Thứ Ba, 20/08/2019 14:51

“Going Home” của Raja Shehadeh: những suy tư, nỗi buồn từ Ramallah

Nhà văn nổi tiếng của Palestine phản ánh những hi vọng và sự vỡ mộng ở thành phố quê hương ông 50 năm sau cuộc xâm lược của Israel.

Nhà văn nổi tiếng của Palestine phản ánh những hi vọng và sự vỡ mộng ở thành phố quê hương ông 50 năm sau cuộc xâm lược của Israel.

Nhà văn Raja Shehadeh.

Ramallah là một thành phố của Palestine nằm ở trung tâm Bờ Tây, cách 10km (6 dặm) về phía Bắc Jerusalem, tiếp giáp với al-Bireh. Nơi đây hiện là thủ đô hành chính tạm thời của chính quyền quốc gia Palestine. Với dân số gần 30.000 người, Ramallah trong lịch sử là một thành phố Kitô giáo, với mùa đông lạnh lẽo, những khu vườn được chăm sóc kì công và cả những chứng nhân lịch sử của Hiệp ước Hòa bình Oslo. Ngày nay, vùng đất này tín đồ Hồi giáo chiếm phần đa dân số. Đáng nhớ nhất, Ramallah là thành phố quê hương của nhà thơ vĩ đại Palestine - Mahmoud Darwish, và bây giờ là nhà văn nổi tiếng Raja Shehadeh.

Raja Shehadeh từng giành giải thưởng Orwell cho cuốn sách Palestinian Walks (2007, Đường đi bộ của người Palestine) và xuất bản một cuốn hồi kí về tình bạn xuyên biên giới cũng trong năm 2007 có tựa Where the Line Is Drawn (Nơi đường biên giới được vẽ). Những cuốn sách này được viết dựa trên các hồi ký trước đó: Strangers in the House (2002, Người lạ trong nhà) và When the Bulbul Stopped Singing (2003, Khi Bulbul ngừng hát).

Những tác phẩm của Shehadeh được xây dựng trên nhiều yếu tố, trong đó chứa đựng tất cả hi vọng của người dân Palestine về Hiệp ước Hòa bình Oslo, cũng như niềm tin của họ rằng biện pháp kháng cự bằng bạo lực có thể mang tới thành công khi đàm phán chính trị thất bại, nhưng cuối cùng, mọi giấc mơ của người dân Palestine đều tan vỡ.

Nếu như Palestinian Walks là câu chuyện về cuộc hành trình 27 năm ở Bờ Tây thì Going Home (Về nhà) lại là chuyến đi chỉ diễn ra trong một ngày duy nhất 5/6/2017, sau đúng 50 năm ngày Israel tấn công Palestine.

Shahadeh đi bộ đến cuộc họp tại văn phòng của mình, nơi ông là luật sư và cũng là người sáng lập Al-Haq - một tổ chức nhân quyền. Ông đi bộ trong thành phố - nơi ông đã sống phần lớn cuộc đời mình. Thông thường, Shahadeh chỉ mất 45 phút cho chuyến đi này nhưng ngày hôm đó, ông mất tới 4 giờ để ngẫm lại lịch sử của thành phố. Going Home như một chuyến du ngoạn khám phá, như lời than thở về thành phố và người dân với những thăng trầm biến động trong lịch sử, với những số phận đã phải chạy trốn sang Mĩ hoặc Âu châu.

Các độc giả của Shahadeh hẳn sẽ không xa lạ với Going Home. Họ tìm thấy những nét phảng phất quen thuộc từ bầu không khí đặc trưng của thành phố Ramallah, con người và những khu vườn... Trong tác phẩm, hồi ức của nhà văn được sống lại: gia đình ông chuyển đến thành phố này từ khi ông là một đứa trẻ ra sao, bị đẩy ra khỏi Palestine thế nào; cái chết của cha ông bởi một kẻ côn đồ mang tư cách là người cộng sự không bị cảnh sát Israel truy đuổi ra sao, hay cuộc bao vây của Ramallah và Shehadeh với Al-Haq để bảo đảm công lý cho các tù nhân Palestine…

Going Home như một sự tóm tắt đầy đau thương các sự kiện trong quá khứ. Shahadeh đi qua các vùng đất cũ và gửi gắm hi vọng vào sự thay đổi hoặc ít nhất là hiểu biết thêm về lịch sử. Ông nhận ra rằng, lịch sử của Palestine là một biên niên sử của những thất bại lặp đi lặp lại. Cuộc xung đột giữa người dân Palestine và người Israel tại khu dự án định cư  cho thấy cả hai bên đều thất bại trong việc tìm cách sống chung, và đó là thảm kịch lớn nhất.

Going Home có giọng văn gần gũi, dễ đọc, không quá phức tạp, những hình ảnh mạnh mẽ, những đặc trưng riêng biệt, độc đáo của Shehadeh với các dụng ý được đan cài khéo léo đã tạo nên sức cuốn hút cho tác phẩm. Tin rằng, dưới ngòi bút sắc sảo của nhà văn xuất phát từ nghề luật sư này, độc giả sẽ có ấn tượng sâu sắc khi đọc cuốn tiểu thuyết viết về những chặng đường lịch sử gian khổ của người dân Palestine.

HIÊN NGỌC dịch tổng hợp