Thứ Bảy, 10/07/2021 00:56

Đồng vọng xưa nay qua thanh sắc tì bà

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, các thế hệ nghệ nhân cùng nhiều nghệ sĩ nước ta đã phát huy và làm giàu ngôn ngữ nghệ thuật trên cây đàn tì bà... (VŨ THỊ HƯỜNG)

VŨ THỊ HƯỜNG

 

Đào lí một cành tơ trúc phím loan

Đêm nguyệt lặn sao tàn

Đêm khuya chợt nhớ khách hồng nhan bên mình

Cây xanh thì lá cũng xanh

Tay đã vịn cành lại hái lấy hoa

Cung đàn tì bà ai khéo gảy

Xế, hồ, sừ, sang - long âm ngũ đối

Anh thương các cô nàng như lá đài bi

Ngày thì dãi nắng đêm dầm sương ruột tằm vấn vít tơ vương

Đàn tì bà đã đi vào sử, sách, thơ, ca Việt Nam như một huyền thoại, không phải chỉ bằng dáng vẻ kiêu sa, lộng lẫy mà còn do chính những tiếng trầm, tiếng cao, tiếng vang, tiếng tĩnh, tiếng mềm, tiếng đanh… thật kì diệu. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, các thế hệ nghệ nhân cùng nhiều nghệ sĩ nước ta đã phát huy và làm giàu ngôn ngữ nghệ thuật trên cây đàn tì bà để nó có một sức sống mới, tạo sự hấp dẫn và làm rung động trái tim của những người yêu nghệ thuật.

Theo sử liệu, có rất nhiều giả thuyết và ý kiến khác nhau của các nhà nghiên cứu về nguồn gốc, xuất xứ của cây đàn tì bà. Đàn tì bà là loại đàn gảy, Lưu Hi thời Đông Hán trong tác phẩm Thích danh thích nhạc khí viết: Đàn tì bà có xuất xứ từ dân tộc Hồ, ở phía Tây và phía Bắc Trung Quốc thời cổ, dùng để đánh trên lưng ngựa. Đến thời nhà Hán, nó được hình thành nhạc cụ 4 dây, 12 phím, dùng tay để gảy và được gọi là tì bà. Tác phẩm Cửu đường thư âm nhạc chí lại gọi nó là Tần tì bà nghĩa là tì bà đời nhà Tần.

Nghệ sĩ Diệu Thảo với cây đàn tì bà. Ảnh: Vietnamnet.

Thế kỉ thứ IV sau Công nguyên, đàn tì bà có thùng hình quả lê, 4 dây, 4 trục dùng tay đánh và một loại đàn tì bà có 5 dây du nhập vào Trung Quốc với sự giao lưu văn hóa Tây Tạng. Kể từ thời nhà Đường, đàn tì bà có thùng âm, cổ đàn cong, hình nửa quả lê, các phím được chế bằng ngà voi, xương thú, sừng trâu, gỗ hồng ngọc... Để đánh dấu vị trí âm độ khi diễn tấu, người ta dùng tay hoặc móng để gảy. Kĩ thuật diễn tấu ngày càng phong phú, tì bà trở thành nhạc cụ quan trọng vừa có thể độc tấu, hòa tấu và có thể đệm cho các nhạc cụ khác.

Sau triều đại nhà Tùy, nhà Đường, đàn tì bà được du nhập vào Việt Nam, Nhật Bản... Theo GS Tô Ngọc Thanh, đàn tì bà có xuất xứ từ Ai Cập do một thương gia trên đường qua Trung Quốc mang tặng cho vua Đường (thế kỉ thứ VII). Để kỉ niệm cho sự kiện này, nhà vua đã lấy tên của thương gia đó đặt cho cây đàn là Pypa, sau này gọi là tì bà. GS.TS Trần Văn Khê, trong luận án nghiên cứu về nền âm nhạc dân tộc cổ truyền Việt Nam, lại cho rằng: Bản thân cách gọi Pypa theo tiếng Trung Hoa là tì bà, không chắc chắn từ đâu cả, chúng tôi nghĩ nó chỉ là trong số đàn luth 4 dây thông dụng vào thế kỉ thứ VII trong vùng Bom Bay, đàn luth là những nhạc cụ trong thời cổ điển Ấn Độ được du nhập sang các nước Trung Á... Về nguồn gốc xuất xứ của cây đàn tì bà có rất nhiều quan điểm và ý kiến khác nhau từ các nhà nghiên cứu Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mông Cổ, Việt Nam..., cho đến nay, với nguồn tư liệu vô cùng hiếm hoi về cây đàn này chưa cho phép chúng tôi khẳng định được điều gì chính xác. PGS.TS Thụy Loan trong Lược sử âm nhạc Việt Nam đã khẳng định: Cây đàn tì bà Trung Quốc được du nhập vào Việt Nam theo con đường giao lưu văn hóa. Qua hàng ngàn năm, đàn tì bà đã được bản địa hóa trở thành cây đàn Việt Nam, được nhân dân tiếp thu và sử dụng, cải tiến trong quá trình diễn tấu, dần dần nhạc cụ này có đủ khả năng thể hiện sâu sắc hình tượng âm nhạc mang đậm nét dân tộc Việt Nam. Với tư cách là một nhạc cụ độc tấu, hòa tấu, cây đàn tì bà đặc biệt đóng góp một phần quan trọng trong nhã nhạc cung đình Huế, một nền âm nhạc bác học đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới (11/2003).

Nền âm nhạc mới Việt Nam có thể được tính từ những ngày đầu của trào lưu âm nhạc cải cách ở những năm 30 của thế kỉ XX, tiếp đến Cách mạng tháng Tám năm 1945, kháng chiến chống Pháp, thời kì thống nhất đất nước và từ Đổi mới đến nay. Âm nhạc truyền thống nói chung hay âm nhạc đương đại dành cho tì bà nói riêng đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Từ chỗ cây đàn chỉ phục vụ cho tầng lớp vương giả thì nay đã đến với đông đảo quần chúng nhân dân. Từ chỗ cây đàn chỉ được hòa tấu trong các tốp nhạc nhỏ, phục vụ cho ca cổ, thì nay ngoài hòa tấu, tốp tấu, đệm cho thơ ca, cây đàn đã đảm nhận vai trò độc tấu trên sân khấu lớn nhỏ trong và ngoài nước, mang lại sự thích thú, say mê cho khán thính giả.

Những năm vừa qua, âm nhạc đương đại Việt Nam luôn tiếp tục truyền thống ông cha. Dòng chảy chính thống luôn gắn bó với mạch nguồn dân tộc và vận mệnh của đất nước, giúp con người thêm yêu, thêm nhớ quê hương và tự hào về dân tộc. Trong lĩnh vực khí nhạc, nhiều nhạc sĩ sáng tác cũng chính là những nghệ sĩ biểu diễn đã gắn tên tuổi mình vào các tác phẩm được công chúng ghi nhận như NSND Vũ Thị Mai Phương với tác phẩm Chỉ một niềm tin, Suy tư, Niềm tâm sự, Kỉ niệm quê hương, Khúc nhạc quê hương; nghệ nhân dân gian Phạm Thị Huệ với Ảo vọng, Thục nữ du xuân 1, 2, 3; NSƯT Vũ Kim Hạnh với tác phẩm Nhớ rừng; nghệ sĩ Vũ Diệu Thảo với tác phẩm Khỏa nước sông trăng… Chúng tôi xin điểm qua một số tác phẩm tiêu biểu của các nhạc sĩ theo các khía cạnh như: tác phẩm viết trên chất liệu chèo, tác phẩm mang âm hưởng chèo, tác phẩm dựa trên chất liệu miền Trung (dân ca Huế), tác phẩm viết theo âm hưởng thẩm mĩ âm nhạc thế giới đầu thế kỉ XX...

Tác phẩm Ra đi nhớ bạn của NSND Mai Phương mang âm hưởng của làn điệu chèo Con gà rừng. Tác phẩm gồm 3 phần (phần mở đầu, phần phát triển và phần tái hiện). Phần mở đầu sử dụng câu hát đầu tiên của làn điệu (Con gà a á a rừng, ăn lân qua lối nọ với công kia, kia a kia). Phần phát triển khai thác triệt để kĩ thuật của đàn như: vê, chụp, chạy ngón kết hợp với ngón rung và sắc thái của làn điệu Con gà rừng. Phần tái hiện nhắc lại chất liệu ban đầu với âm hưởng man mác của làn điệu Con gà rừng cùng cách kết đột ngột tạo cảm giác bất ngờ.

Tác phẩm Thục nữ du xuân 1, 2, 3 của nghệ sĩ Phạm Thị Huệ lại vô cùng đặc biệt bởi tính logic xuyên suốt trong quá trình phát triển của tác phẩm. Thục nữ du xuân 1 chứa đựng chất liệu chèo rõ nét. Sang Thục nữ du xuân 2 giai điệu của đàn tì bà mang tính phóng tác cao độ nhưng được đặt trên nền tiết tấu chèo mà chủ đạo là trống đế. Đến Thục nữ du xuân 3 là sự tổng hợp của Thục nữ du xuân 1 2 được kết hợp với giai điệu hát. Nhìn vào tổng thể ta có thể thấy cho dù chất liệu chèo được xuất hiện với các “góc nhìn” và mức độ cảm quan khác nhau nhưng tất cả đều làm nên sự khác biệt, độc đáo.

Tác phẩm Lời nguyện cầu của tác giả Đôn Truyền là sự kết hợp giữa 3 cây đàn tì bà. Bên cạnh đó còn có sự góp mặt của cây đàn cello cùng bộ gõ. Giai điệu luân chuyển lần lượt qua 3 cây đàn và được phát triển với thủ pháp canon mô phỏng. Đôi lúc giai điệu mang tính độc lập nhưng vẫn hòa quyện trên nền hòa âm cột dọc. Ngoài ra bộ gõ còn tạo tính “tiêu đề” rõ nét thông qua việc sử dụng nhạc cụ khánh - chuông mang tính đặc trưng của nhà chùa.

Tác phẩm Khúc nhạc miền Trung của cố Nhà giáo Nhân dân Xuân Khải viết dựa theo chất liệu miền Trung được cấu trúc gọn gàng, đơn giản của hình thức hai đoạn đơn kết hợp với điệu thức 5 âm. Đoạn 1 tác phẩm là sự khai thác triệt để về kĩ thuật rung, luyến, láy, sử dụng những quãng đặc trưng của ca Huế. Sang đến đoạn 2 là sự phát triển cao trào về tốc độ tạo sự tương phản rõ rệt giữa hai đoạn. Phần kết của tác phẩm là sự tổng hòa về hình tượng âm nhạc nhằm tạo không khí lạc quan, tin tưởng vào một tương lai tươi sáng, miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất.

Tác phẩm Khói tháp của cố nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo viết cho tì bà, bộ gõ và hợp xướng trong vở nhạc kịch Thúy Kiều. Ở tác phẩm này tác giả đã sử dụng thủ pháp ngôn ngữ mới của thẩm mĩ âm nhạc theo trào lưu của thế giới thế kỉ XX. Tác phẩm Hạt nắng của nghệ sĩ Phạm Thị Huệ viết cho độc tấu tì bà là tác phẩm thử nghiệm phong cách ngẫu hứng và sử dụng ngôn ngữ âm nhạc mới kết hợp với kĩ thuật diễn tấu truyền thống. Tác phẩm Ngũ đối đăng đàn của nhạc sĩ Vũ Nhật Tân viết cho hòa tấu: tì bà, bộ gõ, tranh, nhị, tiêu đã khai thác những thủ pháp trong phong cách truyền thống, các bè đan xen, sự đối thoại giữa các nhạc cụ, sử dụng cổ nhạc và yếu tố kĩ thuật làm nhân tố chủ đạo. Tác phẩm Quy luật của nhạc sĩ Đỗ Kiên Cường viết cho tì bà, organ, guitar, saxophone, bộ gõ truyền thống là sự kết hợp giữa nhạc cụ điện tử, nhạc cụ dân tộc và nhạc cụ phương Tây mang tính triết lí; tác phẩm được trình diễn trong cuộc thi sáng tác thể nghiệm do Đại sứ quán Đan Mạch tổ chức tháng 12/2006.

Như vậy, qua phân tích, chúng ta có thể nhận ra dấu ấn của âm nhạc cổ truyền cũng như hơi thở của âm nhạc đương đại trong các tác phẩm soạn cho tì bà. Đó không chỉ là kĩ thuật, ngón nghề mà còn là cảm hứng mới về cuộc sống được phổ vào thanh điệu, cung bậc của cây đàn.

Với sự đam mê âm nhạc truyền thống kết hợp với những sáng tạo không ngừng, những kĩ thuật diễn tấu đặc trưng của tay trái như nhấn lên - xuống, nhấn mượn, rung gằn, rung sâu, day, vỗ, chụp, mổ, láy, giật, vuốt, búng, bấm hợp âm, bấm âm bồi… được ví là tiếng nói tình cảm trong tác phẩm. Diễn tấu tay trái như gảy lên - xuống, vê, rải, gảy bồi âm, gảy hợp âm, phi, quẹt, vê kết hợp nhấn, vê kết hợp vuốt, vê 5 ngón, vê hợp âm, vỗ tróng bằng tay, chạy kép… được ví như sự thể hiện của lí trí trong tác phẩm âm nhạc. Các nhạc sĩ, nghệ sĩ đã có công nâng tầm âm nhạc truyền thống lên trình độ chuyên nghiệp, tạo điều kiện để âm nhạc đương đại Việt Nam giao lưu, hội nhập với quốc tế.

Trong chiến lược xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, bảo tồn và phát triển vốn âm nhạc cổ truyền có thể được tiến hành bằng nhiều phương thức. Song song với việc truyền dạy các ngón kĩ thuật đặc trưng, nghệ sĩ biểu diễn còn phải sáng tạo, khai thác phát triển, tìm tòi, ứng dụng các kĩ thuật mới vào các tác phẩm đương đại viết cho cây đàn tì bà với ngón đàn tay trái cũng như các kĩ thuật mới của tay phải, điều mà cổ nhân chưa để lại. Một hướng khác là có thể phát triển tác phẩm mới đương đại dựa trên chất liệu, âm hưởng cổ truyền có phong cách như chèo, tuồng Huế, hay tài tử, cải lương, các điệu hò, lí, làn điệu dân ca các vùng miền có giai điệu hợp với tính năng của cây đàn tì bà. Nhiều tác phẩm viết cho cây đàn nhận được giải thưởng cao trong các hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc; nhiều nghệ sĩ biểu diễn đàn truyền thống được nhận huy chương Vàng, Bạc; các nhà giáo, nghệ sĩ biểu diễn đã được vinh danh, được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú, Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú…

Như đã trình bày ở trên, mặc dù được du nhập từ nước khác vào Việt Nam nhưng đàn tì bà đã dần hoàn thiện bởi bàn tay của những nghệ sĩ yêu âm nhạc. Từ chỗ chỉ biểu diễn trong cung đình, hay tồn tại trong môi trường diễn xướng chèo, ca Huế, tài tử, cải lương, các làn điệu dân ca mang sắc thái trữ tình, đến nay chúng ta đã thành công khi đưa nhạc cụ truyền thống nói chung và cây đàn tì bà nói riêng lên sân khấu độc tấu, tốp tấu, hòa tấu, đệm cho ca múa nhạc. Cuộc sống đương đại đã khoác lên vai nghệ sĩ chơi nhạc cụ truyền thống một trọng trách mới, đó là phải chuyển tải tới khán thính giả nội dung của cuộc sống mới. Trong thời đại đầy biến động như hôm nay, nếu chỉ giới hạn trong những làn điệu cổ thì không thể đáp ứng được tính đa dạng của cuộc sống đang thay đổi từng ngày. Chính vì lẽ đó, các nhạc sĩ, nghệ sĩ đương đại đã sáng tạo ra những tác phẩm vừa đậm đà âm hưởng dân gian, vừa mang nhiệt huyết của cuộc sống hiện đại. Có như vậy, sự nghiệp bảo tồn, phát huy âm nhạc truyền thống Việt Nam nói chung, đàn tì bà nói riêng mới có sự ảnh hưởng rộng rãi và phát triển không ngừng.

V.T.H