Thứ Sáu, 27/12/2019 21:26

Giáo dục giá trị truyền thống thông qua tác phẩm mĩ thuật

Ngày 27/12/2019, tại Hà Nội, Trường ĐHSP Hà Nội đã tổ chức Hội thảo toàn quốc “Giáo dục giá trị truyền thống Việt Nam thông qua tác phẩm mĩ thuật - lí thuyết và thực tiễn”.

Ngày 27/12/2019, tại 136 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã tổ chức Hội thảo toàn quốc “Giáo dục giá trị truyền thống Việt Nam thông qua tác phẩm mĩ thuật - lí thuyết và thực tiễn”.

Giá trị truyền thống là những điều tốt đẹp kết tinh trong trường kì lịch sử của dân tộc, ảnh hưởng tích cực đến mỗi cá nhân và cộng đồng xã hội, làm nên bản sắc của dân tộc Việt Nam. Trong bối cảnh giao lưu hội nhập quốc tế diễn ra mạnh mẽ, vấn đề bản sắc dân tộc vừa trở nên quan thiết vừa bị thách thức hơn bao giờ hết. Chính vì thế, ngày nay, giáo dục giá trị truyền thống được đặt ra như một vấn đề thời sự.

Giáo dục giá trị truyền thống cần được diễn ra đồng bộ với sự tham gia của các cấp các ngành các đơn vị, trong gia đình, ngoài xã hội và trong nhà trường, bằng nhiều phương thức khác nhau. Trong đó, giáo dục giá trị truyền thống thông qua môn mĩ thuật là một con đường có ưu thế riêng - vừa có thể giáo dục giá trị truyền thống, vừa có thể giáo dục phẩm chất năng lực thẩm mĩ cho người học, đặc biệt là đối tượng trẻ mầm non và học sinh tiểu học. Tuy nhiên, triển khai thực hiện vấn đề này là không hề dễ dàng. Rất nhiều vấn đề cần phải được giải quyết, từ lí thuyết đến thực tiễn.

Hội thảo khoa học toàn quốc với chủ đề “Giáo dục giá trị truyền thống Việt Nam thông qua tác phẩm mĩ thuật - lí luận và thực tiễn” thu hút sự quan tâm của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu ở nhiều cơ sở nghiên cứu và đào tạo trên cả nước. Các tham luận đã tập trung vào vấn đề cơ sở pháp lí, lí luận về giáo dục giá trị truyền thống cho trẻ em; ý nghĩa và mục tiêu giáo dục giá trị truyền thống qua nghệ thuật; các nghiên cứu ở nước ngoài về giáo dục giá trị truyền thống nói chung và giáo dục giáo dục giá trị truyền thống trong dạy học mĩ thuật - những gợi ý cho nghiên cứu và ứng dụng ở Việt Nam; những giá trị truyền thống Việt Nam cần được đưa vào trong chương trình giáo dục phổ thông; sự biến đổi giá trị văn hóa và giá trị chuẩn mực con người Việt Nam hiện đại; vai trò, tiềm năng của giáo dục nghệ thuật nói chung và mĩ thuật nói riêng trong việc giáo dục giá trị truyền thống; mức độ phù hợp của giáo dục giá trị truyền thống cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học nhìn từ góc độ tâm lí học; nhận diện giá trị mĩ thuật truyền thống trong tiến trình lịch sử; mục tiêu giáo dục giá trị truyền thống Việt Nam trong chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 và biểu hiện của nó trong hội họa; giáo dục giá trị truyền thống trong dạy học mĩ thuật ở Việt Nam hiện nay; nghệ thuật hội họa tạo hình với vai trò phát triển các giá trị trong đời sống của trẻ em; thực trạng và giải pháp đổi mới hoạt động đào tạo mĩ thuật ở Việt Nam; vấn đề giáo dục tình cảm thẩm mĩ kết hợp với giáo dục giá trị truyền thống qua hoạt động vẽ tranh và qua tác phẩm mĩ thuật…

GS.TS Trương Quốc Bình - UV Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, nguyên Giám đốc Bảo tàng Mĩ thuật Việt Nam - cho rằng giáo dục giá trị truyền thống thông qua tác phẩm mĩ thuật là rất quan trọng nhưng còn nhiều bất cập, trong đó việc cấp học THPT vắng bóng bộ môn Mĩ thuật là đặc biệt bất cập

Trong thời gian 1 ngày, Hội thảo tập trung thảo luận xung quanh một số vấn đề chính như:

  • Hệ thống giá trị truyền thống Việt Nam cần được giáo dục cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học;
  • Sự phù hợp giữa giáo dục giá trị truyền thống, giáo dục mĩ thuật với trẻ mầm non và học sinh tiểu học;
  • Thực tiễn giáo dục giá trị truyền thống thông qua tác phẩm mĩ thuật cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học ở Việt Nam;
  • Điều kiện và phương thức thực hiện giáo dục giá trị truyền thống qua tác phẩm mĩ thuật cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học ở Việt Nam hiện nay…

HẢI BÌNH