Thứ Ba, 28/02/2023 19:54

Giải thưởng với tác giả trẻ là một tín hiệu tốt…

Giải thưởng dành cho tác giả trẻ là một tín hiệu tốt, nhưng để trở thành một nhà văn ngày mai như thế nào, chỉ có thể là sự cống hiến, sự quyết định của chính bản thân mình.

Sáng ngày 28/2/2023 tại Hội trường Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP. Hồ Chí Minh, Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt nam tổ chức Lễ trao giải thưởng Tác giả trẻ Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Cùng với đó là Đại hội Chi hội Nhà văn Việt Nam TP. Hồ Chí Minh. Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, giải thưởng cho mỗi tác giả trẻ là một tín hiệu tốt, nhưng để trở thành một nhà văn như thế nào chỉ có thể là sự cống hiến cũng như quyết định hướng đi của chính bản thân mỗi người viết.

Buổi lễ có sự tham dự của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; nhà văn Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội cùng nhiều đại biểu các ban ngành và các nhà văn, nhà thơ là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam thuộc Chi hội Nhà văn Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh.

Phát biểu tại lễ trao giải, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ: Giải thưởng dành cho các tác giả trẻ hôm nay là một sự khởi đầu, con đường sáng tạo luôn luôn ở phía trước, luôn luôn ở ngày mai. Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng, mỗi thế hệ mang một giọng nói khác biệt trong sự sáng tạo, trong nghệ thuật, nhà văn trẻ có thể thay đổi thi pháp, có thể thay đổi đề tài, có thề thay đổi buồn vui nhưng có một thứ không thể thay đổi, đó là lương tri của con người, như câu hỏi đặt ra tại Đại hội những người viết văn trẻ vừa qua “Vì sao chúng ta viết?”. Giải thưởng dành cho tác giả trẻ là một tín hiệu tốt, nhưng để trở thành một nhà văn ngày mai như thế nào, chỉ có thể là sự cống hiến, sự quyết định của chính bản thân mình.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam trả lời phỏng vấn bên lề lễ trao giải. Ảnh: PVĐ

Nhà văn Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhấn mạnh: Nhìn trên tổng thể mặt bằng các tác phẩm tham dự xét giải, năm 2022 vừa qua văn học của người sáng tác có độ tuổi dưới 35, về căn bản vẫn có những nét nhấn, vẫn có những tác phẩm mà sự táo bạo hay tính độc đáo là điểm nổi trội. Điều ấy thể hiện qua một số tác phẩm văn xuôi như: Vạn sắc hư vô tiểu thuyết của Nguyễn Khắc Ngân Vi; Dòng sông mùa giông bão, tập truyện của Hà Hương Sơn, Chín nhánh da vàng của Trần Đức Tín; Đêm ở đó từ ngàn năm trước của Mai Diệp Văn; Tiếng Việt của Quỳnh, và Đi tìm những bóng người của Vĩ Hạ; Bạc màu áo ngự của Lê Vũ Trường Giang…

Ở các tác phẩm nêu trên, cách tiếp cận, cách nhìn nhận thời cuộc cũng như vấn đề xã hội, mang dấu ấn một cảm quan khác, theo cá tính riêng, với toàn bộ sự sắc sảo, mẫn tiệp của người trẻ. Nói sát thực hơn, người sáng tác ở tuổi dưới 35 đã cảm nhận thân nhiệt và kích thước của thế giới xung quanh mình với tinh thần tự tin, mạnh bạo, khuynh loát hơn, nhưng không phải vì thế mà thiếu đi chiều sâu của sự phân tích, nghiền ngẫm. Ngay trong cách lựa chọn đề tài, người viết ở độ tuổi dưới 35 cũng không ngại ngần, lảng tránh, trái lại các bạn trẻ còn mạnh dạn chạm tới những vấn đề nhạy cảm, thậm chí còn can đảm vượt qua cả quan niệm đạo đức phổ thông, để soi rọi những góc thầm kín bên trong con người với tinh thần cảm thông, chia sẻ. Đây là điểm quan trọng sống còn, nó không chỉ cho thấy tính kế thừa tinh thần nhân văn phổ quát, mà còn cho thấy nhãn quang và một hệ thẩm mĩ khác biệt, chống lại đà chi phối của thói quen cũng như nằm ngoài sự hoạch định của các cơ chế quản lí cứng nhắc.

Không dừng lại ở việc quan tâm phản ánh, phân tích hiện thực, những người viết ở độ tuổi dưới 35 còn mạnh dạn đặt hiện thực trong tương quan với lịch sử. Và lịch sử được với tới chẳng phải bằng tinh thần “điểm phấn tô son” lại, mà bằng tinh thần mổ xẻ khách quan để nhìn ra bản chất của vấn đề, từ đó soi rọi vào thực tại. Lịch sử trong quan niệm của các tác giả ở độ tuổi dưới 35 không chỉ dừng lại ở giai đoạn phong kiến hay thuần túy ngưng tụ ở các nhân vật danh tiếng, nó được nới rộng ra để tiệm cận hôm nay mà điểm tiếp xúc chính là sự va đập giữa những cá nhân vô danh với biến cố mang tính thời cuộc.

Nhà văn Nguyễn Bình Phương cũng khẳng định, mặt bằng sáng tác của các tác giả trẻ là vững về kĩ thuật, khoáng đạt, sắc sảo trong cách tiếp cận, mổ xẻ những vấn đề của xã hội đương thời với trách nhiệm công dân cũng như lương tri nghệ sĩ của người sáng tác. “Chạm được những điều đó, có nghĩa là chạm tới bản lĩnh dựa trên nền tảng vững chắc của tri thức cùng độ văn minh của nhận thức. Và điều quan trọng chính là mỗi cá nhân cần đi tới tận cùng sự đam mê và tận cùng trách nhiệm nghệ sĩ của mình”, ông nói.

Vinh dự là một tác giả được trao giải thưởng Tác giả trẻ năm 2022, nhà thơ Trần Đức Tín chia sẻ: Những người trẻ chúng tôi được thừa hưởng tất cả những thành quả của tổ tiên để lại. Từ những câu ca dao, hay những lời ru của bà, của mẹ, cho đến những bước tiến nhảy vọt của thời đại 4.0 hiện nay, văn chương dù được thể hiện bằng ngôn ngữ nào đi chăng nữa, thì mục đích cuối cùng là hướng tới con người. Với anh, thơ đã tạo cho anh niềm tin về con người. Trong những vần thơ của mình, lưu lại đó là tiếng à ơi, của chiếc áo bà ba, của những rặng đước, rặng dừa reo mát tuổi thơ. Là tiếng thở dài của ba sau mỗi mùa giông bão, là đôi mắt của những chiếc thuyền đánh cá trập trùng biển khơi, hay là những câu đồng dao, câu ca cổ ngọt ngào và những nụ cười giòn tan nơi thôn dã. Thơ đã khiến cho chúng ta gần nhau hơn. Thơ là niềm tin vững bước cho con người trong cuộc sống.

Các tác giả nhận giải thưởng Tác giả Trẻ năm 2022. Ảnh: PVĐ

DANH SÁCH GIẢI THƯỞNG TÁC GIẢ TRẺ 2022

Nhà thơ Trần Đức Tín - Tác phẩm Chín nhánh da vàng

Nhà thơ Vĩ Hạ - Tác phẩm Đi tìm những bóng người

Nhà văn Lê Vũ Trường Giang - Tác phẩm Bạc màu áo ngự

Cũng tại buổi lễ, Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa X đã trao quyết định Giải thưởng văn học quốc tế - Giải thưởng văn học sông Mekong lần thứ XIII - năm 2022. Theo đó Giải thưởng văn học này có sáu nước tham gia, đó là Việt Nam, Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar và Trung Quốc. Đây là giải thưởng văn học được trao thường niên cho tác phẩm của các nhà văn thuộc sáu nước nói trên. Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn các nước sẽ gửi tác phẩm đến Ban tổ chức nước đăng cai năm đó. Năm 2022 vừa qua, Trung Quốc là nước tổ chức xét và trao giải. Theo đó, Hội Nhà văn Việt Nam căn cứ vào quá trình xét giải của Ban tổ chức Giải thưởng văn học sông Mekong, trao quyết định cho hai tác giả với hai tác phẩm. Đó là nhà văn Nguyễn Bắc Sơn với tác phẩm Lính tăng; nhà văn GS.TS Trình Quang Phú với tác phẩm Ký sự xứ người. Lễ trao giải chính thức sẽ được tổ chức tại Trung Quốc trong thời gian tới.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam và nhà văn Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam trao Giải thưởng văn học Sông Mekong cho nhà văn Trình Quang Phú. Ảnh: PVĐ

Cũng trong buổi lễ, Hội Nhà văn Việt Nam tiến hành trao giải thưởng Nhà văn nữ ấn tượng. Đây là giải thưởng hàng năm xét trao cho những nhà văn nữ có nhiều cống hiến cho xã hội. Theo đó, năm 2022, Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa X đã trao tặng giải thưởng cho nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa (Ninh Thuận) và nhà văn Nguyễn Bích Lan (Hà Nội). Đây là hai nhà văn rất đặc biệt, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, sức khỏe bị hạn chế rất nhiều nhưng đã rất nỗ lực cố gắng vượt lên số phận để sống và viết, truyền tải qua các tác phẩm những thông điệp tốt đẹp cho những người xung quanh mình. Trong khuôn khổ buổi lễ trao giải tại thành phố Hồ Chí Minh, nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa đã nhận giải thưởng này. Điều đặc biệt là cách đây ít ngày, trong chuyến công tác phía Nam, đồng chí Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa - Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo trung ương đã đến tận nơi ở của nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa để thăm hỏi, động viên, khích lệ. Trong kí ức của Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, hình ảnh về một nhà văn nữ nhỏ bé giành giải Nhất cuộc thi truyện ngắn Văn nghệ Quân đội năm 2014 đã để lại trong ông nhiều cảm xúc. Có thể nói, nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa đã vượt qua nghịch cảnh để không ngừng sáng tạo, cống hiến những điều có ích cho cộng đồng, cho xã hội.

Cũng trong ngày 28/2/2023 đã diễn ra Đại hội Chi hội Nhà văn Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh. Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Chi hội nhiệm kì 2023 - 2027 gồm 7 nhà văn có tên dưới đây: Nhà văn Bích Ngân; nhà văn Bùi Phan Thảo; nhà văn Đỗ Viết Nghiệm; nhà văn Bùi Anh Tấn; nhà văn Phạm Trung Tín; nhà văn Trầm Hương; nhà văn Lại Văn Long.

Nhân dịp này, Chi Hội Nhà văn Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức trao quyết định kết nạp cho 7 hội viên mới ở khu vực TP. Hồ Chí Minh.

PHẠM VĂN ĐẢNG