Thứ Ba, 09/07/2019 09:54

Đổi mới phương pháp đào tạo nghệ thuật

Vở nhạc kịch Lá đỏ xuất phát cảm hứng từ ca khúc Lá đỏ của nhạc sĩ Hoàng Hiệp, phổ thơ Nguyễn Đình Thi và được nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát viết kịch bản văn học, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đảm nhiệm phần âm nhạc.

Sau ba năm ra mắt đầy ấn tượng trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội, vở nhạc kịch Lá đỏ do các nghệ sĩ Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam và Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia Việt Nam thể hiện, lại tiếp tục thu hút sự chú ý khi vừa được các nghệ sĩ là giảng viên Trường đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội dàn dựng cùng sự tham gia biểu diễn của các sinh viên. Thành công của vở diễn đã cho thấy phần nào hiệu quả từ những đổi mới trong công tác đào tạo của nhà trường.

Đổi mới phương pháp đào tạo nghệ thuật

Cảnh trong vở nhạc kịch Lá đỏ do sinh viên Trường đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội biểu diễn.

Vở nhạc kịch Lá đỏ xuất phát cảm hứng từ ca khúc Lá đỏ của nhạc sĩ Hoàng Hiệp, phổ thơ Nguyễn Đình Thi và được nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát viết kịch bản văn học, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đảm nhiệm phần âm nhạc. Vở diễn được dàn dựng trong chương trình biểu diễn thực nghiệm, đồng thời cũng là chương trình thi học kỳ của sinh viên Lớp đại học thanh nhạc K8; trung cấp thanh nhạc K36; Múa K34 và 35. Chỉ đạo nghệ thuật và chỉ huy đêm diễn là NSƯT Hà Mạnh Chung, NSND Thu Hà biên đạo múa và dàn dựng sân khấu. Theo Đại tá, NGƯT Nguyễn Xuân Thủy, Hiệu trưởng Trường đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội: “Không chỉ đơn thuần là một chương trình thi và biểu diễn thực nghiệm, giúp sinh viên của nhà trường nâng cao trình độ, nắm bắt kỹ thuật biểu diễn thanh nhạc, múa trong các vở nhạc kịch và thể hiện khả năng của mình, mà việc biểu diễn vở Lá đỏ còn giúp đông đảo khán giả, nhất là các bạn trẻ có dịp thưởng thức và cảm nhận trọn vẹn một tác phẩm ô-pê-ra thuần Việt”.

Xoay quanh câu chuyện có thật đầy bi tráng của tám nữ chiến sĩ thanh niên xung phong hy sinh anh dũng trong khi làm nhiệm vụ trên đường Trường Sơn ở một hang đá tại Quảng Bình, vở nhạc kịch Lá đỏ ngợi ca chủ nghĩa anh hùng cách mạng của bộ đội, thanh niên xung phong mở đường Trường Sơn trong những năm tháng chống Mỹ, cứu nước. Bằng cách xây dựng cốt truyện vừa dồn nén, vừa xúc động, một thời hoa lửa khốc liệt nhưng hào hùng của dân tộc đã được tái hiện chân thực, sinh động, làm dâng trào cảm xúc nơi người xem. Mặc dù nhạc kịch là một thể loại sân khấu khó, nhưng các diễn viên trẻ là sinh viên thể hiện khá tốt các kỹ năng biểu diễn và kỹ thuật thanh nhạc cũng như múa, đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của vở diễn. Trung tá, Thạc sĩ Hồ Thị Hoàng Hà, Phó Chủ nhiệm Khoa Thanh nhạc cho biết: Điểm đặc biệt ở vở nhạc kịch Lá đỏ là các diễn viên sinh viên đều phải hát trực tiếp, không sử dụng mi-crô và âm lượng to, nhỏ đều do chỉ huy dàn nhạc chỉ đạo trong từng phần diễn.

Với việc mạnh dạn để học sinh, sinh viên được trực tiếp tham gia vở diễn, lãnh đạo Trường đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội đã có những đổi mới mạnh mẽ và hiệu quả trong việc tổ chức các chương trình thi, gắn lý luận với thực hành, chuyển từ thi đơn lẻ, cá nhân sang thi tập thể; từ thể hiện các trích đoạn, tác phẩm quy mô nhỏ sang dàn dựng và biểu diễn những tác phẩm quy mô lớn. Qua đó, giúp sinh viên tiếp cận nhanh chóng với biểu diễn sân khấu, rèn luyện kỹ năng làm việc tập thể và vận dụng kiến thức được trang bị để thực hành biểu diễn trên các “sân chơi” lớn. Cùng với vở nhạc kịch Lá đỏ, một chương trình thi của sinh viên Lớp thanh nhạc K7 theo hình thức hát nhóm và tập thể với chủ đề “Bản tình ca người lính” cũng được dàn dựng và biểu diễn miễn phí trong các đêm diễn tại sân khấu nhà trường trong dịp này, được tường thuật trực tiếp trên kênh Youtube, chia sẻ trên các trang mạng, thu hút sự chú ý của giới chuyên môn và các chuyên gia sư phạm múa, thanh nhạc.

Trước vở nhạc kịch Lá đỏ, được sự đồng ý của lãnh đạo nhà trường, từ năm 2018, Khoa Thanh nhạc đã triển khai thí điểm bộ môn thực hành biểu diễn với việc thể hiện các trích đoạn nhạc kịch kinh điển, được các chuyên gia làm nghề và giảng viên nhà trường đánh giá cao cùng phản hồi tích cực từ phía sinh viên. Điều này giúp sinh viên sau khi ra trường có thể đáp ứng được ngay yêu cầu công việc của các đơn vị hoạt động nghệ thuật, đúng với định hướng là đào tạo nguồn nhân lực văn hóa, nghệ thuật cho quân đội và nhu cầu của xã hội.

Nguồn: Nhân dân (Khánh Đan)