Thứ Hai, 20/02/2023 00:06

Hoa dành dành trắng và những kí ức đời lính

Hồi mới bắt đầu tập tọe viết truyện ngắn, có lần tôi được nghe một nhà văn đàn anh nào đó nói, đại ý, khi viết truyện hoặc tiểu thuyết, chi tiết bắt gặp trong đời sống giống như những rễ chính của một cây giống... (NGUYỄN MẠNH HÙNG)

. NGUYỄN MẠNH HÙNG
 

Với nhiều nhà văn, kí ức tuổi thơ, quê hương thường là vùng kí ức đầu tiên, rồi đến những vùng kí ức khác mà họ trải qua trong đời tạo thành điểm tựa đẩy các chiều kích trí tưởng tượng trong các tác phẩm. Với tôi, Hoa dành dành trắng có thể coi là truyện ngắn đầu tiên khai thác vùng kí ức thứ hai - những năm tháng đời lính.

Sau 5 năm “bó khuôn” trong trường Sĩ quan pháo binh ở Sơn Tây, khi tốt nghiệp, tôi về công tác tại một đơn vị ở Tịnh Biên, An Giang. Chỉ 5 năm (1997 - 2002), nhưng đó lại là quãng thời gian khắc dấu sâu trong đời lính của tôi. Nó là vùng đất xa xôi đầu tiên của chàng thanh niên nhà quê vùng chiêm trũng Bắc Bộ chẳng mấy khi bước chân khỏi lũy tre, là đơn vị tít mù khơi nơi biên giới Tây Nam giáp Campuchia mà doanh trại được tận dụng từ một căn cứ quân sự Mĩ - ngụy. Có rất nhiều thứ lần đầu tiên trong đời tôi nếm trải, từ ngôn ngữ, văn hóa, khí hậu đến… bệnh tật do không hợp thung thổ. Vì thế, khi tôi đặt bút viết truyện ngắn này, rất nhiều nguyên mẫu, từ không gian, cảnh sắc, con người… như một thước phim, cứ thế hiện ra trong đầu được đưa vào truyện.

Đó là cái bến xe xép xập xệ, vắng vẻ, mờ tỏ ngay cổng đơn vị với duy nhất một tuyến Chi Lăng - Cần Thơ mà những sĩ quan ngoài Bắc chúng tôi thường mỗi năm một lần vào dịp hè hoặc tết về phép, cứ 8 giờ tối, sau một trận nhậu chia tay, lại kéo nhau ra cùng chờ xe tiễn bạn. Đó là tiếng tàu hoả khục khặc khục khặc hú những hồi còi dài rời ga vừa háo hức vừa đơn điệu, tẻ nhạt từ ga Sài Gòn ra Bắc hoặc từ Hà Nội vào Nam trở về đơn vị. Đó là những dãy nhà tường bê tông chống đạn bắn thẳng dày đến 40cm nhưng lợp fibro xi măng mà chúng tôi ở với bãi mìn bao quanh dài mấy cây số, rộng cả trăm mét từ thời chiến tranh thay tường bao quanh đơn vị, cỏ tranh ngun ngút ngập đầu người, vào mùa khô lá úa rũ xuống, cứ chiều đến gió mạnh, cát ngập mắt cá chân ở khoảng trống giữa các dãy nhà mù mịt trùm lên khiến lúc nào cũng thấy bàng bạc, ngột ngạt, khô khốc… Chi tiết viên sĩ quan Mĩ không chịu được sự ngột ngạt bức bối đã dùng súng tự sát ngay trong căn phòng tôi ở, cũng là nghe các anh đơn vị kể.

Cùng khóa sĩ quan ra trường về đơn vị có 4 người thì tôi và Khải thân nhau hơn bởi có nhiều nét gần gũi về tính cách, lại đồng hương Hà Nam Ninh cũ (tôi Hà Nam còn Khải Nam Định). Trong truyện ngắn Hoa dành dành trắng, nhân vật Khải tôi lấy nguyên mẫu từ anh, kể cả tên. Khải ngoài đời trắng trẻo, cao gầy, dáng đi lòng khòng nên chúng tôi đặt biệt danh là Khải “dặt dẹo”. Ngoài ra, Khải còn một biệt danh nữa là Khải “chúa”, được đặt từ hồi học viên. Giống nhân vật trong truyện, Khải ngoài đời tốt tính, sống hết mình với bạn bè, hơi có một chút bất cần. Vào đơn vị được khoảng gần 2 năm, do không hợp khí hậu, tôi bị một căn bệnh về đường hô hấp, lâu lâu tái phát, phải đi cấp cứu, Khải là người săn sóc tôi từng tí một, từ việc vệ sinh đến mua thêm đồ ăn để bồi dưỡng. Thậm chí nghe nói mật mèo đen có thể chữa, Khải lùng kiếm bằng được để về ngâm rượu cho tôi uống.

Một nhân vật nữa trong truyện có nguyên mẫu là bé Linh. Hồi ấy, ở góc tiểu đoàn, sát bãi mìn có một cái lán ba gian, mái lợp và vách thưng đều bằng lá thốt nốt, vừa là nơi ở vừa bán cà phê, mì tôm và các thứ linh tinh cho bộ đội của một chị. Bé Linh là con gái chị, ngày chúng tôi vào bé mới lẫm chẫm đi. Cô bé trắng trẻo, mặt tròn với mái tóc cắt ngắn và ánh mắt trong veo như Đức mẹ đồng trinh, ít nói, ít cười, cứ lặng lẽ thơ thẩn chơi một mình. Vì hay nghịch đất cát bẩn thỉu rồi trốn đi hái hoa bắt bướm chỗ bãi mìn nên bé thường xuyên bị mẹ phạt bằng cách bắt đứng trong cái vòng tròn chị vẽ trên cát lầm ngay trước lán, giống Tôn Ngộ Không vẽ cho Đường Tăng phòng Bạch Cốt Tinh. Hình ảnh cô bé chân tay mặt mũi lem nhem đất cát, cứ lặng thinh đứng với ánh mắt trong veo thường xuyên đập vào mắt chúng tôi. Một lần nhá nhem tối, cơm chiều xong, tôi xuống uống cà phê thì bắt gặp cô bé cũng bị phạt như thế, nhưng khác mọi khi, mắt đang chăm chú nhìn bông Hoa dành dành trắng không biết hái ở đâu hay ai cho trên tay, thi thoảng lại mủm mỉm cười một mình. Ánh điện từ trong lán hắt ra khiến mặt cô bé và bông hoa sáng lên, đẹp và thánh thiện vô cùng. Cảm giác, tiếng ồn ào xô bồ từ trong quán và cái bàng bạc của cát, những bãi cỏ tranh mìn chết chóc bị phủ mờ. Hình ảnh ấy khắc dấu đậm trong tôi. Ám ảnh. Để rồi mấy năm sau, khi bắt đầu có ý định viết truyện ngắn này, nó là hình ảnh kí ức đầu tiên bật lên để gọi những kí ức khác.

Hồi mới bắt đầu tập tọe viết truyện ngắn, có lần tôi được nghe một nhà văn đàn anh nào đó nói, đại ý, khi viết truyện hoặc tiểu thuyết, chi tiết bắt gặp trong đời sống giống như những rễ chính của một cây giống. Quá trình viết là nuôi rễ chính ấy lớn lên, nó sẽ đẻ ra những rễ phụ. Rễ phụ lại đẻ những rễ phụ khác. Khi viết truyện Hoa dành dành trắng cũng vậy, tôi có một không gian mà chiến tranh dù đã lùi xa mấy chục năm vẫn đang in dấu. Trong không gian ấy là Khải, cả tôi nữa, những người lính thế hệ sau và bé Linh… Làm sao để nói lên chiến tranh vẫn còn khốc liệt ở vùng đất này dù nó kết thúc đã lâu? Và trong cái cái khốc liệt ấy, người ta sống thế nào? Trong lúc trăn trở suy nghĩ, hình ảnh bé Linh với bông dành dành trắng trong tay đứng giữa vòng tròn phạt dưới ánh điện mờ tỏ luôn xuất hiện trong tâm trí. Tôi quyết định, sẽ lấy bé Linh và hình ảnh ấy là trung tâm để kết nối các nhân vật, câu chuyện. Bãi mìn sẽ là một ám ảnh của trong và sau cuộc chiến chống Mĩ. Cô bé được đặt trong hoàn cảnh là con gái của Diễm lai, một người đàn bà giang hồ sống bất cần, có quán bánh canh phía ngoài gần bãi cỏ tranh mìn. Diễm lai có thân phận đáng thương, cha là lính Mĩ vướng mìn chết trong chiến tranh, mẹ cũng bị chết vì thuốc nổ khi… cưa mìn lấy sắt bán đồng nát mưu sinh. Khải, một sĩ quan trẻ quê ngoài Bắc về công tác ở đây, nhân vật liên quan mật thiết với bé Linh và Diễm lai, cũng hi sinh bởi quả mìn ẩn sâu dưới rễ cây khi tìm kiếm hài cốt của một lính Mĩ. Và bé Linh cũng bị thương ở bãi mìn ấy trong một lần cõng hàng lậu trốn chạy khi bị đuổi bắt.

Giống như những chiếc rễ vâm váp ngoằn ngoèo bấm sâu vào lòng đất lúc cây đã trưởng thành, hoàn toàn khác với ban đầu là vài sợi rễ bé nhỏ mỏng manh khi còn là một cây giống nhỏ bé, các nhân vật có nguyên mẫu ở trên được phát triển lên trong các tình huống truyện cũng hoàn toàn khác với các nhân vật ngoài đời thường. Nguyên mẫu là cái cớ, bệ phóng để câu chuyện phát triển nhằm đến một tư tưởng theo ý định của nhà văn. Thậm chí, có những truyện ngắn, tiểu thuyết, ban đầu nguyên mẫu còn hình hài, nhưng khi tác phẩm hoàn thành thì nguyên mẫu hoàn toàn biến mất bởi sự phát triển của câu chuyện trong quá trình viết theo logic lại ngoặt sang một hướng khác không theo ý định ban đầu của tác giả, đòi hỏi nhân vật cũng phải thay đổi theo.

Đề tài người lính hôm nay trong tiểu thuyết, truyện ngắn quả thực là một thử thách không hề dễ dàng bởi thời bình, các đơn vị hầu như có chế độ sinh hoạt, huấn luyện như nhau, ít di biến. Vì thế, nguyên mẫu luôn là điểm tựa để có thể viết và viết hay về họ.

N.M.H