Chủ Nhật, 18/10/2020 06:57

Lịch sử đất nước qua tranh cổ động

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mĩ, tranh cổ động là một loại hình nghệ thuật nổi bật với nhiều đóng góp vào thành tựu chung của mĩ thuật Việt Nam hiện đại.

 Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mĩ, tranh cổ động là một loại hình nghệ thuật nổi bật với nhiều đóng góp vào thành tựu chung của mĩ thuật Việt Nam hiện đại. Nhiều hoạ sĩ tài danh của Việt Nam đã từng gắn tên tuổi mình với dòng tranh này như: Tô Ngọc Vân, Nguyễn Đỗ Cung, Trần Nguyên Cẩn, Nguyễn Sáng… Mỗi bức tranh cổ động, ngoài ý nghĩa tuyên truyền, vận động, còn là những tác phẩm nghệ thuật có giá trị.

Sáng 16/10 tại Hà Nội, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã tổ chức toạ đàm và trưng bày chuyên đề: Nghệ thuật tuyên truyền và đời sống đất nước trong tranh cổ động. Đây cũng là sự kiện để Bảo tàng Báo chí Việt Nam tiếp nhận Bộ sưu tập 1010 bức tranh cổ động do nhà báo Nguyễn Đăng Tiến dày công sưu tầm và hiến tặng.

Không gian buổi toạ đàm và trưng bày: Nghệ thuật tuyên truyền và đời sống đất nước trong tranh cổ động

Để đạt mục đích tuyên truyền, tranh cổ động có đặc điểm tập trung, khái quát hình tượng nghệ thuật cụ thể, vì vậy hình thức tranh thường đơn giản, hòa sắc mạnh, tươi khỏe, độ đậm nhạt tương phản. Bên cạnh đó, thông tin đem lại cho người xem thông qua hai phần hình ảnh và phần chữ viết rõ ràng, ngắn gọn, gây ấn tượng nhanh, mạnh, dễ hiểu, dễ nhớ. Với mục đích đó, tranh cổ động đã xuất hiện ở Việt Nam từ những năm 40 của thế kỉ 20, có lịch sử phát triển gắn liền với lịch sử cách mạng Việt Nam và đã được các thế hệ họa sĩ Việt Nam liên tục sáng tạo trong ngôn ngữ đồ họa, cô đọng, súc tích có tính biểu tượng, gần gũi và dễ hiểu.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mĩ thuật Việt Nam đã nhận định rằng: “Tranh cổ động vẫn luôn đồng hành với những sự kiện lớn của đất nước, góp một tiếng nói quan trọng để cùng với các lĩnh vực nghệ thuật khác chuyển tải tới người dân những thông điệp bằng một ngôn ngữ riêng, đặc biệt”.

Tranh cổ động hiện diện trên mọi nẻo đường kháng chiến, kiến quốc, trong mọi thời khắc lịch sử của dân tộc. Những bức tranh cổ động chính là bằng chứng sống động về một giai đoạn lịch sử đặc biệt của dân tộc, đất nước, con người bằng hình ảnh, bằng ngôn ngữ nghệ thuật tạo hình.

Thời kì kháng chiến chống Pháp 1945-1954, tranh cổ động dù chỉ được sáng tác bằng tay, với công cụ kĩ thuật thô sơ, tranh được in trên đá, trên bản khắc gỗ, sử dụng giấy được làm từ tre, nứa tự sản xuất. Nhưng với ngôn ngữ tạo hình khỏe khoắn, lối biểu đạt rõ ràng mang đậm tính hình tượng và sự thừa hưởng của màu sắc truyền thống trong tranh dân gian, các họa sĩ đã đưa nghệ thuật tranh cổ động lên tầm cao mới, sáng tạo nên những giá trị thẩm mĩ cao.

Thời kì kháng chiến chống Mĩ 1955-1975, tranh cổ động Việt Nam đã đạt đến đỉnh cao với nhiều tên tuổi và tác phẩm của họ đã đạt tới những giá trị đích thực trên cả hai bình diện là giá trị nghệ thuật và hiệu quả tuyên truyền.

Nhà báo Nguyễn Đăng Tiến tặng bộ sưu tập tranh cổ động cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam.

Phát biểu tại toạ đàm, nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nói: Những thông điệp mà tranh cổ động mang đến luôn có tính thời sự trong thời đại của chúng ta hôm nay và chắc chắn đây sẽ tiếp tục là dòng tranh có khả năng khơi dậy mạnh mẽ khả năng sáng tạo của các họa sĩ trong quá trình tiếp cận công chúng và thâm nhập đời sống xã hội. Chính việc tổ chức tọa đàm và trưng bày này sẽ giúp chúng ta và công chúng tin tưởng hơn ở sức mạnh của nghệ thuật tuyên truyền ở tranh cổ động và ở trên báo chí cũng như nhiều phương tiện truyền thông khác.

Trải qua các giai đoạn lịch sử, tranh cổ động đã được nhiều thế hệ họa sĩ và đông đảo quần chúng nhân dân sử dụng, sáng tạo như một loại tranh có tính đặc thù, mang phong cách riêng. Chính sự bắt mắt, không cầu kì, không tốn kém nhưng hiệu quả và thông điệp mà dòng tranh cổ động đưa tới người xem thì không có dòng tranh nào có thể làm được và do vậy mà tranh cổ động vẫn được ưa chuộng, được sử dụng để kêu gọi, khuyến khích tinh thần lao động và yêu nước của người dân, cùng nhau phấn đấu vì một xã hội phát triển.

Nói về việc tặng 1010 bức tranh cổ động cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam, nhà báo Nguyễn Đăng Tiến, nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam bày tỏ: Qua hơn 20 năm sưu tầm tranh cổ động tôi muốn những tác phẩm ấy đến được với đông đảo công chúng để mọi người có thể đọc được lịch sử đất nước mình một cách đầy cảm xúc. Tranh cổ động có thể thể hiện được hai ngôn ngữ, đó là ngôn ngữ báo chí và ngôn ngữ hội hoạ, tôi mong muốn hai ngôn ngữ nãy sẽ tiếp tục phục vụ cho sự phát triển của đất nước trên mọi lĩnh vực.

Hoạ sĩ Thành Chương phát biểu tại buổi toạ đàm

Có thể nói, tranh cổ động Việt Nam đã vượt qua nhiệm vụ tuyên truyền cổ động trực quan để trở thành một thể loại nghệ thuật đặc sắc, độc đáo của nền mĩ thuật cách mạng Việt Nam, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hoạ sĩ Thành Chương, bên cạnh sự nghiệp hội hoạ rất thành công của mình thì ông cũng gắn bó với dòng tranh cổ động một cách sâu sắc. Tại buổi toạ đàm, ông chia sẻ: “Tranh cổ động là loại hình nghệ thuật mang lại hiệu quả hàng đầu trong việc tuyên truyền. Tôi tham gia vẽ tranh cổ động trong một quá trình dài, từ khi còn niên thiếu, những bức tranh đã thôi thúc tác động đến chính cảm xúc, lí tưởng của tôi. Sau khi đi bộ đội về làm báo tôi tiếp tục làm việc với tranh cổ động. Có thể coi đây là mảng lớn thậm chí có thể tách ra như một loại hình nghệ thuật riêng vì ý nghĩa và giá trị của nó”.

Trong khuôn khổ sự kiện, Ban Tổ chức cũng trưng bày hơn 200 bức tranh cổ động được lựa chọn từ 1010 tranh cổ động do nhà báo Nguyễn Đăng Tiến tặng Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Trưng bày diễn ra tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam, phố Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.

MỘT SỐ TRANH CỔ ĐỘNG TIÊU BIỂU TẠI BUỔI TRƯNG BÀY:

NGUYỄN SƠN