Chủ Nhật, 25/07/2021 07:26

Lê Quang “mở kho” nước Đức

"Du lịch qua trang sách trong thời Covid và nhận ra một nước Đức khác" là chia sẻ của một trong những bạn đọc đầu tiên của Nước Đức từ A đến Z.

Lê Quang vốn được bạn đọc Việt Nam biết đến với vai trò dịch giả tiếng Anh và tiếng Đức, nhưng lần này ông xuất hiện với vai trò tác giả. Nước Đức từ A đến Z được viết vẻn vẹn trong 4 tuần nhưng thực sự là một cuộc “mở kho” nước Đức của ông với những góc nhìn thú vị và không kém phần hóm hỉnh. Trong tình hình dịch bệnh, thay vì tổ chức các sự kiện sách, Nhà xuất bản Phụ nữ đã tổ chức buổi livestream giao lưu giữa tác giả với độc giả. Buổi giao lưu có chủ đề “Tinh thần Đức”.

Với gần 30 năm sống và làm việc, dấn thân ở Đức, bên cạnh công việc chính là một kiến trúc sư, Lê Quang còn làm thông dịch viên và dịch sách. Ông đã được tiếp xúc với đủ mọi tầng lớp trong xã hội từ những người vô gia cư, người phạm pháp, đến giới thượng lưu, các chính trị gia... Ông cũng đã sống trải cả hai thời kì từ khi nước Đức bị chia cắt tới nước Đức thống nhất, từng tận mắt chứng kiến khoảnh khắc bức tường Berlin sụp đổ trong hòa bình, không mất một viên đạn, một giọt máu để dẫn đến một nước Đức thống nhất, đủ để thấy những trải nghiệm của ông về nước Đức không hề hời hợt.

Tác giả Lê Quang. Ảnh: NVCC

Vốn liếng về nước Đức tích lũy trong thời gian khá dài sống và làm việc tại quốc gia này đã khiến Lê Quang có một cái nhìn sinh động, khách quan và tươi mới, bởi thế, Nước Đức từ A đến Z có thể sẽ cho bạn đọc gặp gỡ với một nước Đức khác so với mường tượng. Cuốn sách này sẽ không dẫn bạn tiếp cận với nước Đức theo lối chính thống mà là những trải nghiệm cá nhân, “tôi đã sống như thế nào, tôi đóng thuế ra sao, tôi ra tòa thế nào… đó là góc nhìn của riêng tôi”, như bộc bạch của tác giả.

Nước Đức từ A đến Z nghe như một cuốn cẩm nang, nhưng thực ra lại là những nhìn nhận thú vị nhưng nghiêm túc theo lựa chọn chủ định dùng các chữ cái để “dẫn đường” của Lê Quang. Giải thích về điều này Lê Quang cho biết, thứ nhất, nó rất liên quan đến công việc của tác giả, là một dịch giả nên việc sử dụng từ điển thường xuyên để tra cứu rất quen thuộc với Lê Quang; thứ hai, bạn đọc có thể khám phá nó theo trình tự tuyến tính, cũng có thể mở ngẫu nhiên theo một chữ cái nào đó để đọc thử một phần theo từ khóa đứng đầu, như cách mở một cuốn từ điển để từng bước khám phá nước Đức qua những câu chuyện độc lập. Triển khai nội dung cuốn sách theo các chữ cái từ A đến Z, mỗi chữ cái mở ra là những câu chuyện về những chủ đề khác nhau, những trải nghiệm cá nhân của tác giả về nước Đức dưới dạng tản văn hóm hỉnh mà sâu sắc. 

Lê Quang cũng là người có quốc tịch Đức, vì thế trong ông đã có sự thẩm thấu của hai nền văn hóa Đức - Việt. Về cơ duyên viết cuốn sách, Lê Quang chia sẻ, thời gian mới về nước ông có làm tư vấn du học và dạy tiếng Đức cho học sinh, sinh viên, các bạn hỏi rất nhiều về nước Đức, thậm chí có bạn nhìn bản đồ còn chẳng biết nước Đức nằm ở đâu. “Trả lời mãi cũng mệt, tôi nghĩ, một ngày nào đó tôi sẽ viết lại thành một cuốn sách. Tôi đã bắt đầu, nhưng viết được vài câu tôi lại chán”. Gần đây, nhờ dịch Covid nên ông mới có thời gian hoàn thành bản thảo. Ông nói rằng, ông muốn kể cho các bạn trẻ người Việt nghe những câu chuyện về nước Đức, một đất nước phát triển hàng đầu nhưng lại có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam. “Dàn bài đã có trong đầu rồi, tôi chỉ viết trong 4 tuần theo chủ đề 29 chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Đức”. Điều Lê Quang lo nhất là “nếu tôi viết sai thì sẽ làm cho nhiều người tin theo cái sai đó”. Vì thế ông khá cẩn trọng khi viết. “Người Đức có một đức tính rất hay là sự thống kê, những số liệu tưởng như khó tin nhưng hoàn toàn có thể tìm thấy ở nước Đức, nên khi viết tôi đã tra cứu rất nhiều”. Bởi thế, những câu chuyện ông kể không phải là những câu chuyện phiếm kiểu du kí mà là những đúc kết có chiều sâu, có số liệu chứng minh, so sánh thuyết phục. Không trọng và nặng về số liệu nhưng Lê Quang khẳng định, những gì ông viện dẫn trong cuốn sách là chính xác và tin cậy, thậm chí “bạn nào muốn có thể sử dụng viết luận văn cũng được”.

Tác giả Lê Quang và PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa trong buổi livestream. Ảnh: PV

Đồng hành với Lê Quang trong livestream giao lưu cùng độc giả là PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa - Giám đốc công ty Nhịp cầu Đức CTC, chuyên về kết nối giáo dục, văn hóa, du học Đức cho người Việt trẻ. Về chủ đề buổi talk show “Tinh thần Đức”, PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa đã nêu vấn đề “thế nào là tinh thần Đức?”. Lê Quang lấy ví dụ, như là trong dịch Covid-19, khi dịch vừa xảy ra gây ảnh hưởng đến đời sống, phải cứu trợ cho các thành phần bị ảnh hưởng trong xã hội thì người Đức nghĩ ngay đến các nghệ sĩ đầu tiên, họ đã hỗ trợ cho các nghệ sĩ và giải cứu cho văn hóa bằng cách hỗ trợ tiền thuê các rạp chiếu phim, tìm cách giữ lại các nhà hát… để bảo tồn, duy trì đời sống văn học nghệ thuật về lâu dài. Mỗi cá nhân cũng vậy, họ làm việc bên cạnh vì cá nhân còn vì sự phát triển, vì sự nghiệp chung, vì danh tiếng của nước Đức. Đó là một “vài hạt cát con con” trong cái gọi là “tinh thần Đức”, theo cách nói của Lê Quang.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên coi Nước Đức từ A đến Z là một cuốn cẩm nang văn hóa. Nhận xét về cuốn sách ông nói: “Và như vậy, dịch giả, thông dịch viên Lê Quang ở cuốn sách này đã trở thành một “ông Đức” giới thiệu, dẫn dắt cho bạn đọc Việt Nam len lỏi vào một đất nước có những con người đáng yêu…”. Còn nhà văn Lê Minh Hà, một tác giả người Việt hiện đang sống tại Đức khi đọc Nước Đức từ A đến Z nhận xét, lối tư duy của Lê Quang trong cuốn sách đã “đạt tới ngưỡng thổ dân trí thức”. “Lê Quang đã cấp cho ta những chìa khóa để mở nhiều cánh cửa của một thành trì, một lâu đài, hay đúng hơn là một pháo đài - nước Đức”, chị cảm nhận.

Sách được giới thiệu đến bạn đọc bởi Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam. Ảnh: PNVN

"Du lịch qua trang sách trong thời Covid và nhận ra một nước Đức khác" là chia sẻ của một trong những bạn đọc đầu tiên của Nước Đức từ A đến Z. Dịch giả Lê Quang thì mong muốn, từ cuốn sách của ông về nước Đức, sẽ có thêm những cuốn sách về các nước khác, với những câu chuyện tương tự để hình thành bộ cẩm nang cho độc giả muốn tìm hiểu.

Từ trước đến nay, độc giả Việt Nam biết đến Lê Quang trong vai trò là một dịch giả nổi tiếng với hơn 40 tác phẩm văn học dịch. Điều ông quan tâm là truyền tải những tác phẩm văn học đương đại, tinh thần của một nước Đức thời hiện đại đến độc giả Việt Nam. Những tác phẩm mà Lê Quang đã dịch có thể kể đến như: Người đọc (Der Vorleser - Bernhard Schlink, Nxb Phụ nữ Việt Nam); Tình ơi là tình (Die Liebhaberinnen – Elfriede Jelinek, Nhã Nam); Đo thế giới (Die Vermessung der Welt - Daniel Kehlmann, Nhã Nam); Vị khách chủ nhật (Söndagsmannen - Thomas Kanger, Nhã Nam); Mùa thu Đức 1989 (Herbst ’89 - Egon Krenz, Alphabooks); Karlsson trên mái nhà (Karlsson vom Dach - Astrid Lindgren, Nhã Nam)…

THÀNH SA