Thứ Sáu, 05/07/2019 09:30

Đô thị nhân văn

Tết dương lịch 2019, tôi tới nhà một người bạn Nhật thân thiết quen nhau gần hai mươi năm từ hồi anh làm việc ở Hà Nội. Hôm đó anh mời cả bạn nước ngoài, và giới thiệu tôi là một nhà quy hoạch và nghiên cứu về đô thị.

.TÔ KIÊN

Tết dương lịch 2019, tôi tới nhà một người bạn Nhật thân thiết quen nhau gần hai mươi năm từ hồi anh làm việc ở Hà Nội. Hôm đó anh mời cả bạn nước ngoài, và giới thiệu tôi là một nhà quy hoạch và nghiên cứu về đô thị. Rồi anh chỉ bức tranh “phố Phái” trên tường mà tôi tặng anh nhiều năm trước, bảo: “Đây là khu phố cổ ở Hà Nội do một họa sĩ Việt nổi tiếng vẽ. Tôi từng sống ở đó bốn năm, và anh này (chỉ tôi) đã dành nhiều năm nghiên cứu về bảo tồn di sản và lối sống truyền thống ở nơi này”.
“Một khu vực dân cư và thương mại truyền thống vô cùng náo nhiệt và nhân văn” - anh nhấn giọng, mắt sáng lên. “Nhưng giờ thay đổi quá nhiều rồi”- anh nói thêm, giọng chùng xuống. Tôi biết, anh luôn hoài cổ về Hà Nội xưa. Cậu người Pháp thì nói đã đến Hà Nội vài năm trước và rất sửng sốt vì nhiều xe máy, thích văn hóa vỉa hè sôi động và những gánh hàng rong, còn cô bạn gái người Đức thì bảo mới chỉ tới Sài Gòn và cũng ấn tượng với cà phê vỉa hè, những xe bán hàng dạo, thích lang thang phố “Tây ba lô” và những con hẻm nhỏ.
Sống nhiều năm ở nước ngoài, tôi đã quen với giao lưu quốc tế kiểu vậy, và luôn trở thành một “đại sứ” đầy “màu cờ sắc áo” khi nói về nước mình. Khách nước ngoài đến Việt Nam nhìn chung thích những điều kể trên, thích con người thân thiện và lối sống cộng đồng, những điều họ thấy rất nhân văn. Họ cũng khen người Việt sáng tạo với những thứ nhỏ xinh tinh tế, và kể cả trong nhiều hoạt động đường phố như cách dựng gánh bún phở, cách trưng bày hàng, cách gồng gánh và thồ hàng bằng xe máy. Với họ, những thứ nói trên “rất nhân văn và khác biệt so với các nước khác”, góp phần làm nên bản sắc đô thị Việt.
Họ khiến tôi phải suy nghĩ, rằng đó là cảm xúc cảm nhận của người ngoài cuộc trong những chuyến ghé thăm ngắn ngủi, còn người trong cuộc thì… Hơn nữa, là một quy hoạch gia, tôi cũng muốn tìm câu trả lời cho mình là làm sao để có thể xây dựng và nuôi dưỡng những môi trường sống nhân văn và sáng tạo dựa trên những giá trị truyền thống, song lại không cản trở xã hội phát triển đi lên.
Trong đô thị, các cơ sở hạ tầng kĩ thuật như đường sá, cầu cống, nhà cửa, thiết bị tiện nghi công cộng… là những yếu tố thuộc về phần cứng (hardware) mà tôi thường ví nôm na với những đôi giày. Tuy nhiên, đô thị còn có phần mềm (software) song hành và tương tác với phần cứng, đó là các nhóm người sử dụng với lứa tuổi, giới tính, sinh kế, địa vị xã hội, văn hóa, lối sống… khác nhau - những người đi giày. Điều cần thiết là khi xây cất các phần cứng thì phải mời người sử dụng chúng tham gia vào quá trình đó để đảm bảo sự ăn khớp về mọi mặt, cũng như đóng giày thì phải đo chân người. Ở ta đang thiếu cơ chế tham gia này, mà nhìn chung chỉ quen quy hoạch, thiết kế và triển khai theo kiểu từ trên xuống (top down), tức là cứ đóng một loạt giày theo ý chủ quan, còn có cần thiết và vừa vặn hay không thì… Nếu không quy hoạch hợp lí sẽ dẫn đến phần mềm và phần cứng cọc cạch, không tương sinh mà tương khắc với nhau.
Một hệ sinh thái đô thị thông thường thì gồm phần cứng và phần mềm như vậy. Nhưng một hệ sinh thái đô thị nhân văn thì còn cần một thành tố thứ ba mà tôi gọi là phần… tâm (heartware). Đó là lương tâm, chữ nhân, lòng vị tha, sự thấu cảm và tinh tế trong quy hoạch và quản lí đô thị. Ai không đau đáu trước những vấn đề bất công bất cập về đất đai, về người vô gia cư, nhà ổ chuột, chợ người lao động, hàng rong và quán vỉa hè… trong đô thị?
Mỗi lần về nước tôi có hai cái thú đặc biệt: lang thang ngắm phố phường và ngồi cà phê vỉa hè ngắm… người. Với hai cái thú này, tôi có thể quan sát kĩ và chiêm nghiệm phần cứng, phần mềm và đôi khi cả phần tâm của đô thị.
Câu chuyện “giành lại vỉa hè” là một thí dụ. Vỉa hè có chức năng chính là tạo ra không gian giao thông cho người đi bộ (phần cứng) nên đúng là cần thông thoáng. Tuy nhiên ở Việt Nam và nhiều nước khác, vỉa hè còn mang chức năng kinh tế và văn hóa - xã hội. Đời sống đường phố phản ánh xã hội Việt Nam, góp phần tạo nên bản sắc đô thị. Giáo sư Annette Kim từ Đại học Nam California đã cùng cộng sự ghi chép gần bốn nghìn hoạt động diễn ra trên vỉa hè của sáu phường thuộc địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và phỏng vấn hai trăm năm mươi người bán hàng rong. Kết quả thống kê là có trên một trăm năm mươi hoạt động vỉa hè khác nhau tại khu vực trung tâm thành phố. Con số này cho thấy sự sống động và phong phú của đời sống vỉa hè tùy theo khu vực, địa điểm và thời gian.
Một nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng nền kinh tế phi chính thức có thể tạo ra việc làm cho khoảng ba mươi phần trăm dân số đô thị và đóng góp ít nhất hai mươi phần trăm cho nền kinh tế, và nhận định kinh tế vỉa hè là một phần tất yếu trong các đô thị Việt Nam. Hiện nay, thành phố Hồ Chí Minh đang lên đề án cho thuê vỉa hè, và nếu đề án này được nghiên cứu tỉ mỉ và tính toán công tâm thì sẽ là “win-win” (các bên cùng có lợi).
Ở góc độ phần tâm, dẹp phần lấn chiếm vỉa hè của khách sạn, cửa hàng mặt tiền chưa chắc làm các ông chủ bớt chút giàu có. Nhưng dẹp bỏ những người sống bám vỉa hè có thể làm nhiều gia cảnh thêm khốn khó và nhiều đứa trẻ mất cơ hội đến trường hay thêm manh áo mới.
Về khía cạnh văn hóa, vỉa hè có phần lộn xộn và tràn ngập các hoạt động sống tạo nên cái hồn đô thị (như ở New York, Rome hay Tokyo) hấp dẫn du khách và là nguồn cảm hứng cho các nghệ sĩ hơn nhiều so với một thành phố mà vỉa hè trống trơn và không một cọng rác (như ở Singapore). Trên thế giới, rất nhiều không gian vỉa hè được phục dựng theo đặc tính văn hóa của nó rất thành công.
Một thí dụ khác là câu chuyện tái định cư trong quá trình phát triển mới hoặc “giãn dân”. Khi chính quyền di dời dân trong khu phố cổ Hà Nội ra các khu ở mới ở ngoại ô, thoạt nhìn dưới góc độ phần cứng thì chúng ta sẽ tưởng người dân vui mừng vì được “đổi đời” với không gian sống thoáng đãng, tiện nghi và “văn minh” hơn. Nhưng trên thực tế, nhiều người không muốn di dời vì khó thích nghi với môi trường sống mới. Họ đã quá quen bám đường, bám chợ với không gian văn hóa - xã hội truyền thống, đi là mất xóm giềng bạn bè, mất chợ mất chùa, và nguy hiểm nhất là mất kế sinh nhai. Vì thế mới có cảnh, các khu tái định cư ven đô nhanh chóng biến thành một kiểu “làng phố theo chiều đứng”, với cô bán phở tầng bảy, bác cắt tóc tầng ba, và hành lang chung biến thành “sân đình” mỗi dịp lễ tết... Nói cách khác, phần cứng mới hoàn toàn không phù hợp và không đủ hấp dẫn phần mềm cũ, khiến họ phải bất đắc dĩ biến tấu không gian để duy trì cuộc sống.
Nhìn chung, quy hoạch và quản lí đô thị ở ta yếu cả về tâm lẫn về tầm. Nhưng nếu cầu thị và lắng nghe tiếng nói của các chuyên gia và người dân thì các nhà quản lí sẽ nâng cao được cả hai, từ đó thấu hiểu hơn nhu cầu, tâm tư và nguyện vọng của người dân để có giải pháp phù hợp và nhân văn hơn.
Trong hệ sinh thái đô thị nhân văn, chúng ta cần lưu tâm những khía cạnh gì? Theo tôi, có ít nhất ba điều cần được bảo đảm: nhân văn với lịch sử, với môi trường thiên nhiên, và với cộng đồng quanh ta.
Trước hết, nhân văn với lịch sử. Lang thang quan sát mới thấy cả Hà Nội quê tôi hay Sài Gòn nơi tôi thường ghé thăm đều phát triển nóng, thay da đổi thịt quá nhanh. Bên cạnh vẻ hiện đại và sự khang trang thịnh vượng, nhiều công trình và biệt thự cổ đã biến mất, nhường chỗ cho kiến trúc toàn cầu với bê tông, kính, thép vô bản sắc. Ngay cả những công trình không cổ nhưng đại diện cho một thời kì lịch sử như chung cư 42 Nguyễn Huệ - một tòa nhà đặc sắc về nhiều khía cạnh như lịch sử, văn hóa, xã hội với rất nhiều quán cà phê và shop mang phong cách sáng tạo ở thành phố Hồ Chí Minh - cũng sắp phải chịu chung số phận. Một thành phố không còn di sản là một thành phố không có kí ức và nghèo nàn về tâm hồn.
Đáng buồn hơn, các nhà đầu tư không chỉ phá nhỏ lẻ mà còn “bứng cả cụm”, điển hình là khu xưởng đóng tàu Ba Son cũ - di sản hàng hải và công nghiệp độc đáo của nước nhà. Ở Singapore, một khu kho tàng bến bãi cũ ven sông tương tự như Ba Son đã được cải tạo vô cùng khôn ngoan để trở thành khu Clarke Quay lừng danh về du lịch. Theo thống kê năm 2012, khu chơi đêm nổi tiếng này mỗi tháng đón khoảng một triệu khách, đóng góp khoảng 0,5 phần trăm GDP quốc gia, tạo hơn hai mươi ngàn công ăn việc làm. Tương tự như vậy, ở thành phố Yokohama, Nhật Bản, ụ tàu cũ đã trở thành bảo tàng Cảng Yokohama, và khu nhà xưởng cũ gần đó đã được cải tạo thành khu nhà xưởng Gạch đỏ (Akarenga) - một điểm tham quan nổi tiếng với những cửa hàng sang trọng bên trong và các không gian tổ chức sự kiện ngoài trời.
Gần đây tôi có viết báo và thuyết trình hội thảo về khía cạnh du lịch là “nồi cơm Thạch Sanh” gắn kết phát triển và bảo tồn. Nếu gìn giữ được bản sắc địa phương (trong đó di sản đóng góp không nhỏ) thì sẽ giúp cho du lịch phát triển bền vững và trở thành “nồi cơm Thạch Sanh” mang lại nguồn thu ổn định và lâu dài cho địa phương đó.
Không phải mọi cái cũ kĩ là kém giá trị và cần làm mới. Một thành phố ở Ấn Độ đã giữ lại một khu vực rất nhiều “rác trời” (mớ dây điện và viễn thông các loại) và quảng bá thành điểm tham quan du lịch hút khách Tây.
Ở ta, chuỗi Cà phê Cộng đã khéo tận dụng tranh cổ động và chủ đề thời bao cấp để hút khách. Còn ở dự án Làng nghệ thuật cộng đồng Tam Thanh (Tam Kì, Quảng Nam) do tôi đồng khởi xướng và đồng chủ nhiệm (tiếp nối thành công của dự án Làng bích họa Tam Thanh do Korea Foundation phối hợp với UN Habitat thực hiện), thay vì đập bỏ xây mới nhà văn hóa thôn Hạ Thanh cũ nát với nhiều dấu tích trang trí và vật dụng thời bao cấp, chúng tôi đã đưa ra ý tưởng biến công trình này trở thành bảo tàng ngư nghiệp và trường quay phim về thời bao cấp.
Vấn đề nhân văn với môi trường cũng ngày càng cấp bách. Nếu mỗi người trong chúng ta giảm bớt khí thải bằng việc tăng cường đạp xe và đi bộ, cũng là kết hợp để nâng cao sức khỏe, rồi tham gia vào việc giữ gìn và trồng cây xanh, cây cảnh ở nhà riêng cũng như nơi mình sống, thì môi trường sống sẽ được cải thiện rất nhiều.
Chúng ta cũng có thể nhân văn với môi trường bằng cách giảm tối đa rác thải. Năm 2016, khi sống và làm việc ở Singapore, tôi có viết một bài xã luận đăng tải trên Channel News Asia tựa đề: To truly make a big cut, go beyond recycling (Để thực sự cắt giảm tối đa rác thải, cần làm nhiều hơn cả tái chế). Cùng với một phóng sự video đi kèm, bài báo đã gây được tiếng vang tại Singapore, với hơn ba trăm ngàn lượt view và vài ngàn lượt chia sẻ trên facebook của tờ báo. Trong bài này, tôi có viết về “5R” (refrain: kìm lòng trong tiêu dùng; reduce: giảm tiêu dùng; reuse: tái sử dụng; recycle: tái chế; và remake: tái tạo thành vật dụng khác). Riêng remake được đánh giá là có nhiều tiềm năng nhất để chắp cánh cho sáng tạo. Ở Việt Nam, rất nhiều cửa hàng được trang trí bằng những vật dụng cũ theo cách tái tạo như vậy. Con đường đi này vừa thân thiện với môi trường, vừa tiết kiệm chi phí, lại vừa giúp công nghiệp sáng tạo phát triển.
Cuối cùng, nhân văn với cộng đồng quanh ta. Mỗi lần cà phê vỉa hè, có biết bao chuyện phi nhân văn cứ lọt vào tai. Tiếng rao báo An ninh Thủ đô ra rả những chuyện án mạng, lừa đảo, cướp giật đầy phản cảm, rồi chuyện lừa đảo, bạo lực, ngoại tình được kể bởi khách ngồi gần đó, thậm chí cả khi có những đứa trẻ đang ở cạnh. Tôi hoảng sợ khi nghĩ đến những hệ lụy vô hình ảnh hưởng lên tâm thức của một thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước. Vì sao những “chuyện tử tế” không được gieo vào tai theo cách tương tự, để chúng ta có thể sống nhân văn hơn với nhau?
Ngồi vỉa hè ngắm đời sống đường phố và hàng rong qua lại, tôi không khỏi xót xa khi chứng kiến cảnh lực lượng chức năng đi dẹp quán vỉa hè, truy đuổi hàng rong và tịch thu phương tiện sinh kế, mặc cho cư dân vỉa hè quỳ khóc van xin.
Trong dự án ở Tam Thanh, chúng tôi rất chú trọng đến tính nhân văn của dự án, làm sao để người dân thêm yêu nơi mình sống và sống hạnh phúc hơn. Tôi còn nhớ cảm giác xúc động mạnh khi phỏng vấn một cụ bà bán nước. Cụ rơm rớm kể, nhờ có dự án làng bích họa và sau đó là làng nghệ thuật mà khách du lịch đến với làng chài nghèo Tam Thanh, từ đó đời sống nơi đây được cải thiện hẳn. Gia đình cụ mở cửa hàng kiếm đồng ra đồng vào, cuộc sống thêm vui và ý nghĩa hơn xưa nhiều.
Việt Nam có dân số trẻ, và thế hệ trẻ đang hội nhập quốc tế nhanh. Nhiều bạn trẻ năng động, cấp tiến và sáng tạo. Một số trở thành thủ lĩnh của những sáng kiến và phong trào canh tân. Đầu tiên là từ trong các gia đình. Họ sáng tạo, đổi mới và làm gương cho cả nhà. Tiếp đến, họ tạo hiệu ứng lan tỏa trong xóm giềng và cộng đồng nơi mình ở, rồi tới nơi mình học tập hoặc công tác. Cuối cùng là lan tỏa rộng ra xã hội, và trở thành những tấm gương tốt. Internet và mạng xã hội giúp cho những sáng kiến và sáng tạo của họ bay nhanh và xa. Họ cho cả cộng đồng thấy đổi mới và sáng tạo nằm trong tầm tay của mỗi cá nhân và tập thể, để góp phần cải thiện môi trường sống cho chính bản thân, gia đình và cộng đồng.
Những năm gần đây đã chứng kiến những dự án “muôn hoa đua nở” thú vị và đầy ý nghĩa của các nhóm xã hội như “Sen trong phố” ở Hà Nội (biến bãi rác thành vườn hoa), Think Playground (xây sân chơi và không gian công cộng trên cả nước), Green Trees và Câu lạc bộ sống xanh, “Đại học không giảng đường” ở miền Trung, Arts Build Communities ở Hà Nội, cũng như các diễn đàn trao đổi của AgoHub, Cà phê Thứ Bảy… mà tôi không thể điểm hết. Đây là “kênh không chính thức” để tiếp sức ngoạn mục cho “kênh truyền thống” là những dự án và hoạt động của các tổ chức uy tín quốc tế và trong nước như UN Habitat Việt Nam, Viện Goethe, L’Alliance Française, Hội đồng Anh, Korea Foundation, Japan Foundation, HealthBridge Vietnam, Trung tâm Hành động vì sự phát triển đô thị (Action for the City)… và Trung tâm Sáng kiến đô thị (UIHub) mới được thành lập.
Ngẫm cho cùng, “nhân chi sơ, tính bản thiện”. Và, “cần cả làng để nuôi dạy một đứa trẻ” (It takes a village to raise a child, câu ngạn ngữ châu Phi chỉ việc hoàn thiện nhân cách từ tương tác với cả cộng đồng).
Điều cần làm là khơi gợi được tính thiện, hướng thiện trong mỗi con người để tạo nên tính nhân văn trong hệ sinh thái đô thị, từ đó truyền cảm hứng cho những sáng tạo lan tỏa khắp cộng đồng. Và khi con người ta sáng tạo và sống nhân văn với nhau, họ sẽ hạnh phúc

Tokyo, những ngày đầu năm 2019
T.K