Thứ Hai, 18/11/2019 08:58

Giáo dục di sản: Tự trải nghiệm và tiếp nhận tri thức

Không gian Trải nghiệm cùng di sản tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám trang trí họa tiết phỏng theo họa tiết trên bút lông bằng đá tại khu Thái Học xưa; có pano để các em trưng bày sản phẩm như tranh in họa tiết, chữ Hán Nôm, áo phông vẽ hình Khuê Văn Các…

“Khi chúng ta thành lập khu trải nghiệm và tăng cường nội dung về giáo dục bảo tàng, giáo dục di tích, sẽ một lần nữa khẳng định bảo tàng và di tích có chức năng giáo dục vô cùng quan trọng. Nếu như các bảo tàng và di tích thực hiện tốt chức năng này sẽ giúp thế hệ trẻ hiểu biết lịch sử, tiếp cận được các phương thức giáo dục mới” - nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Văn Huy khẳng định khi tham quan khu Trải nghiệm cùng di sản tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

“Học lịch sử thật dễ”

Lê Bảo Chi, lớp 5C, Trường Tiểu học Phan Chu Trinh (Hà Nội) thích thú ngắm từng chiếc đĩa sứ vẽ hoa văn biểu tượng bia tiến sĩ của các anh chị lớp trên đang trưng bày tại phòng Trải nghiệm di sản Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Em lật dở những tấm thẻ nhỏ lưu giữ ước nguyện tại đây và cho biết, nếu được viết lên suy nghĩ của mình, em muốn vẽ về kiến trúc cổ, hay làm sản phẩm liên quan đến lớp học xưa. “Khi được cùng các bạn chơi trò chơi, xem và nói chuyện về các đề tài tại phòng trải nghiệm, em thấy mình học hỏi được nhiều hơn. Em cũng thấy học lịch sử thật dễ dàng, chứ không gò bó như trên lớp”, Lê Bảo Chi nói.


Học sinh biểu diễn vở kịch về Trạng nguyên Lương Thế Vinh tại khu Trải nghiệm cùng di sản

Không gian Trải nghiệm cùng di sản tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám trang trí họa tiết phỏng theo họa tiết trên bút lông bằng đá tại khu Thái Học xưa; có pano để các em trưng bày sản phẩm như tranh in họa tiết, chữ Hán Nôm, áo phông vẽ hình Khuê Văn Các… “Tại đây, việc học tập, chia sẻ câu chuyện và ý tưởng đằng sau di sản văn hóa sẽ tốt hơn. Các em sẽ dễ dàng hình thành những hiểu biết riêng về ý nghĩa của di sản văn hóa đó. Đây cũng là xu hướng thực hành trải nghiệm di sản văn hóa hiện đại”, TS. Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa - khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho hay.

Từ năm 2016, Trung tâm Hoạt động văn hóa - khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã thay đổi cách thức tuyên truyền di sản cho đối tượng khách tham quan là học sinh bậc tiểu học trong “Chương trình giáo dục di sản theo phương pháp mới”. Thay vì tiếp nhận khối kiến thức khổng lồ được giới thiệu chung chung, các nhóm học sinh đến đây được nghe giới thiệu về một công trình, hạng mục cụ thể sao cho dễ hiểu, dễ cảm nhận. Sau đó, các em nói lên cảm nhận, sự hiểu biết của mình về di tích qua nhiều hình thức như vẽ tranh, kể chuyện, dựng kịch ngắn…

Khu Trải nghiệm cùng di sản ra mắt cuối tuần qua tiếp nối và tăng cường các hoạt động giáo dục cho thế hệ trẻ, diễn giải những bia đá, biểu tượng thành câu chuyện cụ thể. Học sinh có thể trải nghiệm các vấn đề thông qua hệ thống thông tin, được tự do đọc, tìm hiểu và khám phá. “Điểm hay của không gian này là học sinh tự trải nghiệm, tự làm ra sản phẩm từ suy nghĩ và nhận thức của mình, từ đó phát huy được tính độc lập, chủ động, sáng tạo trong các hoạt động tiếp nhận tri thức”, PGS.TS. Nguyễn Văn Huy nhận định.

Tạo kênh kết nối giá trị

Theo TS. Lê Thị Minh Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa, một trong những chuyên gia tư vấn cho chương trình ngay từ những ngày đầu tiên xây dựng: “UNESCO khuyến nghị di sản văn hóa phải trở thành nơi cung cấp cơ hội học tập suốt đời cho công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ, tập trung vào ba trụ cột chính: Kiến thức, kỹ năng và năng lực. Các chương trình giáo dục di sản văn hóa tạo ra kênh kết nối giá trị, ý nghĩa và nội dung của di sản văn hóa với công chúng, thu hút sự quan tâm của họ”.

Các hoạt động giáo dục di sản theo phương pháp mới tại di tích chú trọng tăng cường hoạt động trải nghiệm, tương tác. Khung chương trình do cán bộ di tích thiết kế theo 3 bước: Trước tham quan là hoạt động do giáo viên tổ chức tại lớp học, giúp học sinh chuẩn bị thông tin (về di tích) trước chuyến thăm quan, trải nghiệm tại di tích; gắn kết di sản với chương trình của học sinh. Trong quá trình tham quan di tích, cán bộ giáo dục hướng dẫn học sinh thực hiện các hoạt động trải nghiệm đã được thiết kế theo chủ đề. Sau tham quan, học sinh sẽ tự sáng tạo những sản phẩm của mình từ kiến thức thu nhận được. Đây là hoạt động đòi hỏi sự sáng tạo của cả học sinh và thầy, cô giáo. Giáo viên định hướng và khéo léo, linh hoạt bố trí, sắp xếp đủ thời gian để giúp học sinh có được những sản phẩm sáng tạo sau một chuyến thăm quan trải nghiệm.

PGS.TS. Nguyễn Văn Huy nhận xét, việc Văn Miếu - Quốc Tử Giám mở cửa khu Trải nghiệm cùng di sản là một hoạt động rất mới đối với di tích. “Có lẽ sau Dinh Độc Lập (TP Hồ Chí Minh), đây là di tích thứ hai có khu vực để học sinh và gia đình đến trải nghiệm. Tôi muốn nhấn mạnh, để hoạt động này hiệu quả thì các trường phải phối hợp với Trung tâm Hoạt động văn hóa - khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức cho các em đi theo nhóm nhỏ, từng lớp, hoặc 2 - 3 lớp, thay vì đi theo đoàn mấy trăm học sinh. Đối tượng nữa mà chúng ta muốn hướng đến là các gia đình, trẻ em đi cùng bố mẹ, ông bà. Đây là sự kết nối, chia sẻ hoạt động của trẻ em với gia đình trong những ngày nghỉ. Nếu làm tốt sẽ mang lại những giá trị giáo dục cao, từ trong gia đình, đến nhà trường và ngoài xã hội”.

Nguồn: Đại biểu nhân dân (Hương Sen)