Thứ Năm, 06/08/2020 10:33

Hồn xưa lưu lạc

Lâu lâu, đọc lại một số truyện mình viết trong quá khứ lại thấy thổn thức. Có những truyện chỉ đọc một đoạn đầu rồi dừng lại vì câu chuyện tự dưng hiện về đầy đủ dù ngổn ngang và thiếu trình tự... (Nhà văn TỐNG NGỌC HÂN)

Lâu lâu, đọc lại một số truyện mình viết trong quá khứ lại thấy thổn thức. Có những truyện chỉ đọc một đoạn đầu rồi dừng lại vì câu chuyện tự dưng hiện về đầy đủ dù ngổn ngang và thiếu trình tự. Có truyện, mình chỉ đọc lại mỗi cái kết thúc. Đọc xong thì ngẫm nghĩ và tự hỏi. Nếu mình viết truyện này ở thời điểm này, liệu mình có để truyện kết thúc như thế này không? Hỏi vậy thôi chứ chưa khi nào mình làm lại cả. Truyện ngắn và nhân vật truyện ngắn có số phận như người. Làm sao mà thay đổi được khi mọi thứ đã định đoạt. Giả như mình cố để làm lại, thì tự mình cũng nhận ra sự khôn khéo không thể bù lấp cho những tinh khôi ban sơ. Kinh nghiệm không thể tranh chấp với cảm xúc.

Nhưng thật lạ, chưa bao giờ mình đọc lại Hồn xưa lưu lạc. Truyện ngắn đã in trên tạp chí Văn nghệ Quân đội (VNQĐ) vào năm 2013 trong cuộc thi truyện ngắn. Có ba lí do để mình không đọc lại truyện này. Thứ nhất là bởi mình tin các biên tập viên không nỡ cắt đi một chữ nào trong truyện ngắn ấy. Và tiền thân của Hồn xưa lưu lạc là Nghệ nhân, một truyện dài có số lượng hơn mười tám ngàn chữ. Mình đã gọt cắt cực kì phũ phàng để có hình hài này. Tên truyện cũng là do biên tập viên của tạp chí đặt cho. Lí do thứ hai, truyện gói ghém một quãng đời mình sống với vô vàn kỉ niệm. Kỉ niệm của những chuyến đi lang thang, của những kiếm tìm, đồng điệu với đồng bào dân tộc nơi mình sống. Đọc lại là cố tình “sống lại”. Mà mình là người có xu hướng quên những trải nghiệm cũ ngay sau khi đã cất vào văn chương để hướng tới những trải nghiệm mới. Lí do thứ ba là bởi truyện buồn quá. Mình nhớ rất rõ là khi viết nó mình đã khóc. Khóc khi xóa bỏ phần lớn của câu chuyện mà không hối tiếc.

Thú thực, hồi ý mình viết gì về Hồn xưa lưu lạc giờ mình cũng quên rồi. Chỉ ba nguyên mẫu là mình chưa quên. Có hàng vài trăm nguyên mẫu nằm trong mười bốn tập sách của mình. Động đâu nhớ đó. Chứ ngày thường, mình cũng phải quên họ đi, quên số phận của họ đi để còn sống chứ. Trong mình, có những lúc quá khứ hiện về minh tỏ, đâu ra đấy, có lúc mờ mịt như bị sương mù phủ lên. Thì đây, mình đang tự bạch về Hồn xưa lưu lạc qua cái nhìn bị sương mù che phủ.

Dẫu sương mù phủ kín, mình vẫn nhìn thấy anh chàng Sùng say lướt khướt ở đâu mò về nhà gặp lúc vợ đang gội đầu trong cái chậu rửa mặt bằng gỗ ngọc am. Dẫu sương mù san phẳng cả cái thung lũng Mường Hoa và biến cả thung lũng thành biển mây trắng đến rùng rợn, thì mình vẫn nhìn thấy nhà Sùng rất đông người. Ngày này đông, ngày khác vẫn đông. Đó là đám cưới của anh, em trai của Sùng. Rồi đám ma ông, bà nội. Cỗ bàn, tiệc tùng trải ra trong sương. Say sưa, đau khổ, hoan hỉ triền miên trong sương. Rồi cũng từ trong cái biển sương mù nhớt nhát ẩm ướt và lạnh lẽo ấy, mình thấy Sùng như con cá nằm trong một tấm lưới bùng nhùng mà giãy giụa đến tứa máu, trày vảy. Cái lưới nợ đấy. Dẫu sương mù âm u ngạo nghễ lấn chiếm và che đậy thì mình cũng vẫn nhìn thấy anh trai Sùng xây một ngôi nhà rất to và ném lại cho Sùng một đống lổng chổng những thứ đồ dùng cũ kĩ mà tổ tiên ông bà để lại cùng với món nợ khổng lồ. Dù Sùng có tài thổi khèn, có cô vợ đẹp nức tiếng xa gần, nhưng cả hai điều ấy không giải cứu Sùng thoát khỏi cái bẫy nợ. Vợ Sùng cũng lên phố bán hàng nhưng nó không kiếm được nhiều tiền như con Si vì nó không biết cười. Nó bảo nợ nhiều quá nó không cười được. Những đồ đạc cũ ba đời nhà Sùng chỉ có giá với Sùng. Tiền vay ngân hàng để mua nương thảo quả đến kì phải trả mà thảo quả thì mất mùa, đã thế còn bị người buôn ép giá... Sùng cùng đường rồi. Sùng quẫn rồi. Bất chợt, mình thấy Sùng vung cái sừng trâu đã cạn rượu lên mà múa như người múa kiếm. Mây mù tan loãng. Hiện ra một phiên chợ. Ở đó có thắng cố, có những người đàn ông Mông nói chuyện làm giàu. Và có một gã lạ hoắc lân la làm quen với Sùng. Hắn tỉ tê vào tai Sùng. Muốn mua lại những thứ đồ gỗ cũ kĩ nhà Sùng. Từ cầu thang, cái mắc dao, lọ đựng muối, cốc uống nước, cái máng cối ngô, cái thùng tắm bằng gỗ thông, cái khèn đại buộc bảy lần vải đỏ, cái chậu rửa mặt của vợ, cái bờ rào đá, cả cái chuồng trâu bằng gỗ pơ mu. Sùng trợn mắt lên. Mày tưởng mấy chục triệu của mày to hả? Bán cầu thang rồi con tao trèo lên gác bằng cái gì? Bán cái thùng gỗ thông thì vợ tao tắm bằng cái gì? Bán khung cửi vợ tao dệt vải bằng gì? Bán cái bờ rào đá thì gió rét về, cái gì che chắn nhà tao? Cái chậu rửa mặt bằng gỗ ngọc am là của bà nội tao cho mẹ tao, mẹ tao lại cho vợ tao, bán thế nào được? Bán cái máng cối ngô, cả cối ngô nữa thì gà lợn nhà tao ăn bằng gì? Bán cái chuồng trâu thì... Ừ, trâu nhà tao chết rét hết rồi. Nhưng mà chuồng trâu nhà tao đẹp nhất vùng, bao nhiêu con trâu tao thương như con từng ở. Tao không muốn bán. Còn cây khèn đại buộc bảy lần vải đỏ. Tao mà bán là có tội với thần linh, với ông nội tao. Thằng kia tưng hửng. Tùy mày. Mày bán thì mày hết nợ. Nó đứng lên, quẳng cái ghế nhựa vào người Sùng, nảy sang cả người mình.

Mình bừng tỉnh. Dùng đồ nhựa cũng được chứ sao?

Thế rồi tự nhiên mây mù được ai dọn đi sạch. Kí ức của mình về Hồn xưa lưu lạc cũng không còn mây mù. Giá như còn thì cũng đỡ bẽ bàng. Đằng này, không, quang tênh. Sùng bán hết. Bán sạch. Chả sót thứ gì. Vợ khóc kệ. Gà lợn chạy theo cối ngô. Kệ. Gió lộng tứ bề. Kệ. Con ăn mì tôm thay cơm kệ. Mình còn nhớ như in một đoạn từ truyện: “Đêm, không có bờ rào đá che chắn, gió thốc từ thung lũng lên, lùa vào căn nhà trống trải, lạnh không ngủ được. Hắn như con bù nhìn sau vụ gặt, chơ vơ trên thang ruộng. Cả đêm hắn thức, nghe hồn vía đàn trâu gõ móng lộp cộp vì rét trên nền chuồng cũ”.

Và hình như Sùng có nói với vợ là cười lên tao xem. Nhưng vợ Sùng không cười như nó từng nói “bao giờ hết nợ mới cười”. Và hình như Sùng khóc con, đứa bé bị ngã xuống từ những chiếc ghế nhựa chồng lên làm thang. Hình như vợ con Sùng bỏ lên phố bán hàng rong, không trở về. Đứa con gái lớn của Sùng đã biết đi dẫn khách thăm làng bản. Hình như Sùng đi làm thuê, bán tiếng khèn của mình cho chính cái bảo tàng mà ông chủ đã mua của Sùng mọi thứ đồ đạc cũ bóng láng, mòn vẹt, đẫm đượm hồn vía tiên tổ. Nấu rượu, nướng thịt, đi cà kheo, thổi khèn mua vui cho khách du lịch là việc làm mỗi ngày của Sùng.

Hình như...

Hình như...

Hình như, Sùng vẫn còn thứ để cho đời mặc cả, thèm muốn chiếm đoạt. Đấy cái chất nghệ nhân mà núi rừng Hoàng Liên Sơn hùng vĩ đã hun đúc tinh hoa, gửi gắm trong tiếng khèn của Sùng. Gã Do Thái mê mẩn tiếng khèn của Sùng. Gã bắt Sùng dạy gã. Rồi gã khèn cho Sùng nghe. Tiếng khèn của gã Do Thái khiến Sùng thấy tổ tiên mình như bị xúc phạm. Sùng giằng lấy cây khèn. Tiếng khèn của Sùng cất lên ở chốn chênh vênh đớn đau ấy được mình mô tả đại ý thế này.

“Tiếng khèn dịu dàng, điêu luyện, bay bổng, ngân xa. Cho hắn gặp lại vợ mình thuở còn thiếu nữ. Cho hắn chạm vào cái khung cửi mục nát bên cạnh bó lanh đang rên rỉ vì bị mối đùn lên, bọc kín như một cái mả trong góc bếp. Cho hắn gặp ông bà nội hắn và những người đã khuất trong dòng họ Giàng trên giàn “ninh đăng” còn cố nghiêng người, nhìn hắn trách móc. Cho hắn gặp đàn trâu run lẩy bẩy, hướng những cặp mắt xanh lét... về phía hắn van nài...”.

Sau bài khèn ấy là nước cờ cuối của gã Do Thái sau ba năm bày binh bố trận. Anh anh em em thân thiết, dạy cả tiếng Anh cho Sùng. Nước cờ ấy là một bản hợp đồng mua đứt bán đoạn tiếng khèn của Sùng. Sùng sẽ đến biểu diễn ở một sân khấu lớn, một bầu trời mới, chứ không phải ngồi đây, trong bảo tàng này, nơi góc chuồng trâu này, với những cơn say triền miên và nhặt từng hào bạc lẻ trong nỗi giày vò mình, kẻ có tội với tổ tông. Người ta muốn mang Sùng đi như bứng một cái cây ra khỏi đất, đem đến một nơi khác, rất xa.

Thế tóm lại là mình định nói gì từ câu chuyện của Sùng, của cộng đồng người Mông, của xã hội vùng cao nơi Sùng đang sống? Thật nhiều lắm. Chưa từng có truyện ngắn nào mình lại ôm đồm quá nhiều điều muốn nói như Hồn xưa lưu lạc cả. Và mình nghĩ, tự bạch không có nghĩa là cần thiết nói về những thông điệp hay giá trị của những điều mình kể ra. Tự bạch nghĩa là giới thiệu để mọi người rõ thêm về những thứ bên ngoài tác phẩm. Mà những thứ bên ngoài tác phẩm lại chính là trải nghiệm máu thịt của mình. Giống như con ong hút mật hoa để làm thành mật ong. Hoa nào thì mật nấy. Mình nói chuyện bên ngoài tác phẩm nhưng kì thực là đã đi vào câu chuyện rồi. Chỉ xin nói về một mong ước nhỏ, một nhắn nhủ khe khẽ tới những ai quan tâm đến tiếng khèn của Sùng, muốn biết tiếng khèn tài hoa của Sùng rồi sẽ thế nào. Ấy là, dẫu Sùng có quyết định thế nào, thì mình cũng vẫn ủng hộ Sùng. Bao giờ nghệ nhân được tự quyết định số phận nghề nghiệp của mình, thì đó mới thật sự là hạnh phúc…

Nhà văn Tống Ngọc Hân

 

Về đến sân, thấy vợ đang gội đầu, mặt hắn xây xẩm. Dòng thác rượu trong bụng hắn thốc ngược, phun ra bằng sạch. Cái mùi chết tiệt! Hắn chửi cái chậu gỗ.

Cái chậu gỗ vốn của bà nội. Nó là một khúc gỗ vuông vức rộng chừng hơn hai gang tay mỗi bề, được khoét bỏ phần lõi. Mỗi khi đổ nước nóng vào, mùi tinh dầu gỗ thoang thoảng tỏa ra, thơm hắc. Ông nội hắn bảo có người bạn bên Tây Côn Lĩnh tặng. Hắn chả biết Tây Côn Lĩnh là nơi nào, cũng chả biết gỗ ngọc am là gỗ gì. Hắn chưa gặp thứ gỗ nào thơm như thế. Nghe nói đi nương xa, bà nội còn bỏ vào lù cở đem theo rửa mặt cho sảng khoái, tươi tỉnh mặt mày. Khi mẹ về làm dâu, biết mẹ cũng mê cái chậu ấy, bà nội đã cho mẹ. Sau này, cả hai chị dâu đều không thèm nhòm ngó đến cái chậu gỗ, vì nó đã quá cũ. Họ bảo, rửa mặt bằng chậu ấy khó ngủ lắm. Thế mà vợ hắn lại thích, nên mẹ đã cho nó. Nó rửa mặt thì ít mà đổ đầy nước vào chậu, soi làm gương thì nhiều. Cái chậu lên rêu ở đáy.

Một hôm, tự nó kể, như phân bua với hắn rằng nó thích cái chậu gỗ ấy là vì trước kia có một người trai Mông bên Hoàng Su Phì thích nó. Thằng ấy tặng nó một cái lược gỗ, mùi rất thơm, giống hệt mùi cái chậu này. Nhưng khi gái Mông đi làm dâu thì những kỉ vật của người cũ phải để lại nhà mẹ. Từ đó hắn nuôi ấm ức trong lòng. Đã thế, đi thì thôi, về đến nhà là mắt nó nhìn cắm xuống mu bàn chân, rầu rầu. Hỏi mãi nó mới nói. Bao giờ trả hết cái nợ thì nó mới ngẩng mặt lên. Hắn từng nhụt chí khi nghĩ đến nợ. Cả kiếp này chắc gì hắn đã trả hết nợ? Nợ đám ma ông nội phủ lên nợ cưới hai anh trai. Nợ cưới hắn trùm lên nợ đám ma bà nội. Còn ba thằng em trai đang nhong nhong vác khèn đi suốt tháng giêng kia, đứa nào cũng đòi kéo vợ về. Nhưng sợ nhất là món nợ vay ngân hàng mua nương thảo quả mà hai vụ vừa rồi liên tiếp mất mùa, lại bị bọn buôn ép giá. Chỉ còn một phiên chợ nữa là đến hạn cuối cùng phải trả hết… Nhà cũng chẳng có đứa em gái nào để gả cho thiên hạ mà hòng gỡ gạc.

Hắn có ít ruộng. Những thang ruộng hẹp như vạt áo, uốn lượn trên lưng núi, con trâu đi một đường bừa còn khúm núm. Đã vậy còn phải đi rất xa mới đến. Nghe nói người Dao làm giàu bằng cây thảo quả thì nhấp nhổm không yên. Hắn liều chết vay ngân hàng cả trăm triệu để mua bằng được một nương thảo quả tận Nậm Sài, cách nhà những hai ngày đường. Nhiều thằng chồng khác, khi đi nương thường vùi tay vào nách cho ấm, để mặc vợ cõng một thồ nặng lỉnh kỉnh nồi niêu, gạo muối. Chiều vợ, hắn cõng tất. Phải bỏ ra bao nhiêu tiền của mới đem được nó về. Không chiều nó thì chiều ai? Thực lòng hắn rất thương vợ. Hình như vợ hắn không nhận ra cái thương ấy. Mùi hương từ cái chậu rửa mặt đã mang hồn nó sang vùng đất khác rồi thì phải.

Minh họa: Công Quốc Hà

Anh cả hắn lên làm cán bộ xã, bấm bụng gương mẫu, chống xâm hại gỗ rừng bằng cách hạn chế dùng đồ gỗ. Thế là nghiễm nhiên vợ chồng hắn được thừa hưởng tất cả những thứ đồ cũ để lại từ đời cụ kị ông cha. Hắn thấy vợ cũng vui. Nó vui là được. Vợ là người dưng, cưới về nhà mình thì biến thành máu thịt của mình, còn quý, còn thương hơn cả anh em trai ấy chứ. Hắn tự dặn lòng như vậy. Nhưng một lần, đang lúc mặn nồng, ngửi thấy mùi gỗ thơm phảng phất trên tóc vợ, hắn sôi máu. Đàn ông trong bản, mà không, đàn ông của cả vùng núi này không biết uống gì vào người mà ai cũng ghen vợ điên cuồng. Ghen hừng hực, cơn ghen như lửa nóng có thể rèn dao, có thể nung chảy mọi thứ kim khí. Đang đêm, hắn vớ cái chậu gỗ quẳng xuống suối. May mà con suối mùa đông hiếm nước nên cái chậu gỗ không bị cuốn đi, chỉ bị sứt miệng. Vợ hắn không khóc. Nó nhìn hắn như nhìn bắp ngô treo trên gác bếp, như thể trong nhà này chỉ có con gà con lợn mới cần đến hắn.

Ở chợ, biết hắn buồn, thằng bạn vốn hay la cà hè phố dẫn hắn đến trước mặt một ông khách. Sau vài chén tống rượu đốt cháy ruột gan, ông ta bảo sẽ mua hết những thứ sắp mục nát, nứt nẻ, cũ kĩ nhà hắn, giúp hắn giải quyết nợ nần. Hắn thấy người căng lên, run rẩy, quằn quại như con rắn chuẩn bị lột xác. Còn ông ta, mặt sắt lại như phiến đá kê bếp sưởi.

*

*       *

Hắn biết vợ từ cái hội chơi núi năm ấy ở nhà ông bác họ giàu có bên Sín Chải. Người Mông gọi đó là hội gầu tào. Tháng giêng năm ấy ngắn củn như cái chuôi dao. Chẳng mấy, tiết xuân mong manh bò xuống phần lưỡi dao. Những cơn gió tháng hai sắc đến rùng rợn. Dù chẳng chém chẳng đốn mà khối kẻ phải điêu đứng. Nhiều mái nhà lợp gỗ ván đã cũ, bị gió tốc ngược lên rồi hất sạch xuống suối, dễ như lúc gió sàm sỡ nghịch áo đàn bà đang ngược dốc.

Hôm ấy đang bung biêng, thấy đoàn người xếp hàng dài cõng ngói về bản trắng lóa như kiến cõng trứng chạy bão, hắn đến xem. Nhận ra người quen trong hội chơi núi, hắn hỏi han. Khi biết nhà người ta gặp nạn, hắn sốt sắng giành lấy thồ ngói từ lưng một đứa con gái xinh đẹp đang cắm cúi bước như thể không quen biết. Sau này, nhà lợp xong, gió núi Ô Quy Hồ cũng thôi gầm gào chòng ghẹo, hắn chăm đến chơi và không quên mang theo cây khèn tìm bạn. Mẹ đứa gái đang chăm chú vẽ sáp ngoài hiên, liếc cây khèn của hắn, vu vơ. Nó lớn nhất nhà, biết đủ mọi việc rồi. Biết đủ mọi việc có nghĩa là biết đi nương đi ruộng, biết nhuộm vải, trồng lanh, xe sợi, biết thêu thùa, khâu vá. Biết đủ việc còn là biết chuyện con gái lớn phải đi lấy chồng, không thể ở nhà với bố mẹ và các em mãi được. Biết bố sẽ gả cho người trai nào đó bố ưng, để rồi ăn chung ngủ chung, rồi đẻ một đàn con.

Con gái về, dựng thồ củi nơi cửa, lặng lẽ vào nhà. Hắn thoáng nhìn. Tóc nó dài óng mượt, da trắng hồng, mắt to, đen buồn buồn, đôi môi tươi đỏ. Lựa lúc nó đi ra ngoài núi vắng, hắn theo sau, khẽ hỏi. Mình có muốn theo ta về cùng một nhà không? Nó nhìn cây khèn quý của hắn, ửng má, rồi gật đầu. Thế là nên duyên. Hắn tổ chức kéo vợ.

Tận hôm kéo vợ, hắn mới được chạm tay vào da thịt nó. Bàn tay con gái mềm và ấm thật. Tóc nó xổ tung ra chấp chới. Nó khóc như mưa. Bốn cánh tay lực lưỡng không lôi được nó. Chân nó như chôn sâu xuống lòng đất Sín Chải, và cỏ cây như nắm chặt bàn tay nó, giữ lại. Cuối cùng, hắn phải ôm lấy vòng eo thon nhỏ của nó mà nhấc bổng lên, vác mà chạy…

Nói sao cho hết nỗi mừng vui của thằng trai khi chuẩn bị đưa vợ về chung sống. Đi đâu, làm gì, bữa ăn, giấc ngủ, hắn cũng nghĩ đến đám cưới và nghĩ đến cô vợ trẻ xinh đẹp nức tiếng cả vùng Mường Hoa này. Trái ngược với hắn, bố hắn đau đầu và ốm cả tuần vì khoản thách cưới quá cao của nhà gái. Anh cán bộ nhà hắn vắt óc không ra được kế gì. Phong tục người Mông thế rồi, nước chảy ở lòng suối phải khác nước chảy trong thân cây. Ông nội, bố, các anh trai cưới vợ thế nào thì hắn cũng thế thôi. Không có tiền thì bà con sẽ giúp, giúp rồi trả. Đời người chẳng có món nợ nào để phấn đấu, kể cũng buồn. Với lại những món nợ trong họ hàng còn là sợi dây thân tình siết con người chặt vào nhau, để sống có trách nhiệm và tình nghĩa với nhau hơn. Vì thế, một con trâu to, hai con lợn đực, một lồng gà năm sáu con, hai mươi đồng bạc trắng, hai chục lít rượu, và hai mươi cân gạo nếp. Có đáng gì đâu. Và hai ngày làm cỗ khao cả làng, cả họ hàng gần xa. Có đáng gì đâu. Đổi về một đứa con gái người ta mang nặng đẻ đau và nuôi dưỡng cả mười sáu năm trời.

Đêm đầu tiên nó nằm sấp, hai đùi khép chặt, người không nhúc nhích, tựa như cây gỗ nằm lụi dưới bùn bị năm tháng phủ lên. Màu chàm mới loang ra trên khoảng đùi trắng nõn bởi dòng mồ hôi nóng bỏng. Hắn hì hục mãi mới vần ngửa được cây gỗ lem nhem ấy lên… Đêm thứ hai. Nó nằm nghiêng vào trong, úp mặt vào vách. Hai bàn tay khoanh lại, kẹp giữa hai cái đùi săn chắc. Hắn sau một hồi tỉ tê, ngọt ngào không thể lay chuyển thì lại phải như đêm trước. Hắn phải cậy đến sức để chiếm đoạt đứa đàn bà đã thành vợ mình… Đêm thứ ba, thứ tư, và những đêm sau, nó nằm ngửa sẵn, mắt mở to, nhìn thẳng lên mái nhà, hai tay chắp vào để sau gáy. Nó khóc dai hơn mưa vùng này. Mưa có tiếng, nó khóc không có tiếng. Chỉ có hắn và cái gối biết nó khóc. Nó càng khóc, cái tình trong hắn càng điên loạn.

Con Si nhà bên cạnh, chồng chết qua một năm, được nhà chồng thả về và lấy anh Tây mắt xanh, quê tít đẩu đâu làm chồng. Nghe nói anh này cầu hôn nó ở tận đỉnh Phan Xi Păng đấy. Gớm thật. Bề dài, con Si đúng bằng nửa anh chồng Tây, nhưng bề ngang nom cũng xứng. Con Si hai con, mình lẳn như củ khoai. Chồng mới của Si không giấu ánh mắt nhìn vợ như thằng đói nhìn củ khoai nướng nóng bỏng, thơm lừng. Thế nên trong khi khối kẻ ghen tị với hắn thì hắn lại ghen tị với thằng chồng mới của con Si. Chúng như đôi chim cu, cứ quấn quýt nhau không rời. Con Si thỉnh thoảng đưa tay véo cái mũi nhọn hoắt của chồng. Chồng thi thoảng lại để tay lên mông vợ, rất tình tứ. Chúng còn véo nhau, cấu chí nhau, cắn vào người nhau nữa cơ. Hắn cày xong mấy mảnh ruộng, mặt trời cũng lên đỏ núi rồi, chưa thấy vợ chồng con Si dậy. Ngoài hè bếp nhà nó, lổng chổng những vỏ gói mì tôm, những lon rỗng xanh đỏ. Chúng nó chỉ thò ra cửa, ngó qua mặt trời một cái, rồi lại chui thụt vào, chốt chặt cửa, rúc rích.

Trước, hắn cứ tưởng chỉ có cơm gạo nương, mèn mén mới cho đàn ông cái sức yêu vợ mới cưới ba hôm liền không cần ngủ, không cần biết đến ai xung quanh. Thế mà bây giờ… Đã mấy ngày mấy đêm mà chúng chỉ mì tôm, nước lon. Hắn chua chát. Đến lúc loài người không cần cái cối xay ngô và mèn mén nữa rồi.

Tại sao con Si mê mụ được thằng Tây to khỏe như trâu đực thế? Có phải vì con Si lên phố bán hàng không? Hắn gợi ý cho vợ lên phố bán hàng, may ra học hỏi được tí hư hỏng, lẳng lơ như con Si. Vợ hắn tím mặt. Nó giận đến nỗi không buồn nhóm lửa, làm cơm. Và khi lên giường thì… hắn lại phải vần như vần khúc gỗ. Con Si không đẹp, không chăm chỉ bằng vợ hắn. Chỉ thế thôi, còn cái gì cũng hơn. Ngọt ngào hơn, mềm mại hơn… Năm mặt con rồi hắn mới biết, đàn bà đẹp như bông hoa chỉ có sắc. Mà hắn lại thích bông hoa thơm, chỉ có hoa thơm mới khiến người ta ngây ngất, choáng váng.

Vợ hắn ít nói hẳn từ hôm bắt gặp ánh mắt hắn bám trộm vào bắp chân trần không quấn xà cạp của con Si như hai con vắt xanh. Nếu không có vài câu quát con, người lạ đến nhà tưởng nó câm. Nhìn nó giả câm, lòng hắn cay cú. Hắn nghĩ tới Si. Con Si như bông hoa thuốc phiện. Bông hoa có tội, cái tội quyến rũ, hấp dẫn… Thế nào cũng có lần cái bông hoa ấy nhàu nát dưới tay hắn. Hắn ao ước một cách hằn học.

*

*       *

Một cuộc ngã giá nhanh chóng. Người nâng lên, kẻ hạ xuống. Cuối cùng ông khách hất hàm, tay chỉ ra bên trái nhà:

- Ba mươi bảy triệu, cả bờ rào đá.

Hắn ngây người ngạc nhiên. Rồi hắn gật, như sợ cái rào đá cũ nhà bên cạnh nghe thấy. Thiếu gì rào đá cũ.

Nháy mắt, cái cầu thang bằng gỗ trắc đen bóng rời khỏi căn gác. Hai thằng thanh niên hất cái thang lên vai. Bên kia suối, cái xe tải đã nằm chình ình đợi ở đấy từ bao giờ. Chúng trở lại. Đến lượt cái máng ngô. Bốn thằng khiêng, nặng há mồm. Cái cối xay ngô bằng đá đục còn mắc cám trong họng. Chúng không khiêng mà vần ra suối. Thương nhất cái chõ còn bấu ít mèn mén vàng. Đến hai cái cối giã gạo. Cái cổ chày còn xanh màu mồ hôi của vợ hắn. Rồi cái thùng đập lúa mới ở ruộng về, bốn chân còn dính bùn. Cả cái thùng gỗ chứa nước, dắt dẻo mấy cái mộc nhĩ mọc bên hông. Thùng tắm của vợ hắn. Người ta đang gỡ ra từng mảnh… Rồi thìa gỗ, mâm gỗ, ghế gỗ. Lũ con hắn cứ tròn xoe mắt. Mắc dao, lẹm lúa, cọc néo, lù cở, mí cở. Thồ ngựa phủ dầy mạng nhện và bồ hóng vì lâu lắm rồi nhà hắn không còn ngựa. Máng ăn của lợn, gà. Con lợn nái thũng thẵng lê bầu vú chạy theo máng. Gà vịt nhớn nhác dạt ra. Đến lượt nhị, sáo và những cái cốc đựng rượu đen nhẻm bằng ống hóp. Cả miếng ván khắc những hình hoa văn cổ để in lên vải chàm. Và cuối cùng, chiếc sừng trâu đựng rượu bóng nhoáng buộc bảy lần vải đỏ.

- Tằng đu đá (hết sạch).

Hắn chua chát, gọn lỏn, kết thúc cuộc mua bán. Vợ hắn vùng vằng đi vào bếp. Nó túm quai cái chảo gang sứt miệng, đít nhọ nhem, đem ra, giơ trước mặt ông khách, giọng giận dữ.

- Zúa chi zúa? (Lấy nữa không?)

Hắn cười nhạt, giật cái chảo gang trên tay vợ, liệng vào đống rơm trong góc bếp. Vợ hắn bỏ ra sân, nó múc nước đổ đầy cái chậu gỗ và ngồi thụp xuống. Ông khách liếc thấy vợ hắn đang úp mặt vào chậu gỗ thì quát:

- Cái chậu lù lù thế này mà chúng mày không thấy à?

Vợ hắn ngơ ngác ngẩng mặt, đưa tay áo quệt nước mắt. Một thằng chạy đến, vớ lấy cái chậu, hất toẹt nước ra đất, định mang đi. Hắn nhào ra, giật cái chậu gỗ từ tay thằng kia và ôm chặt vào lòng. Nước mũi hắn rỉ ra. Ông khách rút ra tờ hai trăm nghìn đỏ nhờ nhờ dúi vào tay vợ hắn, cười khì khì.

- Rửa mặt vào chậu này cho phí cái xinh đẹp đi à?

Những ngón tay vợ hắn khẽ động đậy, chúng từ từ bóp chặt lấy tờ tiền như bóp đầu một con rắn độc. Hắn ngoan ngoãn thò cái chậu gỗ ra. Nhận đủ tiền, hắn cho vào cái túi chàm vẫn đeo khư khư dưới nách.

Thằng đệ tử to nhất bọn liếc cái chuồng trâu nhà hắn, giọng mơi mơi. Hay là chơi nốt đi.

Còn gì để mất đâu. Cái chậu rửa mặt của ba đời đàn bà làm dâu họ Giàng hắn còn bán được thì sá gì cái chuồng trâu mồ côi. Trận rét đậm rét hại vừa rồi giết hết đàn trâu nhà hắn. Chứ còn trâu, chỉ ba con là xong cái nợ ngân hàng rồi. Con trâu với người Mông là linh vật. Dẫu chúng chết rồi nhưng hồn vía chúng còn. Bán chuồng rồi thì hồn vía chúng về đâu? Về đâu thì về. Bán mới trả hết nợ. Hắn thách. Mười lăm triệu đấy, chơi không?

Ông khách nhếch mép cười một cái. Hai thằng dỡ chuồng trâu, hai thằng dỡ bờ rào đá. Cứ gấp gáp khẩn trương như sợ hắn đổi ý. Chuồng trâu nhà hắn với những cái văng, cái cột vuông vức bằng pơ mu bóng như sừng, đẹp nhất vùng. Ruột hắn, ai dứt ra từng khúc. Ông khách vẫn thèm thuồng nhìn cây khèn đại bóng nhoáng treo trên cột. Cây khèn buộc chùm vải đỏ to đã chuyển màu, đen đúa. Hắn vằn mắt. Ngay từ đầu hắn đã nói là không bán báu vật ấy. Có chết cũng không bán.

Tiếng xe nổ giòn giã, khói phụt đen ngòm cả con dốc đá dài chênh vênh. Khói nhuộm đen cả những chùm mây trắng nõn đang dùng dằng dắt nhau lên núi Rồng. Trời đã quá trưa. Vợ hắn có tiền trong tay, đi mua ngay mì tôm về nấu đầy một chảo cho trẻ con ăn tạm. Hắn lệnh khệnh lên đường. Sao có thể nuốt trôi thứ gì lúc này.

Tối mịt hắn về, khoe đã trả hết nợ ngân hàng rồi. Hắn lôi trong bao tải ra mấy cái chậu, cái xô nhựa lớn nhỏ, đủ các màu, vài cái thìa kim loại, mấy cái ghế nhựa đỏ, chục bát sứ, cái nồi nhôm hắn bảo để thay cái chõ đồ mèn mén. Bọn trẻ con thấy hay hay, xúm vào xem. Vợ hắn dửng dưng.

Đêm không có bờ rào đá che chắn, gió thốc từ thung lũng lên, lùa vào căn nhà trống trải, lạnh không ngủ được. Hắn như con bù nhìn sau vụ gặt, chơ vơ trên thang ruộng. Cả đêm hắn thức, nghe hồn vía đàn trâu gõ móng lộp cộp vì rét trên nền chuồng cũ.

Con gà mới gáy dạo, hắn đã vọt lên rừng. Cầu thang này, thùng chứa nước này, chõ, máng cối, cở này… Hàng trăm thứ cần thiết mà hắn chỉ còn một cái búa, một con dao và hai cánh tay rã rời như đi mượn của ai chứ không phải mọc ra từ cơ thể hắn. Hắn gục xuống một cái gốc cây mục. Chiều tối, người ta thấy hắn lững thững về người không.

*

*       *

Hắn hăm hở ngược dốc. Đi theo lời kể của con Si, rằng đồ đạc của hắn người ta vứt lổng chổng ở một nơi gọi là Bảo tàng Gia đình, qua mấy con dốc dài loằng ngoằng là đến. Hắn phải đến xem bảo tàng là cái gì.

Hắn bất ngờ, những đồ vật cũ kĩ mà hắn đã bán lấy tiền, được bày trong một khu nhà gỗ rộng và đẹp quá. Hắn mân mê sờ vào cái máng ngô vừa xa có mấy ngày mà nhớ đến quay quắt. Hắn úp mặt vào chỗ lõm của cột thang, nơi còn ấm hơi bàn chân những đứa con. Hắn ngây người nhìn những cái thìa gỗ mòn vẹt và cái bát gỗ hình vuông mà cả năm đứa con hắn vẫn dùng để đựng cơm hoặc mèn mén ăn chung. Hắn đực mặt trước cái chậu gỗ vợ thường dùng soi gương rửa mặt. Hắn ngắm nghía cái thùng tắm ghép bằng mười bốn mảnh ván thông mà vợ hắn chỉ bì bõm ngâm mình vào dịp gần tết, ngày thường hắn dùng để chứa nước mưa uống dần. Đây đúng là cái sừng trâu rượu nhà hắn. Cái sừng đã cùng bố, các anh và hắn đi mấy mươi đám cưới… Và kia, chuồng trâu nhà hắn được kì cọ sạch từng cái văng, dựng ngay ngắn bên bờ suối. Chuồng trâu mái cỏ, trong đó treo hai cái võng, hai khách du lịch người nước ngoài đang nằm ngửa, đong đưa trò chuyện. Cái thùng đập lúa ầng ậng thóc nếp vàng óng còn lẫn cả ít rơm tươi. Trong cối có ngô. Trong mắc có dao, những con dao có cái chuôi gỗ mòn, nhẵn thín. Trong bát có ít mèn mén khô tơi tả để bên cạnh cái lọ ớt tiện bằng ống hóp, dùng nhiều đã đen bóng như sừng… Hắn say sưa ngắm cho bõ cái nhớ, bõ cái dằn vặt.

*

*        *

Ruột gan chìm nghỉm trong rượu đắng, tiếng nói cũng đắng theo.

- Nợ xong rồi, cười lên tao xem!

Lần này rượu cho hắn cái can đảm quát vợ. Vợ hắn ngước lên. Trong mắt nó có hờn giận, có thờ ơ, trống trải và bao điều khó hiểu tích nén suốt nhiều năm. Nhưng lại không có thứ mà hắn trông đợi. Mày có cười không! Tiếng quát của hắn như sấm nổ khiến thằng con trai giật mình buông tay khỏi bốn chiếc ghế nhựa chồng làm thang cho thằng em leo lên gác. Chồng ghế đứt ra làm ba khúc, thằng bé lên bốn ngã xuống, lịm đi. Hắn hốt hoảng bế con lên, người nó mềm như miếng giẻ dấp nước. Máu từ miệng, từ mũi, từ tai thằng bé trào ra đỏ cả ngực hắn.

Thầy cúng được rước về. Cả một đêm dài thầy không tìm thấy hồn của con trai hắn. Phải làm ma cho thằng bé thật to thì thằng bé mới thanh thản được. Tiền không còn một xu. Cái chân vừa rút khỏi bẫy nợ, giờ lại bị bủa vây như cá mắc trong chài. Tục lệ như lão thợ săn kì cựu, sừng sỏ. Hắn như con thú bị thương, cùng đường.

Chợt nhớ đến ông khách và cái bảo tàng, hắn nuốt nước mắt gỡ chiếc khèn đại ra khỏi cây cột. Cây khèn đã cho bố hắn rồi đến hắn bao nhiêu cái dẻ sườn trâu khi được trọng vọng mời đi thổi đám ma khắp các bản gần làng xa. Chính hồn hắn, hồn vợ con hắn, hồn ba đời nhà hắn đều trú ngụ êm ái, thân thiết trong cây khèn ấy. Giờ mà bán đi…

Thấy hắn cầm năm triệu trong tay mà như cầm một bắp ngô thì ông chủ bảo tàng chợt hiểu. Làm đám nhiều tiền lắm, chỗ ấy chẳng thấm gì. Ông hào phóng cho hắn vay thêm ba chục triệu với một điều kiện hắn phải làm không công cho bảo tàng một năm trời. Hắn như kẻ chết đuối vớ được cọc, thò tay vào điểm chỉ.

Sau đám ma con, hắn trắng tay. Gia tài còn lại trong nhà bây giờ chỉ là cái can nhựa hắn mới mua về. Nhưng rượu đựng trong can nhựa đã biến hắn thành kẻ cáu bẳn, lười làm. Hắn uống vào là muốn rời cuốc, buông dao, muốn lìa nương, xa ruộng, muốn chửi vợ, đánh con. Một hôm hắn về nhà. Nhà trống hoác. Hắn bắc tay lên miệng hú gọi. Tiếng gọi của hắn chui vào rừng và không trở ra. Hắn hoang mang, vợ con hắn có thể đi đâu? Hay là… Thôi đúng rồi. Mẹ con nó không chịu được thằng chồng, thằng cha như hắn, đã đem nhau lên phố bán hàng rong cho Tây như con Si và bao đứa đàn bà, con gái bản này rồi. Hắn đấm tay vào cột. Nhục quá là nhục...

*

*        *

Ba năm trước, tại Bảo tàng Gia đình ở bản du lịch nổi tiếng, khách tham quan không lạ gì với cảnh một gã Mông trạc ba mươi, quần áo nhầu nhĩ, người nồng nặc hơi rượu, úp mặt vào cái máng cối ngô ngủ ngáy khò khò, mặc khách du lịch quay phim chụp ảnh.

Một hôm, có anh thượng đế trẻ thấy cái chậu gỗ thơm tho có chứa nước, bèn tút giày ra, cởi tất, thò hai chân vào đó ngâm, mắt lim dim khoái chí. Hắn đang say gần đấy, nhìn thấy, sửng cồ quát. Mày vứt ngay cái chân ra! Thượng đế cười khẩy, bàn chân vỗ nước bùm bũm. Hắn nhảy lại, vung tay, thoi một quả vào thẳng mặt anh ta. Cái chậu rửa mặt của vợ tao, ai cho mày đút chân vào? Thượng đế nhổ ra đất một miếng máu, vội vàng rút chân ra. Chủ nhà tím mặt, dìu anh ta lên gác và an ủi:

- Cái thằng điên ấy mà! Khổ quá, đông khách, nó lẻn vào lúc nào tôi đâu có biết.

Hắn bị xua ra khỏi cổng như người ta xua một con chó hay cắn trộm. “Về đi, hôm nay nghỉ sớm, mai lên sớm. Mai ở ngoài chuồng trâu thôi”. Từ lâu, hắn đã thay trâu làm bạn với cái chuồng mồ côi rồi. Việc gì phải dặn. Hắn đã từng hận cái mùi gỗ nhưng lại nhiều lần ước, giá mình là cái chậu gỗ rửa mặt của vợ.

Từ ngày xa vợ vắng con, hồn hắn đi theo những đồ vật đến bảo tàng, đọa đày thân xác say xỉn lấy tiền trả nợ. Hết nợ rồi hắn cũng chả thiết về nữa. Có lần con gái hắn đến, nước mắt ròng ròng, ôm lấy chân bố gào khóc. Hắn tỉnh rượu. Nhận ra con, hắn xấu hổ, giả say như chết. Say nhiều, cái tình trong hắn lả đi, chết giấc. Ngay cả nỗi thèm khát cháy bỏng ngày nào, là được yêu con Si một lần, cũng biến đâu mất.

*

*        *

Khách du lịch đến Bảo tàng Gia đình năm nay rất thú vị khi gặp một anh chàng nhân viên người Mông mặc đồ chàm mới óng ánh, nhu mì, lúc ngồi xay ngô, khi nấu rượu, nướng thịt. Anh chàng này nói tiếng Anh trôi chảy. Theo yêu cầu của khách, anh ta còn múa khèn, thổi sáo và đi cà kheo. Anh ta giảng giải về những vật dụng gắn bó máu thịt trong gia đình người Mông, nhỏ như cái thìa gỗ và lớn như cái thùng đập lúa. Và cũng giống như người, những con vật, đồ vật, hoa màu thân thiết với người Mông đều có hồn vía. Anh ta say sưa nói… Và khi anh ta ôm lấy cây khèn Mông thì không một kẻ nào có thể cưỡng lại thứ âm thanh kì ảo đầy ma lực ấy. Chim ngừng hót, suối ngừng chảy, mây ngừng trôi. Khách cứ rầm rập đổ về bảo tàng.

Hắn đấy. Ngày nối ngày, rượu vào, hắn bồng bềnh sống bên cạnh những đồ đạc còn nồng nực mùi mồ hôi của bao thế hệ người trong gia đình hắn. Lúc tỉnh táo, hắn lại dằn vặt. Có lẽ nào tổ tiên lại trừng phạt hắn? Đành rằng hắn là kẻ có tội. Nhưng những thứ đồ dùng cũ ấy, nếu để trong căn nhà gỗ tối tăm lụp xụp của hắn thì đã hỏng và mục nát rồi. Ở đây, chúng được bảo quản, trông nom và mỗi năm cả triệu con người trên thế giới biết đến. Biết chúng thuộc về một cộng đồng dân tộc nhỏ bé nhưng tài hoa, có đời sống tinh thần trường tồn, bất diệt. Tại sao lại trừng phạt hắn? Hắn bán tiếng khèn thì đã sao nào? Hắn bán đồ vật chứ đâu có bán hồn vía tiên tổ? Càng dằn vặt, nghĩ ngợi, người hắn càng mụ mị, ngu ngơ.

Gã Do Thái bằng tuổi hắn, mê mẩn Bảo tàng Gia đình Mông, mê mẩn tiếng khèn Mông, năm nào cũng lên núi thăm hắn một lần và ở lại vài tháng. Chính gã dạy hắn thông thạo tiếng Anh, một chút tiếng Pháp và những mánh lới dẫn dụ khách. Còn hắn dạy gã kia tiếng Mông và cách chơi các loại nhạc cụ có trong bảo tàng. Hắn bảo, nhạc cụ người Mông, cái khèn quý nhất vì nó được dùng để gọi bạn tâm tình, gọi hồn gọi vía, dẫn dắt con người đi gặp tổ tiên, gặp gỡ thần linh. Nhờ hắn, gã Do Thái sưu tầm được khá nhiều đồ dùng cũ, quý giá của các tộc người sống dưới chân núi Hoàng Liên.

Một trưa, hai người nằm võng chuồng trâu, gã Do Thái động viên hắn: “Kẻ nào không sống cho chính bản thân mình thì đều là sống giả. Nhưng sống thật mà không cống hiến gì thì sống giả còn hơn”. Nói xong, gã rời võng, đưa tay với cây khèn cũ treo trên cột chuồng trâu, vừa nhảy vừa thổi như kẻ động kinh, chẳng rõ điệu gì. Trời ơi! Ai dạy mày thế? Khèn Mông đâu phải cái điếu ục. Đến như hắn, học khèn từ trong bụng mẹ mà còn chưa thuộc hết nữa là. Ấy thế mà gã Do Thái cứ say sưa khèn như Dở Mủ gọi hồn người chết trong lễ “khai kế”. Hắn như bị xúc phạm, mặt đỏ phừng phừng, giằng lấy cây khèn. Hồn hắn, tự hắn tìm lấy, không mượn nó.

Tiếng khèn dịu dàng, điêu luyện, bay bổng, ngân xa. Cho hắn gặp lại vợ mình thuở còn thiếu nữ. Cho hắn chạm tay vào cái khung cửi mục nát bên cạnh bó lanh đang rên rỉ vì bị mối đùn lên, bọc kín như một cái mả trong góc bếp. Cho hắn gặp ông nội, bà nội và những người đã khuất trong họ Giàng trên giàn “ninh đăng” còn cố nghiêng người, nhìn hắn trách móc. Cho hắn gặp đàn trâu run lẩy bẩy, hướng những đôi mắt xanh lét và những cặp sừng cong nhọn về phía hắn van nài. Nước mắt hắn lăn trên thân khèn.

Gã Do Thái đọc cho hắn nghe cái hợp đồng quái dị. Bảo tàng giờ đã vào tay gã. Lưu diễn là gì? America ở tận đâu? Tại sao họ lại muốn mang cái bảo tàng đi? Tại sao họ muốn mang hắn và tiếng khèn đi? Hắn ngơ ngẩn nhìn ông bạn mà hắn ngỡ đã rất thân như nhìn món đồ quý giá cuối cùng bị tiền mang đi trong cuộc bán mua năm nào.

- Thưa nghệ nhân Giàng A Sùng, giới kinh doanh chúng tôi có thể định giá tất cả các báu vật. Tiếng khèn của ngài sẽ đem đến cho ngài của cải và sự nổi tiếng chứ không phải là những cơn say rẻ mạt trong cái góc chuồng trâu này và những hào bạc lẻ.

Gã Do Thái đi nước cờ cuối cùng sau gần ba năm bày binh bố trận.

Hắn rơi khỏi võng từ lúc nào. Khuya, sương sa lạnh buốt, hắn ngóc cổ, vịn vào những cái văng chuồng trâu và tiếng khèn mơ hồ đâu đây, từ từ đứng dậy.

T.N.H