Thứ Bảy, 19/09/2020 00:18

Kí ức tuổi thơ

Năm tôi mười hai tuổi, quê tôi - làng Mỹ Quang xinh đẹp bên bờ biển Phú Yên không còn bình yên nữa vì tàu thủy của Pháp thường xuyên bắn đại bác, đổ bộ đốt nhà dân... (TRÌNH QUANG PHÚ)

. TRÌNH QUANG PHÚ

Năm tôi mười hai tuổi, quê tôi - làng Mỹ Quang xinh đẹp bên bờ biển Phú Yên không còn bình yên nữa vì tàu thủy của Pháp thường xuyên bắn đại bác, đổ bộ đốt nhà dân. Ba tôi ngày đó là chính trị viên xã đội ngày đêm tổ chức du kích chống càn và chuẩn bị hậu cần trên núi để khi xấu nhất rút về căn cứ… Tôi thường theo ba lên núi, giúp những việc lặt vặt, có khi đưa thư cho các anh các chú, từ từ tôi trở thành liên lạc của xã đội.

Những năm này, đập Đồng Cam bị địch ném bom đánh vỡ, ruộng đồng không canh tác được, cả tỉnh đói kém. Cán bộ, bộ đội phải đào khoai mài, khoai khai, đào cả củ chuối, gốc cây thơm tàu để ăn thay cơm. Tôi nhớ do thiếu gạo nhiều người bị phù thũng, thế nhưng tinh thần vẫn hăng hái, vui vẻ và sẵn sàng ra trận.

Những năm 1953 và nửa đầu năm 1954 là những năm tháng vô cùng ác liệt. Giặc Pháp đổ quân chiếm Phú Yên. Bom đạn trút xuống hàng ngày, lớp pháo từ tàu thủy, lớp máy bay ném bom, lớp địch càn quét. Sau này đọc tài liệu lịch sử mới biết Pháp huy động đến ba mươi tiểu đoàn gồm cả xe cơ giới, máy bay, tàu thủy từ Khánh Hòa đánh ra và Cheo Reo đánh xuống nhằm chiếm Phú Yên, làm bàn đạp chiếm Bình Định, Quảng Ngãi… Trước tình hình đó, tỉnh Phú Yên thành lập tiểu đoàn bộ đội địa phương để phối hợp với các đơn vị của Trung đoàn 803 chủ lực. Lúc đó, đồng chí Nguyễn Lầu(1) cậu tôi, một trong những người chỉ huy tiểu đoàn và anh Tô Nào(2), một trong những chỉ huy đại đội (anh Nào gọi má tôi bằng cô). Cậu Lầu xin tôi về làm liên lạc cho tiểu đoàn địa phương.

Ngày ấy núi rừng Phú Yên, nơi Trường Sơn đổ ra Biển Đông, cây rừng rậm rạp, cây gỗ to đến hai người ôm, nào bằng lăng, kiềng kiềng, lim, táu…; chim thú cũng nhiều, có cả cọp beo. Tôi năm này đã mười ba tuổi, trổ giò lớn phổng, thông thạo các con suối và đường mòn, từ Kỳ Lộ, Phú Mở, Thồ Lồ của Đồng Xuân, đến Hòn Chuông, Hòn Gió, rồi An Thọ, An Lĩnh của Tuy An, ra đến Hang Hổ, Phú Cốc miền núi An Chấn, rồi vượt qua sông Đà Rằng - Tuy Hòa vào Hòa Thịnh, ở đó có đường vượt dốc Mỏ vào Khánh Hòa. Ngày ngày, tôi đưa thông tin của tiểu đoàn về tỉnh đội, đến các đơn vị chủ lực, huyện đội, các xã trọng điểm. Dần dà, thấy làm được việc các chú điều tôi về làm liên lạc tỉnh đội. Làm liên lạc băng rừng là việc đương nhiên và thường xuyên phải tìm cách đi hợp pháp qua các trạm gác trên Quốc lộ 1 về dưới các xã ven biển. Có lần, một thằng Pháp giữ tôi lại kéo tai, nhìn mặt, hỏi qua thằng phiên dịch: “Mày có phải thằng A không?” (A là tên của tôi hồi nhỏ), tôi lắc đầu không biết, hắn đá vào mông tôi, đuổi đi.

*

*      *

Tôi nhớ sau tết năm 1954, một buổi chiều, cậu Nguyễn Lầu và cậu Trần Khả Quang (huyện đội trưởng Tuy An) và ba tôi giao nhiệm vụ cho tôi dẫn các anh Trần Thuận, Trần Minh Quang, Lê Thưa và Nguyễn Nổ về Long Thủy. Đường đi lối lại các anh quen rồi, nhưng bây giờ địch đóng đồn và tuần tra trên Quốc lộ 1, tôi có nhiệm vụ chọn nơi an toàn nhất vượt qua. Khi đi ba tôi dặn: “Con nhớ an toàn, các anh ấy có nhiệm vụ quan trọng”. Cậu Lầu dặn: “Về tới rừng làng xong, cháu quay lên chốt ở quốc lộ để đón các anh sau khi hoàn thành nhiệm vụ”. Đêm đó, tôi được cầm theo một quả hỏa mù và một lựu đạn. Tôi nghĩ các anh sẽ diệt tên ác ôn nào đó. Nhưng không, đêm đó các anh có nhiệm vụ đốt cháy kho vũ khí và hàng hóa của Pháp vừa đưa từ tàu thủy vào còn chất đống trên bờ biển Mỹ Á.

Tôi quyết định đưa các anh theo suối Cái để chui qua cống lớn vượt Quốc lộ 1 và đường sắt. Khi tốp tuần tra ở núi Hùng đến núi Thơm đi qua, tôi nhanh chóng dẫn các anh cặp chân núi Thơm, băng đồng về rừng Long Thủy. Khi đưa các anh đến nơi, tôi quay lại ngồi dưới cống theo dõi quy luật các tốp lính, rút ra kết luận càng về khuya việc tuần tra càng giãn ra. Liền đó, tôi men ra triền núi Thơm chờ các anh làm nhiệm vụ trở về. Trong đêm đen tĩnh lặng, bỗng dội lên một tiếng nổ vang trời rung làng xóm, lửa cháy sáng góc biển. Phải đến ba mươi phút sau mới thấy các anh trở lại cùng du kích mang vác chiến lợi phẩm. Tôi đưa các anh vượt lộ ngay trong đêm. Về tới Phủ Cốc đã mờ sáng, trọn đêm không ngủ nhưng ai cũng vui vì thắng lợi. Sau này các anh tập kết ra Bắc, chỉ anh Nổ ở lại, anh Trần Thuận là cán bộ cao cấp, anh Trần Minh Quang là giáo sư Trường Đại học Bách Khoa, anh Lê Thưa trở về Nam và hi sinh anh dũng.

Nhớ lại, trận đầu tiên tôi tham gia chiến đấu cũng vào năm 1954. Đó là trận đánh vào đồn núi Hùng ngay trên xã An Chấn quê tôi, đại đội do anh Tô Nào chỉ huy. Tôi dẫn đường bộ đội vượt qua con suối trên của Thiên Ân phục ở bìa rừng Ấp Lý lúc tờ mờ tối, chờ bóng đêm xuống.

Trận đánh diễn ra cam go, địch chống trả quyết liệt. Anh Đích tổ trưởng tổ trinh sát đi cùng tôi trúng đạn hi sinh, đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến cái chết của đồng đội, cũng là người anh thân thiết. Tôi nhớ mãi đôi mắt rực sáng của anh nhìn tôi như gởi gắm điều gì to lớn lắm trước khi vĩnh viễn khép lại. Tôi ôm đặt anh nằm xuống, cầm từ tay anh cây súng cạc-bin hướng về phía hỏa lực địch cách mấy chục mét bóp cò, góp tiếng súng cùng đơn vị công đồn. Đêm đó, đồn núi Hùng đóng trên quê tôi bị tiêu diệt.

Trận thứ hai tôi được tham gia là trận Suối Cối. Khi giao tôi đưa chỉ thị của tỉnh đến các tiểu đoàn, chú Lê Vụ (Bí thư Tỉnh ủy) dặn thêm: “Đây là trận đánh lớn phối hợp chủ lực và địa phương, nhất nhất theo lệnh và phải bí mật, bất ngờ”.

Sáng ngày 21 tháng 5 năm 1954, đơn vị nhận lệnh hành quân, tôi dẫn chú Dư tiểu đoàn trưởng đưa đại đội súng cối ĐKZ, Bazooka và đại liên vào triền núi Hòn Ông, thuận lợi tiếp cận đường hành quân của địch. Tôi vẫn còn giữ được khẩu cạc-bin của anh Đích để lại, làm nhiệm vụ cảnh giới với hai anh nữa. Chờ đến giữa trưa chưa thấy địch càn lên, chú Dư cho anh em mở cơm nắm ra ăn. Độ nửa giờ sau có tin địch đang tiến vào với lực lượng lớn, quyết mở đường đánh vào căn cứ của tỉnh. Tôi nghe tiếng xe ôtô gầm rú và nhìn thấy chúng. Phía ta, đạn đã lên nòng. Hỏa lực phóng đúng vào giữa đoàn xe, địch bất ngờ la hét, vừa bắn như trút đạn về phía ta vừa chạy tán loạn, số khác liều mạng xông lên. Tôi tự tin nhằm bắn từng viên, gần hết hai băng đạn. Có mảnh pháo găm vào trán tôi lúc nào không biết, máu chảy đầy mặt. Các anh băng cho tôi, đơn vị có mấy người bị thương nhưng không ai hi sinh. Địch rút xuống bờ sông bị các đại đội phục sẵn tiêu diệt.

Ngày hôm sau, địch lại càn lên, bộ đội ta chặn đánh tại đèo Suối Cối. Đây là trận có sự phối hợp giữa lực lượng của Trung đoàn 803 chủ lực (ngày đó đồng chí Đoàn Khuê, sau này là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chỉ huy Trung đoàn) với bộ đội địa phương, dân quân du kích. Sau này được biết trận Suối Cối ta diệt 210 tên, bắt sống gần 200 tên địch, diệt nhiều xe, thu 300 khẩu súng... và trong lần Đại tướng Lê Trọng Tấn tới thăm nhân dịp tôi vừa viết xong quyển sách về chiến dịch Đông Xuân 1953-1954, ông nói với tôi: “Chiến công của Phú Yên đập tan chiến dịch Át-lăng mang ý nghĩa lịch sử. Trận Suối Cối oanh liệt không chỉ của Phú Yên mà là trận đánh lớn của Khu 5 góp vào chiến thắng Điện Biên Phủ”. Tôi tự hào vì mình đã góp chút công lao vào chiến thắng oanh liệt của quê hương.

Những năm tháng làm liên lạc đó để lại trong tôi rất nhiều kỉ niệm. Đau đớn nhất là hôm bác sĩ Phạm Như Trác mổ gắp mảnh pháo găm trên trán tôi, không có thuốc tê, năm anh chị giữ chân tay. Bác sĩ đặt miếng gạc vào miệng tôi, tôi cắn đứt miếng gạc để nén cơn đau xé trời, mồ hôi, nước mắt đầm đìa. Cận kề cái chết nhất là trong một lần tổ tam tam, đều ở tuổi mười bốn mười lăm dừng lại ở Bãi Tiên dưới chân Đèo Cả để ngủ. Bình thường tôi nằm giữa, nhưng hôm ấy Tánh bạn tôi đòi nằm giữa vì sợ ma. Mờ sáng ngủ dậy thấy mất Tánh, hai chúng tôi đi tìm, thì ra giữa khuya cọp vô rinh Tánh đi ăn thịt, chỉ còn thấy mảnh áo cổ vuông, cái quần, đầu với chút xương. Tôi lạnh người đến cả tháng. Hay có lần bị Tây rượt tôi lủi vô bụi gai bàn chải. Khi bọn Tây đi rồi không làm sao chui ra, phải chờ người đi qua kêu cứu. Lần ấy gai châm đầy mình, phải dùng vôi bôi rồi lấy gai ra, nhức sốt mấy ngày liền. Hoặc nhiều lúc kê miệng vào hố chân trâu hớp những giọt sương còn đọng lại cho đỡ khát. Rồi lần đi làm nhiệm vụ hỏa tốc, cơm nắm lâu ngày cứng không cắn được, phải đập vào đầu gối mới vỡ, vừa đi vừa gặm với muối hột giã trộn lá é.

Nhưng cũng có những lần sung sướng thỏa thuê, khi mấy anh em liên lạc xuống suối, cởi quần lấy dây cột kín hai ống lại làm “lưới”, bắt được cả ống cá Mương. Chúng tôi bỏ cá vào bẹ chuối rừng, đốt lửa nướng cho cá khô giòn, chấm muối é, ăn với cơm nắm…

Chợt nhận ra, hầu như tất cả kỉ niệm tôi có đều gắn chặt với rừng. Rừng cho thịt, trứng, rau, nấm, măng, khoai củ, mật ong; rừng là nguồn trái cây quanh năm với ổi, trâm, sim…; rừng với những con suối nhiều cá; và rừng là khi thỉnh thoảng các chú bắn được hươu nai cải thiện bữa cơm tập thể. Có hôm mệt quá tôi nằm sấp trên cỏ, đưa mũi hít một hơi, đất mẹ như truyền cho tôi những năng lượng mới, để đứng dậy đi tiếp dưới tán rừng. Tôi cảm ơn rừng những tháng năm ấy đã chở che chúng tôi và góp phần nuôi tôi khôn lớn.

Nhưng có thứ rừng không cho tôi được, là con chữ. Tôi thèm học vô cùng vì khi mới học đến lớp bốn đã thoát li. Trên núi các anh các chị dạy tôi học tiếp nhưng rất thất thường. Không có giấy phải viết trên mo cau, mực viết là trái mồng tơi dầm nát. Một lần đi qua trường làng, tôi ghé vô cửa sổ đứng nhìn, thấy cô giáo gõ thước lên bảng đọc câu ca dao:

Nhiễu điều phủ lấy giá gương

Người trong một nước phải thương nhau cùng

Cả lớp đồng thanh đọc theo cô vang vang như một khúc ca, tôi quay mặt nén xúc động bước đi làm nhiệm vụ. Ao ước mau đến ngày độc lập để mình được đi học.

*

*       *

Tháng 7 năm 1954, Hiệp định Giơ - ne - vơ về Đông Dương được kí kết. Gia đình tôi trở về căn nhà ở làng Mỹ Quang, dưới rặng dừa bên bờ cát trắng với biển xanh hiền hòa. Nhưng sự hiền hòa đó không được lâu, theo Hiệp định, Phú Yên là vùng do địch quản lí, mọi hoạt động đều rút vào bí mật. Cán bộ, đảng viên bị bọn ngụy quyền lùng bắt, giết hại hàng loạt. Chú Khắc Minh của tôi là thường vụ huyện ủy, đêm ngủ ở nhà chúng đến bắt đem xuống khe đá đen ở Long Thủy bắn, vùi xác ở đó. Chú Trình Nhắn, chú ruột tôi bị bắt chôn sống. Ở Tuy Hòa, chú Lê Văn Thành, tỉnh đoàn trưởng bị bắt, bắn ngay gần cầu Ông Chừ… Sân bay Tuy Hòa bên quốc lộ 1 có nhà giam, thấy chưa đủ địch lập thêm nhà giam ở Ngọc Lãng để nhốt hàng ngàn cán bộ ta. Tỉnh ủy, các cơ quan của tỉnh phải rút ra đóng ở vùng Diêu Trì, Tuy Phước của tỉnh Bình Định.

Địch đưa gia đình tôi vào danh sách cộng sản loại A, nên ba, sau đó má và em tôi cũng ra Bình Định để tạm lánh vài năm chờ tổng tuyển cử. Tôi được dùng làm liên lạc để đưa thông tin từ Tỉnh ủy ở Bình Định về Phú Yên. Con đường quốc lộ dài một trăm cây số bị chiến tranh tàn phá nặng nề, xe lửa chỉ còn một toa đẩy tay ở đoạn La Hai - Diêu Trì, ôtô chạy than Tuy Hòa - Quy Nhơn ngày có một chuyến, còn lại xe ngựa lóc cóc từng đoạn ngắn. Các chú dặn tôi hạn chế đi mấy phương tiện trên vì địch kiểm soát rất kĩ, chỉ được dùng xe ngựa ở những đoạn không có trạm kiểm soát như bên kia bến đò La Hai đến Chí Thạnh, còn lại phải đi bộ, cải trang luồn qua trạm gác. Từ Bình Định về Phú Yên thường phải đi mất ba ngày, trong đó có hai đêm ngủ rừng ngủ bụi hoặc dưới các cống ở Quốc lộ 1 hoặc mả đá. Bọn dân vệ rất sợ ma, nên tôi hay vào các mả đá to, lạy ba lạy xin người chết phù hộ, ngủ ở đó rất an toàn.

Cho đến tháng 9 năm 1954, diễn ra một vụ tàn sát đẫm máu ở Ngân Sơn - Chí Thạnh. Chuyện bắt đầu ở An Thạch, bọn địch thấy nhà có treo ảnh Bác Hồ, chúng gỡ xuống, bị dân phản ứng, chúng đánh dân. Một cuộc phản ứng dây chuyền từ các xã An Ninh, An Cư, An Dân. Hàng ngàn người xuống đường kéo về Chí Thạnh. Bọn địch xả súng bắn vào đoàn người tay không, có đến 64 người chết và 76 người bị thương, máu loang đỏ đường. Ngân Sơn - Chí Thạnh tổn thất lớn, nhưng đã biểu thị được ý chí quật cường của nhân dân ta, sự kiện ấy làm kẻ thù run sợ. Ngay sau đó Tỉnh ủy họp rút kinh nghiệm, chỉ đạo cho các huyện. Tôi là một trong những liên lạc đã về Phú Yên chuyển thông tin này. Sau, tôi nhiều lần làm nhiệm vụ về Phú Yên nữa, để tổ chức chuẩn bị đấu tranh hợp pháp khi ủy ban quốc tế vào xem xét các vụ thảm sát của địch mà ta tố cáo; chỉ thị để tổ chức đưa các đồng chí tập kết, tôi nhớ trong số đó có con gái chú Lê Thành là chị Lê Thị Băng Tâm, sau là Thứ trưởng Bộ Tài chính, bác Huỳnh Lưu là Đại biểu Quốc hội khóa I, sau đi B trở về làm Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh Phú Yên.

Bây giờ ngồi nghĩ lại không biết sao hồi đó ở tuổi mười bốn mà tôi có thể đi đến trên nửa ngàn cây số bằng đôi chân nhỏ bé qua bao nhiêu trạm gác kẻ thù. Kinh nghiệm rút ra, thường muốn qua các trạm này tốt nhất chờ đám nhỏ chăn bò đi ăn hoặc lùa bò về chuồng, mình đội cái nón lá rách, cầm cây roi, có khi khoác áo tơi cũ đi lẫn trong đàn bò.

Lần thứ tư trở về Phú Yên, cơ sở gởi tiền tín phiếu cho Tỉnh ủy, tôi gói trong quần bà ba, đặt lên trên mấy củ khoai lang luộc, trong cái giỏ cói mang bên vai. Lúc ra tôi được đi ôtô. Tôi chặn xe trên quốc lộ, ngồi sát một bà hành khách với hai ba người con. Bà hỏi tôi bằng tiếng Huế: “Cháu đi mô rứa?”. Tôi nói với bà ra Bình Định tìm cha. Trên đường mấy lần dừng để người xuống đi bộ cho xe qua chỗ đường xấu, tôi giúp bà xách đồ đạc. Bà rất thân thiện, khi dừng ăn trưa ở quán kêu tôi ăn cùng. Tôi cảm ơn, nói: “Cháu không rành đường sá có gì nhờ cô giúp”. Bà gật đầu. Đến bến đò La Hai, là cuối chặng, mọi người lội qua sông nước ngập trên đầu gối. Tôi giúp bà cõng người con nhỏ. Qua sông gặp ngay trạm kiểm soát, địch chặn lại xét hỏi. Trong số cảnh sát tôi thấy có thằng biết tôi hồi nhỏ. Nó kéo tôi lại nói: “Tao nghi ngờ thằng này. Mày tên gì? Mày là thằng A phải không?”. Nghe hỏi, tôi biết nó chỉ nghi ngờ. Nhanh trí, tôi trả lời bằng tiếng Huế: “A mô, tôi có biết chi mô”, và quay nhìn bà cô người Huế cầu cứu. Bà liền nắm tay tôi nói: “Các ôn nói chi lạ rứa, nó là cháu tui, nó đi với gia đình tui”. Trong lúc chúng trao qua nói lại, bà cô Huế hất đầu bảo tôi cõng em đi, tên cảnh sát im lặng, thế là thoát. Đến La Hai, tôi linh cảm bọn chúng sẽ đuổi theo nên cảm ơn bà và chia tay.

Cuối chiều âm u, từ La Hai tôi nhảy xe ngựa đi Mục Thịnh, rồi đi Vân Canh qua các xóm đồng bào dân tộc, họ thường ở trần đóng khố vác rựa đi trên đường. Tôi vừa đi vừa chạy, đúng như tôi nghĩ, khi vừa đến sát khu phi quân sự hai tỉnh Phú Yên - Bình Định thì bọn cảnh sát đuổi tới, thổi tu huýt, nổ súng chỉ thiên. May, tôi kịp gặp tổ đại diện Ban liên hợp chiến trường của ta.

Sau chuyến ấy, biết tôi bị lộ, Tỉnh ủy cho tôi nhập vào đoàn thiếu sinh quân Khu 5 chuẩn bị tập kết. Thiếu tướng Nguyễn Chánh, Chính ủy quân khu ghé thăm đơn vị, ông dặn chúng tôi ra Bắc phải học thật giỏi để về giúp quê hương. Xong, ông khen tôi và tặng tấm ảnh Bác Hồ được cắt từ Báo Nhân dân, bồi bìa dày. Ba năm làm liên lạc, đây là lần đầu tôi được khen long trọng vậy. Tại đây, tôi gặp lại bà cô người Huế cũng chuẩn bị tập kết, hóa ra mẹ con bà là gia đình cách mạng. Bà ôm chầm lấy tôi, hồ hởi nói: “Biết ngay, cô có nhầm chi mô, hôm nớ, gặp cháu cô nghĩ ngay là người kháng chiến”. Trên đời có những hội ngộ, diễm phúc bất ngờ vậy đấy…

Hôm đơn vị hành quân xuống Quy Nhơn, đi ngang nhà chú Tám Yên ở Tuy Phước nơi ba má đang ở, tôi xin phép chỉ huy cho vài phút để vô chào. Anh chỉ huy cho cả trung đội dừng nghỉ, cùng tôi vô nhà. Ba má thấy tôi về mừng rỡ, lưu luyến. Khi tôi mang ba lô và ôm Kha, đứa em trai mới năm tuổi để từ biệt thì nó khóc thét lên: “Anh Hai, anh Hai đi mất rồi”. Tôi bước đi theo đoàn quân, tiếng khóc của Kha cứ vọng theo không chỉ chiều hôm đó, mà như tiếng gọi quê nhà văng vẳng nhiều năm tháng sau…

Hồ Chí Minh, ngày 23 tháng 5 năm 2020
T.Q.P

--------

1. Đồng chí Nguyễn Lầu, Liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang, nguyên Thường vụ Tỉnh Ủy, Chính trị viên tỉnh đội Phú Yên.

2. Đồng chí Tô Nào, Liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang, nguyên Đại đội trưởng Bộ đội địa phương Phú Yên.