Thứ Ba, 19/11/2019 14:26

Khải Định – Hình tượng đáng cười trong văn xuôi Nguyễn Ái Quốc

Nguyên tắc chủ đạo của ngôn từ trong truyện Lời than vãn của bà Trưng Trắc là nguyên tắc suồng sã... (NGUYỄN HẢI THANH)

.NGUYỄN HẢI THANH

 

Khi Khải Định sang thăm Pháp dự cuộc Đấu xảo thuộc địa tại Vecxây (1922) các nhà yêu nước Việt Nam đều có tác phẩm vạch trần bản tính nô lệ, làm rõ tội làm nhục “quốc thể”, chân tướng thảm hại của Khải Định … Riêng Nguyễn Ái Quốc viết nhiều, sâu và đích đáng, đặc sắc hơn cả, về nội dung (sâu sắc, đích đáng hơn) và nghệ thuật (thâm thuý, độc đáo hơn). Tác giả đã xây dựng một hình tượng Khải Định bị “lộn ngược”, bề ngoài là vua, được gọi là vua nhưng lời nói, hành động…lại là kẻ bán nước ươn hèn bậc nhất. Lời than vãn của bà Trưng Trắc là lời của bậc anh hùng “khai sáng nước Nam”, thực ra là lời của lịch sử kết tội Khải Định.

Đó là tội dứt bỏ truyền thống, cũng là một biểu hiện của phủ nhận lịch sử truyền thống:

“Trước đây, mi đã từng phạm tội báng bổ lên bàn thờ linh thiêng của ông vải hình ảnh ghê tởm của thằng da trắng ngái ngủ và bụng phệ nọ, nó sặc lên mùi tỏi, ớn mùi thây ma. Tại sao, ừ, tại sao mi lại làm thế? Nay mi lại sắp lẩn xa tôn miếu. Tay mi sẽ không thắp hương vào những tiết đầu xuân, đầu thu nữa. Mi sẽ không tự tay mở hương án dâng hoa quả đầu mùa và cúng cơm mới nữa”.

Đó là tội phản dân hại nước, ca ngợi tâng bốc kẻ đã cướp nước mình, giày xéo lên mảnh đất cha ông mình:

"Giờ thì mi lại sắp làm tệ hại hơn nữa. Mi sắp ca ngợi công đức của những đứa bóc lột và hiếp đáp dân mi. Mi sắp phô trương sự thịnh vượng của đất nước mi, cái thịnh vượng được sắp đặt đâu ra đấy trong trí tưởng tượng quá giàu của bọn bóc lột. Mi sắp tâng bốc công ơn vô ngần và tưởng tượng của nền văn minh đã thâm nhập sơn hà xã tắc của mi bằng mũi nhọn của lưỡi lê và bằng họng súng canông”.

Đó là tội bảo thủ, dốt nát cam chịu kiếp tôi đòi nô lệ:

"Ôi, nhìn, hãy nhìn nào, đứa con thảm thương kia ơi! Hãy nhìn quanh mi! Thấy chăng Trung Hoa đang thức tỉnh, Nhật Bản đang duy tân...? Thấy chăng toàn cầu đang tiến, chỉ có dân mi là, nhờ mi và lũ quan thượng của mi, cứ phải chìm ngập mãi trong vũng lầy dốt nát và tôi đòi khốn nạn?”[1].

Kẻ đáng kết tội là bù nhìn, bám chân thực dân chấp nhận kiếp hèn nô lệ, kẻ đó là tên vua hèn nhát Khải Định. Nguyên tắc chủ đạo của ngôn từ trong truyện Lời than vãn của bà Trưng Trắc là nguyên tắc suồng sã. Kết cấu độc đáo của truyện là kết cấu “giấc mộng trong giấc mộng”, giấc mộng thứ nhất là giấc mộng của “đồng chí Nguyễn Ái Quốc”, giấc mộng thứ hai nằm trong giấc mộng thứ nhất là giấc mộng của Khải Định. Chúng ta hãy chú ý tới lời đề từ này: Quốc vương nước Nam sắp làm "khách của nước Pháp". Gọi là có lời chào mừng tí ti, chúng tôi kính dâng ngài giấc mộng này của đồng chí Nguyễn Ái Quốc của chúng tôi, người bầy tôi trung thành của ngài.

Tính chất suồng sã thể hiện rất rõ qua mấy chữ “lời chào mừng tí ti”. Lời chào một “quốc vương”- nếu đó là một quốc vương đáng trọng của “người bầy tôi trung thành”, nhưng “quốc vương” ở đây thì hoàn toàn ngược lại nên chỉ là “lời chào mừng tí ti” thì quả là khiếm nhã, bất kính và phạm thượng. Những ngôn từ đối lập nhau về sắc thái trang trọng và suồng sã đã xác lập một lời văn mỉa mai, một giọng mỉa mai hướng tới đối tượng mỉa mai là Khải Định. Giấc mơ thứ nhất có tác dụng “tạo nền” về không thời gian cho giấc mơ thứ hai. Vì là giấc mơ nên các hình ảnh hoang đường kỳ ảo được thể hiện một cách sinh động nhất. Bạn đọc phương Tây sẽ tìm thấy trong văn chương thế giới từ thời điểm ấy trở về trước có không nhiều những trang văn lạ, đặc sắc viết hay về những cảnh ma quái rùng rợn như những trang văn viết về giấc mơ này. Lạ, vì đây là giấc mơ của người phương Đông tái hiện không gian giấc mơ phương Đông. Đặc sắc vì ngoài cách miêu tả thời gian, hình ảnh, âm thanh, con người, phong tục trong cung đình vương triều một nước phương Đông, còn là cách viết bằng tiếng Pháp, nhất là cách đối thoại với bạn đọc phương Tây: “Trống canh vừa điểm ba tiếng. Tùng, tùng, tùng ! Các anh là người phương Tây, các anh chẳng hiểu thế nào cả, hử ?…”.

Trong tiểu phẩm Sở thích đặc biệt, Khải Định lại bị suồng sã theo một cách khác:

“Bảo rằng Hoàng đế Khải Định là bậc hiền triết, điều đó ta không nghi ngờ gì cả. Nhưng hiền triết thì cũng không phải là không cần lễ độ, và chúng tôi mạn phép kính tâu hoàng thượng rằng cử chỉ của ngài dù uy nghi đến đâu chăng nữa nhưng vẫn hoàn toàn thiếu lịch sự. Riêng chỉ nghĩ rằng những bà lịch sự kia, vì ham chuộng những cái của vua chúa mà bị khinh miệt một cách phũ phàng như thế ắt không khỏi sẽ trút tất cả mối căm thù ghê gớm của các bà vào những đề tài về hoàng thượng, là người ta cũng đủ run lên rồi”[2]. Lời văn gây chú ý bằng cách đặt các câu văn khẳng định, phủ định bên cạnh nhau, rồi mơ hồ mập mờ… Là “hiền triết” ư? Nhưng nếu là hiền triết thì cũng phải lễ độ, còn Khải Định thì không, do vậy ông ta vẫn chưa phải là “bậc hiền triết” mà bằng chứng hẳn hoi là Hoàng đế “vẫn hoàn toàn thiếu lịch sự” với các bà “ham chuộng những cái của vua chúa”. Vậy đó là những cái gì? Một sự mập mờ:… là của cải, vàng bạc châu báu, và… của chính con người xương thịt vua chúa!!! Thật tiếc là đối với nhà vua Khải Định thì chẳng có cái gì để các bà ham chuộng, vàng bạc châu báu không, con người ông ta thì… đến khi “Quan lớn bộ trưởng vốn có tài ăn nói. Ông lại rất am hiểu chữ nghĩa của nước ông. Vậy mà câu ông trả lời mỹ nhân lại rất mập mờ. Ông dùng chữ "sở thích đặc biệt", để nói Khải Định “đang đọc Platông là ông chưa nói hết cái chữ mà ông định nói: Chắc là ông định nói chữ Platô...ních đấy mà”[3].

Chữ Platôních (platonique) vốn phái sinh từ “amour platonique” có nghĩa là tình yêu theo kiểu Platông. Platông (Platon), nhà triết học Hy Lạp cổ đại có bàn về một thứ tình yêu cao th­­ượng, nam nữ yêu nhau hoà vào tinh thần của Th­ượng đế, nghĩa là một thứ tình yêu hoàn toàn thánh thiện, thuần tuý tinh thần mà không sa vào tình yêu thể xác, nói khác đi đó là một tình yêu không sinh lý. Từ đó có một thành ngữ quen thuộc: tình yêu kiểu Platông- tình yêu không quan hệ xác thịt. Chữ Platô…ních bị ngắt ra chêm vào ba dấu chấm là sự mỉa mai giễu cợt Khải Định chỉ còn tình yêu kiểu Platông mà thôi…vì… nh­ư ­ ng­ười kể chuyện đã trả lời: “Ông bạn Platông ơi! Hoàng th­ượng Ngài chỉ thích xem thôi”, vì… Ngài đã mắc bệnh bất lực do đã quá trác táng mà!

Trong Thư gửi Khải Định tác giả còn mỉa mai Khải Định ở mức độ thê thảm, coi đó là một món hàng: “Ngài đã đến - hay nói cho đúng hơn là người ta đã đưa ngài đến, coi như một món hàng thuộc địa và có thể trưng bày ở Hội chợ. Người ta định đem ngài bày ít nhất là vài ba tháng trong tủ kính xinh xẻo, nhưng mỏng manh và có thể bị huỷ hoại”, coi đó như là một đứa trẻ: “được ru êm ấm trong tay của điện hạ Xarô - ông hoàng An Nam và Bộ trưởng Bộ Thuộc địa- như trên tay một người cha, thế mà ngài vẫn kêu là còn rét”[4]

Chúng tôi muốn đề cập sâu hơn đến Vi hành bởi đây là một tác phẩm thể hiện tập trung phong cách ngụ ngôn - trào phúng của Nguyễn Ái Quốc. Ở đây nhân vật Khải Định bị hạ bệ xuống hàng “con rối” làm trò cười cho thiên hạ: “Nghe nói ông bầu Nhà hát Múa rối có định ký giao kèo thuê đấy…”[5]. Từ địa vị một ông vua Khải Định đã bị nhà ngụ ngôn lôi tuột xuống, bóc trần những hào quang vương giả, đạo mạo nghiêm trang giả tạo để rồi làm trơ ra một chân dung con người với tất cả những cái gì là ngu ngốc, dốt nát, nhu nhược, mê muội… Đấy là những cái đáng cười, không chỉ cho một cá nhân mà còn cho cả một đất nước nô lệ, tối tăm đang rất cần một luồng ánh sáng mới, sức sống mới!

Bốn đặc điểm nổi bật của tiếng cười cácnavan (của văn hoá trào tiếu châu Âu mà Pháp là trung tâm) được nhà nghiên cứu nổi tiếng người Nga M. Bakhtin khái quát năm 1937: sự xúc tiếp tự do suồng sã giữa người với người; tạo ra những hình tượng “kì quặc nực cười”, xây dựng những cặp mâu thuẫn trào phúng; và cuối cùng là sự báng bổ, hạ bệ cái đáng cười. Nguyễn Ái Quốc đã xây dựng biểu tượng Khải Định theo đúng bốn đặc điểm ấy trước 15 năm. Nói thế để thấy Nguyễn Ái Quốc đã hiểu sâu sắc văn hoá châu Âu đến mức như thế nào.

Trong Vi hành các nhân vật đều quan hệ với nhau theo nguyên tắc suồng sã: đôi trai gái - Khải Định (tôi); “tôi” - Khải Định; “tôi” - Tổng thống Pháp, hay thân mật: đôi trai gái; “tôi” - cô em họ. Đôi trai gái nhầm “tôi” là Khải Định nên tha hồ nói về Khải Định rất chi là “suồng sã”. Người ta không thể suồng sã với nhau nơi tôn nghiêm mà chỉ có thể ở một nơi, một môi trường có thể suồng sã, cái nơi mà M.Bakhtin gọi là không gian “quảng trường cácnavan”. Ở một không gian mang tính công cộng, “quảng trường” này con người mới dễ dàng tiếp xúc, dễ dàng cười cợt và cũng dễ dàng “báng bổ” nếu có thể. Nguyễn Ái Quốc đã cho Khải Định xuất hiện (trong sự nhầm lẫn của người Pháp) ở những nơi như vậy để người dân Pháp tha hồ mà “suồng sã” với một “anh vua”: tiệm cầm đồ, xe điện ngầm, trường đua, nhà hát múa rối, kho hành lý nhà ga Cácnavan luôn tạo ra những hình tượng “kì quặc nực cười”, và Khải Định hoàn toàn “xứng đáng” có “bộ mặt nực cười” với “cái mũi tẹt”, “đôi mắt xếch”, “cái mặt bủng như vỏ chanh”. Trong cácnavan, để tạo ra các hình tượng “kì quặc nực cười” người ta tạo ra “việc dùng ngược các đồ vật”. Ở phương diện này, Khải Định còn “xứng đáng” hơn với “có cả cái chụp đèn chụp lên cái đầu quấn khăn” hay dùng đồ vật không đúng lúc, đúng chỗ “các ngón tay thì đeo đầy những nhẫn”, “đeo lên người… đủ cả bộ lụa là, đủ cả bộ hạt cườm”. Khải Định cũng thuộc loại hình tượng phỏng nhại, chúng tôi gọi là hình tượng “phỏng nhại hành vi”. Các vị vua yêu nước yêu dân như vua Thuấn hay vua Pie “vi hành” để tìm ra con đường làm giàu cho dân cho nước, còn Khải Định cũng “vi hành” nhưng là ngược lại (bị nhại lại) để ăn chơi bừa bãi….

Vẫn theo M. Bakhtin, “rất tiêu biểu cho tư duy cácnavan là những hình tượng cặp đôi, được nhóm lại theo sự tương phản (…) và sự tương đồng (…)”. Chúng ta thấy trong Vi hành có những “cặp đôi” sau: đôi trai gái; “tôi” và Khải Định; Khải Định và chính quyền Pháp; “tôi” và “cô em họ”, “tôi” và những kẻ theo dõi “bám lấy đế giày tôi, dính chặt với tôi như hình với bóng”. Trong đó “cặp” “tôi” và Khải Định vừa tương phản vừa tương đồng, tương đồng ở chỗ người dân Pháp (và cả chính quyền Pháp hết sức quan liêu) lẫn lộn “tôi” và Khải Định (vì giống nhau - đều là người An Nam). Tương phản thì bạn đọc dễ nhận ra: một “anh vua” bán nước và một người dân yêu nước đang đi tìm đường cứu nước; một kẻ ăn chơi đàng điếm ngu ngốc (Khải Định không biết tiếng Pháp, không hề biết về văn hoá Pháp) và một trí tuệ lớn (“tôi” rất giỏi tiếng Pháp, am hiểu sâu sắc lịch sử, văn hoá Pháp…).

Từ sự phân tích trên chúng ta thấy toát lên các cặp mâu thuẫn trào phúng sau: cái thiêng liêng (vua Thuấn, vua Pie vi hành) với cái thấp hèn (việc Khải Định “vi hành”); sự sang trọng, tôn nghiêm (danh hiệu vua) với sự cười đùa, cợt nhả (Khải Định như thằng hề); trí tuệ sắc sảo (của “tôi”) với sự ngu dốt (của Khải Định ); sự nghiêm túc, lịch sự (nhà vua một nước sang thăm nước khác) với cái phàm tục (Khải Định “vi hành” lén lút)… Đây cũng chính là những cặp mâu thuẫn trào phúng cơ bản của cácnavan.

Sự báng bổ cácnavan được biểu hiện cụ thể trong Vi hành là ở lời văn mỉa mai. Trong tác phẩm đầy những sự nói mỉa, nói ngược, chơi chữ, so sánh, tương phản, nói vòng… với mục đích trào phúng. Nói mỉa để châm chọc. Lời văn hướng tới đả kích nhiều đối tượng. Trong 3 câu văn ngắn sau: “Và thế là cái kho giải trí của chúng ta sắp cạn ráo như B.Đ.D. Nhật báo chẳng còn gì để bôi bác lên giấy cả. Đúng lúc đó thì…”, ít nhất có mấy đối tượng sau bị đưa ra để nhạo báng, cười cợt: xã hội Pháp (lúc bấy giờ) thật nhạt nhẽo, vô vị (kho giải trí sắp cạn ráo…); Nhà băng Đông Dương thật nghèo túng (sắp cạn ráo như B.Đ.D); báo chí “bôi bác” (nhật báo chẳng còn gì để bôi bác lên giấy); và Khải Định thì như một trò giải trí, trò tiêu khiển… Thậm chí chỉ trong một mệnh đề của câu văn dài: “Cái vui nhất là ngay đến Chính phủ cũng chẳng nhận ra được khách thật của mình…” thì chân tướng của cả “chính phủ” và khách bị lột trần: khách chẳng ra gì và “chủ nhà” cũng thật chẳng ra gì! Câu văn giằng co trong thế mâu thuẫn, tương phản: “…có được sung sướng, có được quyền uống nhiều rượu và được hút nhiều thuốc phiện…”; “Những tiếng “hắn đấy!” hay “xem hắn kìa!” là những lời chào mừng kín đáo và kính trọng…”. Và chơi chữ: “Hay là, chán cảnh làm một ông vua to, bây giờ ngài lại muốn nếm thử cuộc đời của các cậu công tử bé?”. Trong câu văn tương phản này được cấu trúc rất tinh tế với chữ “ngài” được đặt giữa câu văn như bị co kéo giữa hai tình huống đối lập: làm một ông vua to và nếm thử cuộc đời các cậu công tử bé, đã bật ra ý mỉa mai, nói theo một phương ngữ người Việt, “no cơm ấm cật, giậm giật mọi nơi”. Trong câu văn còn thể hiện một cách chơi chữ tinh quái với danh từ “công tử bé” (petit duc) bởi danh từ này làm bạn đọc liên tưởng đến danh từ “đại công tước” (grand duc). Mà “đại công tước” (grand duc) trong tiếng Pháp cũng có nghĩa là những kẻ ăn chơi bừa bãi. Ý vị hài hước dí dỏm toát ra: Khải Định đã là một ông vua to rồi, chẳng muốn làm những kẻ ăn chơi “to” nữa, thôi thì “nếm thử cuộc đời” của những kẻ ăn chơi “bé” vậy! Và so sánh:

“- Đâu có! Thế em còn nhớ buổi dạ hội thuộc địa ở Nhà hát Ca vũ đấy chứ? Phải trả những nghìn rưởi phrăng để xem vợ lẽ nàng hầu vua Cao Miên, xem tụi làm trò leo trèo nhào lộn của sư thánh xứ Công gô; hôm nay chúng mình có mất tí tiền nào đâu mà được xem vua đang ngay cạnh? Nghe nói ông bầu Nhà hát Múa rối có định kí giao kèo thuê đấy...”.

So sánh “vợ lẽ nàng hầu vua Cao Miên”, “tụi làm trò leo trèo nhào lộn của sư thánh xứ Công gô” với “vua” thì có nghĩa là đã “đánh đồng”, đã “cào bằng” “vua” cũng chỉ ngang hàng với bọn “vợ lẽ nàng hầu...” và “tụi làm trò...” kia mà thôi. Thậm chí “giá trị” của “vua” còn rẻ mạt hơn bởi xem “vợ lẽ nàng hầu...” và “tụi làm trò...” còn mất “những nghìn rưởi phrăng”, còn xem ”vua” thì chẳng “mất tí tiền nào”. Chính vì thế mà câu văn “Nghe ông bầu Nhà hát Múa rối có định kí giao kèo thuê đấy...” có mặt một cách thật lôgich, tự nhiên, hợp lý. Đã gọi là “ông bầu” thì bao giờ cũng phải sành sỏi thương trường và thị hiếu công chúng. “Ông bầu Nhà hát Múa rối” đã nhận ra ngay một cơ hội kiếm tiền vừa “thuê” rẻ một con rối, con hề là Khải Định vừa làm thoả mãn trí tò mò của công chúng Pháp. Chỉ bằng mấy câu văn có sử dụng phép so sánh đối chiếu mà con người Khải Định hiện ra thật thê thảm. Phép so sánh như một luồng gió mạnh thổi tắt, thổi bay những ánh hào quang từ những nào là vương miện, long bào rồi hoàng bào... của vị “hoàng đế Annam” để chỉ còn trơ ra chân dung một... con rối “vua” ngờ nghệch, lố bịch. Chúng tôi gọi đó là cách so sánh “lột mặt nạ”!

Tiếng cười trào phúng trong Vi hành mang một tầm phổ quát, dân chủ và sâu sắc hơn một chủ đề nhạo báng cười cợt, đả kích sâu cay Khải Định và thực dân Pháp. Vi hành ra đời đúng vào dịp vua Khải Định được Chính phủ Pháp đưa sang dự cuộc đấu xảo thuộc địa tổ chức ở Mácxây. Tác phẩm mượn các đặc điểm của lễ hội cácnavan để xây dựng nên một câu chuyện “vi hành” (đây có lẽ là hiện tượng mà M.Bakhtin gọi là cácnavan hoá - carnavalizacija), mà cácnavan tức là lễ hội cải trang, lễ hội trá hình, thế có nghĩa là tác giả đã coi cả một cuộc đấu xảo thuộc địa rầm rộ kia cũng chỉ là một lễ hội cácnavan cải trang, trá hình mà thôi. Bộ mặt thật của chính quyền Pháp bị Nguyễn Ái Quốc lật tẩy: đó chỉ là một Chính phủ mị dân, một Chính phủ lừa dối

N.H.T

--------------------------
[1] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 1, tr 79, 81.

[2] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 1, tr 99.

[3] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 1, tr 99.

[4] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 1, tr 101.

[5] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 1, tr 158.