Chủ Nhật, 04/07/2021 00:48

Khi ấy, chúng ta sống với ai?

Ngày 25/4, hàng trăm người yêu văn chương cả nước hội tụ về Hà Nội để tham dự một sự kiện có tên là Hội Quán Chiêu Văn... (NGUYỄN THÚY QUỲNH)

. NGUYỄN THÚY QUỲNH
 

1. Ngày 25/4, hàng trăm người yêu văn chương cả nước hội tụ về Hà Nội để tham dự một sự kiện có tên là Hội Quán Chiêu Văn. Được thành lập 3 năm trước bởi một nhóm facebooker, Quán Chiêu Văn hiện là một trong các diễn đàn văn chương lớn và có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội tại Việt Nam, với hơn 31 nghìn thành viên, gồm những người Việt đang sinh sống, lao động và học tập ở hơn 70 nước trên thế giới. Rất nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà báo là những tác giả đã thành danh, được đông đảo công chúng biết đến như: Nguyễn Thị Thu Huệ, Văn Công Hùng, Sương Nguyệt Minh, Đỗ Bích Thuý, Đoàn Văn Mật, Bình Nguyên Trang, Phạm Thuỳ Vinh, Hoàng Anh Tuấn... Họ đang là những thành viên tích cực của diễn đàn này.

Từ khi thành lập đến nay, Quán Chiêu Văn đã tổ chức 19 cuộc thi sáng tác văn học với những quy mô khác nhau, xuất bản hàng chục đầu sách, có hàng trăm tác phẩm của thành viên được đăng tải trên báo chí văn nghệ trong và ngoài nước. Không chỉ hoạt động văn chương, Quán Chiêu Văn còn tổ chức các hoạt động xã hội từ thiện rất tích cực và hiệu quả. Theo nhà báo Trịnh Đình Nghi (thành viên sáng lập), diễn đàn Quán Chiêu Văn hoạt động trên nguyên tắc tự do, tự nguyện. Mọi người tham gia giao lưu, trao đổi, học tập đều bình đẳng, đọc cũng là cống hiến; các thành viên tôn trọng lẫn nhau và cùng được tôn trọng. Việc tham gia, đóng góp xây dựng đều được chung tay trên nền tảng tình yêu văn chương, sự thân thiện và tự nguyện. Chính vì là một sân chơi tự nguyện nên việc quản trị và vận hành mọi hoạt động đều đề cao tính thân thiện và ý thức cộng đồng, văn hoá ứng xử và tinh thần cống hiến.

 

2. Tôi vừa có một chuyến du ngoạn đến tỉnh Gia Lai. Nhờ sự kết nối của nhà thơ Văn Công Hùng mà tôi gặp gỡ một nhóm nữ tác giả trẻ ở đây. Đã quen với tuổi tên của họ trên báo chí văn chương như Ngô Thị Thanh Vân, Hoàng Thanh Hương, Lê Thị Kim Sơn, Lê Vi Thủy, Đào An Duyên, Trương Thị Chung… nhưng khi gọi tên họ trong một danh sách thì mới ngỡ ngàng: Ôi! Gia Lai từ khi nào và bằng cách nào, có một đội ngũ nữ tác giả trẻ đông đảo làm vậy? Vì hoạt động trong lĩnh vực văn học nghệ thuật địa phương nên chúng tôi hiểu, có được một cây bút trẻ ở địa phương luôn là chuyện khó khăn. Thế mà có cả một đội ngũ trẻ, lại là nữ thế kia thì đáng nể lắm chứ.

Mỗi người mỗi nét, sự thành công trong nghề viết có khác nhau nhưng đồng điệu ở tình yêu, thái độ và cách thức họ sống với văn chương. Khi làm Tổng biên tập Báo Văn nghệ Thái Nguyên tôi thường nhận được bài vở do Lê Thị Kim Sơn gửi về, nhưng là của các tác giả khác, kèm theo những lời nhắn như “Em có bài của bạn này, chị xem có dùng được không ạ”, “Em gửi chị xem giúp bài của bạn… ạ”. Sau mới biết cô thường giúp đỡ nhóm bạn viết của mình, và những người khác trong nhóm cũng như vậy. Họ gắn bó với các nhà văn lớp trước để học hỏi bằng thái độ cầu thị chân thành. Họ chia sẻ các địa chỉ văn chương, họ giúp nhau tìm đến các nhà xuất bản để hợp tác phát hành, tìm đến các cuộc thi văn học có uy tín để thử sức. “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau”, tôi nhớ có một câu danh ngôn như vậy. Bằng sự gắn kết và chia sẻ đầy thương mến, các tác giả nữ trẻ Gia Lai đã cùng nhau vượt qua ranh giới vùng miền để đến với đời sống văn chương nước nhà.

 

3. Trở về từ Gia Lai, tôi lập tức bị cuốn vào sự kiện giải thưởng cuộc thi thơ 2019-2020 của Báo Văn nghệ và bài thơ Mẹ tôi chửi kẻ trộm. Xin không mô tả lại chi tiết sự kiện này vì chắc ai cũng biết. Có thể nói với nhau rằng, chùm thơ của tác giả Tòng Văn Hân, trong đó có bài thơ Mẹ tôi chửi kẻ trộm chưa xứng đáng được xướng tên ở ngôi cao nhất của một giải thưởng văn chương uy tín bậc nhất của đất nước. Vì lí do nào đó, Ban giám khảo cuộc thi đã không đưa ra được một quyết định khiến cộng đồng văn chương nể phục. Vì thế, kết quả cuộc thi vừa được công bố đã làm bùng lên sóng gió dư luận. Nhưng cách thức ứng xử của giới văn chương chúng ta xung quanh quyết định của Ban giám khảo mới là điều đáng bàn ở đây.

Từ sự kiện này, có rất nhiều ứng xử kì quặc của chính hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và các nhà văn trong nước. Người mượn chuyện trao giải thơ để “thanh toán ân oán” với Hội Nhà văn và cá nhân khác. Người cay cú vì mình cũng dự thi mà không được giải, chửi toàn thể Ban giám khảo cho dù mới cách đây ít ngày họ vẫn coi ông chánh chủ khảo như vĩ nhân không thể thay thế ở vị trí Chủ tịch Hội. Người ngạo mạn với tâm thế cộng đồng đa số, giễu cợt bỉ bôi thơ của tác giả người dân tộc thiểu số. Người đáp trả bằng sự phản kháng quyết liệt, rằng nền thi ca các dân tộc thiểu số không chấp nhận có loại thơ như vậy. Người xướng tên ông tân Chủ tịch Hội và Hội đồng Thơ ra bắt chịu trách nhiệm dù chẳng mấy liên quan. Đằng sau mỗi người như thế là những đám đông hùng hậu, cổ vũ nhiệt tình.

Sự việc còn bị đẩy đi rất xa, từ lĩnh vực chuyên môn sang lĩnh vực đạo đức xã hội, khi có đến hai nhà văn chế bài thơ Mẹ tôi chửi kẻ trộm thành hai bài thơ khác, lấp lửng về thời điểm ra đời, khiến cộng đồng mạng bị lừa mị, chụp lên đầu tác giả Tòng Văn Hân cái án “đạo thơ” đầy oan ức. Dư âm của sự kiện Mẹ tôi chửi kẻ trộm chắc không lâu vì thế giới mạng rồi sẽ chôn vùi nó - một hot trend - bằng những hot trend khác. Nhưng những vết thương tinh thần mà các nhà văn gây ra cho tác giả và cho nhau thì chắc còn lâu lắm mới xóa được.

 

4. Kết nối ba chuyện kể trên lại với nhau, trong đầu tôi cứ vang lên câu hỏi: “Vì đâu?” Vì đâu một cộng đồng mạng gồm những người viết nghiệp dư, thậm chí chỉ đọc thôi chứ không viết gì, lại tạo được những ảnh hưởng rộng lớn như vậy? Vì đâu 31 nghìn thành viên Quán Chiêu Văn lại đoàn kết như một, cùng nhau làm những việc tốt đẹp cho văn chương, cho chính họ và cho cuộc đời? Câu trả lời từ phía Ban quản trị diễn đàn là: “Vì tinh thần yêu văn chương, vì sự tôn trọng lẫn nhau và cùng được tôn trọng.” Vì đâu những cô gái trẻ miền đất Bazan xa xôi lại chăm chút cho nhau, lại gắn kết, sẻ chia cơ hội để cùng nhau mưu sinh và cùng nhau đi xa trên hành trình chữ nghĩa? Câu trả lời từ phía họ là: “Vì thương quý và trân trọng nhau.” Còn chúng ta, mỗi sự kiện văn chương gây ồn ào là một lần giới văn chương phô bày tất cả những khuyết tật đáng xấu hổ trong ứng xử với nhau và với công chúng. Chúng ta, những người mang danh văn nghệ sĩ, vì đâu lại hành xử tệ hại như vậy? Chúng ta luôn chê trách xã hội nhiễu loạn, đạo đức và văn hóa xuống cấp. Nhưng có ai nghĩ rằng những phát ngôn hồ đồ, những cuộc cãi vã nhục mạ lẫn nhau, những cay cú ăn thua vì giải thưởng, vì cái ghế ủy viên Hội đồng Thơ không đến mình, vì sự kì thị vùng miền, vì ẩn ức bị dân tộc đa số coi thường… của chúng ta trút vào cái xã hội vô biên mang tên “không gian mạng” mỗi ngày, chính là một phần của sự nhiễu loạn ấy.

Không ít công chúng bị dẫn dắt bởi những tên tuổi và cảm xúc tiêu cực từ những người mang danh nhà văn, nhà báo, trí thức, người nổi tiếng. Họ mò mẫm, nối dài những trường cảm xúc tiêu cực ấy, làm cho chúng phát tán mạnh hơn vào đời sống. Sau mỗi vụ ồn ào văn chương, chúng ta lại buồn rầu hỏi nhau: Sao lại ra nông nỗi này nhỉ? Vì đâu, lòng yêu văn chương lại không thể song hành với sự thương yêu đồng nghiệp, với “sự tôn trọng lẫn nhau và cùng được tôn trọng”, như một cộng đồng văn chương nghiệp dư hay một nhóm nhà thơ nữ trẻ xứ núi xa xôi? Giới trí thức chân chính nhìn chúng ta lắc đầu: Thế mà họ cũng tự nhận là tầng lớp tinh hoa ư? Một bộ phận người yêu văn chương chân chính lập sân chơi riêng của họ, như Quán Chiêu Văn, như các cô gái Gia Lai và rất nhiều hội nhóm đang hoạt động mạnh mẽ trong đời sống văn chương nước nhà. Số đó sẽ còn đông hơn nữa. Công chúng chân chính và khôn ngoan có sự lựa chọn sân chơi và người chơi của mình, để mặc chúng ta tìm khoái cảm trong việc triền miên nhục mạ, gây thù chuốc oán lẫn nhau. Họ không cần chúng ta. Khi ấy, chúng ta sống với ai?

N.T.Q