Thứ Tư, 18/09/2019 00:14

Đi tìm cảm hứng

Ba mươi năm trước, khi tôi còn là một người mới học sáng tác, để đi tìm cảm hứng, tôi đã từng nhiều lần ra ngoài vào ban đêm, đi dọc theo bờ sông, đối diện với mặt trăng, đi thẳng về phía trước, cho đến khi gà gáy báo trời sắp sáng tôi mới trở về nhà.

. Tùy bút của Mạc Ngôn

Mạc Ngôn sinh ngày 17/2/1955 tại huyện Cao Mật, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, là một nhà văn xuất thân từ nông dân. Ông được biết đến nhất ở tác phẩm Cao lương đỏ được đạo diễn nổi tiếng Trương Nghệ Mưu chuyển thể thành phim và đạt giải Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes năm 1994. Thiếu thời, ông từng nghỉ học tiểu học giữa chừng do Cách mạng văn hoá và phải tham gia lao động nhiều năm ở nông thôn, luôn ở trong hoàn cảnh đói khát và cô đơn. Nhập ngũ năm 1976, đến năm 1984, ông trúng truyển vào Khoa văn thuộc Học viện Nghệ thuật Quân giải phóng và tốt nghiệp năm 1986. Năm 1987 ông chuyển ngành, sang hoạt động trên lĩnh vực báo chí và viết văn chuyên nghiệp. Năm 1981 ông bắt đầu công bố tác phẩm và đến nay, ông đã cho in 10 truyện dài, 20 truyện vừa, hơn 60 truyện ngắn và 5 tuyển tập những bài ký, phóng sự, tùy bút..., tổng cộng trên 200 tác phẩm. Hiện nay, ông là sáng tác viên bậc 1 của Cục chính trị - Bộ Tổng tham mưu Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Ông được trao giải Nobel Văn học năm 2012.

----

Ba mươi năm trước, khi tôi còn là một người mới học sáng tác, để đi tìm cảm hứng, tôi đã từng nhiều lần ra ngoài vào ban đêm, đi dọc theo bờ sông, đối diện với mặt trăng, đi thẳng về phía trước, cho đến khi gà gáy báo trời sắp sáng tôi mới trở về nhà.

Thuở thiếu thời tôi rất nhút nhát, ban đêm tôi không dám ra ngoài, ban ngày không dám lội xuống ruộng. Những đứa trẻ khác thì cắt được rất nhiều cỏ mang về nhà, còn tôi thường chỉ cắt được chưa đầy một rổ. Bố mẹ biết tôi nhút nhát nên đã nhiều lần căn vặn tôi: “Rốt cuộc là con sợ cái gì?” Tôi nói tôi cũng không biết là sợ cái gì, nhưng tôi cứ sợ. Những lúc đi ngoài đường, tôi thường cảm thấy có người lẵng nhẵng bám theo sau. Tôi là người xuống ruộng, bất cứ lúc nào cũng luôn cảm thấy có một cái gì đó nhảy vụt lên. Lúc đi ngang qua các cây to, tôi luôn cảm thấy từ trên cây bỗng nhiên có cái gì đó nhảy xuống. Khi đi ngang qua những ngôi mộ, tôi luôn cảm thấy có cái gì đó nhảy ra từ trong mộ. Nhìn các xoáy nước trên sông, tôi luôn cảm thấy trong xoáy nước có một cái gì đó rất kì quái đang lẩn trốn... Tôi nói với mẹ rằng tôi thực sự không biết là sợ cái gì, nhưng cứ sợ. Mẹ tôi nói: “Trên thế giới này, tất cả mọi thứ đều sợ con người! Con rắn độc, con thú dữ sợ con người, ma quỷ, yêu quái cũng sợ con người. Vì vậy, con người không phải sợ cái gì cả.” Tôi tin rằng mẹ tôi nói đúng, nhưng tôi vẫn sợ. Sau đó, tôi trở thành người lính, đứng gác vào ban đêm, trong tay cầm một khẩu súng tiểu liên, một hộp đạn trong đó có ba mươi viên, nhưng tôi vẫn cảm thấy sợ. Tôi là người đứng ở vị trí canh gác, luôn cảm thấy lạnh sởn tóc gáy, dường như có một người nào đó đang thổi vào gáy tôi. Tôi đột nhiên quay lại, nhưng chẳng có ai cả.

Bởi vì văn học, tính can đảm của tôi cuối cùng cũng đã lớn lên. Vào một năm, khi ngủ đến nửa đêm, nhìn thấy ánh trăng sáng lọt qua khung cửa sổ chiếu vào, tôi mặc quần áo và lặng lẽ ra khỏi nhà, đi dọc theo con hẻm, leo lên bờ đê. Mặt trăng treo trên cao, một ngôi làng yên tĩnh, mặt sông lấp lánh ánh bạc, không gian im lặng như tờ. Tôi bước ra khỏi làng, đi xuống cánh đồng. Bên trái là dòng sông, bên phải là những ruộng ngô và cao lương. Tất cả mọi người đang say giấc ngủ, tôi là người duy nhất đang thức. Tôi bỗng cảm thấy chiếm được một món lợi rất lớn. Tôi cảm thấy rằng, trên cánh đồng bát ngát này, hoa màu tươi tốt này, bao gồm cả bầu trời rộng lớn và mặt trăng chiếu sáng này là những thứ chuẩn bị cho tôi. Tôi cảm thấy mình thật là vĩ đại. Tôi biết đêm trăng của tôi làm theo ý mình là vì văn học, tôi biết rằng một nhà văn phải là một người không bình thường. Tôi biết nhiều nhà văn đã từng làm những việc mà người bình thường không dám làm hoặc không muốn làm, tôi cảm thấy đêm trăng của tôi làm theo ý mình đã làm giãn rộng khoảng cách giữa tôi với kẻ phàm phu tục tử. Tất nhiên trong con mắt của người đời, điều này rất hoang đường và cũng rất buồn cười.

Tôi ngẩng đầu nhìn lên mặt trăng, cúi đầu nhìn xuống bãi cỏ, lắng tai nghe nước sông. Tôi bước xuống ruộng cao lương nghe tiếng rì rầm của những cây cao lương đang lớn lên. Tôi nằm bò trên mặt đất, cảm thấy sự run rẩy của trái đất, ngửi thấy mùi vị của đất trồng. Tôi cảm thấy thu hoạch được rất nhiều, nhưng cũng không biết cuối cùng thu hoạch được cái gì.

Vào nửa đêm, mấy lần tôi liên tục ra ngoài, tới lúc bình minh mới về nhà, tất nhiên cha mẹ và vợ tôi có biết, nhưng tuyệt nhiên không bao giờ hỏi tôi bất cứ điều gì. Chỉ có một lần, tôi nghe mẹ nói với vợ tôi rằng, nó từ một người nhút nhát, trời tối không dám ra ngoài, bây giờ đã can đảm lắm rồi.

Tôi đã nhiều lần trả lời về vấn đề văn học có những tác dụng gì, nhưng không nghĩ tới lời của mẹ tôi, bây giờ đột nhiên nhớ lại, có thể nói nhanh rằng: Nếu lại có người hỏi tôi câu hỏi: văn học có những chức năng gì, tôi sẽ trả lời anh ta: Văn học làm cho con người can đảm lên.

Lòng can đảm chính trực, thực ra cũng không phải là giết người trong nháy mắt, thực ra cũng không phải là xem cái chết nhẹ tựa lông hồng, thực ra cũng không phải là lấy cắp tiền của nhà nước mà mặt không biến sắc, tim không đánh trống ngực, mà là một dạng tinh thần suy nghĩ độc lập, không nghe theo số đông, không bị dư luận chi phối, dám nói và làm theo dẫn dắt của lương tâm.

Trong những đêm trăng ấy, tôi tự nhiên không tìm thấy bất kì nguồn cảm hứng nào, nhưng tôi cảm thụ được tâm trạng đi tìm cảm hứng. Tất nhiên, trong những đêm trăng ấy, tất cả những nơi tôi cảm thụ, sau này đã trở thành cơ sở cho những cảm hứng của tôi.

Lần đầu tiên tôi cảm thấy cảm hứng là vào mùa đông năm 1984, khi tôi viết “Củ cà rốt trong suốt”. Lúc đó tôi đang học tại Học viện Nghệ thuật Giải phóng quân. Một buổi sáng, trước khi thức dậy mà không có tiếng kèn báo thức vang lên, tôi mơ thấy một củ cải rất to, củ cải ở trong một túp lều tranh. Mặt trời mới mọc, giữa trời và đất là một bức tranh rực rỡ.

Từ nơi mặt trời mọc, có một người phụ nữ đẫy đà mặc áo đỏ đi tới, tay cầm một chiếc đinh ba xiên cá, trên mũi đinh ba có một củ cà rốt dường như lộ ra rất rõ và tỏa ánh sáng lấp lánh...

Giấc mơ này khiến tôi cảm thấy rất xúc động. Tôi ngồi xuống viết và bản thảo đầu tiên chỉ mất có một tuần. Tất nhiên, chỉ có vẻn vẹn những hình ảnh trong một giấc mơ không thể làm nên một cuốn tiểu thuyết. Dĩ nhiên, những giấc mơ như thế này bộ tiểu thuyết cũng không có căn cứ để ra đời. Nó có liên quan với cuộc sống trong quá khứ của tôi, cũng liên quan với cuộc sống hiện tại của tôi. Giấc mơ này, làm thức tỉnh trí nhớ của tôi, tôi nhớ lại thuở thiếu thời trên công trường xây dựng cầu, đã cho tôi sự từng trải của một người thợ rèn đang học nghề, tôi nhớ tới quá khứ đau thương.bị bắt và bị đấu tố trước đám đông vì nhổ một củ cà rốt của đội sản xuất.

Ngay sau khi viết xong “Củ cà rốt trong suốt”, tôi đọc tiểu thuyết “Xứ Tuyết” của Yasunari Kawabata*, trong đó có đoạn: “Một con chó Akita đen to lớn ngồi trên một hòn đá bên đầm, lâu lâu lại liếm nước nóng.” Trước mắt tôi lập tức xuất hiện một bức tranh sinh động: Những đường phố phủ đầy tuyết, trên đầm nước bên đường, hơi nóng bốc lên, con chó đen to lớn thè lưỡi đỏ lòm ra liếm nước nóng “tòm tọp, tòm tọp”. Đoạn này không chỉ là một bức tranh, mà còn là một giai điệu của âm thanh, một giọng điệu, một góc của câu chuyện tự sự, là sự khởi đầu của một cuốn tiểu thuyết. Tôi liên tưởng ngay đến câu chuyện trên quê hương huyện Cao Mật, vùng Đông Bắc của tôi, vì vậy tôi đã viết: “Con chó to lông trắng nhu mì và thuần hậu có nguồn gốc từ quê hương huyện Cao Mật, vùng Đông Bắc, sau nhiều thế hệ, rất khó gặp lại một con thuần chủng.” Đoạn văn này là câu mở đầu truyện ngắn “Con chó trắng và cây đu”nổi tiếng nhất của tôi. Mấy câu mở đầu này đã xác định giọng điệu của toàn bộ cuốn tiểu thuyết, tôi viết phần tiếp sau trôi chảy như nước xuôi dòng, như thể tất cả mọi thứ đã được viết ra rồi, tôi chỉ cần ghi lại nó mà thôi.

Trong thực tế, huyện Cao Mật vùng Đông Bắc chưa bao giờ có “con chó to lông trắng nhu mì và thuần hậu” cả, nó là sản phẩm tưởng tượng con chó đen của Kawabata mà ra.

Vào thời gian ấy, tôi thường hay đến hiệu sách để mua sách. Một số cuốn sách viết rất kém, nhưng tôi vẫn mua. Suy nghĩ của tôi là cuốn sách viết kém, nhưng luôn có thể tìm thấy một câu hay, mà từ một câu hay, rất có thể sẽ dẫn đến nguồn cảm hứng mà từ đó tạo ra một cuốn tiểu thuyết.

Tôi cũng từng nhận được nguồn cảm hứng qua các tin tức các báo giấy, chẳng hạn như tiểu thuyết “Bài ca Thiên đường tỏi”, đã được hưởng lợi từ sự kiện có thật xảy ra tại một huyện nào đó ở Sơn Đông, và cảm hứng ban đầu của tiểu thuyết “Châu chấu đỏ” là một tin tức không có thực của một người bạn tôi.

Tôi cũng nhận được nguồn cảm hứng từ các sự kiện vừa bắt gặp. Ví dụ, tôi nhìn thấy một người phụ nữ cho hai đứa con song sinh bú trên ga tàu ​​điện ngầm, từ đó nảy sinh ra cấu tứ cuốn tiểu thuyết “Báu vật của đời”. Khi ở trong chùa tôi thấy bức tranh “Sáu đường luân hồi của chúng sinh” được vẽ trên tường, do vậy đã nảy ra chủ đề cuốn tiểu thuyết “Sống đọa thác đày”.

Cách lấy cảm hứng đủ mọi thứ kì lạ, mỗi người không giống nhau nên có sự khác biệt, mà là có thể gặp nhưng chẳng thể cầu mong. Cũng giống như tôi dậy lúc nửa đêm, sau đó đi ra ánh đồng tìm cảm hứng, về cơ bản là hành vi ngốc nghếch. Việc này đến bây giờ ở quê hương tôi vẫn còn có người trêu đùa. Người ta nói rằng, có một chàng trai trẻ quyết chí sáng tác đã học cách như vậy của tôi, cũng dậy từ lúc nửa đêm đi tìm nguồn cảm hứng, suýt nữa bị người tuần tra ban đêm tưởng là kẻ trộm nên đã bắt giữ lại. Mà bản thân chuyện này cũng có thể cấu thành một cuốn tiểu thuyết rồi.

Cảm hứng là thứ thực sự tồn tại, nhưng bất kể dùng cách nào để có được cảm hứng, phải biến nó thành một tác phẩm, và còn phải cần rất nhiều công sức và rất nhiều tài liệu.

Nguồn cảm hứng không chỉ xuất hiện trong giai đoạn cấu tứ tác phẩm, mà còn xuất hiện trong quá trình sáng tác, và cảm hứng trong quá trình sáng tác này thậm chí còn quan trọng hơn. Một câu văn hay, một câu đối thoại sinh động, một tình tiết bao hàm ý nghĩa sâu sắc, không thể không cần nguồn cảm hứng chiếu sáng rực rỡ.

Một tác phẩm tốt phải là tác phẩm được bao bọc bởi ánh sáng của nguồn cảm hứng. Một tác phẩm tầm thường là tác phẩm thiếu nguồn cảm hứng. Chúng ta cầu nguyện cho nguồn cảm hứng đổ ập tới, thì phải đi sâu vào cuộc sống. Chúng ta hi vọng rằng nguồn cảm hứng tới thường xuyên, thì phải đọc nhiều sách, xem nhiều báo. Chúng ta hi vọng nguồn cảm hứng tới liên tiếp không ngừng, thì phải giống như phòng bệnh béo phì: “dừng cái miệng lại, sải rộng bước chân ra”, từ ý nghĩa này mà nói, nửa đêm đi ra cánh đồng mà chạy cũng là phương pháp tốt.

PHẠM THANH CẢI dịch từ Chinawriter.com.cn và vi.wikipedia.org

--------

*Yasunari Kawabata: Nhà văn Nhật Bản, được nhận Giải thưởng Nobel năm 1968.