Chủ Nhật, 13/04/2025 05:04

Đội ngũ nhà văn Quân đội với văn học viết về cuộc kháng chiến chống Mĩ

Đại thắng mùa Xuân năm 1975 kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước đồng thời mở ra thời kì mới trong lịch sử dân tộc. (Thượng tá, nhà văn PHÙNG VĂN KHAI)

. Thượng tá, nhà văn PHÙNG VĂN KHAI

Đại thắng mùa Xuân năm 1975 kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước đồng thời mở ra thời kì mới trong lịch sử dân tộc. Văn học bước vào chặng đường phát triển mới, chặng đường nhân dân ta về cơ bản trở lại cuộc sống thường nhật trong hòa bình, đó cũng là thành quả của hai cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ dưới sự dẫn dắt của Đảng và Hồ Chủ tịch. Hiếm thấy một đất nước nào từ chế độ thực dân phong kiến vươn mình mạnh mẽ giành độc lập dân tộc, bước qua hai cuộc kháng chiến trường kì với vô vàn gian khổ, hi sinh. Thực tiễn ấy chính là mảnh đất màu mỡ để văn học phát triển và trên thực tế nền văn học cách mạng đã được hình thành và trưởng thành từ thực tiễn hào hùng ấy của dân tộc ta, nhân dân ta.

Chúng ta đều thấy rõ một điều rằng, do những vấn đề khách quan và chủ quan, đất nước ta, sau dấu mốc năm 1975 đã phải đối mặt với tình trạng nghèo nàn, lạc hậu, hậu quả của chiến tranh triền miên cộng với chính sách cấm vận của Mĩ và phương Tây; tiếp đó là những chủ quan, quan liêu, duy ý chí trong xây dựng kinh tế đất nước đã dẫn đến sự khủng hoảng, trì trệ về không ít lĩnh vực. Văn học Việt Nam, ở giai đoạn trên đã phải đối diện với bối cảnh đó. Tư tưởng xây dựng nền văn hóa mới, con người mới được đặt ra, được đôn đốc liên tục. Sức ép rất lớn đã khiến không ít lúc, nền kinh tế xã hội của chúng ta đã rơi vào khó khăn, thử thách rất lớn. Từ thực tiễn đó, văn học viết về cuộc kháng chiến chống Mĩ sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước luôn có sự chuyển động mạnh mẽ từ bên trong, phản ánh và soi chiếu mọi ngóc ngách của đời sống, nhất là đời sống thời hậu chiến. Chính điều đó đã góp phần quan trọng trong các thành tựu đạt được của nền văn học cách mạng.

Hội thảo văn học viết về cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước.

Ở tham luận này, chúng tôi bước đầu phác thảo về đội ngũ nhà văn Quân đội với văn học viết về cuộc kháng chiến chống Mĩ 50 năm từ ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đến nay với những tên tuổi và thành tựu, tác phẩm cụ thể. Nhiều nhà văn Quân đội trong đội ngũ này đã được ghi nhận bằng hệ thống giải thưởng cao nhất về văn học nghệ thuật như: Giải thưởng Hồ Chí Minh; Giải thưởng Nhà nước; Giải thưởng 5 năm Bộ Quốc phòng… Điều đó không chỉ khẳng định sự trưởng thành về mặt đội ngũ, sự tiếp nối liên tục của nền văn học cách mạng, mà còn xác định rõ dòng chảy chủ lưu, những thành tựu, tạo sự cuốn hút có chiều sâu của những tác phẩm đề tài chiến tranh cách mạng trong nền văn học.

Trên tinh thần đó, bước đầu chúng tôi hệ thống và nhận định những đóng góp của đội ngũ nhà văn Quân đội với văn học viết về cuộc kháng chiến chống Mĩ từ 1975 đến nay, đồng thời mong muốn có sự phân tích kĩ, bổ sung thêm của các nhà nghiên cứu lí luận phê bình để hoàn thiện hơn, đầy đủ hơn với đội ngũ tác giả và tác phẩm.

Trước tiên, chúng ta phải thấy rằng, từ nhận thức và định hướng chiến lược đúng đắn về vai trò của văn hóa, văn học nghệ thuật với đời sống tinh thần của bộ đội và nhân dân trong cuộc kháng chiến chống Mĩ, nhiều hoạt động trên lĩnh vực văn hóa văn nghệ đã được tiến hành. Đã có một “binh chủng” đặc biệt, đó là đội ngũ văn nghệ sĩ tòng quân, vào chiến trường, tham gia chiến đấu và công tác tại các mặt trận và cũng từ đó các tác phẩm viết trực tiếp về chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng đã ra đời, phản ánh sâu sắc và toàn diện cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước anh dũng của dân tộc ta. Càng đặc sắc hơn, các hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật, các sáng tác thời kì này luôn hướng tới miền Nam ruột thịt, những tình cảm tha thiết dành cho đồng bào và chiến sĩ miền Nam, ý chí quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đây là một trong những dấu mốc quan trọng, những đóng góp mang tính lịch sử của văn hóa văn học nghệ thuật đối với công cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta. Trong cuộc chiến đấu gian khổ ác liệt, đã sản sinh ra thế hệ văn nghệ sĩ tài năng trên các loại hình văn học nghệ thuật. Các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ, nhà nhiếp ảnh, phóng viên quay phim, diễn viên các đoàn văn công đều có mặt ở chiến trường, tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Những tác phẩm về văn học, sân khấu, nhiếp ảnh, hội họa, âm nhạc, những thước phim nóng bỏng đã phải trả bằng xương máu chính là thành quả vô cùng quý giá của đội ngũ văn nghệ sĩ Quân đội đóng góp cho công cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Ngay ở Văn nghệ Quân đội, nhiều nhà văn, nhà thơ đã xung phong vào chiến trường, trực tiếp cầm súng và cầm bút, trong đó tiêu biểu nhất là nhà văn - liệt sĩ Nguyễn Thi với nhân vật chị Út Tịch và câu nói nổi tiếng “Còn cái lai quần cũng đánh”. Nhà văn Nguyễn Thi hy sinh tại chân cầu Chữ Y trong Tết Mậu Thân 1968. Nhân vật anh hùng đồng thời nhà văn cũng trở thành anh hùng là một điều hết sức đặc biệt chỉ có thể có được ở đội ngũ văn nghệ sĩ Quân đội trong chiến tranh.

Sau dấu mốc 1975, tiếp đó là dấu mốc Đổi mới 1986, đội ngũ nhà văn Quân đội tiếp tục có sự trưởng thành mạnh mẽ với những cống hiến và thành tựu về văn học rất đáng ghi nhận. Đã hình thành những dòng văn học chủ lưu là đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng với nhiều tác phẩm sâu sắc, tạo ấn tượng và thẩm mỹ sâu rộng trong đời sống tinh thần của bộ đội và nhân dân. Đây là một thành quả tất yếu của đường lối văn hóa văn nghệ đúng đắn của Đảng ta, Nhà nước ta. Đây chính là nền tảng quan trọng để chúng ta hình thành nên đội ngũ các nhà văn chuyên viết về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng trong lòng cuộc chiến tranh và sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chỉ tính riêng đội ngũ các nhà văn công tác tại Văn nghệ Quân đội đã có 8 người được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, 33 người được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Giải thưởng Hồ Chí Minh: Nguyễn Thi với các tác phẩm: Người mẹ cầm súng; Ở xã Trung Nghĩa; Trăng sáng; Đôi bạn. Nguyễn Minh Châu với các tác phẩm: Dấu chân người lính; Cửa sông; Cỏ lau; Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành. Nguyễn Khải với các tác phẩm: Gặp gỡ cuối năm; Xung đột; Cha và con… Hồ Phương với các tác phẩm: Ngàn dâu; Những cánh rừng lá đỏ. Hữu Thỉnh với các tác phẩm: Thương lượng với thời gian; Trường ca biển. Xuân Thiều với tác phẩm: Huế mùa mai đỏ. Thu Bồn với các tác phẩm: Chớp trắng; Vùng pháo sáng; Dưới tro. Hữu Mai với các tác phẩm: Đêm yên tĩnh; Người lữ hành lặng lẽ. Giải thưởng Nhà nước: Thanh Tịnh, Vũ Tú Nam, Phạm Ngọc Cảnh, Vũ Cao, Phùng Quán, Nguyễn Trọng Oánh, Nguyễn Chí Trung, Dũng Hà, Mai Ngữ, Nhị Ca, Triệu Bôn, Lê Lựu, Nguyễn Trí Huân, Chu Lai, Nam Hà, Nguyễn Thị Như Trang, Vương Trọng, Anh Ngọc, Lê Thành Nghị, Duy Khán, Lưu Trùng Dương, Ngô Văn Phú, Thanh Quế, Nguyễn Xuân Khánh, Hồng Diệu, Nguyễn Bảo, Nguyễn Đức Mậu, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Khắc Trường, Khuất Quang Thụy, Ngô Thảo, Vương Trí Nhàn, Thanh Quế, Trung Trung Đỉnh... Các nhà văn không ngần ngại nhập cuộc bằng một thái độ quả quyết, tự tin. Điều này phản ánh sự làm chủ ngòi bút của người cao tay nghề. Đọc các tác phẩm văn xuôi ra đời sau dấu mốc 1975, dấu mốc Đổi mới 1986, ta thấy đây là một lối mở quan trọng, góp phần tạo sự khác biệt, tạo cá tính của mỗi nhà văn. Điều đó đã góp phần tạo nên dòng chủ lưu của nền văn học cách mạng.

Trong tác phẩm văn học sau Đổi mới, vấn đề nhân cách con người luôn được đặt ra riết róng. Hiện thực cuộc sống đa dạng, phức tạp, sinh động, luôn là đối tượng phản ánh của văn học, đặc biệt là văn xuôi. Nếu như tiểu thuyết Việt Nam khoảng hơn hai mươi năm trước luôn đòi hỏi một quan niệm lạc quan về hiện thực, cái nhìn lý tưởng hóa người anh hùng, tính tô hồng, tính minh họa luôn nổi trội thì những năm sau này, tiểu thuyết đã có những biên độ mở rộng hơn rất nhiều. Nhân vật trong tiểu thuyết thời điểm này được khám phá toàn diện hơn, ở các mặt sáng - tối, thiện - ác, cả phần vô thức, tiềm thức cũng được đặt ra. Chất người ở các nhân vật tiểu thuyết thời gian gần đây luôn được mổ xẻ, định dạng, đóng đinh một cách rốt ráo hơn. Đã có nhiều nhân vật tiểu thuyết trong đó con người mang số phận bi kịch. Điển hình như các nhân vật chính trong các tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của nhà văn Bảo Ninh; Phố, Ăn mày dĩ vãng, Vòng tròn bội bạc của nhà văn Chu Lai; Thời xa vắng, Chuyện làng Cuội, Sóng ở đáy sông của nhà văn Lê Lựu... Cũng thấy rõ một điều, các nhân vật trong tiểu thuyết đã định hình, ăn sâu bám rễ trong đời sống, là thực thể của đời sống. Với sự tự nhiên giống như cuộc đời thực bên ngoài, đã đặt ra những vấn đề cốt lõi của cuộc sống hôm nay, trình bày ra những gì vốn có của đời sống một cách chân thực, sinh động, khách quan.

Các tác phẩm văn học sau Đổi mới 1986 đề cập và mổ xẻ sâu sắc nhân cách con người Việt Nam một cách toàn diện, chạm tới những giới hạn cuối cùng của nhân tính đã cho thấy sự đa thanh đa sắc của số phận con người trong văn học, nhân cách con người được hiện lên ở đủ các cung bậc trong tiểu thuyết Việt Nam. Trưởng thành trong chiến tranh và tiếp đó là giáp mặt với thời hậu chiến đầy gay go, phức tạp; luôn phải đối diện với sự chuyển động dữ dội của thời cuộc, của đời sống đang diễn ra đã cho đội ngũ các nhà văn Quân đội bản lĩnh sáng tác, tư cách và tâm thế của nhà văn áo lính viết ra những tác phẩm xuất sắc nhất của mình. Đó là những đóng góp lớn của đội ngũ nhà văn Quân đội với văn học, với nhân dân, với thời đại một cách thiết thực, hữu ích.

Đội ngũ nhà văn Quân đội, đặc biệt là lớp nhà văn trẻ xuất hiện và được khẳng định. Nhiều tác phẩm gây tiếng vang và là những thương phẩm văn học đặc thù, truyền thống. Những thanh âm trong trẻo, hữu ích đến với bộ đội, đến với nhân dân. Các nhà văn Quân đội không chỉ có mặt trên mỗi trang viết mà còn có mặt nơi bão lốc, cháy rừng, lũ quét. Các nhà văn Quân đội đều nhiều lần đến Trường Sa. Có người đi hằng tháng như Duy Khán. Có người ở nhiều năm như Trần Đăng Khoa, Nguyễn Xuân Thủy. Mùa sóng gió, mùa biển lặng, các nhà văn đều đến nơi biên giới, hải đảo với tấm lòng của nhà văn - chiến sĩ. Hằng năm, các nhà văn Quân đội đến Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ ăn cùng, ở cùng và lắng nghe nhịp đập của trái tim người chiến sĩ. Những tập ghi chép, bút ký, truyện ngắn mang đậm hơi thở người lính là món ăn tinh thần bổ ích của bộ đội ta. Và cũng chính người chiến sĩ đang ngày đêm miệt mài với từng nhiệm vụ được giao nơi biên giới hải đảo đã tiếp thêm sức mạnh, là nguồn cảm hứng bất tận cho các nhà văn trong và ngoài Quân đội.

Hiện nay, đang hình thành một đội ngũ cây bút sung sức và trẻ tuổi viết về người lính và chiến tranh. Có thể kể ra đây một số tên tuổi tiêu biểu như: Đỗ Tiến Thụy; Đỗ Bích Thúy; Nguyễn Đình Tú; Nguyễn Thế Hùng; Trần Thanh Hà; Như Bình; Nguyễn Văn Hùng; Đoàn Hoài Trung; Phạm Vân Anh; Nguyễn Mạnh Hùng; Uông Triều; Nguyễn Mạnh Thường; Trần Đức Tĩnh; Nguyễn Hoàng Sáu; Phạm Văn Trường; Đinh Phương; Đoàn Văn Mật; Lý Hữu Lương; Nguyễn Thị Kim Nhung; Nguyễn Phú; Hồ Kiên Giang; Nguyễn Minh Đức… Điều này đã và đang tạo dựng nền tảng dài rộng để hướng tới có những tác phẩm đỉnh cao viết về người lính và chiến tranh.

Để có được những thành tựu về văn học nghệ thuật trong hành trình 50 năm qua tính từ dấu mốc 1975, trước hết phải thấy rằng, các nhà văn Quân đội luôn ý thức sâu sắc và bám sát đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng, đời sống thực tiễn của nhân dân và nhất là các cuộc chiến tranh vô cùng gian khổ, công cuộc Đổi mới mạnh mẽ của đất nước để sáng tác ra những tác phẩm văn học có giá trị chất lượng cao. Đây chính là sự dấn thân quyết liệt, sự đồng hành với người chiến sĩ và nhân dân của đội ngũ nhà văn Quân đội sau dấu mốc 1975.

Bài học được rút ra từ việc văn học luôn đồng hành và góp phần trong các dấu mốc lịch sử đã có những thành tựu đáng trân trọng chính là để các thế hệ nhà văn ý thức được trọng trách và niềm tin của mình, thực hiện và hoàn thành tốt sứ mệnh mà Đảng, Tổ quốc và nhân dân giao phó.

Từ những thành tựu trong hành trình và các dấu mốc của văn học trong 50 năm qua càng cho thấy niềm tin và sự đón đợi của người chiến sĩ và nhân dân với đội ngũ nhà văn Quân đội, nhất là đội ngũ nhà văn trẻ hôm nay là hết sức gắn bó, tin tưởng và yêu thương, luôn mong muốn đón nhận những sáng tác mới, thành tựu mới, dấu mốc mới.

Kết luận

Nhìn lại văn học viết về cuộc kháng chiến chống Mĩ sau 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, từ đội ngũ tác giả đến thành tựu các tác phẩm đã đạt được, chúng ta đã có sự tổng kết đánh giá trên tinh thần khoa học đồng thời có được nền tảng quan trọng trong kế thừa và phát triển một nền văn học mới theo đúng định hướng của Đảng, phục vụ, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Cũng từ nền tảng các thành tựu ấy đã mang đến sự tự tin, trách nhiệm công dân và khát vọng cống hiến của các nhà văn Quân đội với văn học, với đất nước. Chúng ta đang mạnh mẽ tràn đầy quyết tâm bước vào kỉ nguyên mới, kỉ nguyên vươn mình của dân tộc, thể hiện khát vọng lớn lao của các tầng lớp xã hội đóng góp toàn diện cho sự phát triển của đất nước. Trong bối cảnh ấy, ở khu vực văn học càng phải có sự chuyển động mạnh mẽ, sự bứt phá trên tinh thần đổi mới, trên tinh thần khơi thông và phát huy các giá trị truyền thống để chúng ta tiếp tục có những tác phẩm văn học chất lượng cao phục vụ nhân dân và người chiến sĩ. Đây là một đòi hỏi chính đáng, một nhiệm vụ trung tâm, sống còn, một thách thức lớn với các nhà văn Quân đội.

Nhìn lại dòng chảy lớn của nền văn học cách mạng, nhìn lại văn học viết về cuộc kháng chiến chống Mĩ sau 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng ta không chỉ có cơ sở khoa học bằng thực chứng đội ngũ tác giả và tác phẩm mà cái cao hơn, cái quyết định tới những thành tựu phía trước chính là nền tảng rộng lớn và thẳm sâu của thực tiễn đất nước, của cội nguồn văn hóa lịch sử dân tộc chắc chắn sẽ là một động lực to lớn để mỗi nhà văn trong đó có nhà văn Quân đội trưởng thành hơn, cống hiến được nhiều hơn cho văn học và cho đất nước.

P.V.K