Thứ Tư, 24/04/2019 09:20

Khẩu khí lính trận

Không hiểu có phải do mình vốn là lính chiến không mà chỉ cần cầm trên tay cuốn truyện kí có cái tên Cha và con lính trận của một tác giả không chuyên

(Đọc Cha và con lính trận, truyện kí của Trần Khởi, Nxb Hội Nhà văn, 2019)

Không hiểu có phải do mình vốn là lính chiến không mà chỉ cần cầm trên tay cuốn truyện kí có cái tên Cha và con lính trận của một tác giả không chuyên, một chiến binh “trăm phần dầu” của Sư đoàn 3 Sao Vàng anh hùng là tôi tò mò xen lẫn chút thiện cảm ngay.
Lính bao giờ cũng có năm bảy loại: lính hậu phương, lính văn phòng, lính hậu cứ, lính cảnh vệ…, nhưng có lẽ chỉ lính trận mới mang rõ nhất nét hình hài, đặc thù, hơi hướng, mùi vị của lính. Loại lính chỉ có làm không có nói, chỉ có xông lên chứ không có bàn lùi. Lặng lẽ nghĩ suy, lặng lẽ hiến dâng và lặng lẽ nằm xuống như đất đai cây cỏ, như sông suối, triền đồi.
Trần Khởi là một người như vậy. Anh viết cuốn sách mang dáng dấp một cuốn tự truyện nhưng không kể sâu về chuyện mình mà trang trải cảm xúc, nỗi niềm ra bốn phía đồng đội thân yêu. Anh lặn vào đồng đội, lặn vào các trận đánh và các trận đánh cũng lặn vào anh, vào các đồng đội của anh, cả những người còn sống lẫn những người đã chết.
Bẵng đi gần nửa thế kỉ nhọc nhằn, Trần Khởi mới kể lại những năm tháng bão giông của dân tộc như kể lại một chặng đường đi hào hùng nhất, đau thương nhất và phẩm hạnh con người cũng sáng rỡ nhất. Có thể vì thế mà giọng kể có hao hụt đi phần nào sức nóng nhưng lại được cái trầm tĩnh, kiệm lời, kết tủa bù vào nên những trang viết rất sâu, cái độ sâu của sự chiêm nghiệm và trải nghiệm.
Có một nguyên lí sáng tạo bất thành văn nhưng bao giờ cũng đúng, đó là người ta chỉ viết hay viết sâu được những gì chính họ đã trải qua, đã sống qua. Trần Khởi đã sống một cuộc đời trận mạc dày dặn, dữ dội nên cảm xúc trong anh cứ thế tuôn trào một cách tự nhiên và mặc nhiên. Câu chuyện của anh cứ thế tượng hình, không cần phải đắn đo quá nhiều đến thi pháp, đến bố cục, đến tính điển hình rắc rối nọ kia mà nó vẫn đạt được độ điển hình, cái điển hình của sự thật trần trụi nếu không trải qua không thể viết được, cái điển hình của một thời cả nước băng mình vào trận làm nghĩa cả. Một lối viết rõ ràng là không phải để làm văn, để khoe vốn sống, mà chỉ là thấy gì viết thế, nghĩ gì viết nấy, viết như thể không viết, viết để trả nợ đồng đội, trả nợ cuộc đời.
Thế mạnh của Trần Khởi là kí, nóng rãy sự kiện, nóng rãy tình huống nhưng không vì thế mà mất đi tính văn học, tính khát quát và phá cách, bạo dạn trong các truyện ngắn với những miêu tả tính cách, lời thoại, tâm hồn lính rất bất ngờ và tinh tế. Hồi ức về một em bé gái trong vùng địch khi bị địch bắt phải khai ra chỗ giấu Việt cộng, hồi ức về một thôn nữ làm thầy thuốc có chồng phía bên kia đi cải tạo lại đem lòng si mê một người lính phía bên này, về một chàng lính đào hoa đi đâu cũng được gái phải lòng… là những trang văn khá sinh động, giàu tính kịch như là có chút hư cấu nhưng lại không phải là hư cấu, thật đến từng hơi thở, giọng nói, mắt nhìn. Đó chính là cái tâm và cái giỏi của người cầm bút.
Chính vì đã trải qua nên Trần Khởi không tránh né miêu tả những mất mát tận cùng mà ai đọc cũng không nén được xúc động. Một bộ xương khô nằm trên chiếc võng cứ cao dần theo tuổi cây, một người lính cắn vào sọ người lính kia để giúp bạn giảm cơn đau do mảnh đạn đang phá phách bên trong, một cánh rừng la liệt những tử thi không toàn thây sau một trận B52 dội xuống… Xúc động, đau xót nhưng không ghê sợ, rợn mình bởi bên cạnh những đoạn như thế là những đoạn tả rất thơ về một ánh trăng rừng, về những dáng hình con gái trong binh trạm, giữa lòng ấp chiến lược… Những dáng hình làm mềm đi bom đạn, làm tươi xanh lại cây cối, làm đầy lên những hố bom đau thương mùa cạn nước.
Và không thể không kể đến những câu chữ được Trần Khởi dụng công khá đắt nữa. “Lưỡi mưa như lưỡi xẻng, liếm không thôi vào ta luy đường…”. Nếu không trải qua lính binh trạm mùa mưa, làm sao có thể viết được câu ví von vạm vỡ này? Lại nữa, hãy nghe câu nói rút ruột của người lính đã về già giờ gặp lại đồng đội chỉ khóc hu hu như trẻ con: “Mấy đứa bây ơi… Bây đi mô hết rồi?… Chúng bây để tau ngồi một chắc ri hà? Mấy trăm thằng mà bây chừ chỉ lưa mấy đứa thôi. Ăn răng nổi bây ơi?!”.
Chiến tranh qua cảm nhận của Trần Khởi là chân thực và chân cảm. Tô hồng lên nó không thích và bôi đen đi càng không chịu được. Chiến tranh phải được mô tả như nó vốn có. Đó là trách nhiệm và cũng là đạo lí của người cầm bút trước lịch sử và trước nhân dân.
Hai mươi sáu mẩu truyện kí trải dài chỉ trên có một trăm sáu mươi trang thật là khiêm nhường. Đó là hai mươi sáu lát cắt về cuộc sống, về trận mạc, về tình yêu, tình cha con, vợ chồng. Hai mươi sáu bản tráng ca và cũng là hai mươi sáu bản tình ca trong chiến trận được tác giả chiết ra từ tim óc. Khiêm nhường về số chữ nhưng lại không khiêm nhường về bút lực. Trong cuộc sống hối hả hôm nay, đây chính là những tiếng chuông thiền định giúp cho con người được lui trở về cõi tĩnh để chiêm nghiệm lại tất cả, đặng thấy cái giá phải trả cho những tháng ngày hoà bình thơ thới hôm nay là núi xương sông máu, để thấy tuy còn sôi sủi, mịt mù nhưng dòng đời vẫn đáng yêu đáng quý biết dường nào.
Và đó cũng là sự chứng minh sức mạnh tinh thần vô địch cho người lính đã biết đứng kiêu hãnh giữa sinh tử cuộc đời. Sức mạnh bắt nguồn từ ngọn gió lịch sử thổi dào dạt suốt bốn ngàn năm, từ tình yêu Tổ quốc, hậu phương gia đình và tình đồng đội thiêng liêng.
Đây không chỉ là những con chữ đơn thuần mà còn là khẩu khí người lính, là những nén tâm nhang thắp lên cho đồng đội sau gần nửa thế kỉ không còn tiếng súng.
Và vì thế nó luôn luôn mới. Chiến tranh là một đề tài không bao giờ cũ. Cùng là lính trận, xin cám ơn người lính trận Trần Khởi đã bổ sung thêm một giai điệu trầm hùng trong bản hùng ca quật khởi của non sông
C.L