Thứ Sáu, 15/11/2019 11:24

Hướng tới nền điện ảnh dân tộc, nhân văn và sáng tạo

Kể từ sau LHP lần thứ XX năm 2017 đến nay, điện ảnh Việt Nam có bước phát triển đáng ghi nhận, khẳng định sự chuyên nghiệp và nỗ lực đổi mới của các nhà quản lý, nghệ sĩ trong hoạt động sáng tác, quảng bá và phát hành phim.

Với chủ đề “Xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam dân tộc, nhân văn, sáng tạo và hội nhập”, Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXI sẽ diễn ra từ 23 - 27.11, tại TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây là dịp tôn vinh các tác phẩm điện ảnh Việt Nam mang đậm bản sắc dân tộc, giàu tính nhân văn, có dấu ấn sáng tạo; vinh danh các nghệ sĩ có thành quả nghệ thuật nổi bật.

16 phim truyện điện ảnh tranh giải

Phát biểu tại họp báo giới thiệu Liên hoan phim (LHP) Việt Nam lần thứ XXI chiều 14.11, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh, Trưởng Ban tổ chức LHP Nguyễn Thị Thu Hà cho biết: 20 kỳ LHP được tổ chức trong gần 5 thập kỷ (từ năm 1970 - 2017) là một chặng đường dài mà điện ảnh Việt Nam đã khẳng định được nhiều thành tựu lớn, với những dấu ấn quan trọng, góp phần không nhỏ tạo nên giá trị và thương hiệu của một liên hoan phim quốc gia - LHP Việt Nam. Kể từ sau LHP lần thứ XX năm 2017 đến nay, điện ảnh Việt Nam có bước phát triển đáng ghi nhận, khẳng định sự chuyên nghiệp và nỗ lực đổi mới của các nhà quản lý, nghệ sĩ trong hoạt động sáng tác, quảng bá và phát hành phim. Chất lượng và số lượng phim Việt ngày càng nâng cao, thu hút đông đảo khán giả yêu điện ảnh Việt Nam, các nhà đầu tư, sản xuất, nghệ sĩ, thúc đẩy xã hội hóa điện ảnh mạnh mẽ.

Với chủ đề “Xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam dân tộc, nhân văn, sáng tạo và hội nhập”, LHP Việt Nam lần thứ XXI tiếp tục hướng đến các tác phẩm điện ảnh mang đậm bản sắc dân tộc; nội dung tư tưởng giàu tính nhân văn; nghệ thuật thể hiện mới mẻ, sáng tạo và chủ động hội nhập quốc tế hiệu quả. Có 16 phim truyện điện ảnh tham gia dự thi, thuộc nhiều thể loại như tâm lý xã hội, tình cảm, hài, hành động, kinh dị, giả tưởng, chiến tranh... gồm: “Khi con là nhà”, “11 niềm hy vọng”, “Người bất tử”, “Tháng năm rực rỡ”, “Thạch Thảo”, “Song Lang”, “100 ngày bên em”, “Anh thầy ngôi sao”, “Lật mặt: Nhà có khách”, “Cua lại vợ bầu”, “Nơi ta không thuộc về”, “Hạnh phúc của mẹ”, “Hai Phượng”, “Hợp đồng bán mình”, “Thưa mẹ con đi”, “Truyền thuyết về Quán Tiên”.

Con số 16 phim điện ảnh dự thi không lớn nhưng sự đa dạng trong đề tài, phong phú trong thể loại, đặc biệt, sự góp mặt của hai bộ phim Nhà nước đặt hàng cho thấy, điện ảnh Việt Nam tiếp tục có những thành tựu mới. Ban tổ chức khẳng định không ưu tiên, phân biệt phim Nhà nước đặt hàng hay phim tư nhân sản xuất. Bên cạnh phim truyện điện ảnh, còn có 29 phim tài liệu; 9 phim khoa học, 20 phim hoạt hình tham gia dự thi. Chương trình Phim toàn cảnh sẽ giới thiệu 14 phim truyện điện ảnh và 16 phim tài liệu.

Nếu như ở LHP Việt Nam lần thứ XX, khẩu hiệu “Xây dựng nền công nghiệp điện ảnh hiện đại và nhân văn” thì LHP năm nay là “Xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam dân tộc, nhân văn, sáng tạo và hội nhập”. Điều đó cho thấy, yếu tố hội nhập đang được các nhà quản lý cũng như người làm điện ảnh chú trọng. Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, đến nay đã có hơn 800 đại biểu là nghệ sĩ, nhà quản lý, sản xuất, phát hành, phổ biến phim của Việt Nam và khoảng 50 đại biểu và khách mời là nhà làm phim, người đứng đầu các hiệp hội điện ảnh quốc tế đã đăng ký tham dự Liên hoan.


16 bộ phim truyện điện ảnh sẽ tham gia tranh giải

Nâng cao tính chuyên nghiệp

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông - Trưởng Ban chỉ đạo LHP nhấn mạnh: LHP Việt Nam góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp trong sáng tác, sản xuất, phát hành và phổ biến tác phẩm điện ảnh; tạo điều kiện cho các nghệ sĩ điện ảnh, nhà quản lý, nhà sản xuất và phát hành, phổ biến phim trao đổi kinh nghiệm, thúc đẩy sự hội nhập và phát triển bền vững của điện ảnh Việt Nam; giới thiệu đến công chúng những tác phẩm mới của điện ảnh Việt Nam; tạo cơ hội tiếp xúc, đối thoại, giao lưu giữa nghệ sĩ, nhà làm phim với khán giả, góp phần tìm hiểu về nhu cầu và thị hiếu điện ảnh của công chúng. Các hoạt động của LHP lần thứ XXI với mong muốn đưa điện ảnh đến gần hơn với công chúng sẽ tiếp tục khẳng định thương hiệu LHP Việt Nam sau 20 lần tổ chức.

Lần đầu tiên LHP Việt Nam đến với khán giả Vũng Tàu. Lễ khai mạc diễn ra vào 20giờ ngày 23.11 và Lễ Bế mạc, trao giải vào 20giờ ngày 27.11. Ban tổ chức cho biết, lễ khai mạc và bế mạc năm nay được tổ chức ở sân khấu không quá lớn, thiên về kỹ xảo để tạo sự hấp dẫn, khác biệt.

Trong khuôn khổ LHP còn có Hội thảo “Bối cảnh quay phim tại Việt Nam” (24.11), giới thiệu các bối cảnh đẹp cho các nghệ sĩ, nhà sản xuất trong nước và quốc tế; hội thảo “Nâng cao chất lượng phim Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế” (25.11). Các hoạt động bên lề của LHP gồm: Tuần phim chào mừng LHP Việt Nam lần thứ XXI tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; Giao lưu giữa nghệ sĩ điện ảnh với khán giả, học sinh, sinh viên, các chiến sĩ lực lượng vũ trang; triển lãm chủ đề “Biển đảo Việt Nam qua góc nhìn điện ảnh”...

Tại họp báo, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Bà Rịa - Vũng Tàu, Phó Trưởng Ban tổ chức LHP Huỳnh Đức Dũng chia sẻ: Sở Văn hóa và Thể thao đã tham mưu UBND tỉnh phân công trách nhiệm rõ ràng từng sở, ngành, địa phương. Đến giờ phút này, cơ bản công tác chuẩn bị đã hoàn tất, cả về hậu cần, lưu trú, đón tiếp... nhằm tạo ấn tượng tốt đẹp cho đại biểu về dự LHP. Nhân dịp này, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng tổ chức quảng bá về du lịch, danh lam thắng cảnh của tỉnh tới các đạo diễn, nhà làm phim, quay phim trong và ngoài nước.

Nguồn: Đại biểu nhân dân (Thảo Nguyên)