Thứ Sáu, 03/02/2023 00:05

Giải thưởng Hồ Chí Minh cho những nhà văn chiến sĩ

Hơn 60 năm qua, một đội ngũ hùng hậu nhà văn mặc áo lính, với rất nhiều giải thưởng danh giá, đã làm nên văn hiệu của tạp chí, trong đó có 8 nhà văn được Giải thưởng Hồ Chí Minh... (TÔN PHƯƠNG LAN)

. TÔN PHƯƠNG LAN
 

Tạp chí Văn nghệ Quân đội không chỉ là một địa chỉ thân thuộc để anh em văn nghệ “đi về” mà còn là cái nôi ươm mầm, đào tạo nên những nhà văn lớn của nền văn học cách mạng. Hơn 60 năm qua, một đội ngũ hùng hậu nhà văn mặc áo lính, với rất nhiều giải thưởng danh giá, đã làm nên văn hiệu của tạp chí, trong đó có 8 nhà văn được Giải thưởng Hồ Chí Minh. Những nhà văn ấy hầu hết đã gắn bó tuổi thanh xuân đời viết của mình trong ngôi nhà cổ mái cong có những cây hoa đại đến mùa tỏa hương thơm cả một góc phố và rụng trắng cả một góc sân. Cũng là đời binh nghiệp nhưng vũ khí của các chiến binh này là cây bút mà những trang viết về tình yêu nồng ấm, tự hào đối với quê hương, đất nước, con người Việt Nam trong cuộc chiến đấu bảo vệ và xây dựng Tổ quốc của các ông thực sự đã thành một thứ vũ khí tinh thần có sức mạnh riêng.

1. Người đáng được vinh danh trước tiên là nhà văn Nguyễn Ngọc Tấn - Nguyễn Thi. Ông hoạt động văn chương từ trong kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ, tập kết ra Bắc năm 1954 và năm 1962 được điều động trở lại miền Nam bằng con đường vượt Trường Sơn bấy giờ còn đang bí mật. Trong hành trang Nam tiến có nỗi buồn riêng về gia đình nhưng vào đến chiến trường, ông bắt tay ngay vào công việc tổ chức và là thành viên sáng lập Văn nghệ Quân giải phóng đồng thời năng nổ viết và đi, sống hết mình cho nghề, cho những đòi hỏi của cuộc chiến đấu. Con người làm nên lịch sử nhưng với Nguyễn Thi, lịch sử đã góp phần không nhỏ để tài năng của ông được phát sáng. Tập truyện kí đáng chú ý nhất cũng là một trong số tác phẩm sáng giá của văn học giải phóng đương thời là Người mẹ cầm súng - Giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu - viết về anh hùng Nguyễn Thị Út, lúc bấy giờ đã thành một sự kiện trong đời sống văn học, được dựng thành phim và đưa vào chương trình phổ thông. Sự nghiệp và đời văn của ông được ghi dấu bằng nhiều tập truyện ngắn cùng những ghi chép dự định cho việc ra đời những tác phẩm khác như Ước mơ của đất, Cô gái đất Ba Dừa, Sen trong đồng. Tuy nhiên, với tiểu thuyết Ở xã Trung Nghĩa viết về thời kì đen tối nhất của cách mạng miền Nam, bút pháp đặc tả thông qua dáng vẻ, cách nói chuyện và tâm trạng, ý nghĩ của nhân vật, trong một không gian chủ yếu về đêm ngột ngạt và đầy tiếng chó sủa, tiếng mõ báo động hứa hẹn một cuộc chiến đấu khốc liệt giữa những người nông dân với những kẻ âm mưu cướp ruộng sắp bùng nổ, thì nói như nhà văn Nhị Ca, một lần nữa, tài năng Nguyễn Thi được khẳng định. Rất tiếc là trong đợt 2 Tổng tấn công mùa xuân Mậu Thân, khi đi theo một mũi tiến công của Quân giải phóng vào Sài Gòn, ông đã ngã xuống mang theo bao dự định về công việc, về mong mỏi được gặp con. Ông là nhà văn liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Năm 2000, Nguyễn Thi được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật.

2. Nói đến Văn nghệ Quân đội là nói đến 4 nhà văn tuổi Ngọ (sinh năm 1930) thành danh mà tên tuổi gắn với danh hiệu “anh bộ đội Cụ Hồ”, “nhà văn mặc áo lính”, là những người có đóng góp quan trọng cho văn học sử thi viết trong chiến tranh và cả văn học thời kì hậu chiến. Đó là Nguyễn Minh Châu (Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000), Nguyễn Khải (2000), Hồ Phương (2012) và Xuân Thiều (2017). Mỗi người một phong cách, một cách tiếp cận những vấn đề của đời sống trong ý thức đổi mới bản thân và đổi mới nền văn chương sinh ra và lớn lên trong chiến tranh khi đất nước bước sang thời kì mới với vận hội mới. Nếu như Nguyễn Khải sau tiểu thuyết Xung đột, mạch triết luận sắc sảo dần hình thành và được thể hiện qua một loạt tác phẩm và về sau trở thành một đặc sắc trong đời viết của ông qua Cha và con và..., Điều tra về một cái chết, Thượng đế thì cười, Cách mạng, Hà Nội trong mắt tôi... thì Nguyễn Minh Châu trước đó dù đã khẳng định mình bằng Cửa sông, Những vùng trời khác nhau Dấu chân người lính, sau chiến tranh đã không thôi trăn trở về chức năng của người cầm bút và quyết liệt tự đổi mới chính mình bằng một loạt truyện ngắn trong Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, Bến quêCỏ lau cùng những tiểu luận giàu sức phản tỉnh. Trước khi kết thúc chiến tranh, Nguyễn Khải từng được biết đến với những tác phẩm ghi dấu cuộc đấu tranh ở một vùng nông thôn công giáo, cũng như cuộc sống trên những vùng đất có chiến sự ác liệt mà ông đã có mặt thì sau này, đi vào đời thường, ông luôn khám phá ra trong từng câu chuyện của các nhân vật những bài học cần thiết, sự nhận thức về lẽ đời, lẽ sống đi liền với triết lí sống và nhận thức về cách mạng. Với những sáng tác sau chiến tranh, Nguyễn Minh Châu còn được coi là nhà văn am hiểu sâu sắc về người nông dân và nông thôn. Nhiều nhà phê bình và đồng nghiệp đã đánh giá cao vị trí của Nguyễn Minh Châu và Nguyễn Khải trong nền văn học cách mạng. Cả Nguyễn Khải và Nguyễn Minh Châu là đối tượng hấp dẫn của nhiều công trình khoa học, nhiều bài báo và thời gian đã trở thành thuốc thử đắc hiệu với sáng tác của cả hai.

3. Cuộc sống trong sáng tác của Xuân Thiều lại được hiện lên ở sự bình dị: từ người lính đến người dân, cả trong chiến tranh và thời hậu chiến, với những vui buồn của “cuộc đời thì đa sự mà con người thì đa đoan”. Đổi mới trước tiên ở Xuân Thiều là đổi mới cách nhìn về chiến tranh: tất cả những căn bệnh của xã hội, những thói tật của đời thường được ông nhìn nhận ở chính những con người từng đi qua chiến tranh, cả trong chiến tranh và hậu chiến. Môi trường, các mối quan hệ trở thành thước đo nhân cách, bản lĩnh con người. Ở phương diện này Xuân Thiều đã chứng tỏ sự sâu sắc và tinh tế trong tiếp cận hiện thực, trong cách khai thác tâm lí con người, cả trong cách khai thác mối quan hệ với thiên nhiên. Ông là một cây bút lấy lòng nhân làm điểm tựa và điều đó được thể hiện trong những tác phẩm như Gió từ miền cát, Người mẹ tội lỗi, Xin đừng gõ cửa, Tư Thiên... Nếu như Nguyễn Khải hấp dẫn bạn đọc bằng sự sắc sảo mang tính triết luận, Nguyễn Minh Châu với tính luận đề và tâm lí, tính cách người nông dân thì Xuân Thiều lại hấp dẫn người đọc ở nguồn mạch trữ tình, từ những câu chuyện nhỏ của đời thường mà nghĩ về những điều lớn lao trong cuộc sống...

4. Hồ Phương tham gia cách mạng từ rất sớm, là người sống thọ nhất trong số những nhà văn cùng năm sinh, là nhà văn được phong tướng sớm nhất trong số hiếm hoi vài ba nhà văn Quân đội, cũng là người vừa bước chân vào làng văn đã gây được sự chú ý của dư luận từ truyện ngắn Thư nhà (năm 1948) rồi tiếp theo là Cỏ non và từ bấy, dòng văn của ông vẫn tiếp tục với Những tầm cao, Mặt trời ấm sáng, Biển gọi, Kan Lịch, Bình minh, Cánh đồng phía tây, Yêu tinh, Những cánh rừng lá đỏ... và đặc biệt là tiểu thuyết Cha và con viết về thời trai trẻ của Bác Hồ. Có thể nói ông là nhà văn viết chủ yếu bằng cảm hứng anh hùng, như ông tâm sự, “luôn hướng về cái thiện, về cái đẹp trong cuộc đời và những con người chân chính”; không ít khi các anh hùng ngoài đời đã trở thành nhân vật trong tác phẩm của ông để rồi từ đây, họ bước ra cuộc đời thật bằng sự tái sinh trong tâm thức người đọc. Với nguồn cảm hứng đó, bằng tài năng và lao động nghệ thuật nghiêm túc, những trang văn của Hồ Phương đem lại cho người đọc cảm giác yên tâm về cuộc sống và con người.

5. Trong số 4 nhà văn có cùng năm sinh kể trên, Nguyễn Minh Châu bước chân vào làng văn muộn nhất nhưng lại ra đi sớm nhất (1989), sau đó là Xuân Thiều (2007) rồi Nguyễn Khải (2008). Trước khi được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh các ông đã được nhận nhiều giải thưởng nghề nghiệp cao quý khác và đều mang hàm đại tá. Nguyễn Khải từng là đại biểu Quốc hội, tham gia Ban Chấp hành Hội Nhà văn 3 khóa và khóa III là Phó Tổng thư kí.

6. Thời ở Văn nghệ Quân đội, Hữu Mai là nhà văn mà tác phẩm chủ yếu viết về đề tài chiến tranh như Cao điểm cuối cùng, Vùng trời... Ông là người thể hiện những hồi ức về Đại tướng Võ Nguyên Giáp như Một vài hồi ức về Điện Biên Phủ, Từ nhân dân mà ra, Những năm tháng không thể nào quên, Chiến đấu trong vòng vây, Đường tới Điện Biên Phủ, Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử, Không phải huyền thoại... Ông là nhà văn viết về cuộc đời và sự nghiệp của nhà tình báo Vũ Ngọc Nhạ trong 3 tập Ông cố vấn, là tác giả kịch bản của một số bộ phim truyền hình. Với thể loại phi hư cấu ở nước ta, Hữu Mai đã có những đóng góp đáng được ghi nhận. Các sáng tác của ông đều ra đời theo tâm nguyện “ghi lại một cách trung thực, càng nhiều càng tốt những gì đã biết về một thời kì lịch sử hiếm có, rất đẹp, rất phong phú mà mình đã may mắn vừa là nhân chứng, vừa là người trong cuộc”. Cũng mang hàm đại tá, năm 1983, ông chuyển sang Hội Nhà văn Việt Nam. Ông là một trong số nhà văn sáng lập Hội, là Ủy viên thường trực Ban Thư kí khóa III, khóa IV, là nhà văn duy nhất trong số những nhà văn cùng thế hệ là thành viên Hiệp hội quốc tế nhà văn viết truyện trinh thám. Hữu Mai được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật năm 2017.

7. Với tính cách mạnh mẽ, phóng khoáng, nhiệt thành, Thu Bồn (Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật năm 2017) là nhà văn lứa đầu thế hệ chống Mĩ ham sống, ham viết và ham đi. Cho đến khi mất năm 2003, thọ 69 tuổi, ông đã để lại một khối lượng tác phẩm gồm 12 trường ca, 4 tập thơ, 10 tiểu thuyết và 1 tập truyện ngắn. Ông tham gia Thiếu sinh quân từ năm 12 tuổi và luôn có mặt ở các chiến trường miền Nam với tư cách là phóng viên, là lính xung kích, lính pháo. Từ trường ca Bài ca chim chơ rao (Giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu) trở đi, có thể nói các sáng tác đậm chất sử thi của ông đều lấy cảm hứng từ những vùng đất ông đã đến với tư cách người lính chiến, như khu V, Tây Nguyên, Quảng Trị, biên giới phía Bắc, Tây Nam Bộ, Campuchia... Tất nhiên, ngoài những bài thơ cùng theo mạch cảm hứng đó, trong mạch thơ trữ tình của ông còn có những bài xuất phát từ những mối tình khi thì nồng nàn như có lửa, khi thì tươi mới trong bất chợt hoặc như một lời tâm sự, giãi bày của trái tim một gã trai đa tình. Người đọc yêu Thu Bồn không chỉ vì những sáng tác của ông mang hơi thở nóng bỏng của cuộc sống chiến tranh, thể hiện sự không khuất phục, ý chí tự cường của dân tộc ta mà còn thích cách sống hết mình, không vụ lợi, đầy nhân văn, một người viết tài hoa, thích sống tự do không bị ràng buộc trong khuôn khổ của tổ chức hay gia đình. Đời ông vui ít buồn nhiều, nhưng vượt lên nỗi buồn của số phận, những trắc trở của đường đời, công việc và bạn bè đã đưa lại cho ông nhuệ khí, niềm vui để có những thành quả trong sáng tạo nghệ thuật.

8. Khác với một Thu Bồn đầy cá tính mạnh, Hữu Thỉnh - người trẻ nhất trong số các nhà văn Văn nghệ Quân đội được Giải thưởng Hồ Chí Minh (ông được giải năm 2012) - lại có tính cách điềm đạm, nhẫn nhịn và là người tài hoa không kém bất cứ một nhà văn, nhà thơ nào cùng thế hệ với ông. Hữu Thỉnh từng là Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đại biểu Quốc hội khóa X - khóa XI, tham gia Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam 7 khóa, trong đó có 3 khóa là Chủ tịch Hội, Tổng Biên tập Báo Văn nghệ... Xuất thân ở nông thôn, vào lính là chiến sĩ Binh chủng Thiết giáp, Hữu Thỉnh tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam từ năm 1963. Sau 1975, học xong khóa 1 trường Viết văn Nguyễn Du, ông về Tạp chí Văn nghệ Quân đội lần lượt làm biên tập, Trưởng ban Thơ và Phó Tổng biên tập. Năm 1981, ông chuyển sang Hội Nhà văn. Với nhiều giải thưởng văn chương, với những cương vị đảm trách, Hữu Thỉnh đã chứng tỏ vừa là người giỏi điều hành quản lí vừa là một nhà thơ đích thực. Nét đặc sắc trong thơ Hữu Thỉnh thể hiện qua các trường ca Đường tới thành phố, Từ chiến hào tới thành phố, Trường ca Biển, Sức bền của đất, Trăng Tân Trào và các tập thơ Thư mùa đông, Thương lượng với thời gian... Thơ Hữu Thỉnh, theo tôi, sẽ đứng được trong thử thách của thời gian bởi thế giới nghệ thuật sinh động, bởi cảm hứng thơ luôn gợi lên từ con người cho dù đó là người anh hùng hay người bình thường, là con người lam lũ trong cuộc mưu sinh hay là con người mang nỗi đau thân phận riêng tư trong chiến tranh. Thơ ông mang nỗi buồn thế thái nhân tình, mang niềm vui được dâng hiến, đóng góp cho công cuộc bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Hồn cốt dân tộc trong cuộc sống ở vùng quê và chất dân gian thật sự đã tiếp năng lượng cho ông, với cảm xúc chân thành trong hành trình đi tìm cái mới. Đọc thơ ông không khó để nhận ra chân dung nhà thơ, như ông tâm sự: Thơ là kinh nghiệm sống. Cũng phải nói thêm: hai tập tiểu luận phê bình là Lí do của hi vọng Bến văn và những vòng sóng đã cho chúng ta cảm nhận Hữu Thỉnh còn là một cây bút phê bình sắc sảo, tinh tế và có tầm bao quát.

8 nhà văn, 8 phong cách khác nhau, nhưng tất cả đều hướng tới mục đích: để đất nước ta có một nền văn học dân tộc, hiện đại. Trên ý nghĩa đó, có thể khẳng định, chính những đóng góp không nhỏ của các ông đã góp phần làm nên cái “khác” của nền văn chương vừa bước ra khỏi cuộc chiến với bao nỗi nhọc nhằn. Ngoài tài năng trời phú, tôi nghĩ, mỗi nhà văn khi khoác trên mình màu xanh áo lính dường như sẽ ý thức hơn trách nhiệm của mình. Không ai hiểu người lính hơn chính người lính, đó là lí do để ta hiểu vì sao họ là những cánh chim đầu đàn về đề tài chiến tranh cách mạng và với ý thức tìm tòi hướng đi của văn chương trong - sau chiến tranh, họ cũng là những nhà văn tiên phong trong thời kì Đổi mới. Theo tôi, có được điều đó bởi họ là những nhà văn chiến sĩ với ý nghĩa đích thực.

Quan Nhân - Hà Nội, tháng 9 năm 2022

T.P.L