Chủ Nhật, 13/07/2025 01:12

Hơn nửa thế kỉ vẫn văng vẳng tiếng gọi của đồng đội

Không ai có thể giám sát công việc của chúng tôi, nhất là việc đưa thương binh, liệt sĩ rời khỏi chiến trường, nhưng đó là tình đồng chí, đồng đội thiêng liêng hơn tất cả”.

Mặc dù đã hơn nửa thế kỉ trôi qua nhưng trong kí ức của cựu chiến binh, thương binh Lê Mạnh Hải (hiện trú tại phường Quán Bàu, Vinh, Nghệ An) vẫn vẹn kí ức về những tháng ngày làm nhiệm vụ vận tải bộ binh tại Sư đoàn 320, Mặt trận Tây Nguyên.

Tháng 9 năm 1971, sau khi hoàn thành khóa huấn luyện chiến sĩ mới tại Tiểu đoàn 22 (Quân khu 4), Lê Mạnh Hải và nhiều đồng đội được biên chế về Tiểu đoàn 25 vận tải bộ, Sư đoàn 320. Lúc này, sư đoàn đang đóng quân tại xã Kỳ Thượng (Kỳ Anh, Hà Tĩnh). “Từ một chiến sĩ bộ binh huấn luyện để đi chiến trường chiến đấu, được bổ sung vào Sư đoàn 320 là sư đoàn chủ lực của Bộ, nhưng lại về một đơn vị vận tải bộ nên những háo hức, khí thế của người chiến sĩ cũng có những băn khoăn”, cựu chiến binh Lê Mạnh Hải nhớ lại. Hiểu được tâm lí của các tân binh, cán bộ nhận quân đã động viên, giải thích về tính chất, vai trò của người lính vận tải bộ, những gian khổ ác liệt mà họ phải trải qua. Vì để một người lính đủ điều kiện cầm súng chiến đấu phải có từ 5 đến 7 người phục vụ. Do đó, nhiệm vụ của đơn vị vận tải bộ cũng rất vinh quang và nặng nề. Tâm lí đã thông, ông và đồng đội sẵn sàng lên đường ra mặt trận.

Đường vào chiến trường không chỉ ác liệt bởi bom đạn của địch mà đơn vị của ông còn phải đối phó với thủ đoạn chiến tranh tâm lí ở nhiều cấp độ. Truyền đơn địch rải khắp núi rừng Tây Nguyên, trên đầu máy bay ra rả kêu gọi ai cầm tờ truyền đơn là giống như một tấm giấy thông hành, đảm bảo được sống, được về với gia đình. Ông Lê Mạnh Hải nhớ lại: “Truyền đơn phủ đầy trên đất, gác trên cành cây nhưng ai cầm lên đọc là bị xử lí kỉ luật chiến trường”. Quả thực đối với những người lính mới lần đầu đi vào chiến trường xa lạ, nếu không được giáo dục chính trị, xây dựng quyết tâm chiến đấu cao thì rất dễ dao động.

Đến chiến trường Tây Nguyên, Lê Mạnh Hải mới thực sự thấu hiểu những vinh quang, gian khổ mà người chiến sĩ vận tải bộ phải vượt qua. Khác với chiến sĩ bộ binh, người lính vận tải bộ phải “quanh năm hai mùa mưa nắng len lỏi trong hững cánh rừng già” để gùi, cõng, cáng thương… Từ lúc chuẩn bị cho chiến dịch đến khi chiến dịch kết thúc, chiến sĩ vận tải bộ mới được lệnh rời khỏi chiến trường. Do đó, thành phần đi trinh sát chuẩn bị chiến trường không thể thiếu lực lượng vận tải bộ. Tại vị trí tập trung cuối cùng dự kiến xây dựng trận địa xuất phát tiến công cách hàng rào ngoài cùng của địch khoảng 300 đến 500 mét, gọi theo cách bấy giờ là “kiềng chiến đấu”, các lực lượng bộ binh, hỏa lực sẽ đi theo các hướng mũi khác nhau để xác định vị trí cửa mở, bố trí trận địa hỏa lực, trạm phẫu…

Cựu chiến binh Lê Mạnh Hải kể về những tháng ngày làm công tác vận tải bộ tại chiến trường. Ảnh: SL

Đối với lực lượng vận tải bộ, phải nắm chắc tất cả mọi con đường để gùi cõng đạn pháo bảo đảm cho hỏa lực, đưa thương binh, liệt sĩ rời khỏi trận địa. Tại “kiềng chiến đấu”, lực lượng vận tải bộ còn có nhiệm vụ phối hợp với công binh đào hầm trú ẩn phục vụ cho chỉ huy chiến đấu và tập kết thương binh, liệt sĩ trước khi đưa về tuyến sau. Kết thúc trận đánh, người lính bộ binh có thể lui quân theo mệnh lệnh nhưng chiến sĩ vận tải bộ phải bám trụ cho đến khi có lệnh rút quân. Do đó, mặc dù không trực tiếp nổ súng đánh chiếm mục tiêu nhưng sự ác liệt của chiến tranh và lượng bom đạn địch mà người lính vận tải bộ phải chịu đựng thậm chí còn nhiều hơn các bộ phận khác. “Trận đánh mở màn chiến dịch Bắc Tây Nguyên tháng 4 năm 1972 là trận đầu tiên tôi làm công tác đảm bảo. Tôi nằm sát hàng rào và đã đưa được 9 liệt sĩ về kiềng chiến đấu. Hôm ấy, pháo địch bắn vào kiềng, sau đó chúng cho máy bay ném bom napan hủy diệt. Ngớt bom đạn, tôi từ trong hầm chui ra thấy thi thể anh em bị cháy nham nhở. Tối hôm đó, lực lượng phía sau lên đưa anh em về còn chúng tôi vẫn tiếp tục bám trụ”, ông Lê Mạnh Hải xúc động nhớ lại.

Trong chiến tranh, lực lượng vận tải bộ không chỉ là lực lượng đi trước về sau mà còn liên tục bám trụ trên đường. Ông Lê Mạnh Hải kể: “Chúng tôi nhận hàng từ kho A1 là kho cơ giới đổ hàng, cách căn cứ khoảng từ 12 đến 16km, nhận hàng xong đi len lỏi đường rừng đến các điểm chiến đấu. Địch tung lực lượng trinh sát đường không như máy bay OV10, L19 và trực thăng vũ trang HU1A luồn khắp vùng rừng núi để tìm cho được con đường vận tải bộ. Mục đích của chúng là tìm điểm cuối của con đường ở đâu để đánh vào kho tàng hoặc hướng tiến công của ta”. Suốt ngày, máy bay địch quạt phành phạch rẽ cây tìm đường, chỗ nào nghi ngờ chúng lập tức bắn xả xuống, ném lựu đạn, gọi pháo dập hoặc chỉ điểm mục tiêu để máy bay A37 đến đánh bom. Thời gian cao điểm, chúng còn đổ thám báo xuống lùng tìm lực lượng vận tải bộ. Đối phó với địch, bộ đội ta tổ chức ra vào ban đêm: Vào là đạn gạo, ra là thương binh liệt sĩ. Thảm thực vật trong rừng qua hàng trăm năm bị phong hóa sáng rực ánh lân tinh, một nguồn sáng vô cùng quý giá để cán bộ, chiến sĩ vận tải bộ tìm thấy con đường mà địch không hề hay biết. Đó là những kỉ niệm đã ăn sâu vào kí ức của người lính vận tải bộ.

Nhắc đến những tháng năm này, cựu chiến binh, thương binh Lê Mạnh Hải bồi hồi chia sẻ: “Chiến tranh đã lùi xa hơn nửa thế kỉ, nhưng mỗi khi nhắc lại, tôi vẫn thấy hiện lên những con đường mòn giữa đại ngàn Trường Sơn, nghe văng vẳng đâu đó tiếng gọi “đồng hương ơi” giữa bom rơi, đạn nổ. Lính vận tải bộ chúng tôi không trực tiếp nổ súng đánh chiếm mục tiêu nhưng là thành phần không thể thiếu để làm nên chiến thắng. Ở người lính vận tải bộ, thường xuyên đòi hỏi tính tự giác cao độ. Không ai có thể giám sát công việc của chúng tôi, nhất là việc đưa thương binh, liệt sĩ rời khỏi chiến trường, nhưng đó là tình đồng chí, đồng đội thiêng liêng hơn tất cả”.

NGUYỄN SỸ LONG