Thứ Ba, 27/07/2021 00:25

“Khao khát yêu đương” - Đồng vọng giữa cô đơn và tình yêu trong sự hủy diệt

Vẻ đẹp trong văn chương Yukio Mishima là vẻ đẹp cô đơn gắn với sự khắc kỉ cực đoan và hủy diệt. Nét đặc trưng ấy, thể hiện khá rõ ở tiểu thuyết Khao khát yêu đương.

Nếu vẻ đẹp trong văn chương Kawabata Yasunari là nét đẹp gắn với sự buồn thương bảng lảng thì vẻ đẹp trong văn chương Yukio Mishima là vẻ đẹp cô đơn gắn với sự khắc kỉ cực đoan và hủy diệt. Nét đặc trưng ấy, được thể hiện khá rõ nét ở cuốn tiểu thuyết, tựa một trong những cột mốc đánh dấu độ chín văn nghiệp Yukio Mishima: Khao khát yêu đương.

Nỗi cô đơn

Ra đời vào năm 1950, thuộc những tác phẩm đầu trong giai đoạn sáng tác thời hậu chiến của Yukio Mishima, tiểu thuyết Khao khát yêu đương, trước hết là nỗi cô đơn thẳm thẳm của lớp “người ở lại” hiện đang sinh sống dưới mái nhà gia tộc Sugimoto.

Đó là hình ảnh kẻ thất thế trước xoay vần thời cuộc, biến động giai cấp trong xã hội đương thời hiện lên trong bóng dáng lão già Sugimoto Yakichi. Khôn ngoan, lọc lõi cả một đời mà cuối cùng đành chôn chân tại làng Maiden, một “vùng dân cư vô vị với vô số những căn nhà hình thức giống nhau, nhỏ bé như nhau, sinh hoạt giống nhau, nghèo đói như nhau.” Để rồi, thứ đón đợi lão cuối cùng chỉ còn cô đơn và quên lãng.

Đó là những ai đã mất đi người thân trong binh đao khói lửa, vật vờ giữa cuộc đời như người phụ nữ tên Asako đã sống như cái bóng trong gia tộc Sugimoto.

Là những cá nhân đã trải qua quãng thời gian đau thương lịch sử, bơ vơ, lạc bước không chốn đi về như Etsuko. Một người phụ nữ dưới ánh nhìn người đời vẫn luôn coi cô là kẻ lập dị. Bởi Etsuko không chỉ như cái bóng ở nhà Sugimoto mà còn như cái bóng xiêu vẹo trên đường làng Maiden.

Hay những con người còn rất trẻ, ngỡ rằng ít chịu ảnh hưởng từ chiến tranh nhất nhưng cuối cùng, vẫn không tránh khỏi nỗi cô độc mang tính truyền kiếp giống cậu bé Saburo, trầm lặng, thuần phác, chẳng biết gì khác ngoài làm việc.

Hay rộng hơn, là trọn những kiếp đời, đang lâm vào niềm cô đơn khắc sâu do sự khủng hoảng niềm tin vào cả một hệ tư tưởng vào thời hậu chiến như vợ chồng người con trưởng của Yakichi, Ryosuke. Bởi khủng hoảng niềm tin nên họ đã hành động trái ngược hoàn toàn với lí tưởng vẫn tôn thờ. Họ trở thành kiểu người họ từng căm ghét nhất. Đa sự, nhiều chuyện, tọc mạch, luôn rao giảng đạo lí nhưng cách sống, nhìn nhận con người lẫn cuộc đời lại hết sức hạn hẹp.

Gia tộc Sugimoto, một gia tộc bị nỗi cô đơn gặm nhấm ngày này qua ngày khác. Nỗi cô đơn khắc khoải như đã châm ngòi cho niềm khao khát yêu đương tới thiêu đốt, khiến những con người nơi đây, hoặc tiếp tục chìm sâu vào bóng tối đơn độc, hoặc tìm mọi cách giao hòa, giao cảm với con người, cuộc đời, bất kể là qua cảm xúc hay đơn thuần chỉ là những đụng chạm thể xác. Họ khao khát yêu đương, hay ẩn giấu sâu kín nơi tiềm thức là niềm khao khát cảm giác bản thân đang sống, đang tồn tại trên cõi đời. Nhưng dẫu có thế nào, thì điểm tận cùng của niềm khát khao ấy, vẫn là nỗi cô đơn sầu muộn thăm thẳm không lối thoát ăn mòn thể xác lẫn tinh thần từng số phận.

Tiểu thuyết Khao khát yêu thương của Yukio Mishima.

Sự hủy diệt

Bao trùm lên gia tộc Sugimoto là cảm thức cô đơn, buồn thương khôn dứt cùng nỗi bất lực trong khát khao yêu đương quặn thắt. Để rồi cuối cùng, thứ đón đợi gia tộc cùng những con người sống dưới mái nhà này, chính là sự diệt vong.

Nếu như khát khao yêu đương có cội nguồn từ cảm thức cô độc của con người thời hậu chiến khi đối diện trước đổi thay xã hội và lòng người, thì sự hủy diệt lại được nuôi dưỡng từ khát khao yêu đương khắc khoải ấy. Bởi khao khát đó đã sớm nhuốm màu vẩn đục của nhục dục, hẹp hỏi, ghen tuông, ích kỉ lẫn lòng “phản trắc”. Vì vậy, yêu đương con người khát khao, gửi trao trở nên đầy vặn vẹo, méo mó và biến dạng. Mà biểu hiện rõ nhất, là qua hình tượng người phụ nữ Etsuko.

Không thể phủ nhận, xuyên suốt tác phẩm, Etsuko là người khao khát yêu đương mãnh liệt nhất. Bởi có lẽ, người phụ nữ này chưa bao giờ, chưa một lần được nếm trải một tình yêu thật sự. Kể từ lúc cô lấy chồng và vướng vào trò chơi tình ái với người chồng ngoại tình; đến lúc cô đặt chân vào mối quan hệ đầy tội lỗi với người bố chồng cô vẫn thầm khinh bỉ; thậm chí, ngay cả khi cô hỏi Saburo về tình yêu, rằng cậu ấy có thật sự yêu thương không? “Sự cô độc của Saburo như một bức tường thuần khiết kiên cố mà Etsuko khó lòng tìm ra kẽ hở để bước vào. Niềm khao khát yêu đương chà đạp cả lên kí ức và lý trí,...”

Etsuko chưa một lần yêu và được yêu. Vì thế, người phụ nữ đó lại càng ham muốn tình yêu hơn bất cứ ai. Song tận cùng, cô lại chỉ biết chìm trong sự ghen tuông, khát vọng chiếm hữu tới cuồng dại. Trọn cuộc đời Etsuko gắn với chữ yêu cùng cái chết quẩn quanh của những người bên cạnh Etsuko lẫn bản thân cô bào mòn tới kiệt quệ. Hủy diệt hay bị hủy diệt, tận cùng con đường Etsuko đi, vẫn là sự tận diệt một kiếp người lạc lối trên hành trình kiếm tìm lẽ sống trong chữ “yêu” vô định.

Nhưng cả cuốn tiểu thuyết viết năm 1950 này của Yukio Mishima đâu chỉ có một Etsuko bị cảm thức cô đơn, nỗi khát khao yêu đương thiêu đốt. Mà ai cũng vậy, ai cũng đơn độc và ai cũng như cận kề bờ vực tự diệt. Cái chết bao phủ trọn trang viết Yukio Mishima, ẩn hiện qua bóng hình những người đã khuất, những người còn sống mà lại chỉ như cái bóng thầm lặng đợi ngày ra đi và cả những ai đang ngày ngày đốt cháy sinh mệnh trong tội lỗi dục vọng của ghen tuông, ích kỉ, tự ti.

Không gian tiểu thuyết Khao khát yêu đương khá hẹp, gần như chỉ xoay quanh trong không gian sinh hoạt của một gia đình với số nhân khẩu không quá lớn, nhất là khi đặt trong tương quan với cụm từ “gia tộc.” Tất cả, càng làm tăng thêm vẻ tiêu điều và như một lời dự báo, cáo chung về ngày tàn của gia đình này.

Đồng thời, viết về một gia tộc cá biệt, nhưng dường như, tác giả Yukio Mishima vẫn hướng đến những điều mang tính phổ quát hơn. Như gia tộc Sugimoto đó, tựa bức tranh thu nhỏ của nước Nhật thời hậu chiến. Xác xơ, tiêu điều, lâm vào cuộc khủng hoảng hệ tư tưởng sâu sắc. Người ta hoài nghi đời sống và hoài nghi chính mình. Để rồi cuối cùng đi đến sự tận diệt như cách giải thoát khỏi khổ đau nhục dục trần ai. Và phải chăng, đây cũng là một trong những tác phẩm như lời dự báo cho cuộc đời Mishima tiên sinh sau này. Đặc biệt, ở hình ảnh nhát cuốc đầy quyết tuyệt cuối cùng của Etsuko bổ xuống người đàn ông cô vẫn ngỡ rằng, cô đã yêu thương.

Chủ nghĩa khắc kỉ cực đoan trong tiểu thuyết Khao khát yêu đương 

Được gia đình rèn luyện theo chủ nghĩa khắc kỉ của quân đội ngay từ khi còn nhỏ, có thể nói, điều đó đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến văn chương của Yukio Mishima sau này. Tuy nhiên trải qua thời gian, qua biến động lịch sử cùng những lựa chọn mang tính bước ngoặt cuộc đời, thì chủ nghĩa khắc kỉ trên trang văn Mishima, đã sớm trở thành chủ nghĩa khắc kỉ nhuốm màu cực đoan. Như chính những gì ông thể hiện ở tiểu thuyết Khao khát yêu đương vậy.

Người ta kiềm tỏa bản thân, khắc chế cái tôi đến mức trở nên cô độc, ích kỉ với người đời và ích kỉ với chính mình. Họ chẳng thể chia sẻ nội tâm, suy nghĩ với bất kì ai. Bởi vậy họ tự phân thân tâm tưởng mà đối thoại, đồng vọng để vượt thoát cô đơn, để tự ý thức, họ vẫn tồn tại. Hình thức tiểu thuyết Khao khát yêu đương đan xen giữa cả tự sự và thư tín, đối thoại với độc thoại nội tâm chính là sự thể hiện rõ nhất tiếng đồng vọng vô lực của con người trên trang viết Mishima tiên sinh.

Và cũng bởi sự khắc kỉ cực đoan, người ta không ngừng dằn vặt bản thân trong những ám ảnh vô hình về đau thương quá khứ, vô định hiện tại, mịt mờ tương lai. Con người khao khát sống, bám víu vào sợi dây ái tình, oằn mình lên giữa đau thương để được sống. Nhưng sống thế nào và làm thế nào để được sống đây? Bởi sống đâu chỉ là hiện hữu trên cõi đời. “Trong những ngày này, cô phải sống như thế nào đây? Sống cho hiện tại là những ngày dài đơn điệu ư? Hay là nhìn lại quá khứ để sự khổ đau đã qua càng làm hiện tại trước mắt tồi tệ hơn?”

Trong dòng chảy văn chương Nhật Bản, cảm thức cô đơn, cái chết, sự tự diệt cùng tận diệt cực đoan hoàn toàn không phải khía cạnh mới lạ, đặc biệt ở giai đoạn văn học Nhật Bản thời hiện đại sau Thế chiến thứ Hai. Bởi vậy, đặt nỗi cô độc và sự hủy diệt trong sự đồng vọng của chủ nghĩa khắc kỉ cực đoan chính là điểm nhấn, hướng đi riêng của Yukio Mishima trên văn đàn xứ Phù Tang nở rộ hàng loạt cây bút xuất sắc thuở bấy giờ.

Mọt Mọt