Đó là chia sẻ của ông Phạm Văn Hễ, Phó Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh phường Đa Kao, quận 1, TP Hồ Chí Minh với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam về không khí của những ngày tháng Tư lịch sử.

Cựu chiến binh Phạm Văn Hễ. (Ảnh: HM)

Ông Hễ nhớ lại “Tôi được điều về Trung đoàn 115, F2, QK7 trước khi Hiệp định Paris 1973 được ký kết. Vừa chân ướt chân ráo đến đơn vị lúc nửa đêm tại khu rừng chồi xã An Phú, Củ Chi; thì sáng hôm sau gặp ngay một tốt trực thăng "cá lẹp" lượn vòng, quần đảo tại khu vực đóng quân suốt nhiều tiếng đồng hồ. Ngày ấy Trung đoàn của tôi gồm các đơn vị: Đặc công (C1, C5); pháo binh (C4);... đóng quân tại các khu vực: Bến Dược, Bến Đình, An Phú, An Nhơn Tây, Hòa Phú, Trung An (Củ Chi), có khi sang Thanh An, Thanh Tuyền, Rạch Bắp, An Tây, Phú An (Bấn Cát); có đơn vị ở Bình Mỹ - bờ sông Rạch Tra (Củ Chi) và tới An Phú Đông (Hóc Môn)."

Ông Hễ cho biết: Sau ngày ký Hiệp định Paris, để chuẩn bị cho những trận đánh lớn, Đại đội của ông có nhiệm vụ vận chuyển những quả đạn DKB từ Hòa Phú, Trung Anh xuống cất giấu tại bờ sông Rạch Tra, Bình Mỹ - đối diện phía sân dù Đông Thạnh, Hóc Môn. Mỗi đêm, khoảng 6, 7 giờ tối là xuất phát, cứ hai người một quả đạn, cắt ruộng, băng rạch, nhằm hướng đèn tín hiệu “Truyền tin Quang Trung” mà đi. Vừa đi, vừa cảnh giới để tránh lính đi tuần tra. Đến địa điểm cất giấu xong, ông và các đồng đội lại quay về căn cứ trước 5 giờ sáng.

Đầu năm 1975, Trung đoàn được bổ sung và thành lập thêm Tiểu đoàn 1. Từ C5, ông được điều sang Tiểu đoàn 1. Những ngày tháng 3 năm 1975, sau thắng lợi của chiến dịch Tây Nguyên, mỗi ngày khi nghe Radio đưa tin ta giải phóng thêm một tỉnh, thật khó tả được tinh thần và niềm vui của những chiến sỹ.

Ngày 26/4/1975, Tiểu đoàn của ông được lệnh hành quân, ngày nghỉ, đêm đi vì đang ở trong lòng địch. Sau 2 đêm từ Củ Chi, khi đã vượt qua những cánh đồng, những con rạch và những toán lính đi tuần canh… đơn vị ông đã đến được khu vục Nhị Bình, Hóc Môn, khoảng 4 đến 5 giờ sáng ngày 28/4.

Cả ngày 28, đơn vị ông nghỉ tại bờ rạch, để cảnh giới, nắm tình hình nhằm giữ bí mật về sự hiện diện của đơn vị. Tối 28/4, đơn vị của ông tiếp tục hành quân, vượt xa lộ Đại Hàn (nay là quốc lộ 1A) khoảng 12 giờ đêm, sang địa điểm tập kết An Phú Đông. Khi đó ông mới được biết đơn vị được giao nhiệm vụ đánh cầu Bình Phước. Sau khi chuẩn bị, đúng 2 giờ sáng, đơn vị ông nổ súng, tiến hành đánh chiếm đầu cầu Bình Phước từ phía An Phú Đông. “Những tiếng nổ của bộc phá, của súng, đan xen là những tiếng nổ từ AR15, M79…, rền vang cả khu vực; một tiếng nổ lớn, đèn trên cầu vụt tắt, thay vào đó, pháo sáng của địch bắn lên làm sáng cả bầu trời đêm suốt hơn hai tiếng đồng hồ.

Hơn 4 giờ sáng, đơn vị rút khỏi trận địa. Không thể vượt xa lộ Đại Hàn về điểm tập kết vì trời đã gần sáng, nên ngày 29/4 đơn vị ở lại trong khu vườn của dân, vừa chăm sóc thương binh, vừa cảnh giới, tránh những loạt đạn của địch bên bờ sông Sài Gòn, khu vực gần cầu Bình Phước. Từ trong đây nhìn rõ mồn một từng tốp lính ngụy với AR15 trên tay, đi đi, lại lại trên xa lộ Đại Hàn.

Ông Hễ cho biết: Bản thân luôn cảm thấy may mắn và hạnh phúc khi được chứng kiến sự phát triển của TP mang tên Bác. (Ảnh: HM)

"Trận đánh cầu Bình Phước tuy không phải hướng tấn công chính của đại quân trong chiến dịch Hồ Chí Minh, song tại thời điểm đêm 28/4, khi chính quyền Sài Gòn vẫn đang kiểm soát gắt gao khu vực nội thành và vùng ven, thì một trận đánh ngay cửa ngõ Sài Gòn cũng tạo sự sợ hãi cho chính quyền và quân đội Sài Gòn. Một tín hiệu báo rằng quân giải phóng đã có mặt và thời điểm giải phóng Sài Gòn đã cận kề”. Cựu chiến binh Phạm Văn Hễ nhớ lại.

Sáng 30/4/1975, đơn vị của ông lại bắt tay củng cố lực lượng, chuẩn bị sẵn sàng cho nhiệm vụ tiếp theo, trong không khí khẩn trương và tinh thần quyết chiến, cả đơn vị lặng yên, rồi vỡ òa sung sướng khi đến buổi trưa, radio đưa tin về tuyên bố đầu hàng vô điều kiện của Dương Văn Minh. “Cả đơn vị không ai bảo ai đều lấy bộ quân phục chiến sỹ giải phóng mới nhất để mặc và đi ra xa lộ Đại Hàn hòa cùng dòng người dân tay cầm cờ giải phóng, tay cầm hoa và những quay dừa tươi và cả những con heo còn sống… để tặng chiến sỹ giải phóng. Trong khi từng đoàn lính của chính quyền Sài Gòn cả nam và nữ để đầu trần, tay không, lầm lũi, vội vàng nối tiếp nhau trên xa lộ hướng đi từ cầu Bình Phước về ngã tư Ga, trong lặng lẽ và dài như vô tận”. Ông Hễ nhớ lại.

Theo ông Hễ, trưa ngày 30/4/1975 khi đơn vị ông vào trung tâm Sài Gòn, hình ảnh đẹp nhất trong mắt ông và các đồng đội là TP Sài Gòn còn nguyên vẹn, không có cảnh đổ nát do bom đạn, chiến tranh, người dân hân hoan đổ ra các tuyến đường đông nghẹt; trên tay ai cũng có là cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, cờ đỏ sao vàng, ảnh Bác Hồ vẫy chào, reo hò mừng rõ, đón chào các chiến sỹ Giải phóng quân và mừng Ngày chiến thắng.

Đã 45 năm trôi qua nhưng với cựu chiến binh Phạm Văn Hễ, mỗi năm đến dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam những hình ảnh của ngày 30/4/1975 lại ùa về trong tâm trí ông. Ông bảo, bản thân mình may mắn vì còn khỏe mạnh, còn được chứng kiến sự phát triển của TP Hồ Chí Minh trong những năm hòa bình, được tham gia vào các công việc của địa phương. Năm nào cũng vậy, cứ mỗi lần đi trên những con đường đã đi vào lịch sử, ông Hễ như được sống trong ngày chiến thắng, từng tiếng reo hò như vẫn vang mãi, thôi thúc ông nỗ lực nhiều hơn, cố gắng nhiều hơn, góp sức, trí tuệ vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…/.

Nguồn: Báo Đảng Cộng sản (Hoàng Mẫn ghi)