Thứ Sáu, 19/08/2022 08:26

Kí ức về nguồn cội trong ‘Bật khóc ở H Mart’

Là người mang hai dòng máu Mĩ - Hàn, trong Bật khóc ở H Mart, Michelle Zauner đã làm một cuộc hành trình để tìm lại mình, thông qua kí ức cũng như cảm xúc dành cho mẹ.

Được bình chọn là cuốn sách hay nhất năm 2021 của các tờ The New York Times, Washington Post, NPR… Bật khóc ở H Mart là cuốn sách xúc động và nhiều đồng cảm, từ đó tạo nên cơn sóng “cảm xúc” ở nơi độc giả. Với tác phẩm này, tuổi trẻ, sự phức tạp của bản thân cũng như tình cảm gia đình đôi khi khó nói đã được hiện lên vô cùng chân thật.

Bật khóc ở H Mart là những dòng hồi kí miên man của Michelle Zauner – giọng ca chính của ban nhạc indie-rock nổi tiếng thế giới Japanese Breakfast. Năm 2021, họ được đề cử ở một trong bốn hạng mục danh giá nhất của Grammy. Nhưng ít ai biết để vươn đến thành công, Michelle Zauner đã phải trải qua rất nhiều khó khăn cũng như mất mát.

Là người mang hai dòng máu Mĩ - Hàn, trong Bật khóc ở H Mart, Michelle Zauner đã làm một cuộc hành trình để tìm lại mình, thông qua kí ức cũng như cảm xúc dành cho mẹ. Cuốn hồi kí này vượt xa khuôn khổ của việc kể lại kỉ niệm, mà đó còn là hành trình tìm lại nguồn cội, quá trình trưởng thành đầy khó khăn cũng như những sự va chạm chủng tộc, thế hệ… vô cùng đau đớn.

TÌM VỀ Kí ỨC THÔNG QUA ẨM THỰC

Có nội dung gần giống Hãy chăm sóc mẹ của Shin-kyung Sook từng gây sốt nhiều năm về trước, Bật khóc ở H Mart lựa chọn phương thức hồi tưởng có phần khác lạ là thông qua ẩm thực. Như Michelle thừa nhận ẩm thực là “cây cầu tiếp xúc với với di sản Hàn Quốc” của cô, là thứ đã nuôi dưỡng cô bằng những khẩu vị đậm chất Hàn của mẹ mình. Và quan trọng hơn, ẩm thực còn là điểm chung gắn kết và là cội nguồn tinh khôi.

Do đó mỗi khi đi đến H Mart cô không thể kiềm mình lại. Như câu mở đầu của cuốn sách này: “Từ khi mẹ qua đời, tôi thường bật khóc ở H Mart”. H Mart theo đó là cửa hàng bán những thức ăn của người Hàn nói riêng và châu Á nói chung. Nó là ẩm thực châu Á được xếp một cách vinh dự, chứ không chen chúc như những siêu thị coi ẩm thực châu Á là thiểu số. H Mart là nơi người ta nhớ đến nhau, ở đó “những vị khách mang theo lịch sử của riêng mình, tất cả muốn tìm về hình dáng quê nhà, nguồn cội và bản thể của mình.”

Tác phẩm Bật khóc ở H Mart.

Và với riêng Michelle, H Mart gợi cô nhớ đến mẹ, người đàn bà qua đời bởi ung thư ruột kết, người luôn muốn con mình phải thật hoàn hảo, cầu toàn, tỉ mỉ, nhưng cũng thương cô đến vô cùng tận. H Mart chiếm giữ vị trí quan trọng vì thức ăn là phương tiện để mẹ cô gửi gắm tình thương mặc cho những cao vọng mà cô không thể đáp lại.

Michelle nhớ mẹ mình như những bà mẹ Á Đông khác, người dành tình yêu cho con cái quá lớn đến mức ngột ngạt. Họ không phải những bà mẹ hiền dịu, mà tình thương của họ cứng rắn cũng như khắc nghiệt. Tình cảm của họ có phần cực đoan nhưng lại mong muốn những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với chúng.

Từ những “đại lộ đồ ăn”, Michelle ngược dòng kí ức để nhớ về những bài học mẹ dành cho mình, về việc dù có yêu ai thì vẫn phải giữ lại 10% cho mình. Bà cũng hệt như những phụ nữ Hàn khác, bị ám ảnh vì ngoại hình, thích xem QVC quảng cáo để mua mĩ phẩm, cũng như mơ về con mắt hai mí... Người mẹ ấy vừa là một người chở che, nhưng cũng đồng thời là một đứa trẻ, là một người bạn, khi Michelle khám phá ra bà vẫn “tinh ranh” ăn trộm thức ăn mỗi khi không ngủ được. Bà cũng yếu đuối như những cảm xúc của mình khi bà ngoại qua đời.

TUỔI TRẺ MỆT NHOÀI

Chính trong những kì vọng ấy, Michelle đại diện cho một thế hệ tuổi trẻ mệt nhoài, ngột ngạt với sự kiểm soát quá mức của các bậc phụ huynh. Đến tuổi thiếu niên nổi loạn, cô làm quần quật để kiếm tiền quảng bá cho ban nhạc của mình. Cô đến Bờ Đông để học Đại học từ đó tạo ra khoảng cách để xa cha mẹ, và cũng lần đầu được tiếp xúc với âm nhạc - bộ môn nghệ thuật đã gây nên những khoảng cách giữa cô và mẹ, nhưng rồi cũng sẽ chữa lành cho cô.

Hâm mộ Karen O, Michelle tự học guitar rồi tự sáng tác. Hết lòng với ước mơ này, thế nhưng mẹ cô chỉ coi đó là ước mơ có phần ngớ ngẩn, rồi cô sẽ là “nhạc sĩ chết đói” bỏ học, và là gánh nặng cho những người khác. Thế nhưng ung thư đã tạo ra một bước ngoặt lớn, để cô nhìn lại mẹ mình, nhìn lại chính mình cũng như những gì mình đã bỏ lỡ.

Khi mẹ chịu đựng vô vàn cơn đau mà căn bệnh mang tới, cô đã tự mình chăm chút cho bản thân để làm mẹ an lòng và có thể chăm lo cho mẹ. Cô tập nấu những món Hàn, túc trực ở bệnh viện với mẹ, nhớ lại những kí ức đẹp… Nhưng mẹ dường như xa cách cô hơn, và cô tự coi đó như một sự trừng phạt. Cô bị tháo rời và ngăn cách khỏi mẹ bởi người dì Kye đến chăm sóc bà. Mỗi khi cô cố đến gần bà hơn, thì ngay lập tức một bức màn mỏng sẽ lại hiện ra, và cô không thể đến gần thêm chút nào nữa.

Những nguyên nhân đó cho đến cuối cùng cũng không thể hiểu, nhưng bằng việc cho mẹ thấy mình đã kết hôn, rằng mình có thể tự lo cho mình, cô đã khiến mẹ có chút an lòng. Mối quan hệ của hai người họ vẫn bối rối và khó hiểu như thế, bởi nhẽ từ đầu cho đến cuối cùng vô vẫn không thể hiểu được người mẹ của mình.

Tác giả - Ca sĩ Michelle Zauner.

Bởi nhẽ cũng như những bà mẹ Á Đông khác, mẹ của Michelle vẫn luôn che giấu bí mật của riêng mình. Việc bà mất đi và bệnh ung thư có thể đánh dấu cho sự đau buồn, nhưng ở khía cạnh nào đó, nó cũng cho thấy một sự tồn đọng bởi những tàn tích mà cô không thể lí giải. Đó là người em chết lưu, là môn hội hoạ mà bà lén học, là sự phản bội của cha và rất nhiều những thứ khác nữa.

Ngoài những nỗi đau, Bật khóc ở H Mart cũng là hành trình chữa lành của những người trẻ, khi chấp nhận, thấu hiểu cũng như hiểu rõ bản thân. Với Michelle, cô đã tìm lại con người của mình, là một người Hàn từ trong bản chất, qua những lần học cách nấu món Hàn, qua những kí ức về chính mẹ mình cũng như thông qua H Mart.

“Tôi tự hỏi có bao nhiêu người ở H Mart cũng đang thương nhớ gia đình. Bao nhiêu người nghĩ đến người thân khi họ bưng khay thức ăn đi ra từ các quầy hàng. Có phải họ ăn để cảm nhận sự gắn kết, để tưởng nhớ những người ruột thịt chăng? […] Tôi đến H Mart không phải để lùng mua mực và ba bó hành lá với giá một đồng mà là để tìm lại hồi ức của mình. Tôi thu thập dấu tích để chứng tỏ rằng phân nửa bản sắc Hàn Quốc trong tôi không hề bị mai một theo sự ra đi của hai người phụ nữ tôi yêu thương. H Mart là cây cầu đưa tôi trốn chạy khỏi những ký ức đầy ám ảnh […] H mart nhắc tôi nhớ về hình ảnh xin đẹp của họ ngày trước”.

Là hành trình vô cùng cảm động của một người con khi mất đi người phụ nữ quan trọng nhất đời mình. Với Bật khóc ở H Mart, Michelle Zauner không chỉ nói lên phần đời của mình, mà còn là rất nhiều những thanh thiếu niên ngoài kia, còn bơ vơ và không mục đích sống. Với âm nhạc, ẩm thực, thời trang và văn hóa Hàn Quốc… tất cả lột tả một góc khuất sâu xa mà vô cùng cảm động về tình mẹ con, nỗi tha hương và hơn hết là sự tha thứ và chấp nhận.

NGÔ THUẬN PHÁT