Thứ Hai, 21/04/2025 15:49

Kí ức người chỉ huy xe tăng 390 về giây phút lịch sử ngày 30/4/1975

Ngày 30/4/1975 là một ngày hội lớn của cả dân tộc Việt Nam, kí ức của người cựu chiến binh húc đổ cổng Dinh Độc lập lại đau đáu nghĩ về những người đồng đội đã ngã xuống (Thực hiện: NGUYỄN VĂN HẢI)

Sáng 30/4/1975, trong đội hình Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn xe tăng 203, Quân đoàn 2, chiếc xe tăng mang số hiệu 390 do Trung úy Vũ Đăng Toàn chỉ huy đã trở thành một phần biểu tượng bất tử của lịch sử dân tộc khi húc tung cánh cổng chính Dinh Độc Lập mở toang cánh cửa dẫn đến sự sụp đổ hoàn toàn của chính quyền Sài Gòn.

Tôi đã gặp cựu chiến binh Vũ Đăng Toàn tại nhà riêng của ông ở thôn Thượng Bì, xã Yết Kiêu, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương vào những ngày cả nước đang chuẩn bị cho lễ kỉ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Với mái tóc bạc trắng, khuôn mặt tươi vui, phong cách giản dị, gần gũi, tôi không ngờ đây chính là người chiến sĩ giải phóng quân dũng cảm ngày nào đã cùng đồng đội tiến vào Dinh Độc Lập, bắt toàn bộ nội các ngụy phải đầu hàng vô điều kiện. Ông chính là một trong những nhân chứng quan trọng trong thời khắc lịch sử thiêng liêng của dân tộc ta. Bên chén trà, ông tự hào chia sẻ về thời khắc lịch sử thiêng liêng và ý nghĩa nhất của cuộc đời ông cũng như những đồng đội cùng tham gia chiến đấu trong ngày 30/4/1975.

Người chỉ huy xe tăng húc đổ cổng Dinh độc lập  30/4/1975 chụp hình cùng tác giả bài viết.

Với giọng chậm rãi, chắc nịch, ông Toàn hồi tưởng: “Sáng hôm đó, xe tăng 390 của chúng tôi gồm lái xe là Trung sĩ Nguyễn Văn Tập, pháo thủ số 1 Ngô Sỹ Nguyên, pháo thủ số 2 kiêm phó đại đội trưởng kĩ thuật là Thiếu úy Lê Văn Phượng và tôi là trưởng xe. Sau một đêm hành quân từ căn cứ Nước Trong, chúng tôi vượt qua cầu Sài Gòn giữa làn mưa bom, bão đạn. Địch dùng đủ loại hỏa lực từ máy bay, tàu chiến dưới sông và xe tăng M48, M113 để chặn quân ta. Cầu Sài Gòn trở thành điểm nóng, nhiều xe bị cháy, nhiều đồng đội hi sinh, nhưng chúng tôi không lùi bước”.

Trước tình thế cấp bách, ban chỉ huy đại đội họp gấp ngay tại chiến trường gồm Trung úy Bùi Quang Thận (Đại đội trưởng, trưởng xe 843), Thiếu úy Lê Văn Phượng và Trung úy Vũ Đăng Toàn để quyết định tổ chức lại đội hình. 5 xe tăng đi sau yểm trợ cho 3 xe đi đầu mở đường. Chiếc xe 390 do ông Toàn chỉ huy đã bắn cháy hai xe thiết giáp M113 của địch tại ngã tư Hàng Xanh rồi tiếp tục tiến nhanh về hướng Dinh Độc Lập. “Chúng tôi được ông Bùi Văn Tùng, Chính ủy Trung đoàn 203, dặn kĩ từ trước: qua cầu Sài Gòn rẽ trái ở ngã tư Hàng Xanh, đi tiếp bảy ngã tư nữa, rẽ trái là đến Dinh. Khi xe tôi đi nhầm vài chục mét vào đường Nguyễn Thị Minh Khai thì thấy Dinh phía đối diện nên lập tức quay đầu trở lại. Đúng lúc ấy, xe tăng 843 của Trung uý Bùi Quang Thận từ đường Lê Duẩn tới trước, lao vào cổng phụ bên trái nhưng bị mắc kẹt tại cổng. Xe 390 của chúng tôi nhanh chóng áp sát cổng chính. Thấy xe 843 dừng lại, lái xe Nguyễn Văn Tập hỏi: “Thế nào anh Toàn?”. Tôi dứt khoát ra lệnh “Tông thẳng vào!” và ngay lập tức anh Tập nhấn ga, chiếc xe 390 húc tung cánh cổng chính, tiến thẳng vào sân Dinh”. Ông Toàn cũng là người được giao trọng trách cầm cờ để cắm trên nóc Dinh Độc lập, nhưng khi bước ra khỏi xe thấy Trung uý Thận cầm cờ chạy vào Din nên ông chỉ cầm AK để yểm trợ cho trung uý Thận. Hai người vào đến phòng chính thì gặp Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, phụ tá của Tổng thống Dương Văn Minh ra đón và lễ phép nói: “Tổng thống đang chờ các ông đến để bàn giao chính quyền”. Ông Toàn yêu cầu dẫn đường lên lầu cắm cờ. Ông Nguyễn Hữu Thái tình nguyện đưa anh Thận lên nóc Dinh, còn ông Toàn cùng các chiến sĩ dồn toàn bộ nội các chính quyền Sài Gòn vào phòng khánh tiết. Pháo thủ Ngô Sỹ Nguyên đứng gác cửa, lái xe Tập ở lại trông xe tăng, còn Thiếu úy Phượng điều chỉnh khẩu 12.7mm trên nóc xe chĩa thẳng về phía lá cờ, yểm hộ cho đồng đội.

Không lâu sau, Đại úy Phạm Xuân Thệ, Trung đoàn 66, cũng tiến vào, tiếp đến là Trung tá Bùi Văn Tùng. Khi Dương Văn Minh cúi đầu nói: “Chúng tôi chờ các ông đến để bàn giao…”, Trung tá Tùng đã thẳng thắn tuyên bố: “Các ông là những người bại trận, không có gì để bàn giao, mà phải đầu hàng vô điều kiện!” Chiến dịch kết thúc trong tiếng reo hò của quân dân. Lá cờ cách mạng tung bay trên nóc Dinh vào trưa 30/4, một thời khắc lịch sử toàn thắng của dân tộc. Ông lặng người, xúc động: “Khi chúng tôi đánh chiếm xong Dinh Độc Lập, mọi người ôm trầm lấy nhau, nước mắt ai cũng chảy tràn trên khuôn mặt, vì quá đỗi sung sướng. Tôi nghĩ, thế là hòa bình rồi… mình có thể sống để trở về với vợ con, quê hương và gia đình”

Ông Vũ Đăng Toàn cùng vợ đang xem lại bức ảnh tư liệu quý giá khi ông cùng đồng đội bắt sống Ban Nội các nguỵ quyền Sài Gòn.

Ngày 30/4/1975 thực sự là một ngày hội lớn của cả dân tộc Việt Nam. Cờ hoa ngập tràn trên khắp các con phố Sài Gòn, bộ đội và nhân dân hòa chung niềm vui chiến thắng. Nhân dân tại Sài Gòn tươi cười, phấn khởi tặng hoa, ôm lấy bộ đội mà khóc, những giọt nước mắt hạnh phúc sau bao năm chờ đợi.

Gần nửa thế kỉ trôi qua, kí ức về Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử vẫn luôn sống động trong tâm trí người chỉ huy xe tăng năm xưa. Chính những kí ức thiêng liêng ấy đã trở thành nguồn động lực giúp ông Toàn không ngừng vươn lên trong cuộc sống đời thường. Trở về với đời sống bình dị, ông tiếp tục tham gia các hoạt động xã hội, không ngừng lan tỏa hình ảnh cao đẹp và những giá trị nhân văn sâu sắc của Bộ đội Cụ Hồ. Hình ảnh người chỉ huy xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập anh dũng năm nào nay vẫn tiếp tục được khắc ghi, không chỉ trong trang sử dân tộc, mà còn trong lòng người dân với sự yêu quý và kính trọng sâu sắc.

NGUYỄN VĂN HẢI