Thứ Hai, 12/10/2020 09:34

Hồ Chí Minh - Nhà mỹ học ngôn từ!

Có thể hình dung cây đại thụ văn hóa Hồ Chí Minh cường tráng lực lưỡng là do cắm rễ rất sâu vào mạch nguồn văn hóa truyền thống... (Nguyễn Thanh Tú)

. PGS.TS Nguyễn Thanh Tú

 

Trong số bạn quốc tế của Bác Hồ, nhà văn, nhà thơ, nhà báo chiếm một tỉ lệ khá cao. Pháp có Raymông Lơphevrơ, Pôn Vayăng Cutuyriê, Gaxtoong Môngmutxô, Catxem Xembát, Rômanh Rôlăng, Sác Lôngghê, Gioocdơ Piôsơ, Hanrinê, Côlét, Rapôpo… Liên Xô có I.Erenbua, O.Mandetxtan, Ý có Giôvanni Giécmanettô, Nhật có: Kiôsi Cômatxư, Trung Quốc có Lý Đại Chiêu, Cù Thu Bạch… Hăngri Bacbuýt, nhà văn nổi tiếng thế giới, là một trong những người bạn Pháp gần gũi nhất của Bác. Con đường đi cứu nước của Bác Hồ kéo dài 30 năm (1911-1941), qua 40 nước, làm 12 nghề khác nhau, dùng 29 thứ tiếng, sử dụng thành thạo 12 ngôn ngữ, trong đó có các ngôn ngữ chính như Pháp, Hán, Anh, Nga, Đức…Thế mà khi trở thành vị Chủ tịch Nước Bác Hồ vẫn là “người Việt Nam nhất” trong việc sử dụng tiếng mẹ đẻ. Đấy cũng chỉ là một trong những minh chứng cho nhà yêu nước Hồ Chí Minh đồng thời cũng là một nhà tư tưởng tất cả vì mục đích “độc lập cho Tổ quốc”, “tự do cho đồng bào”, “hạnh phúc cho nhân dân”. Đối với những nhà tư tưởng lớn, mỗi con chữ đều thể hiện rất rõ tư tưởng của họ, mà Hồ Chí Minh là một trường hợp sinh động.

1.Có thể hình dung cây đại thụ văn hóa Hồ Chí Minh cường tráng lực lưỡng là do cắm rễ rất sâu vào mạch nguồn văn hóa truyền thống. Điều này thể hiện rõ nhất trong việc Người tiếp thu, giữ gìn, kế thừa tinh hoa ngôn ngữ văn hóa. Người yêu quê hương thì biểu hiện trước hết là không bao giờ quên tiếng của quê mình. Bác Hồ là người như vậy. Một ca sĩ xứ Nghệ hát câu “Ai biết nước sông Lam răng là trong là đục…”, Người chữa ngay: “- Ở Nghệ An, người ta gọi là “nác” chứ không phải là “nước”. Một nghệ sĩ hát “Lưng dài có võng vòng tôm” Người cũng sửa ngay: “Lưng dài có võng đòn cong”. Nghệ sỹ hát tiếp bài khác: “À ờ ơ ...ru em em ngủ cho muồi...”, Bác cười và nói phải hát là: “Ru tam tam théc cho muồi...”. Vì tiếng miền Trung, “tam” có nghĩa là “em”; “théc” có nghĩa là “ngủ”. Nghệ sỹ hát tiếp: “Để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu...”. Bác lại sửa: “- Để mạ chứ không phải để mẹ”. Nghệ sỹ sửa và hát: “Mua cau chợ Sải, mua trầu chợ Dinh”. Bác cười: “- Mua cau Cam Phổ chớ không phải chợ Sải” (Nhiều tác giả (2010), Hồ Chí Minh với văn nghệ sỹ, văn nghệ sĩ với Hồ Chí Minh, Nxb Hội Nhà văn, tr 360, 361). Từ góc nhìn Folklore học chúng ta thấy cách Bác dùng ngôn ngữ là bài học tuân theo nguyên tắc căn bản của folklore: nó như thế nào thì giữ nguyên dạng như thế. Bôn ba cả tuổi trẻ, đi hầu khắp năm châu bốn biển vì dân vì nước mà không hề quên một điệu hát lời ru, đó là một trí nhớ siêu việt, nhưng cái chính là một tấm lòng sâu nặng với quê hương nguồn cội. Thật cảm động và sâu xa ý nghĩa biết bao, trước lúc đi xa Bác muốn nghe một khúc dân ca xứ Nghệ, một câu hò Huế, để nhớ về nơi mình sinh ra, nơi tuổi thơ của mình đã sống, nơi người mẹ thân yêu của mình qua đời. Bài học từ Bác là bài học của một tình yêu, bài học hiểu sâu, nắm vững ngôn ngữ, văn hoá dân tộc mình, quê hương mình. Còn là bài học về giữ gìn, bảo tồn lời ăn, tiếng nói, rộng hơn là văn hoá dân tộc. Cái nguồn mạch giàu có, sống động, tươi mới của ngôn ngữ văn hóa dân tộc đã góp phần chủ yếu để tạo nên một phong cách ngôn ngữ độc đáo Hồ Chí Minh. Tình cảm quê hương kết tinh vào ca dao. Bác Hồ rất thuộc ca dao xứ Nghệ. Sau mấy chục năm xa cách, ngày 27-10-1946 được gặp chị gái mình là bà Nguyễn Thị Thanh, Người nghẹn ngào: “Chị ơi, quê hương nghĩa nặng ơn sâu, mấy mươi năm ấy biết bao nhiêu tình…” (Nhiều tác giả (2006), Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, Nxb Chính trị Quốc gia, tập 3, tr 356).

Ngày 3-11-1946 gặp lại anh trai mình là ông Nguyễn Sinh Khiêm, Người cảm động đọc bài ca dao: “Chốc đà mấy chục năm trời/ Còn non, còn nước, còn người hôm nay”. Ông Khiêm ứng đọc: “Thỏa lòng mong ước bấy nay/ Nước non rợp bóng cờ bay đón Người”. Ông Cả Khiêm mở chiếc va-ly đan bằng sợi mây cũ kỹ, lấy mấy quả cam Xã Đoài, Bác Hồ đỡ lấy cam, rơm rớm nước mắt và đọc bài ca dao xứ Nghệ: “Quê ta ngọt mía Nam Đàn/ Bùi khoại chợ Rộ, thơm cam Xã Đoài/ Ai về ai nhớ chăng ai/ Ta như dầu đượm thắp hoài năm canh” (Hồng Khanh (2005), Chuyện thường ngày của Bác Hồ, Nxb Thanh Niên, tr 31). Thì ra, đối với những con người yêu nước tình cảm riêng tư của họ luôn hòa vào tình cảm chung: tình yêu đất nước và biểu hiện tình cảm ấy thông qua ngôn ngữ văn hóa của quê hương đất nước mình. Từ khi giữ cương vị Chủ tịch Nước thì câu ca dao Bác Hồ hay dùng nhất (thể hiện 12 lần trong Toàn tập) là câu: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng”, mà nếu là người Việt thì ai cũng thuộc, cũng hiểu ý nghĩa. Bác mượn câu ca ấy nhắc nhở mọi người thương yêu đùm bọc lẫn nhau, để phù hợp với đối tượng, hoàn cảnh mà Bác có biến đổi một vài chữ.

Người cũng thường hay mượn ca dao để giáo dục cán bộ cũng là một cách tăng cường thêm chất thơ cho cuộc đời. Tháng 8-1964 tiễn hơn năm mươi cán bộ quân đội chi viện miền Nam, Người đọc: “Em khôn cũng ở trong bồ/ Anh dại cũng ở kinh đô mới vào” như để nhắc mọi người về vinh dự và vai trò, trách nhiệm nặng nề của người cán bộ miền Bắc (Hồng Khanh (2005), Chuyện thường ngày của Bác Hồ, Nxb Thanh Niên, tr 126). Ngày 14-5-1965 Bác về thăm hợp tác xã Xuân Phương khi đồng bào đang gặt lúa chiêm, nhìn thấy con cua Bác giục một bà nông dân bắt và ứng khẩu: “Bắt về con ốc con cua/ Bát canh ngon miệng đỡ mua tốn tiền” (PGS.TS Đinh Xuân Dũng (2008), Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức, Nxb Giáo dục, tr 329). Thì ra Bác cũng như bao người nông dân chân chất, bình dị với ngôn ngữ mộc mạc vần vè, dí dỏm.

Hồ Chí Minh rất hay lấy mạch nguồn thần thoại Lạc Việt như Lạc Long Quân, Sơn Tinh, Phù Đổng Thiên vương…để kêu gọi người dân Việt tự hào về nòi giống, đoàn kết thương yêu nhau đứng dậy đánh đuổi kẻ thù xâm lược. Các danh từ, cụm danh từ Hồng Lạc, Lạc Hồng, Con Hồng cháu Lạc, Con Rồng cháu Tiên, Rồng Tiên…chỉ dòng giống vinh quang của người Việt xuất hiện nhiều lần vừa gợi lên ở người dân niềm tự hào về nòi giống, lòng biết ơn tiên tổ vừa đánh thức ở họ một ý thức đoàn kết. Cũng không ngẫu nhiên những danh từ ấy được Người nhắc lại nhiều lần ở thời điểm lịch sử những năm đất nước khó khăn nhất (trước 1945 và thời kỳ đầu đánh Pháp). Lời của tác phẩm Lịch sử nước ta vượt lên trên lời của một cá nhân để vươn tới tầm là lời của lịch sử: “Mai sau sự nghiệp hoàn thành/ Rõ tên Nam Việt, rạng danh Lạc Hồng. Bài Mười chính sách của Việt Minh có nội dung tuyên truyền những công việc cách mạng, mở đầu là hình tượng Rồng Tiên: “Làm cho con cháu Rồng,Tiên/ Dân ta giữ lấy lợi quyền của ta”. Khép lại cũng là hình tượng ấy: “Rồi ra sự nghiệp hoàn thành/ Rõ tên Nam Việt, rạng danh Lạc Hồng”. Trong số các bậc anh hùng, Hồ Chí Minh hay nói đến các vị: Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Trần Quốc Toản, Quang Trung. Đây là những tấm gương oanh liệt được sử sách ghi nhận là những con người quên mình vì nghĩa lớn, những ý chí cứu nước, những tài năng quân sự kiệt xuất…Trong kháng chiến chống Pháp, những trận đánh, những chiến dịch lớn, theo đề nghị của Người đã lấy tên các vị anh hùng từng thắng giặc vẻ vang: Trận Lý Thường Kiệt, Chiến dịch Trần Hưng Đạo, Chiến dịch Quang Trung… Đặc biệt hình tượng Hai Bà Trưng được Hồ Chí Minh nói tới nhiều nhất (22 lần trong Toàn tập). Có thể đây là tấm gương yêu nước sớm nhất, tiêu biểu nhất cho ý chí quật cường của cả dân tộc, và đây cũng là trang sử bi thương nhưng hào hùng, mà ai, nếu là người Việt Nam đều biết.

Biểu trưng gốc rễ xuất hiện với tần số rất cao trong tác phẩm của Người (20 lần), như: “Máu xương của các tiên liệt đã thấm nhuần gốc rễ của Đảng ta, làm cho cây nó càng vững, ngành nó càng to, và kết quả khai hoa ngày càng rực rỡ”. Truyền thống nhân nghĩa của người Việt đã quy định một nét tâm lý kính trọng tiền nhân, biết ơn nguồn cội...Bác Hồ kế thừa đạo lý này và dĩ nhiên tạo ra một màu sắc ý nghĩa mới cho phù hợp với thời đại mới trong việc giáo dục đạo đức cách mạng. Tháng 6-1968 làm việc với Ban Tuyên huấn Trung ương về việc làm và xuất bản loại sách “người tốt việc tốt”, Bác nhắc nhở cán bộ: “Các chú có biết biển cả do cái gì tạo nên không? Từng giọt nước nhỏ thấm vào lòng đất, chảy về một hướng mới thành suối, thành sông. Biết bao nhiêu giọt nước nhỏ hợp lại mới thành biển cả. Một pho tượng hay một lâu đài cũng phải có cái nền rất vững chắc mới đứng vững được. Nhưng người ta dễ nhìn thấy pho tượng và lâu đài mà không chú ý đến cái nền. Như thế là chỉ thấy cái ngọn mà quên mất cái gốc!” (Hồ Chí Minh (2004), Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, tập 12, tr.549). Một chân lý về quan hệ giữa cá nhân và quần chúng, giữa bộ phận và toàn thể được diễn đạt rất dễ hiểu bằng những hình ảnh giản dị. Toát lên một chân lý giáo dục: dù có thể trở thành tài năng thì cũng phải nhớ tài năng ấy do “cái nền”, “cái gốc” là nhân dân, là văn hóa truyền thống. Biết bao ân tình, biết bao ơn nghĩa chất chứa trong những câu nói ấy! Nhắc nhở chúng ta về phép biện chứng: phải đi tìm cái gốc, bản chất của sự việc; về bài học uống nước nhớ nguồn.

Chữ “xuân” là một biểu trưng của người Việt, vượt ra khỏi nghĩa chỉ thời gian để nói về niềm vui, ước mong, hạnh phúc, niềm tin, tuổi trẻ. Thơ văn Bác Hồ nhiều “xuân” (455 lần/400 trang), để chỉ thời gian: Nhiều xuân kháng chiến càng gần thành công; chỉ sức sống, sự sống, sức trẻ, tuổi trẻ: Sáu mươi tuổi còn xuân chán; là niềm vui, niềm tin, lạc quan: Một năm là cả bốn mùa xuân; chỉ cuộc sống đang đà sinh sôi phát triển: Làm cho đất nước càng ngày càng xuân; chỉ sự giáo dục phát triển nhân cách tốt đẹp: “Ta phải biết làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi, đó là thái độ của người cách mạng”.

Bác Hồ rất hay dùng ngụ ngôn. Với đặc trưng là lời nói, mẩu chuyện trong đó gửi gắm một ý tứ xa xôi, bóng gió có tính giáo dục bài học nhân sinh gì đó được sử dụng rộng rãi, phổ biến trong dân gian nên được các nhà chính trị, tư tưởng lấy đó để diễn đạt các suy nghĩ, quan niệm của họ. Thực tế các nhà ngụ ngôn nổi tiếng thế giới như Êdốp, Pheđơrơ, La Phôngten, Trang Tử, Liệt Tử… cũng đều là các nhà tư tưởng. Với tư cách là một nhà chính trị Bác Hồ cũng mượn ngụ ngôn để sử dụng vào mục đích chính trị, có thể gọi đó là ngụ ngôn chính trị. Ví dụ Truyện ngụ ngôn được Người viết tại Quảng Châu năm 1925, có thể tóm tắt truyện thế này, con rồng tự hào là thủy tổ của người An Nam có nhiều bậc anh hùng cứu nước. Con tôm “phản biện” lại, nói tôm sướng hơn người An Nam vì thân nó cong là do ý trời còn người An Nam lưng còng là chịu sưu cao thuế nặng. Con cừu đồng tình nói, người An Nam giống loài thỏ, cừu bị cắt lông một năm một lần nhưng người An Nam bị Pháp bóc lột tứ thời. Rắn nói người Pháp “khẩu Phật tâm xà” mà người An Nam lại rước họ vào nước mình. Voi buồn cho người An Nam “rước voi về giày mả tổ”. Lươn chê người An Nam dễ để cho đồng tiền cám dỗ. Chuột mỉa mai người An Nam không nghĩ gì đến đất nước. Gà trống khinh người An Nam vì tiền mà bội bạc. Cá chép sung sướng bởi mình sẽ có ngày hóa rồng mà buồn thay cho dân An Nam suốt đời nô lệ mà không dám vùng lên… Kết lại câu chuyện là lời bình luận của người kể: “Ôi, những người An Nam, các anh phải luôn nhớ rằng đoàn kết làm nên sức mạnh”. Dễ thấy một sự học tập hình thức truyện Lục súc tranh công trong ngụ ngôn dân gian để châm biếm sự ươn hèn, yếu đuối, bạc nhược cam chịu nô lệ nhục nhã của “dân An Nam”. Câu chuyện không chỉ đáng đọc ở cái thời đất nước ta đắm chìm trong nô lệ mà cũng rất đáng đọc ở cái thời nay, đọc để tự ý thức về tinh thần vươn lên, về cởi bỏ những tâm lý xấu, tính cách xấu… Hôm nay người ta nói nhiều đến phản biện, phản biện xã hội, coi phản biện như là một hình thức tư duy mới mẻ, tiến bộ. Thực ra phản biện, phản biện xã hội luôn là một thuộc tính tư duy của con người, càng có tinh thần khoa học, dân chủ, càng có khát vọng đổi thay xã hội, làm mới, làm tốt cho con người thì càng giàu ý thức phản biện. Không phải ai cũng có ý thức phản biện và năng lực phản biện, phải là người có trách nhiệm sâu sắc với xã hội, có tình yêu con người, có năng lực phát hiện vấn đề… mới có thể phản biện được. Trên tinh thần ấy thì Bác Hồ là một người luôn có tinh thần phản biện mà hôm nay chúng ta rất nên học tập về mọi phương diện, ý thức, cách thức, đề tài, nội dung. Một loạt truyện ngụ ngôn được Người viết trong năm 1942: Ca sợi chỉ, Hòn đá, Con cáo và tổ ong, Nhóm lửa, Chơi giăng… Vì là hướng tới mọi đối tượng, đặc biệt là tầng lớp nông dân ít học nên những truyện này rất giản dị, dễ hiểu, thường có cấu trúc hai phần, phần đầu là kể chuyện, phần hai là lời bình luận để kêu gọi đoàn kết. Đây là những tác phẩm ngụ ngôn thực sự nghệ thuật, một thứ nghệ thuật tuyên truyền rất giản dị mà hiệu quả.

Bác Hồ rất hay tập “Kiều”, chỉ thay đổi một vài chữ cũng thể hiện rất rõ tư tưởng của Người. Kiều cùng Từ Hải “Nửa năm hư­ơng lửa đang nồng” thì Từ Hải phải lên đ­ường, Thuý Kiều ở lại ngóng về Từ: “Cánh hồng bay bổng tuyệt vời/Đã mòn con mắt, ph­ương trời đăm đăm!”. Hoàn cảnh này, tâm trạng này đư­ợc Bác Hồ tập trong hoàn cảnh tiễn Tổng thống Xucácnô tại sân bay Gia Lâm: “Thời gian Tổng thống l­ưu lại ở Việt Nam chúng tôi lần này quá ngắn ngủi! Nh­ưng vì Tổng thống đi vắng đã hơn hai tháng, nhân dân Inđônêxia nhớ nhung và chờ đợi lãnh tụ kính mến của họ, một ngày dài như­ ba thu. Thật là: “Cánh hồng bay bổng tuyệt vời/ Trông mòn con mắt, ph­ương trời đăm đăm!” (Hồ Chí Minh (2000), Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, tập 9, tr 479). Bác chỉ thay một chữ Đã trong “Kiều” bằng từ Trông để diễn tả tấm lòng mong mỏi, trông ngóng từng giờ của nhân dân Inđônêxia nhớ nhung và chờ đợi lãnh tụ kính mến của họ. Thật là một sự ca ngợi kín đáo mà tinh tế!

Trong màn đoàn viên, Kim Trọng nghe Thuý Kiều đánh đàn: “Chàng rằng: - Phổ ấy tay nào/ X­ưa sao sầu thảm, nay sao vui vầy/ Tẻ vui bởi tại lòng này/ Hay là khổ tận đến ngày cam lai”. Tiếng đàn Kiều khác x­a vì cuộc đời Kiều khác trư­ớc, lời nhận xét của Kim Trọng về tiếng đàn được nâng lên thành một nhận định phổ quát về cuộc đời, đầy niềm tin, ấm áp, ân tình. Bác Hồ lại m­ượn ngay chính lời chàng Kim để tập trong một bài thơ chan chứa tình đời, trĩu nặng nghĩa ân:“Cảm ơn bà biếu gói cam/ Nhận thì không đúng, từ làm sao đây/ Ăn quả nhớ kẻ trồng cây/ Phải chăng khổ tận đến ngày cam lai”. Bài thơ Bác làm khi Cách mạng tháng Tám vừa thành công, n­ước cộng hoà non trẻ của chúng ta vừa ra đời, hẳn nhiên còn phải vượt qua biết bao ghềnh thác. Thế mà bài thơ đã mang một không khí lạc quan, dĩ nhiên cả đất n­ước này còn “khổ tận” nhiều nhưng “đến ngày cam lai” là tất yếu. Tình ng­ười, niềm tin vào hạnh phúc trong bài thơ của Bác còn toát ra từ lối tập Kiều ý vị, ai cũng biết câu Kiều ấy là ở màn đoàn viên sum họp, Bác chỉ thay hai chữ Hay là của Kim Trọng bằng hai chữ Phải chăng còn nhiều dự cảm. Đúng thế, vì khi ấy cả đất n­ước ta đang ngổn ngang trăm mối mải lo đối phó với thù trong giặc ngoài! Bác Hồ rất thích tập hoặc lẩy câu Kiều: “Mư­ời lăm năm ấy biết bao nhiêu tình”ở màn “đoàn viên vội mở tiệc hoa vui vầy”. Cũng là niềm hy vọng, mong muốn con người luôn được đoàn tụ hạnh phúc, sum vầy.

2. Tư tưởng yêu thương con người, gần dân, thương dân, vì dân cũng được thể hiện rất rõ qua từng con chữ. Ngôn ngữ Bác Hồ giản dị, rõ ràng mà lại giàu hình ảnh, đậm đà giá trị biểu cảm là nhờ bắt sâu từ tục ngữ, thành ngữ, ca dao, lời ăn tiếng nói của nhân dân nên. Đó là một thứ ngôn ngữ sống động mang hơi thở của đời sống nhân dân lao động nên xa lạ với ngôn ngữ quan phương hành chính mệnh lệnh.

Tính khẩu ngữ đã góp phần tạo ra một đặc điểm ngôn ngữ Hồ Chí Minh có xu hướng toàn dân, phổ cập, thông thường, dễ hiểu, dễ nhớ. Lời văn tác giả nhiều khi là sự phát triển từ một thành ngữ, có trường hợp cả lời văn gần như là sự tập hợp của các thành ngữ: “Chúc các đồng chí đi đường, chân cứng, đá mềm, thuận buồm xuôi gió”. Câu văn cứ như toát ra từ đời sống thực nhờ sử dụng hình ảnh và cách nói vần vè của nông dân: “Từ bây giờ cho đến khi thóc vào bồ, ngô vào cót, luôn luôn phải lãnh đạo chặt chẽ”. Những thành ngữ quen thuộc nhưng được vào ngữ cảnh mới nên sinh động hẳn lên. Một lần về cơ sở, Người nói: “cán bộ về xã mà không khéo giữ gìn thì thành cán bộ “thịt gà lá chanh…”. Chỉ kiểu cán bộ quen thói hành chính giấy tờ, Bác nói họ lúc nào cũng “đầy túi quần thông cáo đầy túi áo chỉ thị” mà không được việc. Hầu như ở trường hợp nào Người cũng có một thành ngữ, tục ngữ tương ứng hoặc có trong dân gian hoặc tự sáng tạo ra. Một lần Bác đến thăm khu văn công, hàng trăm diễn viên quây quần bên Bác, có diễn viên nam len vào ngồi cạnh và đưa tay vuốt chòm râu…Bác không gạt tay anh mà nói vui: “- Khéo chớ dứt râu Bác! Một sợi râu là một xâu bánh...” (Nhiều tác giả (1990), Bác Hồ với nghệ thuật sân khấu, Viện Sân khấu, tr 15). Có khi chỉ là mượn một hình ảnh ai cũng biết có trong tự nhiên mà bật ra ý nghĩa, thú vị mà sâu sắc. Lần ấy dự cuộc họp bàn chia ruộng đất cho nông dân cán bộ bàn cãi rất căng, Người nói: “Nắng dịu trời mới đẹp!” (Ngọc Châu (2005), Bài học Bác dạy, Nxb Công an nhân dân, tr 168), thì ai cũng hiểu việc gì cũng phải giữ thái độ ôn hòa, nhẹ nhàng, mềm mỏng, hơn nữa là việc hết sức nhạy cảm là lấy đất của địa chủ chia cho dân nghèo. Thành ngữ là sản phẩm của cách nói ví von phổ biến được tích luỹ lâu đời nên đã góp phần tạo ra một đặc điểm ở tiếng Việt là rất giàu hình ảnh. Là một hiện tượng văn học đặc biệt trong việc kế thừa, phát triển vốn văn hoá đặc sắc của dân tộc nên việc Hồ Chí Minh hay dùng thành ngữ, tục ngữ như là tất nhiên vậy. Thống kê trong Hồ Chí Minh toàn tập… cho thấy Người dùng 52 tục ngữ khác nhau, 285 lượt thành ngữ (203 thành ngữ khác nhau). Con số chỉ nói lên một phần nhưng điều đặc biệt là phẩm chất của các dẫn ngữ này rất đa dạng, phong phú, nhiều hình vẻ, giàu sắc thái được sử dụng hết sức linh hoạt.

Trong vốn từ vựng của Người hầu như có mặt của tất cả các giọng nói của mọi tầng lớp, giai cấp người trong xã hội. Điều ấy đã thể hiện tinh thần dân chủ, tính đa dạng, phong phú, sinh động của ngôn ngữ văn hoá Hồ Chí Minh. Người là một điển hình trong việc gìn giữ ngôn ngữ văn hoá địa phương, coi đó là cái gốc, là mạch nguồn, là những nét đặc sắc góp vào sự đa dạng của văn hoá dân tộc. Thông thạo nhiều thứ tiếng nước ngoài, Người cũng nói giỏi và am hiểu phong tục của nhiều dân tộc thiểu số Việt Nam. Về thăm các địa phương có người dân tộc Người cũng thường nói và viết tiếng dân tộc của bà con để hoà đồng như là một thành viên trong gia đình vậy.

Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm tới đồng bào công giáo. Có thể lý giải điều này là xuất phát từ quan niệm đoàn kết và tình thương nhân dân của Bác và tình hình công giáo nước ta trong những năm kháng chiến là đồng bào dễ bị kẻ thù lợi dụng nên Bác Hồ càng phải giúp họ hiểu về đường lối kháng chiến, về chính sách đoàn kết, về tinh thần nhân ái của người Việt. Lời thư Người gửi cho đồng bào thường có đặc điểm chung là câu thường dài, âm hưởng đều đặn, giọng điệu thường ngân nga, nếu cho phép có một so sánh thì giống như giọng một vị đức cha giảng kinh thánh vậy. Mới hay sự vĩ đại, trí tuệ, tâm hồn của Hồ Chí Minh thể hiện ngay ở cách viết câu văn!

Đối với đồng bào phật tử, Hồ Chí Minh cũng rất quan tâm và quan tâm theo một cách riêng, cách của nhà Phật. Những lá thư Người gửi cho đồng bào luôn là sự phối hợp hai phong cách, ngôn từ của Phật giáo và ngôn ngữ toàn dân. Có những từ khó hiểu đối với ngôn ngữ toàn dân nhưng lại thân thuộc với ngôn ngữ Phật giáo vẫn được tác giả sử dụng. Bài học của mọi bài học trong việc thu phục nhân tâm của Bác Hồ là tình yêu thương và sự chân thành. Hãy yêu thương đến hết mình, hãy chân thành tận đáy lòng thì tình người sẽ đến với tình người, niềm tin sẽ đến với niềm tin.

Tình yêu con người sâu nặng là cơ sở cho những quan niệm thực sự nhân văn, đậm một tình người. Một lần Bác thân ái phê bình nhà thơ Việt Phương “không có trận đánh đẫm máu nào “đẹp” cả, cho dầu thắng lớn. Với tư tưởng gần dân, là “đầy tớ” của dân nên đối với các cụ tuổi cao Bác Hồ xưng cháu. Lá thư của Người gửi cụ Phùng Lục ở huyện Ứng Hoà, Hà Đông (cũ) không phải thư của vị Chủ tịch Nước mà là tình cảm của một người cháu yêu viết cho người ông đáng kính của mình: “Cháu xin thay mặt Chính phủ cảm ơn cụ và trân trọng chúc cụ sống lâu và luôn luôn mạnh khoẻ để kêu gọi các con cháu ra sức tham gia công việc kháng chiến và cứu quốc...” (Hồ Chí Minh (1996), Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, tập 5, tr 427).

N.T.T