Thứ Tư, 27/03/2019 14:07

Tôi sống như một người phục vụ cà phê

Sinh ra ở Daegu năm 1983, Jidon Jung học đại học chuyên ngành Phim và Sáng tác. Năm 2013, anh lần đầu công bố sáng tác khi anh đoạt giải Nhà văn mới được tổ chức bởi tạp chí Văn học và Xã hội.

Jidon Jung


Sinh ra ở Daegu năm 1983, Jidon Jung học đại học chuyên ngành Phim và Sáng tác. Năm 2013, anh lần đầu công bố sáng tác khi anh đoạt giải Nhà văn mới được tổ chức bởi tạp chí Văn học và Xã hội. Năm 2015, Jung tiếp tục nhận được giải thưởng Nhà văn trẻ và giải thưởng Văn học Moonji năm 2016. Thông qua lối viết khám phá những ranh giới giữa sự thật và hư cấu, Jung luôn cố gắng tìm kiếm ý nghĩa trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Tác phẩm đáng chú ý của anh là Như tôi đã chiến đấu, anh cũng là đồng tác giả của cuốn Những khoái cảm văn chương.


Nhân viên bán hàng tạp hóa
Sau khi giới thiệu cho Lee Sang-wu bộ phim Đức vua và Hoàng hậu (2004) của Arnaud Desplechin, tôi không thể ngừng suy nghĩ miên man về bộ phim này. Cảnh tượng đặc biệt cứ vấn vương trong tâm trí tôi là cuộc trò chuyện giữa cha và con, những người đã đến Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Pháp. Hay đúng hơn, tôi nên nói đó là một cảnh mà người cha độc thoại nhiều hơn. Người cha do Mathieu Amalric thủ vai, chơi đàn viôlông trong một dàn nhạc giao hưởng và có một chút điên rồ và trên thực tế, ông ấy đã phải nhập viện ở một viện tâm thần nhưng chủ yếu dành cho những người điên rồ hơn ông ấy. Ông yêu đứa con trai của mình biết bao nhưng lại chẳng thể làm được gì nhiều cho nó. Đức vua và Hoàng hậu là một bộ phim đầy bất ngờ, mơ hồ và hoài nghi nhưng không biết vì sao tôi lại cảm nhận thấy bộ phim có những khoảnh khắc ấm áp do phần lớn cuộc trò chuyện tại bảo tàng mang lại. Cảnh phim được dựng qua một loạt các cú dựng nhảy, có nhân vật mà Mathieu Amalric diễn đang nói chuyện đầy say mê với con trai mình về gia đình, về cuộc sống, những quan niệm sai lầm về sức khỏe tâm thần của mình, và xương khủng long. Ông nói với con trai mình những suy nghĩ của mình về tình yêu rằng tình yêu tồn tại và biến mất, rằng mẹ cậu ta là một người phụ nữ xinh đẹp nhưng bận rộn và cậu ấy nên yêu bà ấy, rằng ông có thể phải nhập viện sớm, nhưng đó chẳng phải là điều tồi tệ vậy nên đừng nghe những gì người khác nói, thực tế là mọi thứ sẽ là tốt hơn nếu cậu ta đừng nghe người khác nói gì cả, rằng cậu ta nên lắng nghe chính mình, và ông ta nói tất cả điều này với con trai mình khi họ đi bộ khắp dãy hành lang và hàng cây của bảo tàng. Trong khi tôi đang viết ở đây về những gì họ đã nói, về những điều quyến rũ của cuộc trò chuyện, về những gì không phải là chủ đề được khám phá nhưng sự việc mà cuộc trò chuyện này nói về, vị trí nơi nó đã diễn ra, những động tác và cử chỉ của cha và con khi họ tham gia vào cuộc trò chuyện, và nhạc nền trầm bổng quá đỗi uyển chuyển. Các chủ đề của phim rất ý nghĩa nhưng chỉ có một số thứ của phim là sống động trong tâm trí tôi mà thôi. Ngôn ngữ chính là ấn tượng chung của tôi về bộ phim và chính ngôn ngữ đã ảnh hưởng đến ấn tượng chung của tôi. Tôi không biết liệu bạn tôi, Lee Sang-min có cảm thấy như tôi không, nhưng bất luận thế nào thì anh ta đã có lần nói, anh ta cũng bị ấn tượng bởi cảnh đó. Lee Sang-min nói rằng anh ấy rất thích cuộc trò chuyện, và rằng người cha của anh là một người có ảnh hưởng trong sự nghiệp của anh ấy, người có sở thích chính như kendo và cưỡi ngựa và có cuộc sống riêng còn quan trọng hơn cả con trai mình. Gần như không có cuộc trò chuyện giữa họ. Lee Sang-min sẽ một mình đến đường đua hoặc bể bơi. Đó là lí do tại sao anh cảm động trước sự ấm áp của tình cảm cha con trong cảnh đối thoại ở bảo tàng.


Lee Sang-min đã nói đến bộ phim Đức vua và Hoàng hậu cách đây 8 năm, vào năm 2007. Anh ấy học kiến trúc ở trường đại học nhưng sau đó, anh đã thay đổi chuyên ngành của mình thành mỹ thuật. Lúc đầu, anh quyết tâm thực hành mỹ thuật nhưng sau đó lại học đòi theo nhiều chuyên ngành khác nhau bao gồm các sản phẩm thủy tinh, các công trình kim loại, điêu khắc, nghệ thuật sắp đặt, khiêu vũ, nhiếp ảnh, cho đến khi cuối cùng nhận được một công việc đầu bếp và ở lại với công việc trong hai năm. Anh đã ghi chép nhật ký về tất cả quãng thời gian đó cả việc anh đã gặp một cô bạn gái cơ bắp người có sở thích chính là leo núi đá, quyết định cưới cô ấy, và yêu cầu tôi viết cho cặp vợ chồng một bài thơ chúc mừng để đọc tại đám cưới. Mặc dù bản thân anh đã làm quá nhiều việc nhưng lại chẳng bao giờ có thể hoàn thành nổi một việc duy nhất, và địa chỉ của anh ta thay đổi từ Seoul đến Gumi, từ Gumi đến Cassel, từ Cassel đến Sydney, từ Sydney đến Gold Coast, từ Gold Coast đến Daegu, từ Daegu đến Seoul, và từ những ngôi nhà khác nhau ở Seoul cho đến khi cuối cùng anh tìm được một chỗ ở Suwon. Anh ta có khuynh hướng dùng dằng khi nói, và trong khi thói quen này, đôi khi, gây cảm giác khó chịu và thô thiển nhưng nó cũng là sức hấp dẫn riêng của anh ấy. Thực tế là, khi anh ta im lặng và uốn môi, một số người cảm thấy không thoải mái và thậm chí hết sức sợ hãi. Ngoại trừ khi tôi ở độ tuổi khoảng 25, 26 và đang nghĩ đến bỏ việc, tôi đã ở một quán cà phê và trước mặt chủ quán, tôi đã đề nghị Lee Sang-min tiếp quản vị trí của tôi. Chủ quán cà phê khoảng 35, 36 tuổi, người từng là gia sư trường học tại gia và là một fan hâm mộ cuồng nhiệt của anime Nhật Bản, đã đồng ý thuê anh ấy ngay cả khi cô biết những tính tình kì dị của anh. Mặc dù cô không nói thẳng về việc cô ấy sẽ làm việc với anh ta thế nào để sửa chữa những tính kỳ lạ của anh ấy thế nhưng đó hẳn là giây phút rung cảm ban đầu mà cô ấy đã biểu lộ. Sau đó, cô ấy đã sa thải công việc bán thời gian của Lee Sang-min. Cuối cùng cô cảm thấy bất an và thậm chí sợ hãi cái kiểu nói chậm chạp của anh ta và thậm chí cả việc anh ấy hoàn toàn lảng tránh nói chuyện với cô. Những điều này khiến cô cảm thấy thất vọng tràn trề khi nhận ra hành động khắc phục của mình thất bại cùng với cảm giác ê chề. Mặc dù vậy tôi vẫn không hiểu tại sao cô ấy lại cố gắng thay đổi hành vi của một nhân viên bán thời gian. Tôi vẫn không hiểu và cũng không muốn hiểu nhưng dù sao đi nữa cô ấy vẫn khăng khăng không bao giờ muốn gặp Lee Sang-min thêm một lần nào nữa.


Sau một thời gian dài, lần đầu tiên nói chuyện với Lee Sang-min trên điện thoại, tôi nghĩ về việc anh ấy chẳng thay đổi một chút nào, vẫn cung cách nói chuyện như cũ, và tôi cũng nghĩ rằng cách nói ấy tương tự với cách nói của Lee Sang-wu mặc dù không chính xác bởi vì trong khi Sang-wu cũng có thể trở nên hòa nhã và dè dặt, thế nhưng lời nói của cậu ta không hoàn toàn kéo dài một số nguyên âm; thay vào đó anh ta có thường kết thúc câu nói bằng một tiếng huýt nhẹ nhất là trong các cuộc trò chuyện điện thoại anh ấy dùng tiếng huýt đó để gây ấn tượng nhưng nó sẽ khiến mọi người hoảng sợ và thậm chí còn làm một số người bị xấu hổ, nhưng đó cũng là một phần làm nên sự quyến rũ riêng biệt của anh ấy. Tôi chợt nhắc anh ta nhớ về việc anh ấy đã cảm thấy lo lắng và xấu hổ như thế nào khi anh ấy khiến người khác lo lắng và xấu hổ. Điều tôi nghĩ thực sự buồn cười, có lẽ là, Sang-wu và Sang-min chưa bao giờ có cơ hội học nghi thức giao tiếp thích hợp trên điện thoại. Nhưng điều này cũng nhắc nhớ tôi rằng, trên thực tế, đôi khi, tôi nói trên điện thoại, và tôi nghe thấy giọng nói của mình vang lên qua loa. Lúc đó sự lo lắng và xấu hổ ùa tới khi tôi nghe thấy chính giọng nói của mình. Việc này, đối với tôi, cũng khá là nghiêm trọng. Ý tôi là, có mấy ai trong số chúng ta thực sự thích nghe tiếng nói của mình. Tôi phải tự hỏi, tất cả chúng ta, khi lần đầu tiên nghe giọng nói của chính chúng ta, đã bị choáng váng khi chợt nhận ra chúng ta không phải là kiểu người mà chúng ta vẫn nghĩ chúng ta là. Người mà tôi nghĩ tôi thực là, là khi tôi thấy chính giọng mình qua điện thoại, là thứ méo mó nhất của tôi đang hiện hữu.

1. Kendō, là một môn võ thuật đánh kiếm hiện đại của Nhật Bản, phát triển từ các kỹ thuật truyền thống của kiếm sĩ Nhật (N.D).


Lính kỵ binh
Katsuhiro Yamaguchi nghe nói rằng Frederick John Kiesler là một kẻ lập dị người luôn e dè về chiều cao 150 cm của mình và thường nói những điều kỳ lạ và không bao giờ đến các cuộc hẹn của ông ta đúng giờ. Vì vậy khi anh đến New York để gặp ông ta vào một ngày vào năm 1961, có thể hiểu là anh ấy đã rất lo lắng và đúng như vậy, sau hơn một giờ rưỡi đồng hồ đến muộn, Kiesler vẫy tay vẻ kiêu ngạo và với sự giúp đỡ của người thư ký, ông ta chìa tay ra bắt tay Katsuhiro Yamaguchi và tự giới thiệu mình là "kiến trúc sư cho giới nữ”. Frederick Kiesler, kiến trúc sư cho giới nữ là một nghệ sĩ và kiến trúc sư người đã trò chuyện thân mật cùng với các họa sĩ của trường phái De Stijl, Dada, và siêu thực, và trong khi tìm kiếm tác phẩm của nhà văn và nghệ sĩ Kim Gwang-wu, tôi chợt phát hiện thấy blog của Kim, Nghiên cứu văn hóa của Gwang-wu, nơi tôi đọc về nhà văn và nghệ sĩ Katsuhiro Yamaguchi. Katsuhiro Yamaguchi viết về Frederick Kiesler như một kẻ ngoài cuộc và như là thành tựu cuối cùng của nghệ thuật thế kỷ 20, người có tài năng nghệ thuật kỳ diệu trong thiết kế sân khấu, sắp đặt sân khấu, phác thảo đô thị, thiết kế nội thất, thiết kế đồ họa, điêu khắc, hội hoạ, thi ca và văn xuôi, và Yamaguchi thậm chí đã viết một cuốn sách về Kiesler có tựa đề Nguồn gốc của Thiết kế Không gian Truyền thông, Frederick J. Kiesler, có rất nhiều phần trong cuốn sách được làm sáng tỏ trên blog của Kim và những ghi chép này khiến tôi tò mò muốn biết thêm về Frederick Kiesler. Katsuhiro Yamaguchi còn chỉ dẫn tôi tìm kiếm trên hiệu sách online Aladin hai cuốn sách của Katsuhiro Yamaguchi, Nguồn gốc của thiết kế không gian truyền thông, Frederick J. KieslerNghệ thuật thế kỷ 20 và Trường phái Tiên phong (1995). Đến nay chúng vẫn không được tái bản dù đã xuất bản cách đây hơn 20 năm.


Nhớ lại việc Lee Sang-min rất yêu thích nghệ sĩ Duchamp, tôi nghĩ anh ta cũng có thể biết Frederick Kiesler. Kiesler là một trong số ít người quen của Duchamp và khi Duchamp lần đầu tiên đến New York và ngủ ở nhà của bạn bè, ông đã ở với Kiesler một thời gian và họ nói về những nghệ sĩ đáng thương, tự giam hãm mình trong phòng vẽ cả ngày, họ hành động như thể họ phô bày tất cả những gì thế giới đưa đến, tuôn chạy dưới đầu cây cọ của họ, cứ như thể họ đã bị hấp lực bởi những cảm xúc và bản sắc của toàn nhân loại vậy, trong khi trên thực tế, người ta đã chứng minh rằng con người chẳng là gì hết ngoài một tổng hòa các bộ phận cơ thể được cấu tạo từ DNA và sự vô thức kết hợp với ham muốn tình dục, do đó, những nghệ sĩ kiêu căng và vĩ đại này trông thật ngớ ngẩn biết bao.
 

Cô dâu bị mấy gã độc thân lột truồng (1915-1923), Marcel Duchamp.

Trong cuốn sách viết về Kiesler, Katsuhiro Yamaguchi đã phê bình tác phẩm nghệ thuật của Duchamp Cô dâu bị mấy gã độc thân lột truồng ( La Mariée Mise à Nu Par Ses Célibataires, Même) thường được gọi là Tấm kinh lớn (Le Grand Verre) và nói đó là một tác phẩm không đi theo trường phái Dada, nghệ thuật trừu tượng, chủ nghĩa kết cấu, hay chủ nghĩa siêu thực, rằng nó chắc chắn nhất một tác phẩm ưu sinh (a eugenic work) và là sự khám phá vĩ đại nhất của lịch sử thế kỷ 20 của nhân loại, mà Duchamp là nhân vật vĩ đại nhất trong lịch sử kể từ sau khi nhà vật lý học Wilhelm Rontgen khám ra tia X-quang. Những bức tranh của Duchamp giống như những tia X-quang, mà Kim Gwang-wu đã sao chép lại trên một blog khi đề cập đến cuốn sách của riêng mình Duchamp và Những người bạn (2001). Chúng đã đưa tôi đến ý nghĩ rằng Lee Sang-min chắc hẳn biết về Katsuhiro Yamaguchi và Kiesler và thậm chí anh ấy có thể có cuốn sách của Yamaguchi, nhưng khi được hỏi, Lee Sang-min nói anh chưa từng nghe những cái tên đó trước đây và điều đó là sự thật. Nói chung anh ta không thích đọc. Tại sao trước đây anh ta không bao giờ nói tôi về điều này, khi chúng tôi ở độ tuổi hai mươi và nằm trong căn hộ của chúng tôi rồi tranh luận về Bachelard và Deleuze. Anh ta đã không đọc bất kỳ tác phẩm của họ trước đây, và khi nói về Duchamp, anh coi Duchamp là một kẻ xảo trá, ngu ngốc và kiêu ngạo, người chơi cờ nhưng lại luôn giả vờ mình đứng ngoài cuộc cờ, nhưng trên thực tế, ông ấy đã có một cuộc sống không trọn vẹn. Có thể là như vậy! Duchamp có thể là một nghệ sĩ được ca tụng quá mức và là một người nghiện chơi cờ. Với tôi, người nghệ sĩ vĩ đại thực sự là Bob Ross, tôi đã nói với anh ấy. Nhưng tôi cũng tự hỏi bản thân mình rằng có đúng là tôi căm ghét Duchamp không và nếu bạn thực sự là một fan của anh ấy thì tại sao bạn lại thích ông ta. Nhưng hãy nghĩ về Duchamp. Dường như không phải là ý tưởng tốt nhất để thích Marcel Duchamp. Bởi vì Duchamp quá nổi tiếng để được thích.


Bởi vì các nghệ sĩ nổi tiếng từ những năm 50 đến 60 được ái mộ rất cuồng nhiệt đến mức họ đã bị “lột trần” bởi những kẻ cuồng nhiệt họ. Nếu bây giờ tôi có thích Duchamp thì sẽ giống như khi tôi trở thành một fan hâm mộ của Kurt Cobain hoặc Kim Su-yeong trong tất cả những năm sau cái chết của họ, điều này sẽ không chỉ ngu ngốc mà còn hài hước nữa, nhưng sau đó tôi nghĩ, liệu tôi có thể nào thật lòng thừa nhận rằng tôi không thích điều gì đó mà tôi thực sự thấy thú vị, những gì của Duchamp thật thú vị và khác biệt, mặc dù tôi không biết đích xác ông ấy thú vị và khác biệt như thế nào. Thử xem xét những ví dụ về những tác phẩm của ông như: Đã trao: 1. Thác nước (The Waterfall), 2. Khí phát sáng (The Illuminating Gas) được công bố 15 năm sau cái chết của ông. Những tác phẩm này có một tiêu đề rối rắm và mơ hồ đến nỗi chỉ nghe tiêu đề thôi cũng làm tôi khó chịu hết sức nhưng tôi phải thừa nhận, chúng khác hẳn với những trò hề kì quái của đám nghệ sĩ tiên phong khác mà tôi đã tiếp xúc nhiều đến phát ngấy hoặc những tác phẩm mà lúc đầu tôi nghĩ là độc đáo nhưng hóa ra đều là thứ vớ vẩn nhảm nhí. Tôi nghĩ đến cách mà Duchamp luôn nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của thái độ bàng quan, để không bao giờ thể hiện sự quan tâm đến bất cứ điều gì, mặc dù trên thực tế, ông ấy đã theo đuổi một tác phẩm trong mười năm và sau đó bỏ mặc nó với tình trạng chưa hoàn thành. Đó là hai tác phẩm Cô dâu bị mấy gã độc thân lột truồngĐã trao.

Đã trao: 1. Thác nước, 2. Khí phát sáng (1946-1966), Marcel Duchamp.



Kiesler từng nói,
Hình thức không tuân theo chức năng.
Chức năng tuân theo tưởng tượng.
Tưởng tượng tuân theo thực tại.

Trong một cuộc phỏng vấn, Werner Herzog đã từng được hỏi tại sao tất cả nhân vật của ông lại tràn đầy tham vọng, và ông trả lời, đó không phải là tham vọng, thứ mà họ có là tầm nhìn. Ông nói tham vọng và tưởng tượng là hai thứ khác nhau. Tham vọng là hành động ngu xuẩn tập trung vào sự nghiệp, còn tưởng tượng thì không. Vũ trụ thực sự bao gồm mười chiều kích nhưng chúng ta có thể chỉ trải nghiệm ba, và thậm chí với trí tưởng tượng, chúng ta chỉ có thể đạt được bốn chiều kích và tưởng tượng là ở cấp độ đó. Tưởng tượng đòi hỏi một cấp độ khác, rằng nó muốn một cấp độ khác, và đến đây, tôi nghĩ về những gì Flaubert viết ở một trong những bức thư của ông, về việc làm thế nào mà với hình thức nghệ thuật điêu luyện nhất mà ông có thể nghĩ đến không phải là điều làm cho ông cười hay khóc hay háo hức hay say mê mà trên hết, là làm cho ông mơ mộng. Đó chính là tưởng tượng. Tôi thấy đó là từ đầy sức hấp dẫn, và tôi đã nói nhiều về Geum Jeong-yun, Lee Sang-wu, Hong Sang-hee, và những người quen khác của tôi nhưng dường như không ai đồng ý hết. Tại sao Kiesler lại nói về tưởng tượng, khi cùng với Piet Mondrian, ông nhấn mạnh mối quan hệ tương đương và cách chúng ta phải được giải phóng khỏi đường kẻ, màu sắc và hình thức, giải phóng khỏi các bề mặt trước và sau, trái và phải của các tòa nhà, được giải phóng khỏi bên ngoài và bên trong màn hình, được giải phóng khỏi bên trong và bên ngoài tòa nhà, giải thoát khỏi tất cả những gì bị phá vỡ, được giải thoát khỏi sự ngăn cách giữa nghệ thuật và đời thường. Ông ấy luôn để lại các hồ sơ nghệ thuật của mình và nếu như Duchamp được cho là đã để lại những hướng dẫn cơ học khô khan, thứ gợi nhớ đến Raymond Roussel , hồ sơ của Kiesler, chúng là những tuyên bố vĩ đại về cách ông ta sẽ cứu thế giới và cứu lấy nghệ thuật và cứu nhân loại bằng trí tưởng tượng của ông, về cách chúng ta sẽ tiến tới một chiều kích khác. Những tuyên bố này lần lượt khiến mọi người hoảng sợ hoặc bối rối.


Bài luận cuối cùng ông viết trước khi qua đời là tác phẩm điêu khắc cuối cùng của ông với tựa đề Chúng ta, Bạn, Tôi (1965) (Us, You, Me) và nó được viết theo phong cách tường thuật thông thường nhưng cũng bao gồm những lời thú tội bên trong, những lời lan man dông dài, thơ ca, và những mô tả về các vấn đề chung của cuộc sống đời thường. Chỉ có Thượng đế mới biết những gì tôi đã làm, ông viết, cũng như, mọi thứ đều bất khả đoán định; không có gì tồn tại ngoài sự liên tục, thứ kết nối chúng ta với nhau, và đó chính là hơi thở của vũ trụ, một nghệ sĩ đích thực không được hài lòng với cuộc cách mạng nghệ thuật duy nhất, tôi đã mua hai chiếc bánh sandwich và một tách cà phê và băng qua đường, tôi không có cảm giác thèm ăn, tôi lên xe và trở về nhà, ngồi phịch xuống chiếc ghế trường kỷ và ngủ thiếp đi.

2. Frederick John Kiesler. Kiến trúc sư người Mỹ gốc Áo, nhà lý thuyết, nhà thiết kế sân khấu, nghệ sĩ và nhà điêu khắc (N.D).


Người hầu
Ở thành phố Daegu, tôi viết một truyện ngắn có tên Thành phố mở (2008). Tiêu đề được lấy từ bộ phim cùng tên của Roberto Rossellini , và tôi đã viết nó trong một thời gian khi tôi bị mê hoặc bởi những khả thể mới của dòng phim tân hiện thực, không phải trong thời hoàng kim của chủ nghĩa tân hiện thực mà là khoảng thời gian tôi quyết định đi đến Daegu để viết tiểu thuyết và trở nên say mê với ý tưởng này, hoặc chính xác hơn, tôi ảo tưởng rằng tôi có thể cách mạng hóa tiểu thuyết thông qua chủ nghĩa tân hiện thực. Roberto Rossellini từng đặt câu hỏi, các vật thể nằm ở đó, vậy tại sao chúng ta phải dàn cảnh cho chúng? Chủ nghĩa tân hiện thực cho thấy sự trùng hợp, hoặc các bức ảnh được chụp ngẫu hứng. Chẳng hạn như cách Dziga Vertov chạy vào đám đông với một máy ảnh. Nhưng trong phim truyện chứ không phải phim tài liệu, tồn tại niềm tin rằng đối tượng trong cảnh quay và sự thật về những gì đang diễn ra sẽ tự nhiên phơi lộ những ý thức hệ và những số phận trong đó. Niềm tin có phần tưởng tượng này thực sự đã được định hình thành trong hiện thực. Đạo diễn Fillini thực sự bắt đầu sự nghiệp điện ảnh của mình với chủ nghĩa tân hiện thực, dường như ông ta đang đi ngược lại phong trào này. Nhưng thực tế không phải vậy. Bản thân tôi đã cố gắng hướng đến một trần thuật bị phân mảnh và ngẫu nhiên bằng cách mô tả những ham muốn của thành phố và tư tưởng đa dâm của Georges Bataille và những trải nghiệm lãng mạn cá nhân của tôi và một bức ảnh duy nhất để tiết lộ một sự thật nằm ngoài sự thật nhưng chỉ có một người quen mà tôi biết, người đã đọc tiểu thuyết, Kim Jeong-yeong, cười và nói rõ ràng là tôi đến từ đâu, điều này đã tàn phá tôi. Kim Jeong-yeong là một phóng viên tự do, người đang tiếp tục viết một truyện ngắn có tiêu đề “Yipal” (từ năm 2006) trong mười năm nay và gần đây cô chuyển đến Chuncheon để tìm cảm hứng mới và thích dành thời gian rảnh rỗi của cô đào cây ngải cứu và thu thập hạt dẻ ở đồi thấp sau nhà cô và nói rằng sống ở một thành phố như Chuncheon thật rẻ hơn nhiều, và nếu cô ấy có thể tiết kiệm thêm một số tiền thì cô ấy đang lên kế hoạch mua một chiếc váy mới của hãng Margaret Howell. Khi tôi gặp cô ấy mùa đông năm ngoái, cô ấy đang mặc một chiếc áo phao hãng DKNY mà cô đã mua trực tiếp từ một nhà bán lẻ ở nước ngoài và mặc dù tôi nghĩ về DKNY như một nhãn hiệu, tôi đã không đề cập đến điều đó và chỉ nhớ về người giám sát của tôi, Lee Si-eun, làm ở phòng PR của một siêu thị nơi tôi làm việc một thời gian ngắn cách đây bốn năm, cũng thích mặc áo khoác DKNY.


Lee, người giám sát, thích đọc ngấu nghiến truyện hư cấu và có một người chồng làm việc trong một nhà máy hạt nhân ở Anh; sau khi đọc truyện ngắn của tôi “Một con ngựa gầy” (2011) trong giờ ăn trưa, cô ấy đã nhận xét về những mô tả hiện thực của tôi về nước Nga và cách chúng được mô tả cứ như thể tôi đã thực sự đến nước Nga vậy. Tôi trả lời đúng, tôi đã đến Nga, tôi đã thấy nhà thờ St. Basil và Quảng trường Đỏ, và khi cô ấy nghe thấy vậy, cô ấy nhìn tôi đầy cảm động. Tôi đưa cho Kim Jeong-yeong truyện "Một con ngựa gầy” nhưng tôi không nhắc lại những gì Lee nói. Nhưng trong truyện ngắn đầu tiên tôi từng viết ở tuổi hai mươi lăm, câu chuyện mà bản thân tôi không hoàn toàn nhớ, nó là về một mẩu rác, cô ấy nói rằng, mặc dù cô ấy không thể đưa ra một lời phê bình trọn vẹn, nhưng các mô tả về những cơn ác mộng của nhân vật chính và cảnh mà ở đó mực từ cây bút biến thành một giấc mơ, và cảnh nhân vật chính ảo giác về các hoa văn trên trần nhà đang biến hóa thành những khoảng trống trên một con sông băng ở Bắc cực và ánh nắng mặt trời xuyên chiếu qua đó xuống tận đáy Đại Tây Dương. Những cảnh này cho thấy tầm cỡ vĩ đại của một nhà văn đích thực, là một sự tưởng tượng phi lý nhưng lại là điều mà tôi vẫn biết ơn cho đến tận ngày nay.


Nếu tôi thảo luận ngắn gọn về cuốn tiểu thuyết của cô ấy, sẽ như kiểu nó không bao giờ được hoàn thành. Yipal lo ngại về một người đàn ông sống ở quận Gwangjin. Vào một ngày nào đó đột nhiên anh ta co lại thành một kích thước nhỏ hơn, nhưng mô tip này và bản thân của hình ảnh này không phải là vấn đề quan trọng. Điều quan trọng ở đây là chủ đề về một ai đó đột nhiên bị teo đi về kích thước đã được viết đến cạn kiệt trong hư cấu. Nhưng điều quan trọng là nhân vật chính, Yipal, thích việc vừa đi bộ xuống ngọn đồi vừa ngân nga bài hát nào đó về tình yêu và trong khi anh ta thất vọng về thực tế là anh ấy ngày càng nhỏ bé đi, anh ta đã tình cờ phải lòng một người (mô tip thường diễn ra, anh ấy tìm thấy tình yêu một cách tình cờ). Điều này khiến anh ta, trong một thời gian ngắn quên đi kích thước nhỏ bé của mình và bỏ xuống đồi vào một ngày cuối hè. Phía dưới ngọn đồi là cảnh đêm lãng mạn nhất là khi anh ca hát về món kimchi và về lương hưu. Kim Jeong-yeong mô tả bài hát của Yipal và tôi rất ấn tượng với nhịp điệu của bài hát, vị ngọt ngào của lời ca và những từ không quen thuộc được sử dụng. Tôi nhiệt liệt ủng hộ cô ấy hoàn thành cuốn sách, rằng đây chắc chắn là một cuốn sách phải được xuất bản và cô ấy thậm chí nên cân nhắc việc gửi nó đến các giải thưởng văn học lớn của năm ngay cả khi họ không chọn cô ấy, và rằng cuốn tiểu thuyết này phải là kiệt tác tốt nhất sau cuốn sách đầy phi lý, Thằng lùn (The Dwarf), và Kim Jeong-yeong thề sẽ hoàn thành tiểu thuyết nhưng tâm trạng hỗn loạn kết hợp với những cuộc chia tay thường xuyên của cô với bạn trai, mối bất hòa giữa các thành viên trong gia đình và tài khoản ngân hàng eo hẹp, tất cả đã đập tan mọi cố gắng của cô để hoàn thành cuốn sách trong một vài năm trước đây. Nhưng hà cớ gì chúng ta cứ phải viết tiểu thuyết cơ chứ? Tại sao chúng ta lại phải viết hư cấu? Tôi đã thúc giục Kim hoàn thành Yipal, nhưng có bao nhiêu tác phẩm không hoàn thành mà trở thành kiệt tác cơ chứ? Duchamp đã thực hiện tác phẩm Cô dâu bị mấy gã độc thân lột truồng trong mười năm nhưng rồi bỏ dở nó và tác phẩm Đã trao mà ông làm việc bí mật với nó trong hai mươi năm.


Ông làm việc trong một studio ở một tòa nhà trên đường East 11th Street ở New York nhưng nơi này, không tên không biển hiệu chẳng khác nào một văn phòng lụp xụp của một nhân viên điều phối ma túy và không có ai biết ông ấy biết gì hết. Duchamp chỉ ở đó, chơi một trò chơi với thế giới mà ông ấy đã kiến tạo giữa những phức tạp và trừu tượng, lấy nguồn cảm hứng từ Maria – nhà điêu khắc người Brazin, bạn gái của Duchamp, Để bắt đầu lại cuộc đời, cờ vua, thủ dâm, thơ trữ tình, Raymond Roussel, máy móc, những cái chết yểu, những bức vẽ của Casanova , tình bạn tan vỡ của ông với Kiesler và Jean-Pierre Brisset,… là kết quả của tác phẩm Đã cho.


Tôi không hề có ý coi Kim Jeong-yeong như là một Duchamp tiếp theo và thêm nữa, gu nghệ thuật của cô nghiêng về phía những nghệ sĩ như Caravaggio và Pieter Bruegel the Elder. Vì vậy, cô có thể nghĩ Duchamp là một kẻ lừa đảo rẻ tiền nhưng biết đâu trong cái studio chật chội của cô, tác phẩm về Yipal có thể được khai sinh giống như trong một mê cung mà ở đó có một tinh thể đang tỏa sáng khi được ngắm nghía từ xa nhưng càng ngắm càng có vẻ trở nên mờ dần nhưng lại chẳng bao giờ biến mất. Mê lộ không lối thoát đó, nơi chúng ta không còn lựa chọn nào khác ngoài việc mất phương hướng. Duchamp một lần đã nói, nếu một lưỡi cưa có thể cắt một lưỡi cưa, và nếu một lưỡi cưa đã cắt một lưỡi cưa là một lưỡi cưa đã cắt một lưỡi cưa.

Khi cuộc sống của chúng ta không thuộc về chúng ta vậy thì chúng ta không thể phân biệt giữa cuộc sống của chúng ta và những gì không phải là cuộc sống của chúng ta.

3. Frederick John Kiesler. Kiến trúc sư người Mỹ gốc Áo, nhà lý thuyết, nhà thiết kế sân khấu, nghệ sĩ và nhà điêu khắc (N.D).

4. Raymond Roussel là một nhà thơ, nhà viết kịch, nhà viết kịch, nhạc sĩ và người say mê cờ vua Pháp (N.D).
5. Roberto Rossellini Gastone Zeffiro là một đạo diễn phim và nhà biên kịch người Ý. Rossellini là một trong những đạo diễn của điện ảnh tân hiện thực Ý (N.D).
6. Dziga Vertov là một đạo diễn phim tài liệu và tiên phong của Liên Xô, cũng như một nhà lý thuyết điện ảnh (N.D).
7. Francesco Giuseppe Casanova là một họa sĩ người Ý chuyên về các cảnh chiến đấu. Anh trai của anh là Giacomo Casanova, nhà thám hiểm nổi tiếng, và em trai của anh là Giovanni Casanova; cũng là một họa sĩ nổi tiếng (N.D).


Linh mục
Tiểu thuyết Locus Solus của Raymond Roussel (2014) được Emotion Books xuất bản gần như không thể đọc được do nội dung của nó và bản dịch kỳ lạ của tác phẩm. Tôi rất biết ơn bất cứ ai đã nhận thách thức bất khả dịch tác phẩm của Raymond Roussel. Thực tế là bản dịch này đã lộ diện những bằng chứng cho thấy thực hành dịch này không thực sự là bất khả. Tuy nhiên việc đọc tác phẩm được dịch này khiến tôi nghĩ rằng đây thực sự là một kỳ tích bất khả thi. Việc hiểu được những ghi chú của dịch giả đã giúp tôi học hỏi rất nhiều về lối sống chầm chậm và đầy đam mê của Raymond Roussel. Tôi cũng được biết sau khi viết tiểu thuyết đầu tay, ông ấy đã thấy ánh sáng tỏa rạng từ cây bút của mình và ông lo sợ rằng ai đó có thể thấy thứ ánh sáng đó, ông kéo rèm cửa sổ, và bất cứ khi nào ông thiếu ý tưởng viết văn, ông sẽ cuộn tròn mình lại như một quả bóng trên sàn nhà. Và cuộc sống đó của Roussel thật quá thú vị để đọc đến nỗi tôi đã gắng để đọc hết cuốn sách, ngay cả khi nó hầu như đầy rẫy các lỗi ngữ pháp và không có câu nào gây ấn tượng với tôi ngoại trừ đoạn văn tôi đọc vài ngày trước. Đoạn văn kể về nhà thơ Gerard, người xuất hiện trong chương thứ tư và nhận được thuốc hồi sinh kỳ diệu được ông chủ của Locus Solus là Martial Canterel pha chế, và trở về từ cõi chết để hồi tưởng miên man về những sự kiện ấn tượng nhất trong cuộc đời ông ta, và hồi tưởng lại quãng đời trẻ tuổi của ông khi cùng với con trai mình lên đường đến những ngọn núi của Aspromonte, nơi họ bị một tên cướp bắt cóc và bị cầm tù trong một trại giam nơi ông đã mua chuộc được bảo vệ Castelli và người yêu Marta của hắn để giúp con trai mình trốn thoát trong khi ông dành 60 giờ viết một bài thơ trữ tình vào các trang trước và sau của cuốn Từ điển về cõi âm của Louis Trojean và thứ bột màu vàng làm bằng cách nghiền mịn tiền vàng được rắc lên bài thơ, và ông lặp đi lặp lại ký ức này nhiều lần. Thật thú vị khi đọc về câu chuyện này, nó khiến tôi hứng thú để có thể đọc hết cuốn sách và nhận ra, cuốn sách hoàn toàn xứng đáng để đọc. Nhưng trên thực tế, lý do cho sự kỳ lạ của cuốn tiểu thuyết Locus Solus và các sáng tác nói chung của Raymond Roussel đều đạt được sự đánh giá cao như vậy không nằm ở những đoạn văn mà tôi vốn nghĩ chúng thú vị mà lại nằm ở những đoạn tôi không hiểu, những đoạn viết về máy móc và trò chơi Pháp ngữ, và nhận thức này khiến tôi chán nản hết lần này đến lần khác.


Nhà phê bình Jeong Gwa-ri chắc hẳn cũng cảm thấy như vậy vì trong blog Những khoảng trống quan trọng (liệu từ "khoảng trống" là một nhầm lẫn hay một cách chơi chữ, thật lòng tôi không có cách nào để biết) anh ấy viết về việc anh ta đã tình cờ đến bảo tàng Nacional Centro de Arte Reina Sofia khi đi du lịch khắp Madrid và thấy triển lãm đặc biệt về Raymond Roussel. Triển lãm trưng bày các tác phẩm của các nghệ sĩ bị ảnh hưởng bởi Roussel như Duchamp, Picabia, Dali, John Ashbury, Cortazar, và Foucault. Chuyến đi này nhắc nhớ Jeong Gwa-ri về thời gian trước đây khi anh cố gắng đọc Raymond Roussel và thất bại. Nhưng cuộc triển lãm ngay lập tức đã gợi cảm hứng để anh thử đọc hết cuốn Những ấn tượng về Phi Châu (Impressions d’Afrique) (1910) một lần nữa khi anh ta trở về nhà. Thế nhưng, khi về nhà, dù anh đã chọn Những ấn tượng về Châu Phi nhưng anh vẫn không thể xem hết nổi vài trang và trong bài đăng cuối cùng trên blog của anh, anh đã viết về Tiphaine Samoyault, người đã viết lời tái bút cho cuốn Những ấn tượng về Châu Phi. Tiphaine Samoyault, một người bạn tốt của một học trò cũ của anh, tiến sĩ Ju Hyeon-jin. Lối viết của Tiphaine Samoyault thật tuyệt vời.


Cuốn Những ấn tượng về Phi Châu đã mang đến ấn tượng về Harald Szeemann, sinh ra ở Thụy Sĩ và là quản lý viên của triển lãm Cỗ máy độc thân (1975) được tổ chức tại Museum of Obsessions (1973), một bảo tàng hư cấu được Szeemann tạo ra, không xây dựng không cả nhân viên nhưng đã đi triển lãm ở Bern, Venice, Dusseldorf, Malmo, Amsterdam, và các thành phố Châu Âu khác. Tất cả những thành phố trên dường như đều sở hữu tinh thần của các bảo tàng vật lý (brick-and-mortar museums). Với triển lãm này, Szeemann đã mô tả các tác phẩm của các nghệ sĩ thành công về mặt thương mại như Duchamp mà không phải là các nghệ sĩ Art Brut như Heinrich Anton Muller, người đã luôn gắn với những ám ảnh giản dị và cơ bản để kiến tạo một huyền thoại thông qua quá trình cá nhân hóa của nghệ sĩ.


Heinrich Anton Muller là một nhà phát minh và nông dân, người luôn phấn khích khi thu hoạch nho và sau đó phải nhập viện tại một trại tâm thần ở Munsingen, một thành phố nhỏ ở Thụy Sĩ, nơi ông hăm hở phát minh ra một chiếc máy chạy bằng phân người, bởi vì ông tin rằng cỗ máy này có thể được khai thác theo quy luật tự nhiên và tạo ra một vòng tuần hoàn bất tận nhưng vì mùi hôi thối quá mức đến nỗi các khu khác của viện tâm thần không thể chịu đựng thêm nữa và ban quản lý thuyết phục Heinrich bỏ sáng chế và chuyển sang vẽ. Vẽ là việc Heinrich bị bắt buộc nhưng sau đó là một điều tốt lành kể từ sau khi ông không ngừng đập vỡ vụn những chiếc máy mà ông ta đã dựng thành công. Sau đó, ông quay sang vẽ những tác phẩm nghệ thuật ảo tưởng nhưng lại quyến rũ đầy kinh ngạc trong suốt quãng đời còn lại của mình.


Trong một cuộc phỏng vấn với Hans Ulrich Obrist, Harald Szeemann nói rằng bộ sưu tập nghệ thuật của ông không chỉ bao gồm Art Brut mà còn là những chất liệu phong phú về nhảy múa, phim ảnh. Ông thích đi lang thang với đôi mắt nhắm kín của mình như một người mù ở trong những chất liệu này và chọn mọi thứ ngẫu nhiên. Bộ sưu tập của ông đã quá đồ sộ đến nỗi ông ta phát buồn chán khi chẳng còn có thể đi bộ giữa chúng nữa. Mặc dù vậy, ông vẫn tự hào rằng mình vẫn giữ được sức tưởng tượng. Ông đã phát biểu trong cuộc phỏng vấn, rằng ông thấy nó thú vị để liên tục nhiếc móc bản thân mình mặc dù ông đã hơn sáu mươi tuổi. Ông khép lại cuộc phỏng vấn khi nói, ông vui vì chưa bao giờ giàu có trong cuộc đời, cũng sẽ không giàu có trong tương lai. Trong khi đó, người Mỹ, Rousselian William Clark lập luận rằng những gì khiến cho Raymond Roussel tuyệt vời không phải là những tác phẩm của ông mà là những ảo giác của ông ta. Mặc dù Raymond Roussel được sinh ra trong một gia đình quý tộc, nhưng ông đã lãng phí toàn bộ tài sản của mình vào những ảo tưởng của bản thân để thỏa thích những siêu thực ở khắp chốn.


William Clark tiếp tục nói rằng ám ảnh và ngôn ngữ có phần lệch lạc mà Raymond Roussel sử dụng không rõ ràng, và đã bị lãng phí khi mô tả đầy sầu thảm hình dạng của những động vật hoặc chúng không tồn tại trong tự nhiên hoặc không thực tế. Cũng tương tự với những mô tả phức tạp, máy móc dưới nước hoàn toàn vô dụng và việc sử dụng liên tục các từ đồng nghĩa khiến chúng trở nên gượng gạo và rắc rối đến nỗi tiểu thuyết của ông không được đánh giá cao về giá trị cảm xúc chẳng hạn như niềm vui hay nỗi buồn và nó chỉ đưa đến những nụ cười hay những suy tư về giấc ngủ, và cũng rất rõ ràng khi ông so sánh mình với những bậc cao quý như Victor Hugo hoặc Jules Verne sau khi ông viết cuốn tiểu thuyết này, và bên cạnh đó, Roussel đã dành một số tiền lớn để xuất bản tác phẩm của ông và thậm chí còn biến nó trở thành một vở kịch. Đây quả là một sự lãng phí tiền bạc mà không thể không cân nhắc đến, nhưng hành động này là con đường tắt mà ở đó mọi giấc mơ cuối cùng có thể trở nên tuyệt vời, và William Clark cũng nhận xét rằng Roussel giống như chiếc máy móc cô độc được mô tả trong các tác phẩm của Duchamp. Chiếc máy này được kiểm soát bởi ảo tưởng riêng của nó, và trong khi ảo tưởng của chính Roussel đã dẫn ông ta đến hành động tự sát. Những nhà siêu thực, Da da, và những nhà Roussel quanh ông ta đã trở thành nạn nhân của những nỗi buồn chán và kỳ quái trong ảo tưởng của ông, biến cuộc sống của họ thành những cỗ máy phi tự nhiên, phi kiểm soát và khiến Clark tự hỏi rằng phải chăng đó là căn bệnh, thứ đã thực sự mang đến cho chúng ta cuộc sống.

8. Michelangelo Merisi xứ Caravaggio, (1571–1610) là một nghệ sĩ người Ý (N.D).
9. Pieter Bruegel the Elder (1525-1569) là một họa sĩ thuộc trường phái Phục hưng Hà Lan và là một nhà đồ họa in ấn (N.D).
10. “Outsider Art là thuật ngữ dùng để chỉ sáng tác nghệ thuật được tạo ra bởi những người bên ngoài dòng chính thống. Thuật ngữ “Outsider Art” được Roger Cardinal, nhà phê bình nghệ thuật người Anh đưa ra năm 1972 như một từ tiếng Anh tương đương với thuật ngữ “Art Brut” trong tiếng Pháp do Jean Dubuffet (1901 – 1985, họa sỹ và nhà điêu khắc người Pháp) đặt ra, dùng để chỉ những tác phẩm nghệ thuật không tuân theo khuôn mẫu, qui tắc mỹ thuật hay các trường phái nghệ thuật" (N.D)

Nhân viên an ninh
Nếu.chúng.ta.có.thể.giữ.mình.khô.ráo.ngay.cả.khi.trời.đổ.mưa.hoặc.ấm.áp.dù.là.khi.tuyết.đổ.và.không.bao.

giờ.cháy.túi.hoặc.luôn.no.nê.mà.không.cần.đồ.ăn.thức.uống.và.không.bao.giờ.đau.khi.ngã.không.sưng.tấy.


Cà phê Cupper
Lúc trước rạng đông, tôi có nhận được một cú điện thoại từ Lee Sang-min. Anh ấy đang ở nhà Lee Jae-gyeong, khu Donggyo-dong và đang giúp các lễ hội sắp tới được thành phố Seoul tổ chức để đánh dấu kỉ niệm 70 năm ngày giải phóng. Anh ấy nói chúng ta nên gặp Lee Jae-gyeong và mặc dù bận rộn với công việc, nhưng tôi đã nói với anh ấy tôi sẽ cố gắng thu xếp thời gian. Lee Jae-gyeong nghiên cứu kiến trúc và có gương mặt của người Hồng Kong gốc Mông Cổ; hiện anh đang làm việc tại công ty thương mại quốc tế Daewoo và kiếm khoảng năm đến sáu nghìn đô la một năm; đó là quãng thời gian khi chứng tôi còn sống chung phòng (Lee Sang-min cũng là bạn cùng phòng và căn hộ chứa tổng cộng năm người đàn ông và một người phụ nữ vãng lai, bạn gái của một trong những gã này) khi anh ấy tặng tôi một thùng mì ramen ăn liền, và tuyên bố anh ấy sẽ cõng tôi đi một vòng sân Hongdae nếu tôi được ra mắt sách với tư cách một nhà văn nhưng khi tôi thực sự xuất bản được sáng tác của mình, tôi đã không gọi để báo anh ấy biết. Lần cuối cùng tôi gặp Jae-gyeong khoảng sáu tháng trước khi anh ấy nói anh ấy có thể được thuyên chuyển đến văn phòng công ty ở Nam Phi và tôi nên đến thủ phủ Cape Town mà viết lách.


Cape Town là một trong những thành phố nguy hiểm nhất thế giới và hầu hết mọi người được tự do mang theo súng, được tùy ý sử dụng trong mọi trường hợp ẩu đả nhưng chính phủ Cộng hòa cũng chẳng có cách nào hay có ý định xử lý vấn đề này, và thực tế là, Jae-gyeong đã từng bị một anh chàng da đen chặn ở lối vào một tòa nhà căn hộ ở Atlanta khi anh ta đang làm việc cho Hyundai Engineering & Construction, và lúc đó, anh nhớ lại, cái lạnh của vật thể kim loại bị ép vào lưng anh, rõ ràng là một khẩu súng và mọi người phải dừng lại để tưởng tượng cảm giác khi có một khẩu súng áp vào cơ thể bạn, bản thân Jae-gyeong chỉ có thể nghĩ về một điều, đó là, lỡ thằng ngốc này có sơ ý mà bóp cò, lỡ hắn ta hoàn toàn không chủ ý giết người ngoại trừ việc hắn ta xoay xở quá tệ với khẩu súng đến mức sơ ý bóp cò, và lỡ cú bắn đó có làm tôi chết thực sự, vì súng rõ ràng là không biết nghĩ, và khẩu súng cũng không có khái niệm gì về ý chí cả, khẩu súng chỉ là một công cụ, phản ứng khi được tác động cho dù sự tác động này là vô ý hay hữu ý, lỡ thằng ngốc này, trong quá trình lục tìm ví của tôi mà vô tình nổ súng và giết chết tôi, và những điều bận tâm đó khiến hai đầu gối chán của anh ta bị tê liệt và trí nhớ vẫn còn vùi dập anh ta cho đến ngày nay vì vậy nếu tôi có muốn đến Cape Town, tốt nhất là tôi nên chuẩn bị cho bất cứ điều gì có thể đến, bởi vì trong khi tôi có thể bị bắn gục một cách có chủ ý, thì tôi cũng có thể bị chết bởi một tai nạn ngu ngốc, và rằng một viên đạn lạc nào đó có thể cướp đi mạng sống của tôi và vì vậy, tôi nên thận trọng. Tôi nói với Jae-gyeong rằng tôi không sợ chết yểu và tôi muốn đến Cape Town nhưng tôi có thể đã nói điều đó một cách tình cờ vì tôi chưa bao giờ thực sự ở trong tình huống như thế trước đây. Kiến thức duy nhất tôi có được về Cape Town là từ sự kết hợp giữa hai bộ phim Mandela (2013) và Quận 9 (2009), với những cảnh hỗn loạn về chính trị, kiểu hỗn loạn mà chúng ta thường gặp nhất trong cuộc sống nhưng tôi không quá quan tâm đến sự hỗn loạn đó, tất cả những gì tôi quan tâm là xác định các quốc gia tôi muốn ghé thăm, những thành phố tôi muốn đến, thực ra tôi chỉ quan tâm đến các thành phố, vậy với tôi, đâu là thành phố lý tưởng nhất, tôi tự hỏi, cùng với việc nhận ra tựa đề của triển lãm mới nhất của nghệ sĩ Kang Dong-ju là Sub-City Downtown. Tôi biết họa sĩ Kang Dong-ju thông qua đồng nghiệp Lee Hae-jin của anh ấy và thật ra tôi phải nói rằng tôi gần như chẳng biết gì về người đàn ông này, và cũng như với đồng nghiệp Lee Hae-jin của anh ấy, hay nói cách khác, tôi hầu như không biết cả hai, nhưng rồi chúng tôi đã quyết định cùng nhau làm điều gì đó và gần đây tôi đã giới thiệu cho họ những bài thơ haiku của Yaha và cuốn Những lời bộc bạch của Rousseau, những thứ làm họ thấy thú vị và khiến chúng tôi tin rằng chúng tôi thực sự có thể cùng làm điều gì đó, mà ngay cả những người xa lạ cũng có thể cùng làm điều gì đó, và để cùng nhau làm điều gì đó, bạn không nhất thiết phải biết nhiều mặc dù trên thực tế, hóa ra chúng tôi phải có một số kiến thức để cùng nhau làm điều gì đó; bất luận thế nào chúng tôi đều tranh luận về những gì chúng tôi phải biết và không cần phải biết và mức độ kiến thức phù hợp nhất mà chúng tôi phải có là gì, đó cũng là motif chính của bộ phim Differently, Molussia (2011) mà tôi đã xem gần đây, Nicolas Rey, vị đạo diễn của phim này cho biết, ông ta làm bộ phim này mà không đọc cuốn tiểu thuyết mà bộ phim dựa vào, The Molussian Catacomb của Günther Anders (1932). The Molussian Catacomb được viết bằng tiếng Đức và là một người Pháp nên Nicolas Rey không đọc được tiếng Đức và cuốn tiểu thuyết này chưa bao giờ được dịch ra tiếng Pháp do đó, hoàn toàn tự nhiên khi Nicolas Rey không đọc được cuốn sách nhưng sẽ ít tự nhiên hơn khi ông vẫn được chọn lựa để làm một bộ phim dựa trên một cuốn sách mà thậm chí ông ấy không thể đọc được. Tiểu thuyết The Molussian Catacomb gồm những ký ức vỡ vụn của các tù nhân trong một nhà tù của nước phát xít hư cấu, Molussia, và được Günther Anders xuất bản khi ông, với người vợ, Hannah Arendt, trốn thoát khỏi sự cai trị của Hitler để sống ở Pháp, vào lúc này thế lực của lực lượng cảnh sát bí mật Gestapo đã lan rộng khắp Châu Âu, buộc Günther Anders phải dùng một bìa khác để bọc cuốn The Molussian Catacomb và bán nó dưới dạng tài liệu du lịch đến hòn đảo tuyệt vời của người Indonesia ở Molussia!


Tuy nhiên, trò lừa bịp này rất đáng tin cậy đến nỗi không chỉ lực lượng cảnh sát bí mật Gestapo mà ngay cả những độc giả cuồng nhiệt của Günther Anders cũng nghĩ rằng The Molussian Catacomb thực sự là một tài liệu du lịch và cuốn sách đã thoát khỏi sự kiểm duyệt thành công, nhưng rồi nó cũng dần chìm vào lịch sử. Günther Anders trốn thoát một lần nữa, lần này đến Hoa Kỳ, trước khi bùng nổ Thế chiến II và đã viết thêm nhiều trang cho cuốn tiểu thuyết, tương đương với khoảng ba lần bản gốc, nhưng chiến tranh kéo dài lâu hơn ông nghĩ và còn diễn ra nhiều điều tồi tệ hơn những gì mọi người có thể tưởng tượng cho đến tận khi Hitler qua đời, và Günther Anders thề sẽ không bao giờ viết tiểu thuyết nữa và vẫn là một kẻ yếm thế vô tín với phần còn lại của cuộc đời mình. Ông đã dành những ngày còn lại của mình để sống như một nhà triết học tuyệt vọng, chỉ trích giới truyền thông hiện đại đặc biệt là truyền hình và hoàn toàn lãng quên đi cuốn The Molussian Catacom đến mức nó chỉ có thể được tái bản sau cái chết của Günther Anders vào năm 1992, và Nicolas Rey đã viết trong ghi chú sản xuất của ông rằng, thông qua người bạn của mình, Carroll, ông đã biết The Molussian Catacom vào năm 2001 và ông còn tiếp tục viết, vấn đề có thể nảy sinh ở đây là, liệu chúng ta có thể nói yêu một cuốn sách mà chúng ta chưa từng đọc không, nhưng bản thân ông lại nghĩ rằng, đây thực sự chỉ là vấn đề đức tin, nếu chúng ta chỉ có thể nói chúng ta yêu điều gì đó bởi vì chúng ta đã đọc nó, thì đó sẽ không phải là một tình yêu đích thực.


Differently, Molussia đã được quay trên phim cỡ 16 mm và bao gồm tám đoạn phim ngắn và một màn chuyển cảnh; Nicolas Rey hỏi người quen của ông là Peter Hoffman, người dịch phụ đề tiếng Đức cho tác phẩm cũ của ông Schuss! (2005) để đọc những phần mà anh thích, sau đó anh quay phim, và anh, cùng với người bạn Nathalie, đã xuống đường với một chiếc máy ảnh và tự nghĩ mình đang thực sự ở Molussia, khi anh quay những cảnh sông suối, biển cả, ngoại ô, mái nhà và đường phố của họ, ít nhất là anh ấy đã nói như vậy trong một cuộc phỏng vấn được Darren Hughes của tạp chí Senses of Cinema thực hiện. Chín đoạn phim ngắn được quay trên phim 16 mm, chúng không có thứ tự, không được đánh số, phải được phát ngẫu nhiên, và đó là bản chất của cuộc sống đô thị, đó là bản chất của cuộc sống người Molussia, hay chính xác hơn bản chất của cuộc sống trong một nhà tù Molussia, hoặc cuộc sống như họ tin rằng nó tồn tại trong thế giới bên ngoài khi nhìn ra khỏi nhà tù Molussia. Cũng trong buổi phỏng vấn, Nicolas Reytrong cho biết có 362.880 cách trình chiếu đối với Differently, Molussia, và sau đó ông tiếp tục nói, ngay bây giờ, mọi người đều muốn xem phim kỹ thuật số, nhưng đây là một chế độ độc tài đáng kinh tởm, chờ đã, có phải bạn đang đề xuất chiếu phim của tôi ở chế độ kỹ thuật số? Tuyệt đối không! Tôi là một phần của cuộc kháng chiến, nếu bạn thực sự muốn xem, bạn phải tôn trọng bộ phim như nó vốn là, ông nói vào cuối cuộc phỏng vấn.

10. Bộ phim gồm chín cuộn phim ngắn 16mm có tiêu đề riêng, được trình bày theo thứ tự ngẫu nhiên và được xác định thứ tự trước mỗi lần chiếu. Phim dựa trên một văn bản của nhà triết học người Đức Günther Anders, là bộ phim tài liệu tưởng tượng về Molussia, một quốc gia chuyên chế giả tưởng mà Anders đã sáng tạo ra để tái hiện sự điên cuồng của chủ nghĩa phát xít (N.D).


Ga trưởng
Nhân vật chính trong tiểu thuyết Remainder (2010) của Tom McCarthy mê mẩn với ảo tưởng tái tạo một cách hoàn hảo những khoảnh khắc nhất định trong cuộc đời của anh ấy và đến cuối cuốn tiểu thuyết, anh ta thử làm một phi vụ không tặc. Sân bay cố gắng liên lạc với máy bay và yêu cầu nó quay trở lại ngay lập tức và trong khi cơ trưởng đang theo lệnh chỉ huy thì nhân vật chính ra lệnh cho máy bay định tuyến lại. Máy bay lượn vòng số 8 liên tục, vòng quanh sân bay và vị trí của nó. Cơ trường hỏi nhân vật chính, chúng ta nên làm gì bây giờ? Nhân vật chính trả lời, về cái gì chứ? Vị cơ trưởng đáp lời, về chiếc máy bay này.


Người làm công việc khâm liệm
Duchamp đã xem vở kịch Những ấn tượng về Phi Châu của Raymond Roussel vào mùa xuân năm 1912. Những ấn tượng về Phi Châu được cải biên từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của Roussel và được chính Roussel sản xuất với sự cố vấn của Edmond Rostand. Vào thời điểm đó, Edmond Rostand rất thích thú với những động vật sống trên sân khấu, khi chúng mang đến ấn tượng về cả rạp xiếc và sở thú và mang lại niềm xúc động mạnh mẽ không chỉ ở Pháp mà cả ở Anh và Mỹ nữa. Thay vì chỉ phô bày những con vật, ông chơi với chúng, đặc biệt là tình yêu động vật, tổ chức đấu vật và nói chuyện với động vật. Vở kịch châm biếm đáng chú ý nhất của ông là Chantecler (1910), tất cả các nhân vật đều là động vật trong trại chăn nuôi, bao gồm gà trống, gà mái, gà lôi, chim hét, và chó chăn cừu, và trong khi Edmond Rostand có các diễn viên đóng vai động vật, họ được hóa trang đầy đủ, nhưng từ buổi biểu diễn thứ năm, ông bắt đầu dùng những chú gà, chó, chim và gà lôi trên sân khấu và cố gắng giữ cho vở kịch diễn ra trong hơn một giờ đồng hồ.


Khán giả la hét và ném rất nhiều đồ lên sân khấu khiến cho màn trình diễn khá khó khăn, nhưng Edmond Rostand đã chiến đấu chống lại những kẻ thù ghét động vật.


Sau vụ bê bối của Chantecler, ông phải vật lộn để duy trì sự nổi tiếng của mình và cuối cùng bị thất bại nhưng Raymond Roussel khờ khạo đã bị Edmond Rostand thông mình lừa gạt khi giới thiệu động vật sống trong giai đoạn dàn dựng vở Những ấn tượng về Phi Châu và phải chịu chung số phận như cố vấn của ông ta. Khi được hỏi về động cơ của mình đằng sau việc đưa những động vật lên sân khấu, liệu đây có phải là âm mưu gây tranh cãi, Edmond Rostand đáp lời, bạn không phải là kẻ yêu những chú chó, còn tôi lại hoàn toàn tin tưởng vào cơ thể và ngôn ngữ của động vật và tôn trọng năng lực mà chúng sở hữu, nhưng đó là tất cả trong thời điểm này, rằng trải nghiệm này giống như bay lên trong không trung, một điều gì đó không thể chia sẻ, theo Raymond Roussel, và Raymond Roussel cũng viết trong cuốn tự truyện của mình Comment j'ai écrit certains de mes livres (1935) rằng, vào thời điểm ông ta hiểu được những từ này có nghĩa là gì, ông ta đã nghèo xơ xác và có ý định tự sát trong một khách sạn ở Palermo, rằng trong khi ông dành cả đời để đi du lịch, nhưng lại chẳng bao giờ viết về bất kỳ trải nghiệm du lịch nào của mình. Michel Leiris, trong Raymond Roussel et compagnie (1998) viết, bất cứ nơi nào ông ấy đi, Roussel cũng chỉ thấy những thứ mà ông đã sớm dự định để nhìn, những thứ lúc nào cũng là hoặc chính bản thân ông ấy hoặc ảo ảnh của ông ấy.


Cha của Eugene là kế toán cho gia đình Roussel và ông nói với con trai mình rằng, cái chết của Roussel, do quá liều thuốc an thần, là không thể tránh khỏi, rằng không ai trong gia đình Roussel có được suy nghĩ đúng đắn và trên thực tế, họ đều dùng các loại ma túy khác nhau, và ông thậm chí còn cảnh báo con trai mình không được gần gũi với những kẻ điên loạn, nhưng Michel vẫn tiếp tục giao du với những người như André Masson và tự kết thúc cuộc đời mình như một nhà văn, kẻ chỉ thấy được bản thân của y hoặc ảo tưởng của y mà thôi. Trong cuốn tự truyện của mình, Raymond Roussel có viết, tất cả những gì còn lại của anh là niềm hy vọng tái sinh sau khi chết. Tôi đã nghĩ về những khoảnh khắc trong cuộc đời mà anh ta sẽ chọn lựa để tái sinh nếu anh ta có thể hồi sinh từ cõi chết nhờ sức mạnh phục sinh. Anh ta sẽ tuyệt vọng như thế nào, khi 100 năm sau, anh ta vẫn chưa đạt được danh tiếng như Victor Hugo hay Jules Verne, hoặc sau cái chết, những ảo tưởng của anh ta sẽ vẫn mãi chỉ là ảo tưởng, và nếu vậy thì, chẳng phải cách duy nhất để vượt qua cái chết là trở thành nạn nhân của một căn bệnh nào đó sao? Năm 1847, Flaubert nghĩ rằng, ông viết cho niềm vui của chính mình, giống như cách ông ngủ và hút thuốc là vì lợi ích của chính mình. Tất cả chúng ta đều đang đi trên lăng mộ. Tôi là một cây bút. Tôi là một hòn đá.

Amber Kim biên dịch
Kim Stoker biên tập
Lê Quốc Hiếu dịch từ bản tiếng Anh của Amber Kim