Thứ Bảy, 13/04/2019 16:59

Ký sự Mê Kông - những điều chưa kể

Trong bức tranh thiên nhiên hùng vĩ mà Mê Kông ký sự đã khắc họa, thì nền Phật giáo đã trở thành một hệ thống huyết mạch chảy dọc suốt dòng Mê Kông

Sáng 13/4/2019 tại Hà Nội, Công ti sách Thái Hà đã tổ chức chương trình giao lưu “Ký sự Mê Kông - những điều chưa kể” nhân dịp ra mắt cuốn sách Đi dọc dòng sông Phật giáo của nhà biên kịch Trần Đức Tuấn.

Sông Mê Kông chảy qua lãnh thổ của sáu nước là Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Trong bốn dòng sông vĩ đại nhất châu Á thì Mê Kông là dòng chảy duy nhất băng qua lãnh thổ nước ta với đoạn hạ lưu cực kì quan trọng được biết đến với tên Cửu Long Giang.

Mê Kông ký sự - bộ phim tài liệu được Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện vào những năm 2000 đã thu hút sự quan tâm của hàng triệu khán giả trong và ngoài nước. Qua bộ phim, con sông Mê Kông kì vĩ và huyền bí đã phần nào được hé lộ, miêu tả qua ống kính và hiểu biết của đoàn làm phim. Và để có được những thước phim quý giá ấy là sự dũng cảm đối đầu với trăm ngàn thử thách và niềm đam mê khám phá, chinh phục thiên nhiên của những người thực hiện.

Nhà biên kịch Trần Đức Tuấn chia sẻ câu chuyện thú vị về những chuyến đi trong quá trình thực hiện bộ phim Mê Kông ký sự

Nhà biên kịch Trần Đức Tuấn chia sẻ: Cho đến khi trở về mọi người mới biết mình còn sống. Những hiểm nguy của con đường đi tìm thượng nguồn sông Mê Kông, những dư âm bom mìn của chiến tranh còn lại, vấn đề an ninh biên giới lãnh thổ của các quốc gia, hay vấn đề kinh phí... là những thử thách thực sự mà đoàn phải vượt qua. Có những lúc cái chết đã gần kề bởi những hiểm nguy là không đo đếm được. Với những nỗ lực và nhiệt huyết, sau nhiều chuyến đi thì bộ phim đã được thực hiện. Đây là một trải nghiệm mang tính lịch sử mà mỗi thành viên trong đoàn đã có được.

Hành trình hàng trăm ngàn cây số dọc bờ sông Mê Kông đã giúp tác giả tiếp xúc với nhiều sắc tộc và tôn giáo ngự trị trên các miền đất ven bờ và lưu vực mênh mông của nó. Đó là những hành trình có một không hai trong nghề, thậm chí trong cả cuộc đời, bởi được trực tiếp đặt chân hoặc tận mắt quan sát các miền đất kì lạ, nhiều cảnh tượng kì vĩ, không gian tráng lệ, những góc trời u tịch hẻo lánh, những đỉnh đèo lơ lửng trong mây, những đỉnh núi tuyết vĩnh cửu, những cửa ải biên thùy quạnh vắng, kinh thành cổ kính, những thác ghềnh hiểm trở, những dòng sông thơ mộng nổi tiếng. Kể cả sào huyệt của bọn thảo khấu giang hồ khét tiếng, những địa danh được nói đến trong nhiều áng thơ Đường bất hủ và trong các trang tiểu thuyết lừng danh, những đền đài lăng tẩm vĩ đại, địa bàn cư trú của nhiều tộc người độc đáo, các sa mạc mênh mông, những thảo nguyên bất tận, cao nguyên trên nóc nhà thế giới... Và trên tất cả là được hình dung phần nào diện mạo toàn cảnh của Mê Kông hùng vĩ. “Ngay từ khi còn chưa được tiếp cận, chúng tôi đã cảm giác rằng đó là một tạo vật phi thường của tạo hóa, là một trong những dòng sông huyền bí nhất trên mặt địa cầu”, tác giả nói về ý tưởng và sự thúc giục của chuyến đi.

Cuốn sách Đi dọc dòng sông Phật giáo không phải là bức tranh toàn cảnh về Mê Kông, mà như tác giả tự nhận, đó chỉ là những phác họa về dòng sông vĩ đại. Đó chỉ là những góc nhìn thấp thoáng dọc theo hành trình của đoàn làm phim thám hiểm, và tìm kiếm dấu chân nơi những vùng đất mà con sông chảy qua.  

Ngoài việc kiếm tìm dòng chính Mê Kông cùng với một số chi lưu, phụ lưu tiêu biểu của nó ở cả trong và ngoài biên giới Việt Nam, sách còn đề cập tới một số tiếp cận thượng nguồn hai đại trường giang số một và số hai châu Á là Hoàng Hà và Dương Tử mà đoàn làm phim được tới thăm. Đó là những khoảnh khắc cực kì quý hiếm bởi đây là những đoạn sông kì vĩ ở tận lưng trời, rất hẻo lánh, khuất nẻo, hoàn toàn xa lạ đối với các tuyến du lịch. Hai bài viết về thượng nguồn Hoàng Hà và Dương tử sẽ phần nào giúp độc giả tham khảo và so sánh với sông Mê Kông trên các nét tương đồng và dị biệt.

Trong bức tranh thiên nhiên hùng vĩ mà Mê Kông ký sự đã khắc họa, thì nền Phật giáo đã trở thành một hệ thống huyết mạch chảy dọc suốt dòng Mê Kông, cùng với nhiều yếu tố khác để trở thành một bản thể đặc sắc và độc đáo của con sông huyền bí này. Bên cạnh dòng chảy của Mê Kông luôn tồn tại một dòng chảy của tinh thần Phật giáo.

Nhà biên kịch Trần Đức Tuấn sinh năm 1941 tại Nam Định, nguyên là Phó tổng biên tập Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh. Một số bộ phim tài liệu nổi tiếng ông đã viết kịch bản và tham gia viết lời bình như: Ký sự hành trình theo chân Bác, Ký sự sông Hằng, Ký sự hỏa xa - hành trình xuyên lục địa, Mê Kông ký sự, Những nẻo đường Trung Hoa, Hai bờ đại dương nước Mỹ...

Sự ra đời của cuốn sách Đi dọc dòng sông Phật giáo không chỉ đơn thuần là cách để tác giả phác họa về một dòng sông. Sự kì vĩ, huyền ảo, những hiểm trở, dữ dội, hay bao êm đềm mộng mơ trên dòng sông ấy đều đã hoặc đang có nguy cơ bị bàn tay của con người can thiệp làm thay đổi những dòng chảy vốn có. Những dâng hiến muôn đời cho những vùng đất sông đi qua cũng đang có những đổi khác. Điều này đặt ra một câu hỏi lớn cho các quốc gia đã có may mắn được dòng sông đi qua.

HOÀI PHƯƠNG