Thứ Bảy, 20/04/2019 02:08

Ký ức Hà Nội từ những khu nhà cũ

Nhà tập thể nhắc nhớ về những năm miền Bắc bước vào công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa. Và hôm nay, nhà tập thể vẫn còn đó như một nhắc nhớ, như một hiện tồn của xa xưa.

 Những khu nhà tập thể chính là một phần làm nên diện mạo của Hà Nội xưa và nay. Kim Liên một thuở của tác giả Vũ Công Chiến là những hồi ức đẹp đẽ, sống động về nhà tập thể. Trong khuôn khổ của Ngày sách Việt Nam lần thứ 6, chiều 19/4, Sống - thương hiệu sách tác giả Việt tổ chức buổi talkshow với chủ đề: “Ký ức Hà Nội từ những khu nhà cũ” và ra mắt sách Kim Liên một thuở.

Các diễn giả tại buổi tọa đàm

Nhà tập thể nhắc nhớ về những năm miền Bắc bước vào công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa. Và hôm nay, nhà tập thể vẫn còn đó như một nhắc nhớ, như một hiện tồn của xa xưa. Những khu tập thể cũ không chỉ là nhân chứng lịch sử, ghi lại dấu ấn kiến trúc của một thời đại mà còn là cả một miền ký ức đẹp đẽ, là biểu tượng về văn hóa, lối sống, tình làng nghĩa xóm giữa người với người.

Với những hồi ức trong trẻo và da diết, tác giả Vũ Công Chiến đã khắc họa sâu đậm vóc dáng và đời sống của khu tập thể Kim Liên - khu tập thể đầu tiên tại Hà Nội, niềm tự hào của một thế hệ cư dân sinh sống nơi đây. Đó là những cán bộ được nhà nước cấp nhà trong những năm đầu thập niên 60 của thế kỉ trước. Nhà tập thể khi ấy không đơn thuần chỉ là nơi ở, mà đó là hiện thân của tình thần và công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Kim Liên trong văn của Vũ Công Chiến hiện lên sống động và quyến rũ, ngay cả khi ông viết về sự vắng vẻ, hoang sơ, nghèo nàn của nơi đó. Bởi khu nhà ấy được miêu tả bằng cảm nhận của những đứa trẻ với những trò chơi “kinh điển” của tuổi thơ. Mọi vẻ đẹp sẽ được là chính nó trong đôi mắt trẻ thơ, thế nên Kim Liên của những năm 1962 dẫu có đói nghèo, dẫu còn heo hút thì niềm vui sướng không che giấu của những đứa trẻ đã điểm tô nên một vẻ đẹp và sức sống khác. Rồi đến những năm chiến tranh leo thang, Kim Liên trong cảnh sơ tán; những ngày cách xa khi tác giả cùng những thanh niên Kim Liên nhập ngũ; những năm bao cấp đầy khó khăn, chật vật; những năm đổi mới rồi phát triển, Kim Liên chuyển mình đổi thay... Tác giả đã sống gần như cả cuộc đời mình ở nơi đó như một chứng nhân, hiểu được lịch sử của khu nhà cũng như những đổi thay của nó theo dấu vết thời gian. Cũng chính ông là người tiễn bao cư dân của nơi ấy rời xa, đón những cư dân mới đến ở, hay đón những người hàng xóm cũ trở lại thăm khu nhà... Điều đó làm nên những tư liệu đặc biệt để ông viết Kim Liên một thuở ăm ắp cảm xúc.

Chia sẻ về cuốn sách nhiều tâm huyết này, tác giả Vũ Công Chiến cho biết: “Tôi viết trước là để dành tặng cho cư dân mọi thời kì của khu Kim Liên, nếu còn có lúc hoài niệm về quá khứ. Sau nữa là thông qua chuyện của mình và của khu tập thể Kim Liên để kể chuyện cho tất cả mọi người, những ai mong muốn hiểu thêm về một góc của Hà Nội, muốn biết được thế hệ trước đã sống như thế nào, và những người quan tâm đến lịch sử dưới góc độ trải nghiệm cá nhân.”

Với giọng văn kể chuyện theo trình tự tuyến tính, cách kể tỉ mỉ, chi tiết và sống động, tác giả không câu nệ thủ pháp nghệ thuật hay kĩ thuật ngôn ngữ. Điều khiến người đọc không thể rời những trang viết ấy là vì những tái hiện chân thực, những dấu mốc của lịch sử và đời người gợi nhiều suy ngẫm, bên trong sự mộc mạc của ngôn từ ẩn chứa nhiều dồn nén của người viết.

Trong sự đồng cảm sâu sắc cùng mối liên hệ đề tài, nhà văn Bình Ca - tác giả của cuốn sách Quân khu Nam Đồng chia sẻ: “Rất khó để chúng tôi nói về những khu nhà tập thể hôm nay cũng như những con người sống ở đó. Viết văn cũng là câu chuyện của ngẫu nhiên, không có sự xếp đặt. Nhưng đọc Kim Liên một thuở có thể khẳng định được những trải nghiệm, vốn sống và tài năng của người viết. Vũ Công Chiến có một ký ức mạnh mẽ, trong đó tiềm tàng, một vẻ đẹp của hiện thực và tưởng tượng”.

Kim Liên một thuở không chỉ là những hồi ức về một thời vàng son của những khu nhà tập thể. Với cách kể nhẹ nhàng, tự sự người đọc nhận ra đằng sau đó ẩn giấu một nỗi niềm sâu kín về lề thói, văn hóa của con người Hà Nội. Có những tình cảm, giá trị đã bị mất đi từ sự thay đổi của kết cấu kiến trúc do kinh tế thị trường thúc đẩy. Do đó cuốn sách cũng đặt ra nhiều câu hỏi mà bạn đọc sẽ tự tìm kiếm, lí giải cho chính mình. Tác giả thừa nhận, Kim Liên bây giờ xô bồ và nham nhở, rất cần có một sự thay đổi quy hoạch có hệ thống. Và dù có tiếc nhớ cảnh xưa chốn cũ nhưng Kim Liên đã đến lúc cần được cải tạo để có được một tương lai và diện mạo tươi sáng hơn.

Tác giả Vũ Công Chiến sinh năm 1953, tại Hưng Yên, từng tham gia kháng chiến chống Mĩ. Ông đã được bạn đọc biết đến với cuốn sách Hồi ức lính (2016).

KIM NHUNG