Thứ Sáu, 27/09/2019 10:40

Hỏa xa viên

Cả làng gọi anh Năm bằng biệt danh Năm Tàu Hỏa. Hồi thanh niên trốn quân dịch, từ miền Tây anh chạy ra xứ bên ngoại tuốt ngoài miền Đông đất đỏ (DƯƠNG ĐỨC KHÁNH)

.Truyện ngắn dự thi. DƯƠNG ĐỨC KHÁNH

Cả làng gọi anh Năm bằng biệt danh Năm Tàu Hỏa. Hồi thanh niên trốn quân dịch, từ miền Tây anh chạy ra xứ bên ngoại tuốt ngoài miền Đông đất đỏ. Trốn chui nhủi miết cũng chán, thấy anh em bà con bên ngoại đều dân mang AK dép lốp nên anh cũng nhảy vô du kích. Anh rặt nòi dân khăn rằn bà ba đen, từ thời nóp với giáo chân đi không quen rồi nên ngày đầu luồn rừng miền Đông đá sỏi gai góc, giò cẳng te tua bầm dập không chịu thấu. Thấy anh em trong tiểu đội mang đôi dép ngồ ngộ, đạp đá giẫm chông ào ào lẹ như chồn mà chẳng sao, hỏi ra mới biết, đôi dép các đồng chí tự làm bằng lốp xe. Một hôm, lúc mờ sáng, nghe tin bộ đội mình đêm qua vừa oánh lật đoàn xe lửa chở vũ khí của địch, vốn từ hồi cha sanh mẹ đẻ chưa biết mặt mũi chiếc tàu hỏa, vậy là anh êm ru một mình, tay cầm liềm chạy lên hướng đường tàu, trước là coi cái xe lửa đầu đuôi dài ngắn ra sao, sau quyết kiếm bằng được miếng lốp về mần đôi dép. Từ nhỏ lớn lên xứ bùn sình lội giò không, tới giờ anh mới thấy đôi dép quan trọng. Phải có đôi dép bằng lốp xe mới đi theo cách mạng lâu bền được. Tới nơi thấy hai toa tàu lật chỏng gọng, anh xách liềm sấn tới, gõ gõ vô bánh tàu nghe keng keng, lầm bầm. “Phải công nhận các đồng chí miền Đông lẹ tay thiệt, mới hồi hôm giờ mà mấy chục cái bánh xe còn mâm với niềng không”. Anh lại nghĩ bụng, chắc các đồng chí mình đông, thiếu súng ống đã đành nhưng... thiếu dép là cái chắc. Và cái biệt danh Năm Tàu Hỏa ra đời từ đấy.

Sau tiếp quản, anh Năm về lại miền Tây mần ruộng. Thỉnh thoảng có dịp ra miền Đông, anh lại tìm lên ga xe lửa lân la “tham quan” để có cái về nói với anh em dân ruộng rẫy cả đời chưa biết mặt chiếc xe lửa. Anh từng ngồi suốt buổi nhìn những đoàn tàu lăn bánh đi về như con rồng sắt uốn mình phun khói xình xịch hụ còi xé gió lao đi. Rồi anh vắt vai khăn rằn, chắp tay sau lưng đi lui đi tới như dân lái bò mua trâu, ngó nghiêng những toa tàu cũ nằm sắp lớp trong bãi như muốn tìm lại chút kỉ niệm ngớ ngẩn của anh du kích chân đất năm xưa. Sau đó anh lên khu đồi dốc Cổ Ngựa, nơi ngày xưa tiểu đội anh từng phục kích, chứng kiến tận mắt tốp lính Thái Lan sém chết banh xác, để sau đó tượng đầu ông Phật được dựng lên trên cái đài bốn cánh cao ngất, sừng sững tới bây giờ. Hôm đó tiểu đội anh phục kích từ sáng tới trưa trong đám rừng chồi chờ tụi lính Thái công binh đi mở đường hành quân qua. Không ngờ, lúc toán lính rằn ri đang quây quần ngồi nghỉ mệt trên chỏm đồi thì bỗng có tiếng hú của đạn cối bay tới. Một quả cắm phụp xuống trước mặt chúng khiến cả đám bật nhào ra, kêu la trối chết. Nhìn quả pháo “điếc” cắm đầu xuống đất, lồi lên cái đuôi chong chóng, cả toán hú hồn hú vía. Chúng quyết định rút quân, vô tình thoát khỏi trận phục kích mà tiểu đội anh giăng sẵn. Nếu như hôm đó không có quả đạn pháo ấy, hoặc quả đạn ấy nổ... Người Thái sùng mộ đạo Phật, tin được Đức Phật che chở cứu nạn, nên sau đó lính Thái quay lại dựng một tượng đầu ông Phật đặt trên cái đài mô phỏng hình đuôi chong chóng quả đạn pháo cối. Chuyện vẫn chưa hết, người ta còn kể, sau trận đó một thời gian, một anh lính Thái rất đẹp trai trong tốp lính hụt chết, quay lại mỏm đồi ấy thắp hương và tình cờ gặp một phụ nữ cũng rất đẹp người tại xứ đó. Tiếng sét ái tình khiến cô gái mang giọt máu của anh lính Thái kia trong bụng. Để tránh tiếng đời dị nghị, chị ta bỏ xứ lên thành phố, sinh ra thằng nhỏ đẹp như thiên thần, mặt mũi đúng hệt con lai. Tới năm tám tuổi chị gởi nó vô chùa rồi không bao giờ quay lại. Từ nhỏ, cậu bé thường được mẹ kể câu chuyện về người cha, về cái tượng Phật trên đồi dốc Cổ Ngựa. Sau mấy chục năm, tuy đã là người xuất gia nhưng thầy vẫn muốn tìm về đó dựng chùa tu tịch, mong tìm lại gốc gác, tung tích cha mẹ mình, thế nên dưới chân đồi mới mọc lên một ngôi chùa, khách hành hương lúc nào cũng đông nghịt. Chùa có tên Linh Sơn Linh Tự gì đó, sư trụ trì cũng có pháp danh gì đó nghe hay hay và đặc biệt, thầy có gương mặt đẹp trai trông giống hệt anh cầu thủ Thái Lan nổi tiếng Kiatisac nên dân vùng đó quen gọi là chùa thầy A Sắc. Năm Tàu Hỏa lân la vô chùa, bởi nghe đồn chùa thầy A Sắc nổi tiếng với khách thập phương tới xin “vay” lộc buôn bán làm ăn. Thầy phát lộc bằng những tờ tiền lẻ từ năm ngàn trở xuống. Thiện nam tín nữ cứ việc cất giữ đồng tiền trong ví như lá bùa thần tài, về làm ăn kinh doanh đâu trúng đó, tiền vô như đi ăn cướp nhà băng không bằng! Tới dịp lễ lạt chay rằm lại tới trả lễ thầy bằng tiền triệu tiền xấp. Nhứt là các cô các chị dân thành phố, vừa lễ Phật vừa được ngắm dung nhan ông thầy đẹp trai giống hệt anh cầu thủ Thái mình từng ngưỡng mộ. Nhiều cô đầm dây váy ngắn ngủn, quần soọc năm xăng ti te tua sát mông cứ thay phiên nhau xin ôm thầy tạo dáng chụp hình. Mấy bà sồn sồn sau khi xoa tay vào tượng Địa Tạng rồi xoa vào người cầu xin sức khỏe cũng tới xoa vai nắm tay thầy rồi vuốt vuốt vô người mình xin chút đẹp đẽ trẻ trung, sung mãn! Rồi bà nào bà nấy móc ví rút từng xấp năm trăm khỏi cần đếm, không nhét hòm công đức mà thả thẳng vào cái chuông như tiền giấy âm phủ trước mặt thầy. “A Di Đà Phật! Con chào thầy”. Ra khỏi cổng chùa, mấy cô mấy chị cứ ôm nhau cười hú hí. “Ui chao, thầy đi tu chi mà uổng dzậy thầy ơi”. “Nhìn thầy tao cứ muốn xin làm ni cô cho rồi”. Rồi mấy chị xúm nhau mở điện thoại coi ảnh. “Ui dào, thầy mà để tóc với mặc bộ đồ đá banh dzô thì giống trăm phần trăm, còn đẹp trai hơn cái anh Ki a”. Ảnh được đưa lên phây búc ngay lập tức cùng status “Với cầu thủ Thái Lan nổi tiếng Kiatisac hết tuổi đá bóng, bây giờ đi tu!”. Chỉ mấy phút sau lai, còm ầm ầm tối mắt tối mũi! Hứng chí, mấy cô mấy chị liền bàn tính việc hùn nhau thuê chiếc xe tải chở vật phẩm xuống cúng dường rằm tháng bảy sắp tới. “Tui cúng hai tạ gạo thơm loại đặc biệt”. “Nhưng mà phải gạo thơm Thái nha bà, thầy là người Thái mà”. “Dzậy tui cúng chục thùng mì chay Thái”. “Tui một thùng nước tương với thùng dầu ăn Thái”. “Tui hai thùng đồ ăn chay đóng hộp, nhập từ bên Thái”. “Nè, gia đình tui sắp đi du lịch Thái một tuần, tui sẽ... thỉnh một bộ cà sa với y bát, tràng hạt từ bên đất Thái về cúng thầy. Công đức dữ dằn chưa mấy mẹ. Hà hà”.

Minh họa: Lê Anh Vân

Năm Tàu Hỏa hôm rày lui tới chùa cũng xin được đồng tiền lộc bỏ túi, chuẩn bị cho công việc “mần ăn lớn” sắp tới. Cái vụ cầu lộc anh đã làm từ tết rồi kia. Dân miệt sông nước dưới anh ít đi chùa, nhưng mấy năm gần đây nổi lên phong trào chơi cây bắp trưng tết. Cầu cho việc mần ăn sang năm mới phải chắc bắp nghĩa là “chắc ăn như bắp”! Cây bắp vừa trổ cờ ra trái được vô chậu bày chung giữa chợ bông tết với thọ, mai, cúc, hạnh... nhưng bắp cảnh năm nào thiên hạ cũng giành nhau sạch bách! Chợ trái cây thì bắp trái chất đống bày chung với “cầu, sung, đủ, xài”. Mâm ngũ quả trái bắp được trưng lên hàng đầu. Sáng ba mươi tết những nồi bắp luộc nghi ngút khói bày bán đầy dọc đường từ đầu vàm tới cuối ngọn. Ba ngày tết nhà trưng bắp, người người ăn bắp. Bữa sắp tới giao thừa, vợ Năm Tàu Hỏa tính mần con cá lóc nướng trui trước cúng sau nhậu. Anh Năm xua tay lia lịa. “Thôi thôi, sắp mần ăn lớn, bà tính cầu cho tui mạt vận à. Sao đi nướng với trui. Bà có mua tôm khô lạp xưởng để dành không? Có hột vịt sẵn không? Bà mần cho tui món bắp xào tôm khô lạp xưởng với món bắp xát chiên hột vịt là “chắc ăn như bắp”! Khà khà”.

Lại nói về cái vụ mần ăn lớn của Năm Tàu Hỏa. Thời buổi này dân ruộng rẫy không chỉ có hột lúa củ khoai, con trâu con bò mà còn bung ra tranh đua mần ăn đủ cách. Nhiều tay vừa nghĩ ra mánh lới, ý đồ mần ăn kiểu mới khác thiên hạ là đã có thằng khác chớp thời cơ mần trước. Cũng như cha Tư “ve chai” nảy ra cái ý tưởng mần ăn có một không hai. Ấy là lúc rày mấy tay đại gia bung ra mở quán cà phê vườn, cà phê công viên, quán nhậu nhà nổi nhà sàn, cà phê nhà cổ... Những ngôi nhà gỗ giá bạc tỉ được mua từ miền Trung, từ cố đô Huế chở về, rồi xe bò xe ngựa cổ, xe máy vespa, mobilet cổ... tất cả chỉ để hút khách tới uống cà phê, thưởng lãm. Trong một cuộc nhậu cao hứng, anh Tư “ve chai” vỗ bàn tuyên bố. “Tao có thằng cháu kêu bằng cậu làm việc trong sân bay, tao sẽ mua một chiếc... bu-inh của Mĩ, loại “quá đát” hết xài, mua cái mình cái vỏ nó thôi, giá ve chai, đưa về xứ này mở cà phê máy bay! Cà phê phi trường! Kha khà! Dân khăn rằn bà ba đen lận bọc thuốc rê, móng cẳng đóng phèn mà lên cái Hàng không Việt Nam ngồi tréo ngoảy nhịp giò nhâm nhi li phê sữa thì có phải như lên bồng lai tiên cảnh không. Ha ha”. Thiên hạ ngóng mỏi cổ, nhứt là đám thanh niên trai gái cứ trông tới ngày được bước lên cái cầu thang máy bay, vẫy vẫy tay chụp pô hình đăng lên phây búc cho nó oách! Có đứa sốt ruột hỏi chừng nào mới đưa máy bay về chú Tư? Ông vua “ve chai” trả lời lửng lơ “Đang tiến hành làm thủ tục, vụ này rắc rối lắm! Đụng tới ngoài bộ ngoài cục, rồi vấn đề di chuyển, an ninh quốc phòng tùm lum thứ”, khiến chúng nửa tin nửa ngờ càng hối tợn.

Năm Tàu Hỏa êm ru kêu bán phân nửa diện tích đất ruộng phía trong, còn gần mẫu phía ngoài giáp mặt lộ anh cho xe đổ đất san bằng, bắt tay thực hiện kế hoạch mần ăn anh ấp ủ lâu nay. Thiên hạ xì xầm tò mò, anh cười khì khì. “Chuẩn bị trồng bắp... giống Liên Xô!”. Rồi anh ôm cục tiền lên lại miền Đông. Thủ tục mua bán cũng khá đơn giản bởi bên quyết tâm mua, bên cần “bán đổ bán tháo” kiểu ve chai phế liệu, kêu bằng thanh lí. Tính ra cũng chỉ ngang giá mua vài đôi bò. Việc chuyên chở hàng hóa về miền Tây bây giờ cũng thông thương, không còn cách phà trở giang như hồi trước nữa. Xe công tai nơ có thể trùm bạt, chạy một mạch về tới nơi. Vậy là trước mắt, Năm Tàu Hỏa thực hiện được ý tưởng, mục đích mần ăn lâu dài. Và, điều quan trọng hơn là lưu giữ được cái kỉ niệm ngớ ngẩn thời anh từng tham gia cách mạng miền Đông, phải mang cái biệt danh cho tới chết.

Một bữa mờ trời, cả làng già trẻ lớn bé xôn xao. “Mèng đéc ơi! Thằng cha Năm Tàu Hỏa nó mua cả chiếc tàu hỏa chạy về làng mình! Đang đậu ngoài đám đất của chả mới san bằng. Trời đất! Ra mà coi”. Dân xứ Nam kì lục tỉnh ba đời bốn kiếp có ai thấy được chiếc tàu hỏa. Nghe đâu hồi trào Pháp có đường xe lửa tới Mĩ Tho thôi. Cả làng kéo ra rần rần còn hơn có gánh hát lớn mới về. Nhứt là anh em bạn nhậu mày tao với anh Năm tình nghĩa trước giờ như Sáu Rô, Hai Đìa, Ba Láng... ai nấy hồ hởi ra mặt. Hai Đìa vừa dzô vài xị trong người, bốc lên cà rỡn làm cả làng tin sái cổ. “Không phải thằng chả mua đâu! Nhà nước tặng đó, hồi chả theo cách mạng ngoài miền Đông, chả tham gia oánh lật đoàn tàu này, giờ coi như chiến lợi phẩm nhà nước tặng làm kỉ niệm! Kha kha!”.

Giữa đám đất ba bề là ruộng, một con đường dài hơn trăm thước trải đá bốn sáu đặt tà-vẹt đường ray hệt như đường tàu, hai toa xe lửa đậu sừng sững có dòng chữ ĐƯỜNG SẮT VIỆT NAM màu trắng trên nền sơn xanh đã cũ. Theo dự tính, anh Năm mướn thợ sửa sang sơn phết lại, cho bà con lên tham quan thoải mái một thời gian. Sau đó một toa mở quán cà phê, một toa mở quán nhậu, “chắc ăn như bắp”. Nhanh gọn cấp kì, khỏi tốn công tốn của đầu tư xây cất nhà cửa quán xá. Ghế ngồi có sẵn, chỉ cần cải tiến lại cái bàn trên tàu rộng ra. Trang trí điện đóm, quạt máy, tivi màn hình lớn, vừa cà phê vừa nhậu coi đá banh. “Quá đã như... tàu hỏa! Khà khà”. Hôm nọ có ông mặc sơmi sọc đạp xe bán kẹo kéo, dân ở xã trên ghé vô cùng mấy tốp bà con đang tham quan tàu. Ông này nói giọng cưng cứng, cũng tầm tuổi Năm Tàu Hỏa, dân gốc miền Trung, rất rành rẽ về xe lửa. Ông ta nhảy lên đứng thao thao như một hướng dẫn viên, giới thiệu từ đầu tới cuối, nghe sinh động như con tàu đang chạy. Năm Tàu Hỏa khoái chí tới bắt tay “kết nghĩa” liền. “Dzậy thì từ rày trở đi, ông cứ ghé đây, bán được bi nhiêu thì bán, còn một ngày lời lãi bi nhiêu tui sẽ bù đủ cho ông. Ông cố gắng giúp tui khâu giới thiệu. Coi như ông làm tham mưu, cố vấn cho tui. Nhứt trí nha anh Ba Kẹo Kéo. Việc trước hết là đặt cái tên quán, tui tính đặt quách Quán nhậu Năm Tàu Hỏa cho nó lẹ”. Ba Kẹo Kéo gật gù suy nghĩ, tuy dân bán kẹo kéo nhưng qua lời ăn tiếng nói thâm thúy của dân miền Trung, chứng tỏ anh ta là người thông thái, hay chữ, anh nói. “Rồi còn quán cà phê thì sao? Rồi khuôn viên diện tích còn rộng, sau này anh có thể phát triển thêm các loại hình, dịch vụ khác. Theo tui, nên đặt là Hỏa Xa Viên (công viên xe lửa), nghe hợp lí hơn”. Năm Tàu Hỏa vỗ tay cái bốp. Hỏa Xa Viên! Quá hoành tráng, quá sang luôn! Vậy là cái tên Hỏa Xa Viên vẽ trên nền phong cảnh có đoàn tàu đang nhả khói uốn mình qua triền núi, một bên là eo biển xanh rì xuất hiện ngay lập tức. Màn hình video trong mỗi đầu toa phát cảnh đoàn tàu đang chạy cùng với bài hát Tàu anh qua núi, giọng Nghệ sĩ nhân dân Thanh Hoa. Đúng là có cố vấn tham mưu có khác, cứ bước chân lên tàu là giọng hát ngọt ngào cao vút vang lên. Con tàu Việt Nam đi suốt bốn mùa vui/ Qua đèo Hải Vân mây bay đỉnh núi, cảm giác cứ y như ngồi trên con tàu đang xình xịch lăn bánh theo dặm dài đất nước. Mấy bà mấy cô xúm hỏi: “Cái đèo Hải Vân chắc nó cao lắm hả chú Ba?”. “Ui dào, cao lắm! Nhưng tàu lửa không leo đèo như xe, nó chui qua núi qua hầm”. “Cha mẹ mèng ơi! Nó chui qua núi luôn! Chời chời”. “Đúng rồi, người ta đục núi, phải chui qua cả chục hầm mới hết cái đèo. Mấy bà có biết ở đâu tối đen hơn đêm ba mươi không? Đó là lúc tàu qua hầm, ngửa bàn tay ngay trước mặt không thấy, như đi vô địa ngục âm ti, giữa lòng núi mà! Cho nên lúc tàu chui qua hầm, bà con phải ôm chặt hành lí tư trang vô người, bọn giật dọc thường lợi dụng lúc này, nó cướp giật ghê lắm. Nhưng mà đi tàu cũng nhiều cái sướng, cứ tới xứ nào là được thưởng thức đặc sản xứ đó. Ngang xứ biển thì khô mực con bự bằng hai bàn tay, rẻ rề, kêu giá một trăm nhưng trả năm chục cũng bán tuốt. Rồi tới xứ gà, gà luộc cả con vàng ươm, dòm chảy nước dãi! Bà con trả chưa tới giá, nó lắc đầu, nhưng tới lúc tàu chuyển bánh nó đồng ý bán, nó bưng con gà chạy vói theo, bà con quăng tiền xuống, vói lại nắm con gà, nhưng... chỉ lấy được cái đầu gà, cái mình tự động rời ra còn trên mâm của nó. Tàu vùn vụt lao đi, tức trào máu không! Cho nên bà con phải mua ngay lúc tàu vừa dừng mới chắc ăn”. “Trời đất!”.

Mươi bữa sau, quán nhậu tàu hỏa bắt đầu khai trương trước. Khách khứa đông rần rần. Khách mời có đủ mặt dàn cán bộ ấp xã, sau này sẽ là khách mối thường xuyên của quán. Một mâm bốn ghế tàu đối diện, “trà tam rượu tứ”, ngon lành chưa! Mâm đông hơn có thể ngồi luôn hai bên, giữa là lối đi, từ tám tới mười, mười hai vẫn đủ. Bởi tàu có nguồn gốc hồi trước nhập từ bên Liên Xô, một băng ghế hai người Tây, nên dân mình ngồi ba vẫn thoải mái. Ghế gỗ nước ngoài nên độ bền khỏi chê, đi tàu loại này gọi là ghế cứng. Phe nhậu của Năm Tàu Hỏa mỗi lần gầy độ có câu nói vui. “Bàn tròn bàn dài hay ngồi giữa đất đều nhậu được tuốt! Đừng có “bàn trớt” là không nhậu được thôi! Khà khà!”. Huống hồ nay chễm chệ, gió đồng thổi lồng lộng, say lắc lư như đi tàu, có gì bằng.

Tới mùa nước lớn mới cực kì thú vị. Nước lên ngập phần bánh, mấp mé sàn tàu. Khách du lịch mùa nước nổi từ thành phố xuống từng đoàn đi bằng xuồng máy tấp vô. Vừa lai rai vừa ngắm cánh đồng nước ngập mênh mông. Máy ảnh, điện thoại nháy lia lịa. Những cô gái miền Tây áo bà ba chèo xuồng cười nói đang hái bông điên điển vàng rực giữa đồng. Mấy anh nông dân quần cụt mình trần đứng trên xuồng vung chài quăng cá linh. Món cá linh với bông điên điển được chèo vô bán trực tiếp, tươi roi rói lập tức được lên bàn nhậu. Rồi chuột đồng, rắn nước, ốc, tép đồng cua đồng đang loi ngoi trong xuồng, toàn những món thời thượng, hạng sang trên thành phố. Cuối cùng, thứ đắc địa nhất được khách gặt hái quăng lên phây búc là hình ảnh “tuyệt chiêu” của chuyến tàu hỏa đang trôi nổi giữa lênh bênh đồng nước.

Qua mùa nước lớn, bà con gần xa rảnh rang cứ tiếp tục đi coi xe lửa. Anh Ba Kẹo Kéo vẫn đạp xe lui tới thường xuyên làm “hướng dẫn viên”. Mấy bà trong xóm bờ kinh vừa lên tàu là ngồi vô ghế, năm sáu bà ngồi đối diện bàn tán cãi cọ om xòm chuyện trong làng trong xóm mấy hôm rày. Số là từ hôm ấp được trở thành “Ấp văn hóa kiểu mẫu”, trong ấp vừa cho xây hai cái nhà vệ sinh công cộng, nhưng tình trạng bà con quen thói đi “tũm” dưới sông không thay đổi chút nào, kinh rạch vẫn ô nhiễm trầm trọng. Mọi hình thức tuyên truyền giáo dục cứ như nước đổ đầu vịt. Cuối cùng, để “quyết tâm giữ vững danh hiệu Ấp văn hóa” lãnh đạo ban ấp phải dùng đến biện pháp cứng rắn: phạt tại chỗ hai trăm ngàn đối với một trường hợp bị bắt quả tang! Lực lượng dân quân ấp bơi xuồng âm thầm tuần tra suốt đêm dọc hai bên bờ kinh, phát hiện trường hợp khả nghi là lập tức pha đèn pin, lập biên bản phạt nóng. Bà Năm Nước Mắm ngồi chân dưới chân trên ghế tàu vỗ đùi đen đét. Lúc nãy bước vô, bả vừa nhìn thấy hình như đám dân quân đang nhậu ì xèo ở toa bên kia, cục tức của bả muốn trào lên cần cổ. “Bà mẹ nó, nó ăn nhậu bằng tiền của tao”. Bả là người vừa bị phạt hồi hôm, nghe nói xóm trong cũng nhiều người bị phạt. Nó êm ru bất ngờ pha đèn, bả thì già cả chậm chạp, dzậy là dính quả tang. Nó còn rọi đèn xuống nước hô lên. “Nè, rõ ràng chưa? Bà đừng có nói là củ khoai lang ai rửa bị trôi nhá!”. Bả đứng chửi lộn với tụi nó một hồi, đám bằng tuổi con cháu mình cả, nhưng nó có súng có ống, nó đòi lập biên bản giải bà về văn phòng ấp. Rốt cuộc bà phải móc cả nắm tiền lẻ tầm năm chục ngàn quăng xuống, tụi nó mới chịu đi. “Mẹ cha nó! Tao đi cầu dưới sông từ hồi cha sanh mẹ đẻ tới già từng tuổi này vẫn sống xân xẩn, có chết ai! Cả làng cả xứ này đều dzậy cả. Tao già cả không nói gì, nhưng mấy đứa con gái con lứa, nửa đêm nửa hôm không lẽ phải lội ra cái nhà cầu công cộng tuốt gần ngoài chợ, dzậy là bị tụi nó pha đèn bắt, nghe nói có mấy đứa cứ đứng ôm mặt khóc ròng móc tiền ra nộp phạt. Mấy chị mấy bà đứng dậy. “Thôi, bỏ đi bà ơi! Nói một hơi bà lên tăng xông bây giờ! Tiếp tục đi coi tàu cái cho nó hết tức”.

Anh Ba Kẹo Kéo nãy giờ vẫn ngóng nghe, vừa “hướng dẫn thuyết minh” vừa cười tủm tỉm. Tới cuối toa, thấy có hai cái phòng hai bên đang đóng cửa. Bà này bà kia cứ vỗ vỗ hỏi. “Phòng này là buồng lái à?”. Anh Ba lắc đầu. “Bên này là phòng của kiểm soát viên. Còn bên này là phòng vệ sinh, toa lét”. “Mèng đéc ơi, tàu có cả “ta lét” nữa à. Ông mở ra cho bà con tui coi cái “ta lét” tàu hỏa nó ra làm sao. Đi coi là phải coi cho hết, phải không mấy mẹ”. Cửa vừa mở, bà Năm Nước Mắm nhào dzô trước, thấy cái bàn cầu xổm màu trắng bụi bám cũ xì, bả dòm xuống cái lỗ trống lổng, thấy thông luôn xuống đất. Bả trợn trắng con mắt hỏi anh Ba “hướng dẫn”. “Như dzầy là sao? Rồi lúc nào tới giữa sông nó dừng lại cho người ta “tũm” à”. Anh Ba lại cười: “Sao mà dừng được. Cứ “đi” luôn xuống đất thoải mái! Tàu lửa mà. Nhưng lúc nào chạy ngang thành phố hoặc chỗ đông dân, nó khóa cửa ta lét lại”. Bả vung tay vỗ cái bốp. “Ông nội mẹ ơi! Dzậy là ỉa bậy, ỉa bậy khắp xứ chớ riêng chi cái làng tao. Sao tụi nó phạt tao?”. “Nhưng mà, đây là kiểu tàu hồi xưa, thời bao cấp lận. Bà hiểu không. Bây giờ tàu lửa hiện đại rồi, có gắn máy xử lí chất thải tại chỗ, nhập bên Nhựt Bổn đàng hoàng”.

Xuống tàu, bà Năm vẫn còn ấm ức. Lúc nãy bả tính chạy qua bên toa có đám dân quân đang nhậu, lôi cổ mấy cái thằng mới phạt bà hồi hôm, đè đầu cho nó coi cái lỗ ta lét tàu hỏa, mắng cho tụi nó một trận bõ ghét. Nhưng chị em kịp nắm tay lại khuyên lơn. “Nè nè, bà có hay tin gì chưa. Nhà nước sắp sửa cho vay mỗi hộ tám triệu, về vụ nước sạch vệ sinh môi trường chi chi đó. Mỗi nhà đều phải xây ta lét, không ai phạt nữa đâu”.

Tháng 5/2019
D.Đ.K