Thứ Bảy, 03/08/2019 20:44

Đông Á - một thực thể văn hoá không ngừng được phát hiện và kiến tạo

Ngày 3/8/2019, tại TP.HCM, Trường Đại học Sư phạm TP.HCM đã đăng cai tổ chức Hội thảo quốc tế “Đông Á: Những vấn đề nghiên cứu và giáo dục Ngữ văn”. (NHẬT MINH)

Ngày 3/8/2019, tại thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh đã đăng cai tổ chức Hội thảo quốc tế “Đông Á: Những vấn đề nghiên cứu và giáo dục Ngữ văn”.

Chủ toạ Hội thảo: (từ trái sang) GS.TS Phan Thị Thu Hiền; PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp; GS Zhao Baisheng; PGS.TS Đoàn Lê Giang; PGS.TS Nguyễn Thành Thi

“Đông Á” là một khái niệm hiện đại, chỉ khu vực văn hóa đồng văn trước kia, bao gồm các quốc gia và vùng lãnh thổ: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, Singapore và Đài Loan. Việc coi Đông Á là một thực thể (Đông Á châu) được đặt ra từ đầu thế kỉ XX bởi một mĩ thuật gia người Mĩ - E.F.Fenollosa (1853 - 1908). Từ 1930, giới chính trị Nhật Bản sử dụng khái niệm này với mục đích xác định tâm điểm của khu vực Hán hóa không còn là Trung Quốc mà là Nhật Bản, nhằm tạo đối trọng mới với châu Âu, phản biện thuyết “Dĩ Âu vi trung”, đồng thời muốn khẳng định tầm ảnh hưởng của Nhật Bản trong khu vực. Như vậy, khái niệm Đông Á tuy vẫn chỉ khu vực văn hóa đồng văn - vùng văn hóa chữ Hán, văn hóa Nho giáo hay khu vực “dùng đũa”..., nhưng đã có tính chất mới, hàm chứa những ý nghĩa mới.

Khu vực văn hóa “đồng văn” thời cổ trung đại đã trở thành khu vực văn hoá “dị văn” thời cận hiện đại. Sự “đứt gãy” lại là tạo tiền đề cho những thay đổi và cách mạng. Ngôn ngữ mới đã tác động đến tư duy và hình thành những hệ hình nghiên cứu mới. Vượt qua thời kì “tưởng tượng quyền lực” của một nước Nhật đế quốc nửa đầu thế kỉ XX, Đông Á không còn là một trung tâm ngự trị, mà đã có những biến chuyển và những ngả rẽ mới. Đông Á được nghiên cứu như một chỉnh thể, vừa thống nhất vừa đa dạng. Các quan hệ nội vùng không chỉ là Trung Quốc hay Nhật Bản với các nước còn lại của Đông Á, mà mở ra phong phú và toàn diện hơn.

Thời kì của toàn cầu hóa, Đông Á lại tiếp tục đứng trước những thử thách mới. Dường như khi bước vào thời kì “dị văn”, nửa đầu thế kỉ XX, văn hóa phương Tây đã chứng tỏ sức ảnh hưởng của mình lên khu vực văn hóa Nho gia. Một Đông Á hiện đại hóa được đồng nghĩa với “Tây hóa”. Nửa cuối thế kỉ XX, với những chính sách “xa Âu gần Á”, “tái Á hóa”, “Á hóa châu Á” của các nước Nhật Bản, Singapore... là thức nhận của Đông Á về bản thân mình. Sự thịnh vượng của kinh tế Đông Á được cho là kết quả của văn hóa, giáo dục theo kiểu Á Đông. Ông Lý Quang Diệu khẳng định thành công của Singapore là kết quả của nền giáo dục theo tinh thần Khổng Tử.

Những biến chuyển khu vực cho thấy Đông Á là một đối tượng không ngừng mở ra những định hướng nghiên cứu mới.

Việt Nam là một quốc gia Đông Nam Á sớm bước vào thế giới Đông Á, trở thành mắt xích quan trọng của khu vực Đông Á. Việc hội nhập Đông Á của Việt Nam không giống Hàn Quốc và Nhật Bản. Do vậy, sự vận động của văn học Việt Nam cũng như việc định vị nền văn học Việt Nam trong bề rộng không gian và chiều sâu thời gian của thực thể Đông Á cần có thêm nhiều công trình nghiên cứu.

Với tinh thần, thức nhận như vậy, Hội thảo “Đông Á: Những vấn đề nghiên cứu và giáo dục Ngữ văn” được Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh lên ý tưởng và triển khai từ đầu năm 2019. Hơn 120 tham luận của các nhà nghiên cứu, các giảng viên, giáo viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh... ở Viện Văn học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Đại học Sư phạm Thái Nguyên, Đại học Đà Nẵng, Đại học Huế, Đại học Phú Yên, Đại học Khánh Hòa, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, các trường phổ thông trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, đặc biệt là của các học giả quốc tế từ Hoa Kì, Đức, Trung Quốc, Hàn Quốc... đã gửi về Hội thảo.

Tại Hội thảo, với thời gian một ngày, các đại biểu tập trung tìm hiểu về những gặp gỡ, giao thoa của các hiện tượng văn học, ngôn ngữ trong vòng văn hóa chữ Hán, những vận động của văn học trong nỗ lực vừa bảo lưu bản sắc vừa hướng tới toàn cầu hóa, đặc trưng của từng nền văn học dân tộc góp phần dệt nên tấm thảm đa sắc màu của văn học Đông Á. Hội thảo đồng thời tập trung bàn thảo về chương trình giáo dục Ngữ văn phổ thông ở Việt Nam trong liên hệ, đối sánh với chương trình của các nước trong khu vực và quốc tế; định hướng mới trong giáo dục Ngữ văn, kinh nghiệm, phương pháp giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài được chia sẻ, giới thiệu, càng rộng mở hơn diễn đàn trao đổi giữa các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước.

Phát biểu khai mạc Hội Thảo, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh - nhấn mạnh: “Trong thời đại toàn cầu hóa, không ai có thể phủ nhận những lợi ích trước mắt và lâu dài của hoạt động giao lưu, hợp tác trên mọi lĩnh vực, trong đó có giáo dục, nghiên cứu khoa học. Nhìn bạn bè để thấu suốt bản thân; vươn ra thế giới để gắn bó, trân quý hơn đất nước mình; trải nghiệm văn hóa nhân loại để càng thêm tự hào, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc,… đó chính là chủ trương và đường lối của nhiều quốc gia văn minh, tiến bộ trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Hội thảo quốc tế này được tiến hành cũng với mục đích và kì vọng như thế”.

Báo cáo đề dẫn Hội thảo do PGS.TS Đinh Phan Cẩm Vân trình bày có đoạn: “Chúng tôi coi thành công của một hội thảo chính là có những trao đổi trên tinh thần khoa học và khách quan. Mặt khác, cũng cho thấy Đông Á là một thực thể động, đa diện, luôn được phát hiện và kiến tạo. Đông Á sẽ tiếp tục được nghiên cứu, xác quyết đầy đủ hơn về bản sắc trong hành trình hội nhập thế giới”.

Một số đại biểu chụp ảnh lưu niệm bên lề Hội thảo

Hội thảo diễn ra trong bối cảnh Đảng, Nhà nước, ngành giáo dục - đào tạo đang gấp rút dốc toàn bộ tâm lực để thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới, hướng đến đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nước nhà; dư luận xã hội đang kì vọng, đòi hỏi rất nhiều ở đường đi của giáo dục Việt Nam trong bối cảnh giao lưu, hội nhập khu vực và quốc tế.

NHẬT MINH