Thứ Hai, 09/09/2019 00:16

Hồ Chí Minh và một mỹ học tạo hình

Ai cũng biết Bác là tác giả của nhiều bức tranh chống đế quốc thực dân in trên các báo Nhân đạo, Người cùng khổ... Còn lời kể các đồng chí sống cùng Bác ở Việt Bắc về nghệ thuật tạo hình của Bác. (NGUYÊN THANH)

 

. NGUYÊN THANH

Đây là lời nhận xét của Picátxô – một hoạ sỹ lớn của nước Pháp và thế giới ở thế kỷ XX, là bạn thân của Bác Hồ về “danh họa” Nguyễn Ái Quốc:

“Picátxô cười thoải mái, giọng vui hẳn lên:

- Tôi còn nhớ bức tranh anh vẽ trên báo Le Paria, anh ký Nguyễn Ái Quốc bằng chữ Tàu và lời chú thích bức tranh: “Xe xích sắt một ngày kia sẽ thay những con lạc đà, nhưng chúng vẫn còn khá nhiều, bằng chứng ư?”. Ngày ấy tôi nói với Hăngri Bacbuytxơ (Henri Barbusse): “Chỉ mấy nét vẽ này ta đã thấy một tư tưởng lớn, một tâm hồn lớn tàng ẩn bên trong. Nếu như anh tiếp tục con đường hội họa thì cũng có thể là một danh họa. Như hôm nay anh Nguyễn đã là Chủ tịch Hồ Chí Minh, tác giả tập tranh đi hàng đầu trong cuộc đấu tranh cho độc lập tự do của dân tộc” (1) .

Picátxô là một họa sỹ vĩ đại hàng đầu trên thế giới, hẳn nhiên lời của ông có sức thuyết phục, có ý nghĩa hơn hẳn những lời chuyên môn khác. Đây là lời của Picátxô mà chúng tôi xin nhấn mạnh: “Nếu như anh tiếp tục con đường hội họa thì cũng có thể là một danh họa”. Trên thực tế, Bác đã là một họa sỹ, một chủ thể sáng tạo đích thực.

Thời sống ở Paris, ngoài kiếm sống bằng nghề ảnh, Bác còn đi vẽ: “Sáng thì đồng chí đi vẽ khoán cho một xưởng phóng đại ảnh, có vẽ mới có tiền, do đó đời sống của đồng chí chỉ tàm tạm thôi, có phần gieo neo hơn chúng tôi, là những người có lương tháng đàng hoàng. Nhưng đồng chí vẫn để dành tiền để in sách và đưa vào báo Người cùng khổ. Chiều thì đồng chí làm việc ở tòa báo, viết bài, sửa bài. Đồng chí còn viết cho nhiều báo và tạp chí khác như Nhân đạo, Đời sống công nhân…” (2). Nhiều tài liệu cho biết thời gian này Bác thường đi xem, và cả trốn cảnh sát, mật vụ tại triển lãm hội họa và bảo tàng Lơ Luvơrơ.

Ai cũng biết Bác là tác giả của nhiều bức tranh chống đế quốc thực dân in trên các báo Nhân đạo, Người cùng khổ... Còn lời kể các đồng chí sống cùng Bác ở Việt Bắc về nghệ thuật tạo hình của Bác. Đồng chí Dương Đại Lâm kể: “Trong hang có những nhũ đá trông như hình người, Già Thu chọn một cái nhũ đá ở vị trí cao nhất tạc nên bức tượng Các Mác, mặt quay ra phía cửa hang, ai chợt đi vào cũng nhận ra ngay” (3) . Khi “bà cố tôi vừa đúng 85 tuổi, nhà có tổ chức lễ thượng thọ….Chiều hôm ấy, Người đến rất sớm…Người làm cái đèn lồng hoa bằng trúc, mang mừng cố” (4) . Điều đáng ghi nhớ, ngoài biểu hiện một năng khiếu thì điều cơ bản là cái tình chân thành của Bác, tự tay mình tạc tượng, tự tay mình đan lồng hoa!

Bác vận dụng tài hoa hội họa vào việc minh họa đường lối kháng chiến chiến lược. Ngày 7-3-1947 Người gửi thư cho một số đồng chí, cuối thư Người vẽ hai nửa vòng tròn cắt nhau để giải thích cuộc chiến giữa ta và Pháp. Nửa vòng tròn phía trên màu đỏ, là cuộc kháng chiến của chúng ta, lúc đầu có khó khăn (đoạn vòng cong xuống), sau vươn lên thắng lợi. Nửa vòng tròn phía dưới, màu xanh tượng trưng cho chiến tranh xâm lược của Pháp, lúc đầu tạm thời thắng (đoạn vòng tròn cong lên), nhưng cuối cùng sẽ thất bại (5).

Câu chuyện Bác qua cầu Bắc Luân là sinh động hơn cả về “danh họa” Hồ Chí Minh. Sáng ngày 20-2-1960 Bác đến thị xã Móng Cái và vào thăm một lò sứ: “Bác đi vào phân xưởng vẽ bát, tới một hàng bát lớn, một nữ công nhân đang ngồi vẽ, Người đứng xem rồi chợt bảo người nữ công nhân:

- Cháu đứng lên để Bác thử vẽ xem…

- Dạ, nhưng đất làm bát còn mềm lắm, lại rất dễ hỏng ạ!

Người nữ công nhân vừa nói lễ phép đứng dậy, vẻ lo lắng Bác làm hỏng mất hàng của cô.

- Được để Bác thử vẽ xem.

Bác ngồi ngay ngắn vào ghế người thợ làm bát, lặng ngắm mẫu: Đôi chim tung cánh trên bầu trời xanh trong, dưới là đồi núi, mặt biển, hệt như bầu trời của sông Bắc Luân, chân trời, mây ửng hồng báo hiệu một ngày đẹp trời sắp tới. Người vẽ rất nhanh và trả bát vào vị trí.

Cả đoàn ngạc nhiên về sự thành thạo vẽ trên bát sứ của Bác.

Nhìn nét vẽ, người nữ công nhân kêu lên: - Vẫn mẫu ấy nhưng nét vẽ của Bác sao sống động vậy. Đây mới là nét vẽ của người nghệ sỹ, còn cháu chỉ là vẽ theo nghề nghiệp…Nói đến đây, cô ta vội nói to lên: -Dạ mẫu là đôi chim đang chắp cánh bay, sao Bác chỉ vẽ có một con?

Bác mỉm cười trả lời rất tự nhiên: - Ừ nhỉ…nhưng Bác chỉ có một mình mà, vẽ hai sao được!” (6).

Bác Hồ còn rất thấu hiểu nghề tạo hình.

Họa sỹ Tô Ngọc Thành kể chuyện họa sỹ Tô Ngọc Vân xin thời gian vẽ Bác: “Cháu xin Bác không phải ba ngày mà ba tuần liền được gần Bác mới mong làm được việc". Bác đứng dậy rót một chén nước chè nóng mời cha tôi uống, rồi ôn tồn nói: "Chú cứ yên tâm. Ba tháng cũng thấy là phải, chứ nói gì ba tuần".

Thật là một câu nói ngắn gọn sâu xa biết bao! Cha tôi rất cảm phục lời nói, đúng ra là lời dạy quý hoá của Bác. Bác là một nhà lãnh tụ cách mạng nhưng lại rất hiểu nghệ thuật. Nghệ thuật muốn tốt phải có thời gian" (7) .

Một họa sỹ khác thì nhớ mãi: “Lần đầu tiên tôi được vinh dự nặn tượng một Cụ Chủ tịch nước nên lo lắm, trống ngực cứ đánh thình thình. Phải nặn cho giống, cho đẹp và có thần. Vì thế, không thể không dùng đến côm-pa và quả dọi. Nhưng đưa côm-pa lên mặt, lên mũi để đo trong lúc Bác đang đọc báo thì bất tiện quá. Tôi cứ lúng túng mãi, chiếc côm-pa trên tay cứ rung lên bần bật. Tôi muốn bước lên gần Bác mà không dám. Dường như đọc được nỗi băn khoăn thầm kín của tôi, Bác bảo: "Việc gì cần làm cô cứ làm, không nên do dự mà hỏng việc. Cô cần đo thì cô cứ đo!". Bác vừa nói vừa cười.

Ngày nào, trước khi chúng tôi ra về. Bác cũng dành ít phút ngắm tranh, tượng của chúng tôi và góp ý. Bác nói vui: "Tai tôi có một bên không bình thường. Hồi bé đi câu cá, có lần tôi giật mạnh cần câu, lưỡi câu móc vào tai nên tai bị rách. Còn chuyện râu, cô có thấy nặn râu khó không? Khó đấy chứ! Người Châu Âu râu nhiều, người Châu Á, người Việt Nam rất ít nên khó nặn. Cô phải xem và học cách thể hiện của người Ai Cập"… Một lần Bác nói vui: "Hôm nay, "người mẫu" ngồi quá giờ rồi, hai chú và cô Kim phải trả thêm tiền thù lao đấy nhé!". Mấy bác cháu cùng cười xoà” (8) .

Ngay cả những lúc bận rộn, căng thẳng nhất Bác vẫn dành thời gian làm “mẫu”. Đó là những ngày chuẩn bị sang Pháp đàm phán với tư cách là thượng khách của Chính phủ Pháp, Người vẫn dành ra ba tuần, mỗi ngày hai tiếng từ 6 giờ đến 8 giờ ngồi mẫu cho các hoạ sĩ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Đỗ Cung và nhà điêu khắc Nguyễn Thị Kim sáng tác. Bác ngồi ung dung, rất tinh ý và tạo điều kiện tốt nhất cho nghệ sĩ làm việc. Cho đến khi đi Pháp, Bác còn thân mật nói: "Chúc các anh chị ở lại làm được việc cho phòng triển lãm. Khi về nước, tôi sẽ đến xem" (9).

Đấy là những bài học về sáng tạo nghệ thuật phải hiểu, kiên trì và phải luôn biết hướng đến cái mới mẻ.

 


1. Hồ Chí Minh với nghệ sỹ văn nghệ sỹ với Hồ Chí Minh (2010), Nxb Hội Nhà văn, tập 3, tr 303, 308.

2. Phạm Hoàng Điệp (biên soạn) - Chủ tịch Hồ Chí Minh với nước Pháp. Nxb Chính trị Quốc gia, 2010.tr 37.

3. Đỗ Hoàng Linh (biên soạn) - Hồ Chí Minh từ Pác Bó đến Ba Đình. Nxb Chính trị Quốc gia, 2009. tr 28.

4. Đỗ Hoàng Linh (biên soạn) - Hồ Chí Minh từ Pác Bó đến Ba Đình. Nxb Chính trị Quốc gia, 2009. tr 64.

5.  Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử (2006) - Nxb Chính trị Quốc gia, tập 4, tr 61.

6. Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử (2006) - Nxb Chính trị Quốc gia, tập 4,tr 61.

7. Hồ Chí Minh với văn nghệ sỹ văn nghệ sỹ với Hồ Chí Minh (2010). Nxb Hội Nhà văn, tập 1, tr 194.

8. Cam Ly kể. Hồ Chí Minh với văn nghệ sỹ văn nghệ sỹ với Hồ Chí Minh (2010). Nxb Hội Nhà văn, tập 1, tr 230, 231.

9. Chu Qung Trứ kể. Hồ Chí Minh với nghệ sỹ văn nghệ sỹ với Hồ Chí Minh (2010). Nxb Hội Nhà văn, tập 2, tr 342.