Giữa khói lửa của xung đột và những đổ vỡ không thể hàn gắn, nhà văn Etgar Keret vẫn tin vào sức mạnh của trí tưởng tượng, một lối thoát, một phản kháng thầm lặng nhưng quyết liệt.
Giữa khói lửa của xung đột và những đổ vỡ không thể hàn gắn, nhà văn Etgar Keret vẫn tin vào sức mạnh của trí tưởng tượng, một lối thoát, một phản kháng thầm lặng nhưng quyết liệt.

Tác giả người Israel Etgar Keret đã giành được một số giải thưởng, bao gồm một số giải thưởng từ chính nhà nước Israel.
Một thế giới lộn ngược từ hiện thực đến hư cấu và ngược lại
Sau nhiều ngày dài sống dưới những đợt không kích của Iran, Etgar Keret cuối cùng cũng có thể chợp mắt trong yên bình tại Tel Aviv. “Cảm giác thật tuyệt,” ông nói, dù biết xung quanh là những tàn tích của một thành phố từng quen thuộc. Ở quê nhà Ramat Gan, cả một con phố – một phần ký ức – đã biến mất. “Người Israel đã quen với chiến tranh,” ông chia sẻ, “nhưng thiệt hại mà các cuộc tấn công lần này gây ra là điều hoàn toàn mới.”
Ở tuổi 57, Etgar Keret được xem là một trong những cây bút nổi bật nhất của văn học Israel đương đại. Ông nổi tiếng toàn cầu với những truyện ngắn hài hước, siêu thực, nhiều khi chạm đến ranh giới của khoa học viễn tưởng và phản địa đàng. Tuy nhiên, điều khiến văn chương của Keret khác biệt là cách ông lồng ghép nỗi đau thời đại vào chính những điều tưởng như không tưởng.
Tập truyện ngắn mới nhất của ông - Autocorrect - là minh chứng rõ ràng cho điều đó. Được viết trong thời kỳ đại dịch và ngay sau cái chết của mẹ, tác phẩm là một bức tranh về sự chia cắt, mất mát và cô đơn. Nhưng thật trớ trêu, ông đã hoàn thành nó vào ngày 6 tháng 10 năm 2023 – chỉ một ngày trước cuộc tấn công của Hamas vào Israel. Những câu chuyện trong bản thảo tưởng như quá ảm đạm, vậy mà chỉ ít lâu sau, chính hiện thực lại trở nên còn tăm tối hơn. “Tôi cảm thấy như thể thực tế đã hạ xuống ngang tầm với những gì tôi đã viết,” ông nói.
Chống lại thờ ơ, bằng trí tưởng tượng và khước từ đám đông

Các nhân viên cứu hộ kiểm tra một cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran tại Ramat Gan, quê hương của Etgar Keret.
Etgar Keret không ngần ngại chỉ trích chính phủ Israel, đặc biệt là Thủ tướng Benjamin Netanyahu và các đảng cực hữu. Ông phản đối chiến tranh ở Gaza, phản đối chính trị cực đoan và cả chủ nghĩa dân tộc mù quáng. Tuy nhiên, ông phản đối theo cách riêng, không khẩu hiệu, không hòa mình vào đám đông, mà bằng những câu chữ đầy suy tư và dũng cảm. “Tôi phản đối khi tôi muốn, với những lời lẽ của chính tôi, không vay mượn,” ông nói.
Con trai của những người sống sót sau Holocaust, Keret lớn lên cùng sự cảnh giác với những gì quá đông đảo, quá dễ đồng thuận. Mẹ ông từng từ chối ngồi vào ghế dành riêng cho người sống sót vì không muốn bị đóng khung vào vai trò nạn nhân. Những câu chuyện gia đình ấy đọng lại trong văn chương của Keret - nơi sự yếu đuối được thể hiện bằng một thứ hài hước mong manh, và nỗi đau được gói gọn trong những chi tiết tưởng như phi lí.
Keret cũng bày tỏ lo ngại sâu sắc về mạng xã hội và trí tuệ nhân tạo – thứ mà ông cho rằng đang tước đi khả năng tự lựa chọn của con người. “Nếu bạn kể cho tôi ba bộ phim bạn vừa xem, tôi hiểu được phần nào con người bạn. Nhưng nếu bạn kể ba video Instagram bạn lướt thấy - tôi chẳng thể nói gì cả. Vì bạn đâu có chọn chúng.”
Sự thờ ơ, theo Keret, là hậu quả nguy hiểm nhất của thời đại này - nơi nỗi đau không còn khiến con người rung động, mà chỉ làm họ sợ hãi hoặc quay mặt đi. “Đây là một vùng đất chìm trong đau thương. Ai cũng tổn thương. Và điều đáng sợ nhất là: từ nỗi đau, con người có thể trở nên thờ ơ một cách khủng khiếp.”
Dẫu vậy, Etgar Keret vẫn viết. Như cha ông từng sống sót bằng cách mỗi ngày tưởng tượng ra một thế giới mới khi trốn trong hầm đất suốt thời Holocaust, ông tin rằng khả năng tưởng tượng - dù chỉ là để sống sót cũng là một cách phản kháng. “Nếu bạn có thể hình dung ra một nơi khác,” ông nói, “điều đó có nghĩa là bạn vẫn còn lựa chọn.”
“Chúng tôi đã quen với chiến tranh,” ông nói, “nhưng điều đang xảy ra là điều mới mẻ.” Etgar Keret không viết để lí giải thế giới. Ông viết để nhắc chúng ta: giữa những điều không thể chịu đựng nổi, con người vẫn có thể lựa chọn và vẫn có thể mơ.
MINH KIÊN dịch theo telegraph.co.uk