Thứ Hai, 13/07/2020 15:05

Khơi dòng văn hóa từ quá khứ

Là người mang dòng máu lai Pháp – Việt, tác giả đã có được vị trí ở cả bên trong và bên ngoài để quan sát một vùng không gian văn hóa Việt Nam đang có chuyển biến lớn lao.

Nhằm gợi mở và chia sẻ kiến thức, những quan điểm cá nhân về nền văn hóa, sự kiện “Khơi dòng văn hóa nghệ thuật thế kỉ XIX – XX – XXI” tổ chức vào ngày 11/7 tại Viện Pháp Hà Nội với sự tham gia của 3 diễn giả Dịch giả Lê Đức Quang, Nhà nghiên cứu Trần Đình Hằng và Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng xoay quanh cuốn “Hồi ức về kinh thành Huế đầu thế kỉ XIX” của tác giả Michel Đức Chaigneau.

Ba diễn giả tại buổi tọa đàm.

Chào đời và lớn lên tại Kinh thành Huế trong 20 năm đầu của thế kỉ XIX dưới hai triều đại nhà Nguyễn, trị vì bởi vua Gia Long và vua Minh Mạng, Michel Đức Chaigneau (1803 – 1894) – một nhân chứng, tác giả của cuốn hồi kí “Hồi ức về kinh thành Huế đầu thế kỉ XIX” là người mang dòng máu lai Pháp – Việt, đã có được vị trí ở cả bên trong và bên ngoài để quan sát một vùng không gian văn hóa Việt Nam đang có chuyển biến lớn lao.

Các diễn giả cho rằng, suốt tiến trình lịch sử Việt Nam, có ba lớp văn hóa chồng lên nhau: Văn hóa bản địa, văn hóa giao lưu giữa Trung Quốc và văn hóa giao lưu giữa phương Tây. Tuy nhiên, với nội tại mạnh mẽ, vững chắc, lớp văn hóa bản địa của Việt Nam không những không bị đồng hóa bởi văn hóa ngoại lai khi giao lưu mà trái lại còn được “chỉnh sửa”, Việt hóa các ảnh hưởng đó để làm giàu cho nền văn hóa dân tộc.

Sau nhiều tháng dịch hồi kí của M. Đức Chaigneau, dịch giả Lê Đức Quang chia sẻ ý kiến của mình: “Người xưa không còn, may mắn cho người đời là cảnh cũ vẫn còn: Kinh thành triều Nguyễn vẫn còn đó, những danh lam thắng cảnh đất Thần Kinh và kiến trúc vẫn còn đó. Dù không được toàn vẹn nhưng ngày nay vẫn còn, chúng ta có thể nỗ lực dõi theo con mắt người xưa để nắm và hiểu phần nào đó, như những dòng mô tả thật tỉ mỉ, chính xác về những ngôi nhà ở phố Bao Vinh chẳng hạn, với hai cửa hàng ở mặt tiền, với một lối đi xuyên suốt chiều dài của ngôi nhà. Nhưng cảnh phố thị nhộn nhịp người Việt người Hoa mà nay đã khác”.

Hồi kí như một thước phim tài liệu lịch sử không chỉ vẽ nên bức tranh về Huế xưa mà còn khắc họa sâu sắc quan hệ đa chiều và những đụng độ va chạm sau này trong mối bang giao Pháp – Việt đầy duyên nợ. Cho tới ngày hôm nay, nhiệm vụ của thế hệ mới là phải khơi lại dòng văn hóa nghệ thuật lịch sử còn lại thể hiện cho sự phát triển đầy đặc biệt về bang giao, là biểu trưng cho tình hữu nghị bền chặt của hai nước. Giống như M.Đức Chaigneau đã làm trước kia bằng cuốn hồi kí mới được Lê Đức Quang (một trong 3 diễn giả) vừa dịch.

Buổi tọa đàm không chỉ xoay quanh việc khơi dòng văn hóa từ quá khứ mà còn hướng tới sự bảo tồn di tích tại Cố đô trong tương lai. Do đó, Ban tổ chức tiến hành đấu giá hai ấn bản trúc chỉ để ủng hộ cho Quỹ Văn hóa Huế. Hai ấn bản trúc chỉ “Hồi ức về kinh thành Huế đầu thế kỉ XIX” được họa sĩ Phan Hải Bằng tạo tác.

Ấn bản đầu tiên, có bìa phác họa cổng Hiển Nhơn được bán với giá 32 triệu đồng. Ấn bản thứ hai có bìa trúc chỉ từ bức họa của công trình kiến trúc Hiển Lâm Các có giá trị lên tới 35 triệu đồng. Trong thời gian tới, một ấn bản nữa cũng được bán đấu giá tại Huế để tiếp tục ủng hộ cho Quỹ Văn hóa Huế, phục vụ cho công tác duy tu, bảo tồn hệ thống di sản của Cố đô.

Trúc chỉ là danh từ để định danh một loại hình giấy - nghệ-thuật, nghệ thuật -giấy mới của Việt Nam. Nghệ thuật Trúc chỉ khởi phát từ ý niệm mang đến cho “giấy” một khả năng mới: thoát khỏi thân phận làm "nền" cho các thao tác sáng tạo khác, để trở thành một tác phẩm nghệ thuật tự thân, độc lập.

 

THANH TÙNG