Thứ Sáu, 28/08/2020 15:41

Đỗ Khải và những bức tranh sen

Hoa là một đề tài quen thuộc của hội họa, thuộc thể loại tĩnh vật. Dường như mỗi họa sĩ trong đời cầm cọ đều muốn được một lần thử sức với đề tài này...  (THU SANG)

. THU SANG

Hoa là một đề tài quen thuộc của hội họa, thuộc thể loại tĩnh vật. Dường như mỗi họa sĩ trong đời cầm cọ đều muốn được một lần thử sức với đề tài này. Trong giới hội họa nước nhà, có nhiều họa sĩ vẽ hoa đẹp, nhưng không phải ai cũng tâm huyết đến độ chịu mang vác đồ nghề lỉnh kỉnh đi trực họa hoa. Ở đây, tôi muốn nhắc đến một họa sĩ rất “chịu khó” mang họa phẩm ra khỏi nhà để tầm hoa - họa sĩ Đỗ Khải.

Đỗ Khải là một trường hợp khá “dị” của hội họa Việt đương đại. Đang là giáo viên tiểu học, anh bỏ ngang, đi học Đại học Mĩ thuật để thỏa mãn niềm đam mê với hội họa. Sau khi tốt nghiệp, Đỗ Khải ra khỏi biên chế nhà nước, lui về “ở ẩn” để toàn tâm toàn ý cho sáng tác. Ngoài đề tài cầu Long Biên, đề tài sinh hoạt của người lao động thì Đỗ Khải còn được biết đến là họa sĩ chuyên vẽ sen.

Sen dễ vẽ nhưng vẽ để toát lên cái thần thái riêng thì thực khó. Không như các loài hoa khác, sen không thể vẽ theo kiểu “ào ạt” được. Vẽ sen cần tĩnh lặng, không vội vã, nhưng vẫn phải chuyển tải được những cảm xúc mới mẻ, tinh khôi, bất chợt của người họa sĩ.

Hầu hết các bức tranh sen đều do Đỗ Khải vẽ trực tiếp tại hồ sen Gia Lâm - nơi gia đình anh đang sinh sống và làm việc. Tranh sen của Khải đa dạng và hư ảo. Sen của anh chủ yếu là những gam màu trắng, lớt phớt hồng, xanh và ghi. Màu trắng cho hoa sen, màu xanh cho lá sen và màu ghi cho lá úa sắp lụi tàn. Nhìn qua, người xem tưởng như hoạ sĩ sử dụng ít màu nhưng kì thực khi xem kĩ thì mỗi bức tranh lại là một “bản giao hưởng” của sắc màu.

Ở chất liệu sơn mài, sen được rắc trứng trắng, có chỗ là trứng nướng hơi ngả nâu để tạo lớp lang, chuyển màu biểu thị các cánh trước sau của hoa rất mềm mại. Đỗ Khải đi nét những cánh sen trong sơn mài rất khéo. Anh dùng màu nâu cánh gián để đi những viền cánh hoa bằng nét nhỏ, thanh mảnh khiến ta như thấy những bông sen đang rất múp hiện lên đầy ý nhị: lúc che giấu, ẩn mình sau những tán lá như người phụ nữ thẹn thùng, ngại ngùng, khi lại lộ ra rõ như người phụ nữ đẹp xuất hiện cho mọi người cùng ngắm.

Trong sơn dầu không phải lúc nào cánh sen cũng lộ ra rõ mồn một như ở sơn mài. Nét đen thể hiện viền cánh hoa lúc ẩn lúc hiện lớp lang giữa những sắc màu. Sen trong sơn dầu của Đỗ Khải thể hiện sự viên mãn, tròn đầy. Những cánh sen bung tỏa hết mình, tròn trịa như ngát hương hết mình dâng cho đời. Dường như họa sĩ muốn cho người xem nhận thấy rằng dù ở hoàn cảnh nào, sen vẫn sống một cuộc sống của riêng mình, một cuộc sống rất…sen.

Bức tranh Huyền thoại bất tử với chất liệu sơn mài là bức tranh khá nổi tiếng của anh. Sen trong Huyền thoại bất tử ít nhưng “chất”, được tạo hình lạ. Trong tranh Đỗ Khải vẽ những bông hoa sen “mọc” trên đầu cây súng. Anh đã dùng từng mảnh ghép của vỏ trứng trắng để vẽ những bông sen trắng trên những cây súng thép lạnh lẽo. Một hình ảnh mang nhiều hàm nghĩa.

Sen tượng trưng cho sự trắng trong của những linh hồn liệt sĩ - những con người khi “ngã vào lòng đất vẫn con trai”. Sen như nén tâm hương, lòng biết ơn, sự thành kính của người dân Việt trước những hi sinh của các liệt sĩ cho dân tộc, Tổ quốc. Sen trong Huyền thoại bất tử chính là biểu tượng cho hồn cốt dân tộc, cho tính cách, tâm hồn con người Việt. Bức tranh đã được Bảo tàng Mĩ thuật thành phố Đà Nẵng mua, đạt giải thưởng của Hội Mĩ thuật Việt Nam năm 2016 và giải thưởng Côn Sơn của Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương.

Trong trại sáng tác mĩ thuật đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng tại Đà Nẵng năm 2017 do Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam tổ chức, Đỗ Khải cũng kịp hoàn thiện bức sơn dầu có sự góp mặt của sen. Trên nền tranh câm hư ảo, họa sĩ vẽ một góc không gian cột đình chạm trổ đang bị cháy rụi, khói bốc lên nghi ngút với gam màu nâu, đen thể hiện sự đau thương, tàn lụi. Những bông hoa sen xanh, vàng được cắm vào ống vỏ đạn súng cối để trên cột đình cũng vì thế mà nghiêng ngả, gập cành, gãy đổ.

Chi tiết sen cắm lên vỏ đạn gợi những hoài niệm về đời sống sinh hoạt của người Việt trong chiến tranh. Khi đất nước đang ùng oàng tiếng súng, người Việt thường tận dụng những phế phẩm của chiến tranh làm đồ dùng hàng ngày như vỏ bom bi dùng làm máng lợn, lược làm từ vỏ máy bay hợp kim, kẻng được làm từ vỏ bom, chiếc dù của lính Mĩ được tận dụng làm áo ngụy trang, bình cắm hoa tận dụng từ vỏ đạn pháo, vỏ đạn súng cối…

Ngoài việc gợi lại lối sống một thời trong giai đoạn chiến tranh, hình ảnh sen cắm trên vỏ đạn còn biểu thị cho khát vọng, niềm tin vào hòa bình, vào hạnh phúc tái sinh từ tro tàn, cho quan niệm “còn da lông mọc, còn chồi nảy cây” đầy tinh thần lạc quan của người Việt trong gian khó.

Trong khuôn khổ “Những ngày văn hóa Việt Nam tại Liên bang Nga”, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam triển lãm tranh sơn mài từ ngày 22 đến 28/5/2019 tại Bảo tàng Lịch sử đương đại Nga (Moskva), họa sĩ Đỗ Khải đã góp mặt bằng hai tác phẩm trong sự kiện này, trong đó có một bức vẽ sen.

Ở bức tranh này, sen được khắc họa trong nhiều khoảnh khắc khác nhau, theo một bố cục chặt chẽ. Bốn bông sen - bông nụ còn e ấp ở dưới, bông đang dần nở, bông nở được một phần và bông nở rực rỡ, tự tin phô diễn vẻ đẹp của mình - được bố trí theo thứ tự từ dưới lên đến đỉnh bức tranh, mang khát vọng về một “Việt Nam hùng cường” vươn mình ra thế giới.

Gần đây, tại một sự kiện rất ý nghĩa là Đấu giá tác phẩm nghệ thuật - Vượt qua đại dịch Covid-19, Đỗ Khải cũng tham gia hiến tặng một bức sơn dầu về sen rất đẹp với mong muốn số tiền thu được sẽ trao đến các bệnh viện, các y bác sĩ đang ở tuyến đầu chống dịch. Trên nền màu xanh thẫm của những lá sen úa tàn choán gần hết bức tranh, bật lên hình ảnh một bông sen hồng - màu của máu, của sự chiến đấu - như lột tả ý chí kiên cường của người dân Việt trong những thời khắc cả nước gồng mình tham gia một cuộc chiến chưa từng có trong lịch sử.

Một bức tranh đẹp. Đẹp về nghệ thuật và hơn hết là đẹp về tình người, về ý nghĩa, về thể hiện trách nhiệm công dân của người họa sĩ với đất nước, dân tộc

T.S