Chủ Nhật, 22/08/2021 14:23

Dịch thuật thời 4.0: cơ hội và thử thách

Hằng năm, các nhà sách, nhà xuất bản vẫn phát hành đều đặn các cuốn sách dịch, nhưng vẫn còn rất nhiều cuốn sách quan trọng của thế giới mà chúng ta chưa tiếp cận được.

 Trong bối cảnh những kết nối toàn cầu đang trở nên sâu rộng thì dịch thuật chính là một công việc hết sức quan trọng khi góp phần phá vỡ những rào cản ngôn ngữ. Sự phát triển của công nghệ và các phần mềm ứng dụng là đặc trưng của thời đại 4.0, bên cạnh những ưu điểm vượt trội thì cũng đặt ra nhiều vấn đề đáng quan tâm cho các ngành khác, trong đó có dịch thuật.

Rất nhiều người đã đặt ra câu hỏi, liệu công nghệ, phần mềm một lúc nào đó có thay thế hoàn toàn cho con người làm nhiệm vụ dịch thuật? Sáng 21/8/2021 Quảng Văn book - đơn vị xuất bản, phát hành sách đã tổ chức buổi toạ đàm online Hướng đi nào cho ngành dịch thuật thời 4.0 để các diễn giả cùng trò chuyện, trao đổi về vấn đề này.

Dịch giả Lê Huy Hoàng khẳng định: Công nghệ thực sự đã len lỏi sâu vào rất nhiều lĩnh vực, trong đó có dịch thuật. Nhưng dịch thuật cũng là công việc hết sức con người. Công nghệ và các phần mềm ứng dụng hỗ trợ rất tốt cho dịch thuật nhưng không thể thay thế được vị trí của con người. Nó có thể dùng để đọc, nghiên cứu tài liệu, tra cứu... Có một thực trạng là, hiện nay một số người đã lạm dụng các ứng dụng dịch bằng công nghệ để làm ra những sản phẩm thiếu chất lượng, thiếu chuyên nghiệp. Đây là sự tiêu cực mà công nghệ đem lại, làm ảnh hưởng không nhỏ đến lĩnh vực dịch thuật. Giọng điệu, cách hành văn, cảm xúc, sự chi tiết, cẩn thận là thứ mà các ứng dụng không thể thay thế cho con người.

Dịch giả Lê Huy Hoàng là Th.s, Nghiên cứu sinh ngành ngôn ngữ học Đại học sư phạm Hoa Đông, giảng viên Khoa tiếng Trung Quốc - ĐHSP Hà Nội 2. Anh là dịch giả của một số cuốn sách như Tiệm đồ cổ Á Xá, Cha mẹ là giáo viên âm nhạc tốt nhất của con, Vì không có cánh nên phải chạy,…

Đứng trước việc nhiều người lạm dụng công nghệ mà thiếu nghiêm túc, trách nhiệm trước bản dịch, thì những dịch giả thực sự tâm huyết, đam mê với nghề cần phải chứng tỏ rõ ràng hơn bản lĩnh của mình bằng khả năng chuyên môn.

Theo dịch giả Lê Vân: Biên dịch cần phải giỏi ngoại ngữ, thực hành dịch tốt và am hiểu lĩnh vực dịch. Tính chuyên nghiệp của dịch giả thể hiện qua việc trải qua quy trình đào tạo chuyên nghiệp, gắn bó với nghề, có phương pháp dịch, có quan điểm lựa chọn chứ không phải cảm tính. Dịch giả cần phải có kĩ năng, thái độ và kiến thức. Công nghệ, máy móc giúp chúng ta tiết kiệm thời gian, đáp ứng nhu cầu cao của con người nhưng hãy xem đó chỉ là công cụ hỗ trợ và phải kiểm soát được nó khi sử dụng.

Hiện nay, số lượng sinh viên được đào tạo ngành ngôn ngữ ở Việt Nam là khá lớn. Không ít bạn tham gia buổi toạ đàm bày tỏ sự lo lắng về sự cạnh tranh có thể là với chính các ứng dụng trong tương lai. Nhưng vấn đề cốt yếu ở chỗ, trí tuệ nhân tạo làm việc về ngôn ngữ nhưng không thể có cơ chế ngôn ngữ của não bộ. Sự cạnh tranh sẽ đến trong tất cả các lĩnh vực, ngành nghề chứ không đến từ máy móc, ứng dụng. Điều quan trọng là trình độ của chính của cá nhân mỗi dịch giả.

Dịch giả cần phải đảm bảo cả hai yếu tố ngôn ngữ gốc và ngôn ngữ được dịch. Dịch giả phải là người đọc sách nhiều, nếu không đọc sẽ không thể dịch ra được những cuốn sách tốt. Dịch sẽ động đến rất nhiều lĩnh vực chuyên sâu, nên cần sự am hiểu, cần phải tự học hỏi và trau dồi, trang bị kiến thức cho mình.

Dịch giả Lê Hồng Vân là người có 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực dịch thuật, chị đã từng làm biên dịch viên cho các đơn vị xuất bản, phát hành sách như: Nhã Nam, Thaihabooks, Nhà xuất bản Tri Thức, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Quảng Văn… Chị từng là giảng viên tiếng Anh, Đại học Quốc gia Hà Nội - Đại học Khoa học Tự nhiên và giảng viên biên phiên dịch, Đại học Quốc gia Hà Nội - ULIS. Các tác phẩm tiêu biểu của chị có thể kể đến: Ánh lửa trong tro tàn, Đứa con của sói, Người đàn ông lịch lãm

Dịch giả Lê Vân cho rằng: Trình độ người đọc hiện nay rất cao nên có sự so sánh giữa bản gốc và bản dịch. Điều đó thúc đẩy dịch giả phải tìm tòi kiến thức, biết nghi ngờ những điều mình đã biết trong các bối cảnh khác nhau. Mở rộng kiến thức của bản thân, biết tìm và đánh giá được thông tin.

Ở Việt Nam, sau thế hệ những dịch giả gạo cội chuyên nghiệp như Thuý Toàn, Thái Bá Tân…, về sau có xuất hiện nhiều thế hệ dịch giả được đào tạo bài bản, tuy nhiên hầu hết họ đều làm những công việc chính khác nhau mà chưa thể chuyên tâm vào dịch thuật. Thời gian qua, mảng dịch thuật ở Việt Nam cũng rất được quan tâm, chú trọng. Tuy nhiên, so với mặt bằng chung trên thế giới, dịch thuật ở ta vẫn đang khá là thưa vắng. Hằng năm, các nhà sách, nhà xuất bản vẫn phát hành đều đặn các cuốn sách dịch, nhưng vẫn còn rất nhiều cuốn sách quan trọng của thế giới mà chúng ta chưa tiếp cận được.

Như vậy nghĩa là tương lai và cơ hội vẫn luôn rộng mở với ngành dịch thuật. Sự phát triển của công nghệ có vượt bậc tới đâu thì chúng ta cũng vẫn thực sự cần những dịch giả đam mê, tài năng để đem về những bản dịch giá trị.

Dịch giả Lê Huy Hoàng cho rằng: Áp lực lớn nhất với một dịch giả thời nay là làm cho bản thân mình hài lòng với bản dịch. Nghĩa là dịch giả phải tự nghiêm túc, khó tính với chính mình. Các bạn cũng cần đặc biệt lưu ý, phải giỏi về tiếng Việt bên cạnh việc giỏi ngoại ngữ; phải có khả năng đọc và viết đủ tốt; có tư duy ngôn ngữ tốt; giao lưu học hỏi người đi trước. Một điều quan trọng nữa là phải đọc kĩ và am hiểu tác phẩm như là đối thoại với tác giả.

HOÀI PHƯƠNG