Thứ Sáu, 06/09/2019 08:56

Hình tượng nghệ thuật gần gũi, sống động

50 năm kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa, trái tim mỗi người Việt Nam luôn nhớ về Người với những tình cảm, sự tôn kính và lòng biết ơn vô hạn.

50 năm kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa, trái tim mỗi người Việt Nam luôn nhớ về Người với những tình cảm, sự tôn kính và lòng biết ơn vô hạn. Cuộc đời bình dị, sự nghiệp cách mạng vĩ đại, tấm gương đạo đức trong sáng của Người luôn là nguồn cảm hứng sáng tạo, là đề tài hấp dẫn, có sức lôi cuốn kỳ lạ đối với nghệ sĩ tạo hình Việt Nam.

Nhớ về Bác với niềm tôn kính

50 tác phẩm nghệ thuật đa dạng về thể loại như hội họa, đồ họa, điêu khắc, áp phích; trên nhiều chất liệu như sơn dầu, sơn mài, khắc gỗ, bột màu, màu nước... của 39 họa sĩ, nhà điêu khắc sáng tác trước và sau khi bản Di chúc thiêng liêng của Bác ra đời, vừa được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam nhân kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019) và chào mừng 74 năm Quốc khánh (2.9.1945 - 2.9.2019). Các tác phẩm thể hiện tấm lòng của nghệ sĩ tạo hình thuộc nhiều thế hệ, từ Trường Mỹ thuật Đông Dương như Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Lương Xuân Nhị, Nguyễn Văn Tỵ; đến mỹ thuật kháng chiến như Lê Lam; và các thế hệ sau như Nguyễn Thế Vinh, Hoàng Đạo Khánh, Trần Hữu Chất... nhớ về Bác với niềm tôn kính nhất.

Chân dung Bác Hồ với vầng trán cao, ánh mắt sáng, chòm râu bạc, nụ cười hiền được các họa sĩ thể hiện chân thực, dung dị qua các tác phẩm: “Chân dung Bác” của Trần Văn Cẩn, “Bác Hồ” của Lê Lam, “Hồ Chủ tịch” của Nguyễn Thế Vinh, “Chân dung Bác Hồ” của Song Hỷ... Vị lãnh tụ vĩ đại với tác phong làm việc khoa học, vừa làm vừa học hỏi, luôn sâu sát với thực tiễn toát lên rõ nét trong “Bác Hồ làm việc ở Việt Bắc” của Nguyễn Văn Tỵ, “Đêm nay Bác không ngủ” của Nguyễn Nghĩa Duyện, “Bác đi công tác” của Trần Đình Thọ...

Một góc triển lãm “Nhớ về Bác” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Ảnh: Ng. Phương

Được nhiều họa sĩ thể hiện là tình cảm và sự quan tâm của Bác tới mọi tầng lớp nhân dân, như tác phẩm “Bác Hồ đến thăm gia đình nông dân” của Nguyễn Văn Thiện và Mai Văn Nam, “Bác Hồ với nữ chiến sĩ thi đua miền Bắc” của Vương Trình, “Bác Hồ thăm lớp vỡ lòng” của Đỗ Hữu Huề... Đáp lại, đồng bào cả nước luôn hướng về Bác với tình cảm chân thành và nỗi nhớ mong da diết: “Giải phóng quân thăm nhà Bác” của Văn Giáo, “Đền thờ Bác Hồ trong rừng đước mũi Cà Mau” của Nguyễn Văn Bình…

Phần lớn tác phẩm vẽ vào thời kỳ hòa bình mới lập lại ở miền Bắc, khi kháng chiến chống Mỹ cứu nước vẫn tiếp diễn ở miền Nam, và một số ít vẽ vào thời kỳ đất nước thống nhất, đã được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sưu tầm qua nhiều năm. Giám đốc Bảo tàng Nguyễn Anh Minh cho rằng: “Nhiều tác phẩm về Bác với các chủ đề khác nhau đã được các họa sĩ thể hiện thành công, phản ánh chân thực tấm gương đạo đức giản dị, cũng như tình cảm và sự quan tâm của Bác đến mọi tầng lớp nhân dân, từ các chiến sĩ ngoài mặt trận đến bà con nông dân, các cháu thiếu niên nhi đồng... qua hình tượng nghệ thuật gần gũi, chân thực, sống động”.

Đề tài hấp dẫn nhưng vô cùng khó

Có thể thấy, khắc họa chân dung Bác Hồ đã trở thành đề tài của rất nghệ sĩ tạo hình Việt Nam. Theo Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Trần Khánh Chương: “Đã có nhiều thế hệ nghệ sĩ sáng tác về Bác Hồ, từ thế hệ đầu tiên, thầy của chúng tôi, đến thế hệ chúng tôi và các thế hệ sau này. Qua các tác phẩm, có thể thấy tình cảm chân thành của nghệ sĩ với Bác Hồ. Nghệ sĩ vẽ Bác không chỉ bằng màu, bằng hình, bằng bố cục, mà còn vẽ Bác bằng tất cả tình yêu, lòng yêu mến, tôn kính thực sự”.

Với tình yêu, sự ngưỡng mộ ấy, nhiều tác giả chọn vẽ về Bác là đề tài lớn nhất trong suốt hành trình hội họa của mình. Đến nay, vẫn có những tác giả vẽ nhiều, tới hàng trăm bức về Bác, như các họa sĩ Phạm Lung, Trần Mai... Số tác giả vẽ hàng chục tác phẩm về Người có lẽ không ít. Họa sĩ Trần Khánh Chương cho biết: “Gần như thế hệ chúng tôi ai cũng sáng tác tranh, tượng về Bác Hồ, bằng các chất liệu khác nhau. Một số hình tượng Bác Hồ qua tranh cổ động, các thế hệ sau vẫn còn dùng đến, ví dụ, họ cách điệu chân dung của Bác thành hình tượng mang tính đồ họa...”.

Tuy nhiên, ngay cả với họa sĩ thế hệ trước, có cơ hội được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, để làm toát lên được thần thái của Người cũng không dễ dàng. Với các thế hệ họa sĩ sau này, sáng tác về Bác còn khó khăn hơn khi chỉ được thấy Bác qua phim, ảnh, các câu chuyện, tác phẩm của Người. Nếu không khéo, sẽ dễ lặp lại của người đi trước, thậm chí lặp lại chính mình. Nghệ sĩ Nguyễn Trọng Cát, tác giả của tranh khắc gỗ “Bác Hồ với thầy thuốc” (1980), chia sẻ: Chủ tịch Hồ Chí Minh là đề tài hấp dẫn với nhiều nghệ sĩ Việt Nam, nhưng làm sao thể hiện được hết sự vĩ đại về tư tưởng, tấm gương đạo đức trong sáng, phong cách sống giản dị của Người là điều vô cùng khó...

Những năm vừa qua, Hội Mỹ thuật Việt Nam vẫn quan tâm đến mảng sáng tác về đề tài học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, trong đó hình tượng Bác Hồ vẫn được các họa sĩ khai thác. Tham gia hội đồng chấm tranh cổ động, họa sĩ Trần Khánh Chương ngạc nhiên vì số lượng lớn tác giả tiếp tục có tranh về hình tượng Bác. Điều đó cho thấy, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc vẫn sống mãi trong nhân dân ta và trong tác phẩm của các thế hệ họa sĩ.

Nguồn: Đại biểu nhân dân (Ngọc Phương)