Thứ Hai, 22/06/2020 10:24

Đối thoại về sự bất tử của âm nhạc

Buổi trao đổi giữa nhạc sĩ Wonhee Shin, nghệ sĩ cello Phan Đỗ Phúc và nghệ sĩ piano Trang Trịnh giúp hé lộ những góc nhìn đa chiều về âm nhạc, cùng những nghịch lý đan xen sáng tác, biểu diễn và lưu giữ âm nhạc trong ký ức.

Buổi trao đổi giữa nhạc sĩ Wonhee Shin, nghệ sĩ cello Phan Đỗ Phúc và nghệ sĩ piano Trang Trịnh giúp hé lộ những góc nhìn đa chiều về âm nhạc, cùng những nghịch lý đan xen sáng tác, biểu diễn và lưu giữ âm nhạc trong ký ức. Đó là những nội dung nằm trong "Artist talk: Bất tử - Đối thoại về sự thể hiện của Âm nhạc" diễn ra chiều 20/6, tại Hà Nội.

Nghệ sĩ Phan Đỗ Phúc biễu diễn Cello tại sự kiện

Bất tử nghĩa là không bao giờ chết, nó bao trùm lên toàn bộ thời gian, nơi dòng chảy của sự sống chảy qua. Sự bất tử trong âm nhạc thể hiện ở nhiều điều thông qua ba trường đoạn: cách chơi một loại âm nhạc; lời ca và giai điệu nằm mãi mãi trong ký ức và sự bất tử của âm nhạc trong những mối quan hệ. Buổi đối thoại được diễn ra với nội dung trải qua 3 trường đoạn: Nhạc sống, Ký ức và Mối quan hệ.

Ở những câu chuyện đầu tiên, nghệ sĩ cello Phan Đỗ Phúc đã chia sẻ rằng, đối với anh âm nhạc có thể phát ở bất kỳ đâu, trên loa đài, trên radio; nhiều lần anh vẫn ngồi và nghe những bản nhạc được phát ra từ đó. Nhưng cái hồn của âm nhạc sống, lại rất khác so với những bài nhạc được phát trên các thiết bị điện tử, đó là yếu tố về khán thính giả, họ ngồi trong căn phòng và truyền cho căn phòng một nguồn năng lượng khi tất cả đều tập trung về phía sân khấu và dường như trong khoảnh khắc đó, cả vũ trụ đang im lặng khiến không khí như căng ra, và những âm thanh từ nhạc cụ vang xa hòa nhịp.

Là một nhà soạn nhạc, với mong muốn thể hiện câu chuyện cá nhân trong sự hài hòa giữa các phương thức sáng tác đa dạng và cảm thức về tính nguyên bản, nhạc sĩ Wonhee Shin đã nói về nhạc sống như thể một món ăn của tinh thần người làm nhạc. Trong đời thường Wonhee có thể tạo ra các bản nhạc hoàn chỉnh bằng máy móc và phần mềm hiện đại, với thời đại phát triển ngày nay máy móc đã có thể chơi nhạc cho con người. Thế nhưng, việc nghe nghệ sĩ trình bày những bản nhạc vẫn khiến cho cô cảm nhận được rõ rệt tinh thần và nguồn năng lượng của âm nhạc hơn bao giờ hết.

Nghệ sĩ piano Trang Trịnh cùng đích đến nghệ thuật là sự phản tỉnh và thay đổi thực sự trong âm nhạc, đã có những câu chuyện vô cùng thú vị về âm thanh của những phím đàn piano cô đánh lên hàng ngày; mỗi khi đánh 1 phím đàn, âm thanh của phím đàn sẽ bắt đầu một cách to và vang nhất rồi sau đó nhỏ dần dần và biến mất, dù người nghệ sĩ làm như thế nào cũng không thể khiến nó phím piano đó ngân vang mãi, ngoại trừ nhấc tay lên và tiếp tục đánh những nốt nhạc khác; hình ảnh phím đàn như ẩn dụ cho cách âm nhạc truyền tải sự sống nhưng trong khoảnh khắc nó cũng biến mất và phải cần sự điêu luyện, sự điều khiển mềm mại của người nghệ sĩ thì những nốt nhạc mới được vang lên, quyện vào nhau và trở thành những giai điệu bất hủ.

Tại buổi nói chuyện, ba nghệ sĩ cùng chia sẻ những câu chuyện cá nhân chân thực nhất về âm nhạc và cách âm nhạc giúp họ cảm nhận được thế giới nhiều hơn, cách âm nhạc dẫn dắt họ làm những điều mà trái tim biết là đúng đắn. Hơn thế nữa, rất nhiều khán giả đã đặt các câu hỏi và nêu ra những quan điểm, những chia sẻ đầy tâm huyết của mình dành cho diễn giả cũng như cả khán phòng.

MINH ANH