakespeare and Company đã không đơn thuần là một hiệu sách. Đó là một biểu tượng, một “địa đạo văn chương” chảy xuyên thời gian và ngôn ngữ. Cửa hàng gốc được Sylvia Beach thành lập năm 1919, từng xuất bản tác phẩm kinh điển Ulysses của James Joyce. Phiên bản ngày nay, do George Whitman lập lại sau Thế chiến thứ hai, tiếp tục là điểm đến của những tên tuổi lớn như Allen Ginsberg, Henry Miller hay Anaïs Nin và ngày nay, là những nhà văn hàng đầu thế giới hiện đại.
Dưới sự điều hành của con gái George - Sylvia Whitman, Shakespeare and Company không chỉ là nơi bán sách, mà là một sân khấu văn học, nơi tổ chức các buổi tọa đàm, đọc sách và phỏng vấn trực tiếp với các tác giả danh tiếng. Những cuộc trò chuyện này, kéo dài hơn một thập kỷ, đã được tập hợp lại trong tuyển tập Shakespeare and Company: Interviews, do tiểu thuyết gia Adam Biles, hiện là giám đốc văn học của hiệu sách biên soạn.
Nghề viết qua lăng kính những người trong cuộc
Cuốn sách là tập hợp 20 cuộc phỏng vấn với các nhà văn nổi bật, phần lớn đến từ Anh và Mĩ bên cạnh một vài giọng nói quốc tế như Meena Kandasamy, Annie Ernaux. Những cái tên như George Saunders, Rachel Cusk, Percival Everett, Leïla Slimani hay Zadie Smith xuất hiện không chỉ như những cây bút tài năng mà còn như những nhân cách sâu sắc, mang theo những suy tư độc đáo về nghệ thuật viết lách.

Hiệu sách Shakespeare and Company.
Điểm mạnh lớn nhất của cuốn sách là không khí thân mật, tự nhiên. Được ghi âm từ các sự kiện trực tiếp và chỉnh sửa nhẹ nhàng, các cuộc trò chuyện mang lại cảm giác gần gũi như thể người đọc đang lắng nghe bạn bè trao đổi ở một quán cà phê nhỏ cạnh sông Seine. Bối cảnh này khuyến khích các nhà văn mở lòng, chia sẻ thẳng thắn, và đôi khi rất hiếm hoi là bộc lộ sự băn khoăn, thất vọng, hoặc niềm vui thuần túy với nghề viết.
Sự phong phú trong nội dung đến từ chính sự khác biệt của từng cây bút. Nhà văn Jamaica Marlon James không ngần ngại thừa nhận mình "khóc lóc sau một ngày viết dài." George Saunders, tác giả của Lincoln in the Bardo, chia sẻ về hành trình vừa là nhà văn vừa là “Phật tử đầy hoài nghi”. Leïla Slimani thì khám phá những góc tối trong tâm lí trẻ em - chủ đề thường xuất hiện trong các tiểu thuyết của cô.
Một trong những cuộc trò chuyện sâu sắc nhất là với Claire-Louise Bennett (Checkout 19), nơi cô vừa thẳng thắn, vừa hóm hỉnh, vừa đầy tính tự sự. Trái lại, Colson Whitehead lại thể hiện sự mượt mà quen thuộc như thể đang trên sân khấu quảng bá, kể lại nguồn gốc The Underground Railroad với sự trôi chảy đến mức có phần “lập trình”.
Dù cuốn sách đầy ắp những câu chuyện thú vị, người đọc dễ dàng nhận thấy một điều: phần lớn các tác giả đều nói bằng ngôn ngữ nhã nhặn, lịch sự, đôi khi quá đỗi cẩn trọng. Những phát ngôn kiểu như: “Tôi chỉ muốn cuốn sách trong đầu mình hiện lên trang giấy”, hay “Tôi luôn xuất hiện để làm việc”... xuất hiện nhiều đến mức dường như đã trở thành khuôn mẫu của nền văn hóa viết lách hiện đại.
Một trường hợp đặc biệt là Percival Everett, người gần như từ chối tham gia vào trò chơi “phỏng vấn kiểu mẫu”. Với thái độ dửng dưng, ông trả lời những câu hỏi sâu về tác phẩm với một cái nhún vai: “Tôi chỉ hi vọng người lái xe bên cạnh tôi sẽ đi đúng làn.” Câu trả lời đó, sắc lạnh và hài hước lại hé lộ một sự trung thực hiếm có, khi mà các nhà văn thường phải đóng vai những người “trình bày ý tưởng” hơn là “người sáng tạo ý tưởng”.

Nhà văn đoạt giải Nobel - Annie Ernaux là một trong số ít nhà văn trò chuyện thẳng thắn nhất.
Trong số ít các cuộc phỏng vấn mang tính chính trị sâu sắc, cuộc trò chuyện với nhà văn đoạt giải Nobel - Annie Ernaux nổi bật hơn cả. Không màu mè, không vòng vo, bà bàn về giai cấp, giới tính và quyền lực với sự thẳng thắn hiếm thấy trong bối cảnh văn học đương đại. Cuộc phỏng vấn này như một lát cắt mạnh mẽ trong bản tổng phổ nhẹ nhàng của các cuộc trò chuyện còn lại.
Một điều thú vị và cũng phần nào đáng tiếc là hình ảnh Paris như một “thánh địa” văn chương dường như đã bị thương mại hóa phần nào. Shakespeare and Company hôm nay không còn là nơi lui tới của những người lưu vong văn hóa, mà là điểm dừng chân của các tác giả lưu diễn châu Âu, được livestream, gắn nhãn thương hiệu, kèm túi tote mang logo hiệu sách.
Điều này không xấu, nhưng cũng cho thấy một thực tế: văn hóa văn học đã trở nên trơn tru, hợp lí và… thiếu mâu thuẫn. Không còn kiểu trò chuyện gai góc, đầy xung đột như những cuộc phỏng vấn của Paris Review với Robert Lowell, Marianne Moore, hay William Gaddis vào thập niên 60 -70.
Văn chương lịch thiệp hay sự đánh mất cái “gai góc” cần thiết?
Có thể nói, cuốn sách là một “viên nang thời gian” ghi lại bức tranh văn học đầu thế kỉ 21: các nhà văn thông minh, tinh tế, có nhận thức chính trị và rất… dễ mến. Nhưng chính điều đó lại đặt ra một câu hỏi: Liệu sự lịch thiệp có đang khiến văn học đánh mất khả năng chất vấn và phá vỡ khuôn mẫu?
Không phải ai cũng cần phải thô ráp hay gây sốc. Nhưng sẽ ra sao nếu tất cả đều chọn cách an toàn? Nếu tất cả các ý tưởng đều đã được “gọt giũa” đến mức không còn gây bối rối, không còn khiến ta phải suy nghĩ lại?
Shakespeare and Company: Interviews là một bản phối hài hòa, quyến rũ một món quà dành cho bất kì ai yêu sách và yêu những người viết sách. Nó ghi lại những nhịp đập tinh tế trong đời sống sáng tạo, những phút giây chân thực giữa những người hiểu rằng viết lách không chỉ là công việc, mà là một lối sống. Tuy nhiên, nếu bạn tìm kiếm sự đối đầu, nổi loạn hay phá cách, thứ từng làm nên huyền thoại của văn chương, bạn sẽ không thấy nhiều ở đây. Cuốn sách không nhằm làm thay đổi thế giới, mà đơn giản là đưa bạn đến gần hơn với những người đã dành cả đời để cố gắng hiểu nó… bằng ngôn từ.
MINH KIÊN dịch theo telegraph.co.uk