Thứ Hai, 10/08/2020 00:15

Không được “Giải thiêng” lịch sử để hạ thấp lịch sử!

Gần đây người ta hay nhắc đến hai chữ “giải thiêng” như là một thứ mốt thời thượng, thực ra khái niệm này ra đời trong khuynh hướng hậu hiện đại phương Tây đã lâu nhưng ở ta đang có hiện tượng lạm dụng. (NGUYỄN THANH)

. NGUYỄN THANH

Gần đây người ta hay nhắc đến hai chữ “giải thiêng” như là một thứ mốt thời thượng, thực ra khái niệm này ra đời trong khuynh hướng hậu hiện đại phương Tây đã lâu nhưng ở ta đang có hiện tượng lạm dụng.

“Giải thiêng” gắn liền với nhu cầu nhận thức lại, nghĩa là đánh giá lại một hiện tượng nào đó trên cơ sở phân tích, bàn luận một cách khoa học, nghiêm túc. Nếu đáng “giải thiêng” thì phải “giải thiêng” chứ không thể nói ngược, xóa bỏ tính thiêng của thần tượng đã được lịch sử khẳng định. Gần đây có một vài văn nghệ sĩ có dụng ý không hay là “hạ bệ” (cũng là giải thiêng) Anh hùng Võ Thị Sáu, một thần tượng của ngay kẻ thù là thực dân Pháp và tay sai. Thế là “nói ngược” để gây chú ý. Mấy năm trước rộ lên “phong trào” viết về Cải cách ruộng đất, nhất là trong tiểu thuyết. Đó là chủ đề đáng viết vì là một ký ức lịch sử. Nhưng cái đáng bàn là lẽ ra phải phân tích cái được cái mất, cái hạn chế, cái tích cực, bài học và ý nghĩa lịch sử, ý nghĩa nhân văn…thì có tác giả lại thích thú đi sâu vào cái sai lầm, cái bi tạo ra cảm giác nặng nề về ý nghĩa cách mạng của cuộc Cải cách lịch sử này. Trước đó nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã “giải thiêng” Hoàng đế Quang Trung, chung quanh chuyện này đã tạo ra tranh luận: đọc văn phải khác đọc sử. Sẽ chẳng đi đến đâu nếu không có cái nhìn chung, nhất quán. Nhà văn có quyền hư cấu nhưng chỉ nên hư cấu trên nền sự thật, nghĩa là Quang Trung là anh hùng thì có thể tưởng tượng thêm những tính cách mới nhưng vẫn phải để người đọc thấy đó là anh hùng Quang Trung. Ngược lại, hư cấu ít mà lại “giải thiêng” làm méo mó thần tượng thì cũng là đáng trách. Trường hợp Nguyễn Huy Thiệp là như vậy, dĩ nhiên ta vẫn khẳng định ông là nhà văn tài năng. Gần đây hơn, Nguyễn Quang Thân trong “Hội thề” cũng đi vào “lối mòn” cũ khi xây dựng thần tượng Lê Lợi với những “tiểu khí” nhỏ nhen, thô lỗ, cuồng sát…còn Nguyễn Trãi lại quá yếu đuối, nhu nhược. Trong khi đó tướng giặc xâm lược lại có vẻ nghĩa hiệp và hào hiệp…Thật không đúng với lịch sử! Tác dụng giáo dục của văn chương liệu có còn khi có những chi tiết như thế trong văn học. Từ góc nhìn này ta thấy Võ Thị Hảo trong “Giàn thiêu” cũng sai sót khi “giải thiêng” nhân vật huyền thoại Từ Đạo Hạnh vốn đã được tôn thờ trong tâm thức dân gian.

Bi kịch lịch sử luôn là đề tài hấp dẫn, mời gọi những cách lý giải mới, nhưng không nên “nói khác” lịch sử. Gần đây hình tượng Anh hùng Nguyễn Trãi cùng vụ án Lệ Chi viên hay được khai thác, tiếc rằng có tác giả mải mê theo môtip “giải thiêng” làm méo mó hình ảnh thần tượng. Đó là trường hợp “Vạn Xuân” (của Yveline – nữ văn sĩ Pháp) miêu tả Nguyễn Trãi làm tình rất bản năng với một gái làng chơi. Bản năng tính dục thì ai cũng có, nên có thể hư cấu nhưng với “gái làng chơi” là khó chấp nhận, lại theo kiểu “hùng hổ” như “xé xác một con chim non” thì quả không đúng với con người Nguyễn Trãi đại nhân, đại trí với tầm văn hóa đi trước thời đại. Tương tự, tác giả Nguyễn Thúy Ái trong “Trở về Lệ Chi viên” miêu tả một Nguyễn Trãi tầm thường với chuyện giường chiếu, một Thị Lộ xảo quyệt, đầy ham hố dục tính, lăng nhăng…thì là những chuyện “phản lịch sử”.

Có thể kể thêm một số truyện ngắn của Trần Vũ, như trong “Mùa mưa” đã “giải thiêng” anh hùng Nguyễn Huệ qua chuyện chăn gối với Ngọc Hân, rồi trong “Gia phả” là “hạ bệ” Trần Thủ Độ với bản tính cuồng dâm, thô bạo…(1).

Ảnh minh họa.

Phần lớn nguyên nhân những sai sót trên là thuộc về quan niệm chứ không phải kỹ thuật hay tri thức. Sẽ là khoa học, là chân lý và công lý như chỉ “giải thiêng” những nhân vật lịch sử nào bị nhìn nhận sai lệch, bản chất là xấu nhưng lại được đánh giá là tốt, rồi vạch ra công tội rõ ràng. Hẳn nhiên văn học khác sử học, một là nghệ thuật hình tượng, một là số liệu, dữ liệu. Nhưng giữa văn và sử có một nét chung, văn học là khoa học về con người, mà lịch sử, xét đến cùng cũng là con người. Chân lý nghệ thuật không đồng nhất nhưng thống nhất với chân lý lịch sử, thống nhất ở chỗ đều lấy con người làm mẫu số chung. Làm méo mó lịch sử, tức là làm méo mó con người, và ngược lại! Trung thực với lịch sử là trung thực với con người, nhất là với các vĩ nhân thì thật đáng kính, đáng trọng vì họ đã trở thành một biểu tượng văn hóa. Làm tổn thương biểu tượng cũng là làm tổn thương bạn đọc!

Nguyên nhân của việc “giải thiêng lịch sử” là do lạm dụng lý thuyết nước ngoài.

Chúng ta đã và đang tiếp thu các lý thuyết nước ngoài hiện đại, phù hợp để làm giàu có thêm gia tài văn hóa. Các hướng nghiên cứu Thi pháp học, Tự sự học, Phê bình văn hóa, Phê bình sinh thái, Phê bình nữ quyền…do tương thích với cơ sở xã hội và văn học mà tạo ra những dấu ấn mới mẻ, tích cực ở cả sáng tác và nghiên cứu. Nhưng cũng có những khuynh hướng không lành mạnh thiếu kiểm chứng chặt chẽ mà tạo ra những hiệu ứng không như mong đợi. Chúng tôi muốn đề cập tới khuynh hướng hậu hiện đại ảnh hưởng vào nước ta đã mấy chục năm, tạo ra nhiều cuộc tranh luận nhưng vẫn chưa có kết luận rốt ráo nhất về tích cực và hạn chế, cái được và chưa được trong sáng tác, nghiên cứu và tiếp nhận. Ở đây xin đưa ra cái nhìn về hậu hiện đại ở một vài phương diện có biểu hiện cụ thể nhất chứ không dám đánh giá một cách bao quát, đầy đủ - việc làm của một công trình dài hơi, công phu.

Khái niệm hậu hiện đại ra đời trong lòng các nước tư bản phát triển những năm giữa thế kỷ XX, nở rộ vào những năm cuối thế kỷ. Nó có cơ sở xã hội và ý thức là khi xã hội bước vào thời kỳ hậu công nghiệp, văn minh tin học bùng nổ, internet kết nối toàn cầu thành một cái làng, chủ nghĩa kỹ trị lên ngôi...từ đó dẫn tới khủng hoảng niềm tin, con người hoài nghi cả Thượng đế (không cần Chúa vẫn có thể tạo ra những điều kỳ lạ). Con người không điều khiển ngôn ngữ mà ngược lại, ngôn ngữ lại điều chỉnh người. Dần dần một số nhà nghiên cứu khái quát thành lý thuyết với quan niệm về con người dị thường, ảo giác hoá, con người sống trong hoài nghi, hư vô, bi quan, phi lý...Tương ứng với quan niệm này là cả một hệ thi pháp hậu hiện đại, như chủ đề phi trung tâm, không bản chất, sáng tác ngẫu hứng, lắp ghép, phân mảnh...Hình tượng mang tính phi lý. Tình tiết chồng chéo. Ngôn ngữ là một trò chơi... Một nhà nghiên cứu nước ngoài nhận xét, có thể là cực đoan nhưng phần nào giúp bạn đọc hình dung rõ hơn về mặt hình thức của hậu hiện đại, thì tác giả cầm một cái bình pha lê đập mạnh xuống sàn gạch, mảnh vỡ tung toé!!! Đấy là “sáng tác” hậu hiện đại.

Hậu hiện đại không phải là một “thành tựu” mà chỉ là một đặc điểm của văn học phương Tây hiện đại. Đó là một thế giới đa cực, phi trung tâm, bế tắc, mất phương hướng nên tất nhiên dẫn tới quan niệm “cái chết của chủ thể”, “cái chết của hiện thực”, “cái chết của đại tự sự” (vì phân mảnh mất rồi), “cái chết của văn học”...Do vậy hậu hiện đại hay đi vào những “dị biệt” với điên dại, hoang tưởng, vô thức, dục tính, đồng tính, trầm cảm, tự hành xác...Đóng góp của hậu hiện đại chỉ nên tiếp thu những thành quả nghệ thuật như thủ pháp giễu nhại, phi tuyến tính hóa không gian, thời gian, lối trần thuật ghép mảnh...tạo cho văn bản tính chất đa điểm nhìn, nhiều tầng nghĩa...Nhưng nghệ thuật như một sinh mệnh thống nhất hữu cơ nội dung và hình thức, tiếp thu hình thức cũng đã bao hàm tính nội dung rồi. Điều này lý giải có những văn bản mới mẻ về hình thức nhưng lại mang một nội dung thiếu lành mạnh. Do vậy mà càng phải hết sức thận trọng.

“Hoàn cảnh hậu hiện đại” ở phương Tây hoàn toàn khác với cơ sở xã hội nước ta chưa nói tới sự không phù hợp với bản sắc Việt từ ngàn năm nay với chủ nghĩa yêu nước “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, tình thương, trân trọng, quý mến con người “Một mặt người bằng mười mặt của”, tinh thần lạc quan “Còn da lông mọc còn chồi nẩy cây”. Không phù hợp với tính cách Việt ý nhị, tinh tế, kín đáo...Do vậy ứng dụng không chọn lọc dứt khoát sẽ có sự khập khiễng.

Xin trích ra một đoạn văn hậu hiện đại: “Úi a…sao mà nhức nhối ui… Còn mình thì đếk bít dòng rõi dòng rọc nhà lào chỉ biết nhà mình trồng thuốc lào cái rằng là quê iem ở Tiên Lãng, Hải Phòng, ơi, mịa mấy lâu mọi người vẫn đố nhau xem thành phố tỉnh thành lào là mạnh về cái khoản ấy nhất cho nên chúng nó lục tìm trong các bài hát tìm hỉu thế là thằng Hà Nội thủ đô oách nhất, tự nhận là mình kinh nhất với dẫn chứng “kìa nòng pháo vẫn vươn lên trời cao” ui chao thế cũng là oách lắm roài đủ sung sướng cho chị em lắm cơ nhưng mờ vữn đếk bằng Hải Phòng quê mình đâu nha: “Hải Phòng đó… hiên ngang chỉ biết ngẩng đầu…” (3.3.3.9 [Những mảnh hồn trần]). Một đoạn văn nhại, giễu, phản cú pháp, lắp ghép…rất “hậu hiện đại” phù hợp với tính “giải thiêng”. Không phủ nhận khuynh hướng này đã làm “lạ hóa” (nhưng có thể chưa mới) thêm sắc màu của bức tranh văn học, trên thực tế có những tác phẩm gây tranh luận, hấp dẫn độc giả. Nhưng đến hôm nay nhìn lại quả là “hậu hiện đại” lợi có mà dở cũng nhiều. Ngay ở mục trên đã đề cập thì “thông tục hóa thị hiếu thẩm mỹ” chính là một biểu hiện của hậu hiện đại. Và không chỉ có một “hậu hiện đại”, rồi còn “hậu-hậu hiện đại”, lại “hậu thực dân”…, liệu có được ứng dụng? Ý của chúng tôi là chúng ta tiếp thu thành quả văn hóa nhân loại nhưng phải chọn lọc cái tiến bộ phù hợp với văn hóa Việt, tính cách Việt.

Tiếp thu để làm giàu văn hóa nước mình chứ không thể chạy theo thiên hạ. Đến hôm nay ở phương Tây hậu hiện đại đã lạc hậu nhường chỗ cho siêu hiện đại (metamodernism), hay còn gọi là hậu-hậu hiện đại (post-post modernism). Chạy theo thì mãi đi sau, phải có cái gì của riêng mình. Tiếp thu bên ngoài chỉ là cành lá, bản sắc dân tộc mới là gốc. Gốc vững thì cành lá mới có điều kiện quang hợp ánh sáng của bầu trời văn hóa nhân loại để kết trái thơm tác phẩm.

Giải pháp nào để khắc phục?

Đã mấy chục năm nay chúng ta chưa có thành tựu nào mang tính đột biến mới mẻ như ở giai đoạn Đổi mới. Tình trạng nhàn nhạt, quanh quẩn với những đề tài tình yêu, tình dục, tiêu cực xã hội, tha hóa tính người…không sâu sắc, thiếu tính tư tưởng…dẫn tới tình trạng bạn đọc xa dần văn học nghệ thuật. Những điều này đã được nói nhiều. Tự thân nội dung vấn đề đã trình bày trên cũng đã cho thấy hướng khắc phục, để rõ hơn, thiển nghĩ xin lưu ý.

Một là, rất cần tôn trọng sự tự do sáng tạo nhưng phải đặc biệt quan tâm việc bồi dưỡng tư tưởng chính trị, quan điểm, lập trường cho văn nghệ sỹ. Văn học là vấn đề tư tưởng. Lá cành của cây xanh nhà văn phải luôn quang hợp ánh sáng lý tưởng cách mạng, nếu không cây sẽ bị héo và quả sẽ sài đẹn. Lịch sử nghệ thuật cho thấy các nghệ sỹ lớn luôn tự do sáng tạo theo một xu hướng, trường phái nhất định. Sáng tạo theo tư tưởng Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là sáng tạo theo tinh thần nhân văn, tiến bộ, hoàn toàn hợp với quy luật tư tưởng và tình cảm của nghệ thuật. Tình cảm đúng đắn nhất, chân lý nhất là tự do sáng tạo vì mục đích vì nước vì dân, vì chủ nghĩa xã hội, độc lập dân tộc, dân chủ, giàu mạnh. Tư tưởng sẽ chuyển hóa để rồi trở thành máu thịt tác phẩm. Để có tư tưởng phải là quá trình lâu dài từ thấu hiểu (nhận thức) sâu sắc cuộc sống đến thấu cảm (tình cảm) vào hình tượng rồi truyền cảm (nghệ thuật) tới đối tượng tiếp nhận. Do vậy không chỉ làm hình thức, qua loa. Nếu đọc các bản thu hoạch cá nhân ở mỗi cơ quan văn nghệ sẽ thấy gần như giống nhau (?), trong khi đó tình cảm là lĩnh vực tinh thần tế vi, cá nhân, riêng biệt, làm gì có chuyện ai giống ai!?

Hai là, nên tổ chức các chuyến đi sâu, dài ngày vào thực tế, người nghệ sỹ sẽ được hiểu kỹ hơn một mảng đời sống, sẽ có những vui buồn thật sự, cảm thông và chia sẻ với người lao động. Nghệ sỹ chỉ có thể kiến trúc mô hình và xây dựng tác phẩm từ mô hình và chất liệu ngoài cuộc sống. Vai trò lãnh đạo của Hội chuyên ngành rất quan trọng, ngoài uy tín tài năng thì còn là tài tổ chức. Không chỉ là tổ chức trao đổi gặp gỡ, thăm hỏi, cơ bản hơn là tổ chức ra các khuynh hướng, các trường phái sáng tạo phù hợp với sự phát triển, từ đó tạo ra các tranh luận học thuật để nảy ra các tư tưởng nghệ thuật mới. Các nền văn học lớn đều có các trường phái vừa thống nhất, kế thừa, giao thoa vừa tranh biện, bổ sung, loại trừ để cùng phát triển. Văn hay dở là do người viết. Hiện nay các triết học trên thế giới đang rất đề cao chủ thể, vấn đề “mỹ học chủ thể” được nói đến nhiều. Nghĩa là coi tác giả mang tính quyết định chất lượng tác phẩm. Nghệ thuật là cái riêng, đơn nhất nên luôn cần đến tài năng. Phát hiện, bồi dưỡng, nuôi dưỡng tài năng thế nào chưa được quan tâm đúng mức. Rồi vốn sống, vốn tri thức văn hóa của nhà văn luôn được coi là vấn đề gốc để cây nhà văn cường tráng khỏe mạnh mà kết thành quả tác phẩm giàu chất bổ dưỡng? Vốn sống không chỉ loanh quanh trong một địa phương, ngành nghề mà phải vươn ra khắp miền Tổ quốc, nơi Trường Sa sóng vỗ, nơi biên giới ngàn trùng. “Sống đã rồi hãy viết” (Nam Cao). Có cách tổ chức nào để các văn nghệ sĩ được sống, hít thở, đập cũng nhịp đập trái tim của Tổ quốc mọi nơi, mọi lúc…?!

Ba là, luật hóa xuất bản, thể chế hóa dưới luật một cách cụ thể về trách nhiệm để tránh đăng tải những văn hóa phẩm kém chất lượng.

Bốn là, tăng cường hơn nữa sự định hướng của các cơ quan quản lý (vụ, hội đồng) và tiếng nói chuyên môn, chuyên gia cao (viện, trường đại học). Những nơi đó đóng vai trò vừa là cánh tay nối dài của Đảng vừa là ngôi nhà chung, là điểm tựa của văn nghệ sỹ về tư tưởng, tình cảm, nghiệp vụ đồng thời là sự khẳng định có trọng lượng học thuật cao nhất về các hiện tượng. Như một lẽ tự nhiên, văn chương phải có người đọc nên nhiều nước phát triển có chiến lược bồi dưỡng các thế hệ độc giả, gọi chung là “mỹ học tiếp nhận”. Có tác phẩm hay nhưng bạn đọc thờ ơ vì không hiểu, không hợp thị hiếu thì thật phí. Nhiều nhà văn nổi tiếng thế giới đều có đối tượng độc giả riêng là vì thế. Có nhà văn ở ta chưa chú ý tới bạn đọc dẫn tới sách chủ yếu vẫn nằm trên giá thư viện. Học lại lời Bác Hồ, trước khi cầm bút, người viết đặt câu hỏi “viết cho ai”!?

Năm là bên cạnh việc tiếp thu lý luận văn nghệ nước ngoài, cơ bản hơn cần có chiến lược nghiên cứu tiếp thu, kế thừa, phát triển lý luận văn nghệ của cha ông. Xin nhắc lại lời Bác Hồ, sáng suốt, sâu sắc, tinh tế vô cùng: “Muốn thấy hết cái hay, cái đẹp của nghệ thuật dân tộc ta, thì phải đừng bị trói buộc bởi những tiêu chuẩn này nọ của nghệ thuật phương Tây… phải dựa trên tiêu chuẩn của ta. Tiêu chuẩn ấy là gì? Đó là nền mỹ học ẩn chứa trong thực tiễn truyền thống nghệ thuật dân gian, dân tộc” (2). Chúng ta đang cố gắng làm giàu thêm lý luận văn học nghệ thuật bằng cách tiếp thu cái hợp lý của lý luận nước ngoài. Đấy là một hướng đi đúng. Nhưng thiết nghĩ, song hành với hướng đó và cơ bản hơn là phải đi sâu vào vốn cổ của ta để tìm tinh hoa lý luận truyền thống cha ông mà kế thừa, phát triển, nâng cao cho phù hợp với hôm nay. Bởi lý thuyết nước ngoài bao giờ cũng có độ vênh lệch, chưa nói đến có sự áp đặt, khiên cưỡng. Mỹ học của cả một nền văn học dân gian rồi văn học trung đại là cả một kho vàng tư tưởng còn chìm trong các sáng tác văn chương. Chỉ có điều phải bỏ công tìm tòi suy ngẫm bởi chúng ẩn sâu trong các hình tượng thẩm mỹ chứ không hiển hiện triết lý khô cứng ra bên ngoài. Chỉ xin đề cập tới một Nguyễn Trãi mà chúng tôi tìm hiểu đã thấy ở nhà tư tưởng lớn này cũng có hẳn một hệ mỹ học riêng với: tư tưởng mỹ học về con người văn hóa; về thiên nhiên; về phạm trù cái đẹp; một quan niệm sứ mệnh nghệ thuật vì con người; quan niệm hiện đại về quy luật vận động đặc thù của nghệ thuật; một mỹ học chủ thể; một mỹ học tiếp nhận (3). Không chỉ ở Nguyễn Trãi mà còn cả một kho tàng mỹ học mà cha ông đã học tập, tiếp thu, kế thừa, kết tinh, phát triển và nâng cao một cách tuyệt vời mỹ học truyền thống, thể hiện tinh tế trong trước tác. Đó là cả một mỏ vàng mà hậu thế chúng ta phải tìm tòi, khai thác, tinh luyện. Truyền thống lý luận của ta, ngoài những hiển ngôn trên văn bản còn thường thể hiện dưới dạng tác phẩm, mà ngay ở thời hiện đại cũng có, ví như câu thơ hay của Phạm Tiến Duật: “Cây cúc đắng quên lòng mình đang đắng/ Trổ hoa vàng dọc suối để ong bay”. Phải chăng còn có ý về chủ thể sáng tạo: nghệ sỹ phải quên mình, làm mới mình để sáng tạo. Tác phẩm nghệ thuật phải có chức năng làm đẹp và nuôi dưỡng sự sống…!?

N.T

------

(1) Về vấn đề này xin xem cụ thể trong Cần thận trọng khi “giải thiêng” nhân vật lịch sử, một bài viết hay của Phạm Thị Thanh Phượng – Văn nghệ Quân đội, số 872, 7/2017).

(2) Mịch Quang. Khơi nguồn mĩ học dân tộc. Nxb Chính trị Quốc gia 2004, tr. 8-9

(3) Xin xem Nguyễn Thanh Tú: Ba tiếng cười trào phúng trong văn học Việt Nam (Nguyễn Trãi-Nguyễn Bỉnh Khiêm-Nguyễn Khuyến). Nxb Hội Nhà văn 2017 và Nguyễn Thanh Tú: Nguyễn Trãi-Tư tưởng mỹ học mang giá trị văn hóa Việt Nam đặc sắc, độc đáo, đi trước thời đại. Tạp chí Thơ, số 1, 2- 2017.