Thứ Sáu, 22/05/2020 10:06

Làm giàu kho tư liệu hình ảnh động

Lưu trữ, khai thác tư liệu điện ảnh không chỉ giữ gìn, phát huy những giá trị lịch sử của ngày hôm qua mà còn khẳng định bản sắc văn hóa riêng của mỗi cộng đồng, dân tộc...

Lưu trữ, khai thác tư liệu điện ảnh không chỉ giữ gìn, phát huy những giá trị lịch sử của ngày hôm qua mà còn khẳng định bản sắc văn hóa riêng của mỗi cộng đồng, dân tộc. Trong kỷ nguyên số, quản lý, lưu trữ và khai thác tư liệu điện ảnh đòi hỏi sự linh hoạt, bắt kịp nhịp sống hiện đại.

Khó tránh hư hỏng phim

Việc lưu trữ tư liệu điện ảnh tại Việt Nam hiện nay được thực hiện tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, III, IV thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Điện ảnh Quân đội nhân dân và rải rác tại các hãng phim... Viện Phim Việt Nam là đơn vị lưu trữ tư liệu điện ảnh lớn nhất. Theo Trưởng phòng Nghiên cứu và quay tư liệu, Viện Phim Việt Nam Tạ Hoàng Anh, qua gần 40 năm hoạt động, Viện sưu tầm, lưu giữ bộ sưu tập quốc gia với hơn 80.000 cuốn phim nhựa 16mm và 35mm, gần 20.000 tên phim, hàng chục nghìn phim video, kỹ thuật số… trong đó có rất nhiều tác phẩm giá trị của điện ảnh cách mạng Việt Nam và nước ngoài.

Tuy nhiên, phần lớn tư liệu điện ảnh được thực hiện thời chiến, hoặc sưu tầm trong thời điểm kinh tế khó khăn nên trường hợp bị thiếu bộ bản, hư hỏng trong quá trình lưu trữ là khó tránh khỏi. Hiện nay, việc gìn giữ tư liệu điện ảnh trong điều kiện nhiệt độ, độ ẩm đạt chuẩn ở các cơ quan lưu trữ t ương đối tốt, nhưng ở các hãng phim còn nhiều bất cập, bởi vậy, phim rơi vào tình trạng hư hỏng chiếm tỷ lệ khá lớn. Nhìn chung, các kho lưu trữ của Việt Nam chỉ bảo đảm bảo quản trung hạn (phim nhựa lưu trữ được 10 năm đến 500 năm), còn để bảo quản dài hạn thì chưa nơi nào đáp ứng được. Hơn nữa, tuổi thọ phim trong thực tế luôn thấp hơn dự tính vì ảnh hưởng của độ ẩm và tần suất sử dụng, khai thác phim.

Để bảo quản phim, nhiều đơn vị đã tiến hành số hóa phim nhựa. Ngoài Viện Phim Việt Nam, Điện ảnh Quân đội nhân dân cũng là đơn vị lưu trữ số phim tương đối lớn và tích cực đầu tư tiến hành số hóa tư liệu điện ảnh, nhằm lưu trữ tốt và khai thác, phổ biến một cách linh hoạt, hiệu quả. Tuy nhiên, tốc độ số hóa còn chậm trong khi lượng phim trong các kho lưu trữ rất lớn.


Hướng tới khai thác và phổ biến tư liệu hình ảnh động trên internet
Nguồn: ITN

Hoàn thiện sưu tập điện ảnh Việt Nam

Bên cạnh bảo quản phim, các đơn vị lưu trữ hàng năm tiếp tục bổ sung phim mới. Luật Điện ảnh hiện hành đã có quy định về trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, nhập khẩu phim, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi triển khai công tác thu nhận phim lưu chiểu, lưu trữ.

Nhưng công việc này vẫn tồn tại một số khó khăn. Theo thống kê từ Viện Phim Việt Nam, với phim sử dụng ngân sách nhà nước thường xuyên, Hãng Phim hoạt hình Việt Nam và Hãng Phim tài liệu và khoa học Trung ương thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ nộp lưu trữ theo quy định của Luật Điện ảnh. Còn có một số phim truyện ở các hãng phim trong diện nộp lưu trữ, nhưng đã quá hạn nhiều năm vẫn chưa thể đưa phim về. Với phim lưu chiểu, phim của hãng có sử dụng ngân sách nhà nước nộp tương đối đầy đủ, còn với hãng phim tư nhân, đa phần không nhận được. Chỉ tính riêng phim truyện, trong tổng số phim truyện tư nhân sản xuất từ 2006 - 2017 khoảng 190 phim (phim nhựa, kỹ thuật số), nhưng Viện Phim Việt Nam mới nhận được 3 phim. Để bổ sung phim vào hệ thống lưu trữ quốc gia, Viện Phim Việt Nam đã liên hệ với hãng phim tư nhân và mua 39 phim truyện Việt Nam. Tổng số phim đưa vào hệ thống lưu trữ là 42/190 tên phim, tức là chưa được 1/4 số phim Việt Nam sản xuất trong thời gian này…

Do đó, khi sửa đổi Luật Điện ảnh tới đây, cơ quan quản lý cần nghiên cứu các chính sách, giải pháp thực hiện công tác lưu chiểu, lưu trữ nhằm thích ứng tốt với sự phát triển của ngành, đáp ứng yêu cầu của công tác lưu chiểu, lưu trữ hiện tại và thời gian tới, làm giàu cho phông lưu trữ phim quốc gia, góp phần gìn giữ, bảo quản lâu dài các tác phẩm điện ảnh có giá trị.

Đưa phim đến công chúng

Phim được lưu trữ không chỉ nằm im trong kho, mà phải có sự tương tác với công chúng, phát huy được giá trị trong đời sống hiện đại. Đây là điều các đơn vị lưu trữ quan tâm. Thực tế, khi muốn tìm hiểu về một giai đoạn lịch sử, điện ảnh là một trong những phương tiện quan trọng. Thông qua thước phim được lưu giữ, thế hệ sau biết được về xã hội, con người Việt Nam trong quá khứ, hiểu hơn về sự phát triển của đất nước trong hiện tại.

Trên thế giới, các cơ quan lưu trữ hình ảnh động đã thực hiện việc khai thác tư liệu điện ảnh với mục đích thương mại khá hệ thống và tiện dụng. Ví dụ như Viện Lưu trữ phim Quốc gia Pháp (INA) cho phép người có nhu cầu sử dụng ở khắp nơi trên thế giới chỉ cần nhấp chuột là được xem hình ảnh tư liệu cần tìm, cũng như đăng ký mua trực tiếp với các cơ quan lưu trữ. Sự tiếp cận nhanh, hiệu quả, tiện lợi đã giúp các cơ quan lưu trữ trên thế giới bán được tư liệu với số lượng lớn, lấy kinh phí tái đầu tư lưu trữ hình ảnh động cũng như bổ sung mua mới làm phong phú kho phim. Hay các đơn vị lưu trữ tại Anh có nhiều chương trình giới thiệu di sản phim tới công chúng…

Tuy nhiên, mảng hoạt động này chưa được thực hiện tại Việt Nam bởi nhiều lý do. Theo ThS. Lê Tuấn Anh, Viện Phim Việt Nam, trước sự phát triển mạnh mẽ của internet, việc kết nối giữa hệ thống sản xuất phim mới, phim lưu trữ và người sử dụng sẽ hoàn toàn thông qua các kênh phân phối trực tuyến, định dạng các bản phim phải linh hoạt, có thể thay đổi phù hợp với khán giả... Để làm được điều đó, cần có một hệ thống được đầu tư chuyên nghiệp để lưu trữ số tư liệu hình ảnh động, quản lý an toàn an ninh mạng, cũng như các chính sách cụ thể của Nhà nước tạo sự năng động cho các cơ quan lưu trữ khi khai thác tư liệu với mục tiêu thương mại. Hướng tới cách khai thác và phổ biến tư liệu với mục đích thương mại thông qua internet sẽ giúp quảng bá rộng rãi hơn tới khán giả và phát triển lưu trữ hình ảnh động trong tương lai.

Nguồn: Đại biểu nhân dân (Thảo Nguyên)