Thứ Tư, 02/04/2025 05:08

Hình tượng người lính Thành cổ Quảng Trị trong thơ ca thời chống Mĩ

Những câu thơ của Phạm Đình Lân trong bài thơ Tấc đất Thành cổ, gợi nhắc đến một sự kiện lịch sử đau thương (Npb PHẠM KHÁNH DUY)

. Nhà phê bình PHẠM KHÁNH DUY

 

Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi

Thành cổ rộng sao đồng đội tôi nằm chật

Mỗi tấc đất là một cuộc đời có thật

Cho hôm nay tôi đến nghẹn ngào!

Những câu thơ của Phạm Đình Lân trong bài thơ Tấc đất Thành cổ, gợi nhắc đến một sự kiện lịch sử đau thương mà hào hùng trong những năm tháng cả dân tộc bước vào cuộc kháng chiến chống Mĩ. Hơn 50 năm trôi qua, cuộc chiến đấu 81 ngày đêm ở Quảng Trị nhằm bảo vệ Thành cổ trước hành động ném bom phá hoại của Mĩ, được biết đến với cái tên đậm tính hình tượng “mùa hè đỏ lửa”, vẫn là nỗi ám ảnh sâu đậm trong tâm trí của nhiều người. Bởi lẽ, bên cạnh ý nghĩa biểu tượng cho khát vọng thống nhất đất nước và giấc mơ hoà bình, một sự thật không thể phủ nhận là những mất mát, hi sinh của nhân dân ta trong cuộc chiến tranh đó quá lớn. Màu máu đỏ loang ra trên mặt sông Thạch Hãn, những bức tường Thành cổ đổ sụp, những hố bom ăn sâu xuống lòng đất… đã trở thành minh chứng sống động nhất cho một giai đoạn lịch sử không thể nào quên.

Cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị trở thành nguồn cảm hứng bi thương và hào sảng trong sáng tác của nhiều cây bút, không ít người là chiến sĩ trực tiếp cầm súng bảo vệ từng tấc đất Thành cổ, mang trên mình những chấn thương chiến tranh. Những Mùa hè đỏ lửa của Phan Nhật Nam, Mưa đỏ của Chu Lai, Quảng Trị 1972 của Nguyễn Quang Vinh, Mãi mãi tuổi hai mươi của Nguyễn Văn Thạc… chính là khúc bi tráng ca về hình tượng người lính trong cuộc đối đầu sinh tử với kẻ thù. Bên cạnh đó, làm nên chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong văn học thời kì kháng chiến chống Mĩ không thể không kể đến những đóng góp to lớn của thơ ca, trong đó có mảng thơ viết về “mùa hè đỏ lửa” 1972. Dưới ngòi bút nóng rát không khí của chiến trường, hình tượng người lính Thành cổ Quảng Trị trong thơ ca thời chống Mĩ hiện lên chân thực và xúc động từ diện mạo đến tâm hồn, từ lí tưởng đến bi kịch, từ vẻ đẹp đến những vết thương. Tất cả đã góp phần dựng nên bức tượng đài bất tử của người lính Thành cổ trong lòng văn học và dân tộc.

Một góc của Hội thảo văn học Nhìn lại văn học viết về kháng chiến chống Mĩ cứu nước sau 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025)

1. Hình tượng người lính Thành cổ Quảng Trị - vẻ đẹp của thế hệ thanh niên Việt Nam thời đại chống Mĩ

Văn học song hành cùng lịch sử, phản ánh những chặng đường đấu tranh phát triển và vận mệnh của dân tộc, xây dựng hình tượng con người thời đại chung sức “dàn hàng gánh đất nước trên vai” (Bằng Việt). Tiếp nối mạch nguồn của văn chương Việt trong chín năm kháng chiến chống Pháp, văn học chống Mĩ tiếp tục tạc dựng bức tượng đài người lính như một biểu tượng cao đẹp, sáng ngời của lòng yêu nước, song các tác giả đã thổi vào đó những nguồn cảm xúc mới. Nói như Nguyễn Văn Long: “Tính chính luận và chất triết lý, suy tưởng là đặc điểm nổi bật trong thơ của các nhà thơ lớp trước, cũng thấm đượm cả trong thơ của các nhà thơ trẻ. Nhưng trong thơ của thế hệ này, ưu thế nổi trội và cũng là sự đóng góp quan trọng nhất của họ chính là việc gia tăng chất liệu hiện thực đời sống, mở rộng khả năng cho thơ chiếm lĩnh thực tại bộn bề, phong phú và đa dạng hiện thực chiến tranh” (Nguyễn Văn Long, 2020, tr.66). Nếu ở những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, thơ ca thường ngần ngại khi nhắc đến bi thương, đau xót, mất mát của chiến tranh nhằm mục đích cổ vũ thanh niên yêu nước lên đường ra mặt trận, lý tưởng hoá hình tượng người chiến sĩ; thì trong thơ ca những năm tháng kháng chiến chống Mĩ, các tác giả có xu hướng tiếp cận hiện thực chiến tranh đa diện, nhiều chiều, bút pháp lí tưởng hoá tiếp tục được sử dụng, nhưng cái bi không còn được che giấu. Nó hiển hiện như một quy luật tất yếu của chiến tranh, buộc con người phải đối diện và vượt qua. Bởi lẽ, bản chất của chiến tranh là mất mát, đau thương; khói lửa đạn bom hủy diệt ghê gớm sự sống con người. Về hình tượng người lính thời chống Mĩ, bên cạnh những nét đẹp vốn được kết tinh từ tinh hoa, khí phách dân tộc, hình ảnh lớp thanh niên trẻ nhận thức rất rõ sứ mệnh, trách nhiệm của bản thân với Tổ quốc, hăng hái hòa vào dòng người lên đường bảo vệ non sông, được khắc hoạ chân thực và xúc động. Từ “cái tôi” trữ tình, các nhà thơ đã nâng lên thành “cái tôi” thế hệ - một thế hệ trẻ trung, sôi động, nhiệt huyết, đầy trách nhiệm và giàu lòng yêu nước.

Vỏn vẹn 81 ngày đêm - quỹ thời gian không ngắn, nhưng cũng không thể nói là dài so với cuộc trường chinh chống giặc ngoại xâm của dân tộc - một cuộc đấu tranh sôi nổi, đau thương nhưng cũng vô cùng hào hùng đã diễn ra, in dấu ấn rất sâu vào những trang sử vàng của đất nước nửa sau thế kỉ XX. Trong đó, lịch sử và văn học đã ghi nhận sự đóng góp của lớp thanh niên ưu tú, tự nguyện lên đường, không tiếc máu xương vì sự nghiệp bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, làm chậm âm mưu “tái chiếm Thành cổ” của Mĩ - nguỵ. Hình tượng người lính trẻ, đặc biệt là thế hệ thanh niên miền Bắc còn ngồi trên ghế nhà trường, tâm hồn mộng mơ, đa cảm, đã xông xáo theo đoàn quân “Nam tiến”, chiến đấu anh dũng ở vùng đất lửa Quảng Trị, hiện ra dưới ngòi bút vừa đậm chất trí thức tiểu tư sản, vừa giàu trải nghiệm chiến tranh, chất suy tư, trầm tĩnh. Người lính trong cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị được các tác giả, phần đông là những nhà thơ trẻ vừa cầm súng vừa cầm bút, khắc hoạ chân thực từ diện mạo đến đời sống tâm hồn, cả quá trình trưởng thành trong nhận thức và hành động. Nhìn chung, ngôn ngữ xây dựng hình tượng người lính Thành cổ Quảng Trị trong sáng, trẻ trung, gợi hình, gợi cảm, đầy bao dung và thấu hiểu. Điều này xuất phát từ chỗ, nhiều thi sĩ như Hoàng Nhuận Cầm, Nguyễn Văn Thạc... cũng chính là chiến sĩ trong cuộc đấu tranh máu lửa năm 1972 (từ ngày 28/6 đến ngày 16/9). Vì thế, họ đã cất cao tiếng nói của thế hệ mình, viết về hình tượng người lính trong không gian đổ nát của Thành cổ Quảng Trị cũng là viết về chính mình, về những người trẻ sinh ra và trưởng thành trong thời kỳ đất nước có chiến tranh.

Để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng độc giả về hình tượng người lính Thành cổ Quảng Trị, trước hết, là sự mộng mơ, hồn nhiên của những chàng trai trẻ vốn là học sinh, sinh viên ở Thủ đô Hà Nội. Tuổi trẻ, quãng thời gian ngồi trên ghế giảng đường, chất hào hoa, thanh lịch của người Tràng An xưa đã góp phần hình thành tâm hồn, phẩm chất và hồn thơ của những người lính. Đây cũng là một trong những yếu tố giúp người lính “chữa lành” trên những “vết thương kép” mà chiến tranh gây ra. Vào chiến trường Quảng Trị, giữa khung cảnh tan hoang, khói lửa, đổ nát, mất mát và hi sinh, Hoàng Nhuận Cầm vẫn mở rộng tâm hồn để đón nhận vẻ đẹp của thiên nhiên, lắng tai nghe những âm thanh của sự sống: Anh bộ đội xắn quần đi trong mưa/ Bầy la theo rừng già, rừng thưa/ Rừng đâu chỉ có giọng chim lạ/ Còn có tiếng nhạc trên cổ la/ Những cây nấm nâu, màu nâu già/ Tự dưng thức dậy bên vòm lá/ Những bông hoa chưa có tên/ Bỗng dưng mở cánh ra nghe ngóng (Anh bộ đội và tiếng nhạc la). Không phải ngẫu nhiên mà tiếng nhạc la lại vang lên giữa chiến trường hoang sơ, khốc liệt. Đó chính là tiếng nhạc của cuộc đời - một tín hiệu bất chợt vang lên bên tai người lính (hay chỉ là âm thanh vọng về từ niềm khát khao sự sống trong tâm hồn chàng trai), được nhà thơ tinh tế đón nhận. Nguyễn Văn Thạc, chàng học sinh giỏi Văn nhất miền Bắc, khi dấn bước trên chiến trường miền Nam gay go và ác liệt, cái chết cận kề, vẫn say sưa ngắm nhìn những cánh hoa mua tím ngát trên đường chiến đấu: Đường tôi hành quân trong đêm/ Hoa đã lẫn vào màu trời tím biếc/ Có nhìn thấy hoa đâu mà tôi vẫn biết/ Hoa mùa hè nhuộm tím cả trời mây (Màu tím hoa mua). Hình ảnh hoa mua trong thơ Nguyễn Văn Thạc gợi nhắc đến sắc tím hoa sim “tím tình trang lệ rớm” trong bài thơ Màu tím hoa sim mà Hữu Loan viết thời kháng chiến chống Pháp. Song, trong khi hoa sim của Hữu Loan gợi nhắc những kí ức buồn, sự chia lìa, mất mát; thì sự cộng hưởng của hoa mua với những hình ảnh khác trong bài thơ của Nguyễn Văn Thạc lại mở ra không gian chiến trường với sự hiện diện của cái đẹp. Hoa mua trở thành chất xúc tác để tâm hồn người lính trẻ nhớ về kỷ niệm tình yêu: Tôi đã đi rất xa em rồi/ Chẳng dễ về thăm em trong phố nhỏ/ E ấp cánh hoa mua vào trong sổ/ Tím lòng mình và tím cả lòng em (Màu tím hoa mua). Hình ảnh người lính trẻ vừa cởi bỏ lớp áo trắng học trò, khoác áo lính hoà nhịp cùng cuộc chiến đấu chống Mĩ trong bài thơ Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu (Hoàng Nhuận Cầm) vừa trong trẻo, hồn nhiên, vừa gợi nhiều ám ảnh. Nỗi ám ảnh không đến từ sự phân li, tiễn biệt hay cảnh hy sinh, mất mát trên chiến trường; mà đến từ sự ngây ngô, vô tư đến tội nghiệp của những chàng trai trẻ. Bước vào chiến trường, tang thương chết chóc cận kề, song những chàng trai chưa thấm thía được nỗi đau chiến tranh đối mặt với bom đạn bằng sự bỡ ngỡ, bình thản, mang cả chú ve kim trong ba lô: Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu/ Dẫu hòn bi lăn hết vòng tuổi nhỏ/ Trong ba lô kia ai dám bảo là không có/ Một hai ba giọng hát chú ve kim (Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu). Cây xấu hổ trở thành điểm nhớ thân thương của người lính khi hành quân ở Quảng Trị những ngày máu lửa trong thơ Anh Ngọc: Chiến sĩ qua đây ai cũng bước rất êm/ Khi bất chợt thoảng một bàn chân lạ/ Cây vội vã nhắm nghìn con mắt lá/ Nhựa dồn lên cành khẽ ngã như chào/ Người lính qua rồi bóng dáng cứ theo sau/ Anh lính trẻ bỗng quay đầu tủm tỉm/ Cây đã hé những mắt tròn chúm chím/ Đang thập thò nghịch ngợm nhìn theo (Cây xấu hổ). Với người lính, cây xấu hổ “như một niềm ấp ủ”, niềm vui bé nhỏ an ủi, xoa dịu người trai trẻ những ngày tháng xa gia đình và quê hương, đối mặt với bao hiểm nguy, gian khổ. Ở những bài thơ trên, vẫn là những thi ảnh quen thuộc thoát thai từ thế giới tự nhiên như “hoa mua”, “cây xấu hổ”, “bông hoa”, “tiếng nhạc la”, “chú ve kim”… nhưng được quan sát qua lăng kính tâm hồn của một người lính trẻ vừa lãng mạn, đa tình, nhạy cảm, vừa rất quyết liệt trong cuộc chiến đấu vì sự sống còn của một dân tộc. Đó là những trang viết nồng nàn hơi thở của tuổi trẻ, của chiến trường; phản ánh vẻ đẹp tâm hồn của người lính trẻ đang bước đi theo tiếng gọi của non sông, kế tục sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và truyền thống yêu nước của cha anh thời kỳ trước.

Từ Thủ đô vào miền Nam, trong tư thế của người lính Cụ Hồ cầm súng đấu tranh chống lại Mĩ - ngụy đang ráo riết khủng bố cách mạng, khác với thế hệ những người lính “già cỗi” trải nghiệm chiến tranh, thế hệ những người lính trẻ toát lên sự sôi nổi, lòng nhiệt thành, ý thức trách nhiệm với dân tộc và một tình yêu Tổ quốc vô bờ. Lí tưởng cao đẹp của thế hệ thanh niên Việt Nam thời chống Mỹ là sự kế thừa truyền thống yêu nước quý báu của dân tộc, sự kết tinh bao tinh hoa khí phách của con người Việt Nam, đồng thời cũng là kết quả của sự học tập, tiếp thu những tư tưởng tiến bộ của người trẻ Xô-viết một thời đi vào nước ta bằng con đường văn chương nghệ thuật (những tác phẩm văn học Nga như tiểu thuyết Thép đã tôi thế đấy của Nikolai Ostrovsky; tiểu thuyết Đất vỡ hoang, Sông Đông êm đềm, truyện vừa Số phận con người của Mikhail Sholokhov; tiểu thuyết Chiến tranh và hoà bình của Lev Tolstoy…). Theo Nguyễn Văn Long: “Thơ của các nhà thơ trẻ là tiếng nói tự ý thức, tự biểu hiện của thế hệ trẻ tự nguyện nhập cuộc và được trải nghiệm qua thử thách của chiến tranh” (Nguyễn Văn Long, 2024, tr.187). Sự sôi nổi, hành động tự nguyện dấn dân, khát vọng được trở thành người lính, gắn kết cá nhân với cộng đồng, dân tộc của những người lính trong cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị được thể hiện hùng hồn và xúc động trong thơ. Thơ Hoàng Nhuận Cầm là tiếng thơ của người thanh niên trẻ tuổi hăng hái vào chiến trường Quảng Trị, sống và chiến đấu những ngày tháng đẹp nhất đời người, bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ và bầu máu nóng chảy rào rạt trong tim. Cuối bài thơ Phương ấy, chỉ với hai dòng thơ gãy gọn nhưng để lại nhiều dư ba, chủ thể trữ tình đã nói lên khí khái của tuổi trẻ Hà Nội tự nguyện gánh trên vai trách nhiệm với non sông: Phương ấy ơi! Suốt đời như dấu hỏi/ Trên hai vai tuổi trẻ - trước chân trời. Hình tượng người thanh niên trẻ tuổi tự nguyện “xếp bút nghiên lên đường tranh đấu” cũng được Hoàng Nhuận Cầm tái hiện trong bài thơ Dưới màu hoa rất đỏ: Đừng bao giờ chán nản em ơi/ Hãy gìn giữ những vui buồn đã có/ Mùa xuân ấy dưới màu hoa rất đỏ/ Anh xếp ba lô, lặng lẽ đốt thơ mình… Điểm gặp gỡ giữa Hoàng Nhuận Cầm và Nguyễn Văn Thạc là tiếng thơ của sinh viên miền Bắc những năm 1971, 1972 tiến bộ, mơ mộng nhưng cũng đầy nhiệt huyết. Trong những bài thơ ít ỏi còn để lại cho đời, Nguyễn Văn Thạc đã nêu rõ lí tưởng của tuổi trẻ thời đại đánh Mỹ, khi thì: Đi đánh giặc - ta đi giữ nước/ Và giữ cho ta, thương nhớ - một ngôi trường… (Nhớ trường), khi lại là: Những ban đêm thành cột mốc tháng năm/ Đêm xanh vợi cũng trở thành đêm trắng/ Đêm thao thức đón chờ ánh sáng/ Đêm của chúng ta ấp ủ những mặt trời (Đêm trắng). Lẽ hiển nhiên, trong chiến tranh, không thể thiếu vắng bóng dáng của những người phụ nữ. Mặc dù Svetlana Alexievich đặt tên cho tác phẩm của mình là Chiến tranh không có khuôn mặt phụ nữ, song đó là tựa đề đầy ẩn ý, thực chất, người phụ nữ có những đóng góp không nhỏ cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và chính họ cũng bị chiến tranh đóng dấu lên cuộc đời, thân phận những vết thương. Bài hát ru giữa trận B.52 của Bằng Việt là tuyên ngôn cho lý tưởng, lẽ sống của người phụ nữ tham gia vào cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ (1972): Trận bom vụt xé ngang trời/ Cỏ gianh rực cháy, cây đồi tan hoang/ Bình tâm, em! Trước tro tàn/ Trái tim vẫn đập đàng hoàng - là em!… Tinh thần gác lại những điều riêng tư, vụn vặt của cuộc đời để thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng hơn cả của người lính đã được các tác giả thể hiện bằng chất giọng nhẹ nhàng, tâm tình nhưng giàu chất suy tưởng, triết lý mà không cần phải lên gân, lên giọng. Có thể thấy, đó không chỉ là lý tưởng của riêng Nguyễn Văn Thạc, Hoàng Nhuận Cầm, Bằng Việt, Anh Ngọc, Tế Hanh, Thuỵ Kha… mà còn là lý tưởng chung của tuổi trẻ một thời sẵn sàng hy sinh vì đất nước.

2. Hình tượng người lính Thành cổ Quảng Trị nhìn từ những chấn thương sâu sắc

Lí thuyết chấn thương ra đời vào những năm 90 của thế kỷ XX, gắn liền với tên tuổi của một số học giả nổi tiếng như Cathy Caruth, Sigmund Freud… Nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự hình thành của lý thuyết này là những cuộc bạo động, xung đột sắc tộc, chiến tranh, bạo lực tình dục… đã để lại trong ký ức nhân loại những vết thương khó chữa lành. Trong bài diễn thuyết của Karen L. Thornber về lý thuyết chấn thương, học giả này đề cập đến cách kiến giải của Cathy Caruth về bản chất của chấn thương như sau: “Câu chuyện về chấn thương là tự sự của một trải nghiệm muộn màng hơn, nó không kể về một sự thoát ly, trốn chạy khỏi một thực tế (chẳng hạn trốn chạy khỏi cái chết), mà nó thể hiện tác động không ngừng đối với cuộc sống của người sống sót lại” (Stephen Owen, David Damrosch và Karen Thornber, 2016, tr.126). Có thể thấy, nỗi đau của chấn thương không chỉ đến từ độ nông - sâu của vết thương hiện hữu trên thân thể con người, mà còn để lại những “di chứng” không nhỏ, kể cả khi cuộc khủng hoảng đã lùi xa vào quá khứ.

Chiến tranh và kí ức chiến tranh đã hằn lên thân thể và tinh thần người lính (và cả những người không trực tiếp cầm súng chiến đấu, nhưng đã từng đi qua một thời đạn bom) những chấn thương “kép”. Với dân tộc Việt Nam - một dân tộc mà lịch sử được “viết bằng máu cả ngàn chương sử đỏ” (Nguyễn Việt Chiến) - chiến tranh như một “người quen mặt không muốn gặp”. Bởi lẽ, đất nước ta đã từng trải qua rất nhiều cuộc chiến tranh, mà bất kỳ cuộc chiến tranh nào, tính chất của nó cũng thật tàn khốc, bạo liệt, tận diệt ghê gớm cuộc sống con người. Trong kho tàng ký ức dân tộc nói riêng, ký ức nhân loại nói chung, gương mặt chiến tranh hiện diện một cách đầy đủ nhất, rõ rệt nhất và chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng thể ký ức chung.

Trận chiến cam go, khốc liệt và đầy hiển hách đó đã để lại những tổn thương nặng nề, sâu sắc cho những người lính trực tiếp cầm súng chiến đấu. Xót xa hơn, với những người lính tuổi đời còn rất trẻ, kinh nghiệm sống và kinh nghiệm chiến đấu không nhiều, chiến tranh chẳng những hằn lên thân thể họ những vết thương mà còn làm nứt toác, vỡ vụn tâm hồn, gây ra những cú sốc tinh thần, khủng hoảng tâm lý. Là văn chương hư cấu, song Mưa đỏ của Chu Lai, Quảng Trị 1972 của Nguyễn Quang Vinh hay thơ của Hoàng Nhuận Cầm, Nguyễn Văn Thạc, Nguyễn Văn Thương, Nguyễn Thuỵ Kha, Nguyễn Hữu Quý, Lê Bá Dương, Phạm Đình Lân… đều ghi lại một cách chân thực, sống động và chính xác nhất hiện thực đẫm máu ở Quảng Trị vào mùa hè năm 1972 và hình tượng người lính với những chấn thương. “Thành cổ lúc này như một cơ thể đang bị lóc dần từng mảng thịt, từng lóng xương và con người trong đó cũng bị bóc từng mảng tinh thần để trơ ra cái lõi thật giả không giấu được…” (Chu Lai, 2019, tr.305) - câu văn trong lá thư nhân vật Cường, một người lính trẻ chiến đấu ở Thành cổ Quảng Trị, gửi về Hà Nội cho mẹ không hề là sản phẩm của trí tưởng tượng, cũng như tựa đề “Mưa đỏ” khơi gợi những ký ức đau thương, đầy ám ảnh về những ngày mảnh đất Thành cổ và dòng sông Thạch Hãn nhuốm máu. Riêng thơ ca viết về hiện thực chiến tranh và hình tượng người lính trong cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị (1972), bằng trải nghiệm đau xót của chính mình (mà Cathy Caruth gọi là “kinh nghiệm chấn thương” - traumatic experience), các tác giả đã diễn tả hành trình “di dời” của chấn thương của người lính. Ban đầu, đó là những chấn thương thân thể. Cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ chỉ diễn ra trong 81 ngày đêm, nhưng mức độ thương vong vô cùng nghiêm trọng. Với 328 ngàn tấn bom Mỹ dội xuống Thành cổ và cả thị xã Quảng Trị, sức công phá tương đương với 7 quả bom nguyên tử Mỹ thả xuống thành phố Hiroshima (Nhật Bản) vào năm 1945, không cần lối ẩn dụ nào, đúng nghĩa tường minh, hình ảnh người lính đi trong mưa bom bão đạn. Người lính bị thương, bị mất đi một phần thân thể, thậm chí là hy sinh - đỉnh điểm của chấn thương, hiện lên với nỗi đau đớn tột cùng. Trong thơ Nguyễn Đức Mậu, chủ thể trữ tình nhớ rất rõ từng khuôn mặt, từng dáng hình, từ vết xước đến chấn thương của những người lính trẻ: Đêm Thành cổ loạt bom vừa dứt/ Giàn pháo từ Cửa Việt dội về/ Bức tường đá nhoáng nhoàng vệt chớp/ Không gian cuộn lên những mảng khói đen sì/ Đêm nhập vào màu áo/ Áo nhập vào đêm khuya/ Thằng Hiến bị chấn thương sọ não/ Bàn tay cầm thủ pháo/ Vòng băng gối lên công sự mới đào (Quảng Trị năm 1972). Thơ của người lính - nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm là tiếng thơ của một “nhân chứng sống” trong sự kiện máu lửa năm 1972 tại Quảng Trị. Bằng lối tự thuật chấn thương, Hoàng Nhuận Cầm làm hiện hữu những vết thương rỉ máu, nỗi đớn đau tột cùng của đồng đội và chính mình: Vết thương đỏ, viên đạn thì sáng chói/ Chiếc lá xanh kỳ lạ trút trong đời (Phương ấy), Bỗng sững lại - nhận ra điều tất yếu/ Loạt đạn găm - ngay giữa ngực mình (Khoảng râm mát trên chiến trường). Từ thân thể, những chấn thương đã “di căn”, gặm nhấm thế giới tinh thần. Kí ức chiến tranh ám ảnh sâu đậm trong tâm lí người lính, đẩy người lính vào tình trạng lo sợ, hoảng loạn, không chỉ trong thời kì hậu chiến mà ngay trong chiến tranh tình trạng ấy cũng xảy ra. Hình ảnh Phong lùn bị tâm thần cười nói huyên thuyên/ Tiểu đội trưởng nhét giẻ vào miệng nó (Quảng Trị năm 1972) trong thơ Nguyễn Đức Mậu là minh chứng hùng hồn cho kiểu chấn thương tâm lí. Đó không chỉ là nỗi đau của một cá nhân, mà còn là bi kịch của chiến tranh, sự tàn khốc của những trận chiến mà chỉ những người đã từng trải qua mới có thể thấu hiểu rốt ráo.

Viết về hình tượng người lính trong cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972, các tác giả không ngần ngại khi nhắc đến sự hy sinh - đỉnh điểm nỗi đau của chiến tranh, mà nhìn rất thẳng để bóc trần bản chất của cuộc chiến và đồng cảm với thân phận người lính trong hoàn cảnh đầy thử thách. Gánh vác sứ mệnh của một người lính Cụ Hồ khi tuổi đời còn rất trẻ, bước vào chiến trường khốc liệt khi vừa cởi bỏ lớp áo sinh viên cách đó không lâu, những người lính “Nam tiến” đã dũng cảm xông pha nơi tuyến đầu máu lửa, tự nguyện dâng hiến cả tuổi thanh xuân, chấp nhận hy sinh vì độc lập, tự do cho Tổ quốc. Sự hi sinh của người lính trong cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị được các tác giả tái hiện với những dáng dấp khác nhau. Đó là cảnh những người còn sống xót xa tiễn biệt đồng đội của mình trong giờ phút hy sinh trong thơ Hoàng Trần Cương: Con run run vuốt xuôi đôi mắt/ Đồng đội con chưa kịp nhắm/ Bỗng chạm phải/ Một vệt sáng long lanh nóng hổi/ Nước mắt của chính mình bỏng rát trên đôi môi/ Cái khoảng trống giữa hai trận đánh/ Thường được lấp đầy như thế mẹ ơi (Quặng lửa); là hình hài đã bị cháy xém của người lính mà đồng đội tìm được trong đoạn chiến hào trong thơ Nguyễn Đức Mậu không thể không gợi lên cảm giác đau lòng: Mùi tóc cháy mùi thịt da khét lẹt/ Ngọn gió qua đồi hoá ngọn gió mồ côi/ Khuôn mặt bạn cháy đen, chỉ đôi mắt nhìn tôi không chịu khép/ Như hai hốc đất sâu, hai vết thủng vòm trời (Chân dung); là cái màu đỏ của máu đầy ám ảnh sau một lần Mỹ dội bom xuống Thành cổ và dòng sông Thạch Hãn trong thơ Nguyễn Thụy Kha: Những giọt máu trắng trong đỏ tươi/ Nhuộm đỏ Hiền Lương, sông Hiếu, Thạch Hãn/ Nhuộm đỏ cả trời xanh/ Nhuộm đỏ sang cả Paris bàn đàm phán bốn bên/ Nhuộm đỏ cả những đoàn biểu tình đất Mỹ/ Nhuộm đỏ vào ý chí/ Nhuộm đỏ thời gian nhuộm đỏ không gian (Màu Quảng Trị)… Hi sinh, mất mát của người lính không chỉ khắc sâu vào lịch sử dân tộc; mà còn để lại những vết thương khó lành trong tâm hồn đồng đội còn sống. Sau ngày nước nhà thống nhất, những người lính từng xông pha trong cuộc chiến đấu máu lửa ở Quảng Trị năm 1972 mang theo kí ức đau thương, nỗi đau âm ỉ, dai dẳng suốt cuộc đời. Hồi ức về những đồng đội đã ngã xuống, vùi thân dưới từng tấc đất Thành cổ, trên dòng sông Thạch Hãn, đã thôi thúc những người lính cũ cầm bút sáng tác. Đối diện với ký ức chiến tranh và viết - với họ - là “liệu pháp” để chữa lành những thương tổn do chiến tranh gây ra. Những dòng thơ của Nguyễn Thụy Kha: Hòa cả mùa hạ 72 cùng đồng đội trẻ măng/ Những binh nhì hy sinh ngày lính mới/ Mưa vẫn hay mưa… nắm cơm thiu vắt vội/ Diễm xưa… Quảng Trị xưa… Mùa hạ xưa… Còn mất đến bao giờ? (Mùa hạ diễm), của Lê Bá Dương: Đò xuôi Thạch Hãn, xin chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm” (Lời người bên sông), hay thơ của Phạm Đình Lân: Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi/ Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ/ Trời Quảng Trị trong xanh và lộng gió/ Ru mãi bài ca bất tử đến vô cùng (Tấc đất Thành cổ)… là niềm hoài niệm quá vãng, tự thuật và chữa lành những vết thương lòng; đồng thời cũng là những “nén tâm nhang” tri ân những người nằm xuống.

3. Kết luận

Hình tượng người lính Thành cổ Quảng Trị trong thơ ca thời chống Mĩ hiện lên vừa bi tráng, hào hùng, vừa đầy mất mát và đau thương. Họ là những chàng trai trẻ mang trong mình lý tưởng cao đẹp, sẵn sàng hy sinh tuổi xuân và cả sinh mạng vì nền độc lập, tự do của dân tộc. Những vần thơ viết về họ không chỉ tạc nên bức tượng đài bất tử của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, mà còn khắc ghi những vết thương chiến tranh, không chỉ trên thân thể mà còn trong tâm hồn của những người ở lại. Dù chiến tranh đã lùi xa, nhưng kí ức về những người lính Thành cổ vẫn mãi sống trong lòng dân tộc, như một bản hùng ca bất diệt. Thơ ca đã góp phần lưu giữ và tôn vinh vẻ đẹp của họ, đồng thời nhắc nhở thế hệ hôm nay về giá trị của hòa bình, về những mất mát không thể đo đếm mà chiến tranh để lại. Hình tượng ấy sẽ mãi là biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước, của tinh thần bất khuất, trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho thi ca và lịch sử.

PKD

---------

1. Chu Lai (2019), Mưa đỏ, NXB Văn học, Hà Nội.

2. Đỗ Anh Vũ (2022), “Có một Quảng Trị trong thơ và nhạc”, Báo Công An Nhân dân, số ngày 04/8/2022, https://cand.com.vn/ly-luan/co-mot-quang-tri-trong-tho-va-nhac-i662819/

3. Nguyễn Văn Long (Chủ biên) (2020), Văn học Việt Nam từ sau Cách mạng tháng Tám 1945, NXB Đại học Sư phạm, Hà Nội.

4. Nguyễn Văn Long (2024), Văn học Việt Nam hiện đại - Tiến trình - Thể loại - Tác giả - Tác phẩm, NXB Đại học Sư phạm, Hà Nội.

5. Stephen Owen, David Damrosch và Karen Thornber (2016), Lý thuyết và ứng dụng lý thuyết trong nghiên cứu văn học, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội.