Thứ Năm, 30/04/2020 09:25

Đêm nằm nghe sông ho

Dễ thường, tôi đi xa sông Bằng đã lâu. Hôm nay được trở về quê, mừng đám cưới cô cháu gái xinh đẹp. Cháu tôi lấy chồng vùng than Quảng Ninh xa xôi, miền đông bắc của Tổ quốc.

.Y PHƯƠNG

Dễ thường, tôi đi xa sông Bằng đã lâu. Hôm nay được trở về quê, mừng đám cưới cô cháu gái xinh đẹp. Cháu tôi lấy chồng vùng than Quảng Ninh xa xôi, miền đông bắc của Tổ quốc. Cháu là con gái rượu của một nhà thơ. Người bạn thân từ hồi còn ở ngôi nhà nghiêng lưng trên đồi Tân An. Hơn nữa chúng tôi từng là bộ đội, từng hạt muối cắn đôi, từng có những ngày hứng chịu những cơn mưa rét giữa rừng biên giới. Nay gặp lại cảnh xưa người cũ hiện lên trước mặt, biết bao cảm xúc bồi hồi dội lên trong xống áo. Nhìn bạn bè cùng trang lứa, hầu như người nào cũng hao hụt nhan sắc. Nhưng “nhớ thương thì vẫn thế”, Cao Bằng ơi.

Dự tiệc cưới xong, tôi trốn mọi người đi thơ thẩn một mình. Ngắm dòng sông già nua nhàu nát vừa chảy trôi vừa ho khùng khục. Con nước mùa này đắp khói sương nằm lì. Nước co người lại vì lạnh. Lạnh nhưng nước vẫn lóng lánh trôi như vẩy bạc. Dòng sông trông như một dải lụa bạch. Dải lụa rung rung bay bay về miền xa tít xa tắp. Tôi thả lòng theo tiếng sông thở dài. Lâu lâu sông cất tiếng sóng run rên vì lạnh. Ngắm nhìn con cá lẻ bơi đi tìm hơi bạn tình, chắc nó đang đói khát tình yêu. Ngắm nhìn bầu trời mây bay như người cùng khổ. Còn người dưới đất bây giờ ăn ngon mặc đẹp. Ngắm nhìn các em các cháu đi về trên phố mới, xinh tươi lộng lẫy kém gì hoa.

Từ phố Cũ tôi đi vắt qua giữa phố Thầu. Đường sạch làu làu. Hè sạch làu làu. Người sạch làu làu. Nhà sạch làu làu. Lên thành phố rồi tất cả đều sạch làu làu. Lên thành phố rồi người ta không cười to nói lớn. Lên thành phố rồi tất cả xe trâu, xe bò, xe ngựa không cho chạy lòng vòng trong ngõ ngách. Lên thành phố rồi người ta bắt đầu lo cuộc sống ngày càng ăn ngon mặc đẹp. Không còn cảnh người hút thuốc lào, thuốc lá cuốn nữa. Không uống trà đắng, trà dây, trà giảo cổ lam nữa. Thay vào đó người ta hút xì gà Cuba, uống cà phê Brazil trong tiệm sang trọng. Các quán cà phê giải khát mọc hai bên phố trầm trầm. Quán xá ở đây lung linh không kém phần tình tứ như ở Hà Nội, Sài Gòn. Tôi đã gặp những mệnh phụ thời nay, mặt dày phấn sáp. Trông các mụ sồn sồn, mắt một mí, hệt như búp bê Nhật. Tay họ đeo các loại nhẫn kim cương, đá quý. Mắt họ lơ đãng, khinh khỉnh nhìn người, nhìn đời. Còn những ông chủ trẻ xít hà ngồi lái ô tô. Trông họ thật sành điệu. Những chiếc xe sang lù đù lăn lăn vài trăm thước, rồi đột nhiên vòng lại. Tất cả đều diễn ra lóng ngóng, ngượng ngập vì đang tập làm quen với văn hóa đô thị sang trọng.

Tôi nhìn quanh dọc hai bên phố đã từng rất quen thuộc. Nơi trưng lên rất nhiều biển hiệu sáng choang. Biển hiệu viết bằng tiếng Tây. Tiếng Tàu. Tiếng Việt. Tấm lung linh xanh đỏ. Tấm nhấp nháy vàng cam. Tấm sáng rực hết cỡ. Nhưng tuyệt nhiên không có biển hiệu nào bằng tiếng mẹ đẻ. Giá như có dòng “Việt Bắc boong hây” thì hay biết mấy. Hình như bây giờ nếu có ai dùng tiếng Tày Nùng, người ta liền đỏ mặt hay sao ấy! Ô hô! Đây là nơi bản xứ của người Tày Nùng. Tại sao người bản xứ không dùng tiếng của bản xứ?

Nhớ lại trong bữa tiệc tú hụ khi nãy ở nhà khách Giao Tế. Trên bàn, thức ăn bày la liệt. Sao chỉ thấy mỗi món nằm khau là của người bản địa. Những món còn lại, tất tần tật đều giống tiệc người Hà Nội. Giống tiệc người dưới xuôi như sao chép. Nghĩa là cũng gà luộc rắc lá chanh thái chỉ. Cũng cá rán vàng ươm. Cũng bánh dày kẹp giò. Cũng xôi gấc màu da cam. Cũng bánh phu thê... Tại sao người bản xứ không biết dùng những món đặc sản để khoe thực khách? Vừa ngon vừa lạ miệng. Ở ta nào có thiếu gì vịt quay, gà quay, thịt lợn quay nhồi lá mác mật. Đậu phụ chao nhồi nấm thịt nạc. Măng vầu hấp trứng chim. Thịt gà om gừng nghệ. Canh cải xoong xin thang rắc hạt tiêu vân vân và vân vân. Thưởng thức một lần rồi ngon đứt lưỡi.

Người Cao Bằng mình bây giờ trầm mặc. Họ ra vẻ nghĩ ngợi nhiều hơn trước. Họ đi lại trên đường lặng lặng. Dáng người chìm nèn nẹt xuống lòng đường. Người lướt qua lướt lại như bóng ma. Người nói người cười kín đáo hơn trước khi lên thành phố. Tôi hỏi họ lên thành phố rồi có vui không bác. Họ nói vui chứ. Phải vui chứ! Phải vui nghĩa là sao? Nếu không vui thì nhà nước công nhận lên thành phố để làm gì. Lên thành phố ắt phải vui chứ chú. Đúng rồi. Lên thành phố trước nhất giải quyết được khâu oai. Không còn bị coi nhà quê một cục nữa. Thảo nào, người người thi nhau lên thành phố. Nhà nhà thi nhau lên thành phố. Trên đất nước mình tràn ngập thành phố. Không còn cảnh thị xã thị trấn heo hút tiêu điều nghèo nàn buồn tênh nữa. Nhưng xem ra đời sống những người làm ăn chân chính vẫn còn nhếch nhác lắm.

Một câu nói chơi chơi, nhưng nghe như sương trắng rơi roà xuống mặt.

Đêm vào giấc đang sâu. Rất sâu. Sâu xanh lè xanh biếc. Tôi không nỡ ngủ. Thức để nghe cái lạnh từ trên núi hù hù tràn xuống. Cái lạnh thở phì phì thuốn qua lớp chăn mỏng vào tới người tôi. Ôi! Trong cái lạnh thấy có hơi thở ấm của người quê mình. Hơi thở của núi rừng rìu rịu bò lên da thịt. Cái lạnh bò rờ đến đâu, tôi đê mê tới đó. Rồi bỗng thương cái thân xác côi cút lẻ loi của mình. Đứng trên đất mẹ mà sao tôi cảm thấy bơ vơ trơ trọi. Tôi buồn bã và đau trong mình biết mấy! Bốn bề rặc rè sắc buốt như kim châm. Không gian nơi đây như được làm bằng gai hạt dẻ. Một thứ gai hiền hiền buồn buồn như người.

Minh họa: Nguyễn Văn Minh

Tôi có cảm giác khách sạn Bằng Giang giờ này vắng lặng buồn thiu như một quả núi lẻ. Trong phòng ngủ thênh thang hun hút và lạnh lẽo. Người ta đặt sẵn lên trên kệ hai chai rượu, một cao một thấp. Cái thứ rượu ngô nguyên hạt. Người ta gọi rượu đặc sản địa phương. Nó được nấu bằng phương pháp truyền thống. Rượu này không nhãn mác. Một thứ chất lỏng trong vắt, long lanh như mắt mèo. Rượu đựng trong vỏ chai bằng nhựa dẻo bình dân, thật thà, khiêm tốn. Ai muốn uống, cứ việc tự nhiên bật nắp ngửa cổ mà uống. Còn những ai không uống được, thì ngắm nhìn. Ngắm nhìn rượu như gặp lại người thân.

Tôi đang nhắm mắt, cố tình không nghĩ ngợi linh tinh gì nữa. Vì càng nghĩ càng nhột. Càng buồn càng thương cho những số phận người dân Cao Bằng thấp cổ bé họng. Dân Tày Nùng truyền đời lành hiền như lá rừng, như đất sét, như đá núi vôi. Ai muốn sai khiến làm gì cũng được. Nhưng không bao giờ làm người thất đức. Dân Tày Nùng như cây rừng. Cả đời chẳng bao giờ được nâng niu chăm bón, tưới tắm, nhưng vẫn cúc cung gom mưa góp nắng làm hoa. Hoa dần dà héo đi, rồi bói quả. Quả lại dâng bằng hết ngon ngọt cho đời.

Tôi cố hết sức nhắm mắt, làm như mình đã chết. Chết thật sự. Chết dính chặt người vào chăn đệm. Khốn nỗi “xác chết” cứ tung chăn ra, đứng lên, đi đi lại lại trong phòng. Nhìn đồng hồ lúc này bốn giờ sáng. Những người dân nơi đây đã phải giục nhau tung chăn vùng dậy. Đã làm dân thì không kịp đánh răng rửa mặt, việc chờ sẵn ở đôi chân to bè và đôi tay chai sần. Cả đời dân không biết bữa sáng là gì, làm tạm hớp nước lã rồi vội vàng cầm nón giang ra đi. Dân chỉ biết lấy hiến dâng làm vui. Dân chưa hề nghĩ đến sự thiệt thòi thiếu thốn của bản thân, vì nghĩ rằng ai ai cũng giống như mình cả. Dân sẵn lòng bằng lòng với những gì đang có, vì nghĩ ai ai cũng giống như mình. Những người như thế, cả đời không biết buồn là gì. Biết đủ là đủ. Biết đủ thì đời người sẽ không bao giờ chịu nhục. Làm người dân được sống trong bình an. Đó là niềm sung sướng và hạnh phúc nhất.

Lác đác thấy bóng người... người... người... rau... củ... quả... đang hiu hiu nghiêng nghiêng qua cầu vào chợ. Bóng cầu cong trong sương sớm như lá chuối lung lay. Chiếc lá chuối dường như kề vào tận môi tôi mà kêu sột soạt. Sang bên kia cầu sông Bằng có một con đường quốc lộ dẫn về nhà mình. Nhà mình ở miền đông. Đất miền đông dựng lên toàn núi đá. Núi nhiều như bầy đàn voi gấu kéo nhau đi không dứt. Núi đông đúc nhọn hoắt như chông như tên. Nên người miền đông tính khí kiên cường bất khuất. Người miền đông bất chấp coi khinh tất cả, chỉ trừ đạo lí làm người. Đạo lí làm người thẳng băng như đường kẻ, không được phép lạng lách. Đạo lí làm người phải biết tôn kính thờ phụng tổ tiên, hiếu thuận trước cha mẹ, tín nghĩa với bạn bè. Một lòng phục tùng phép nước.

Quê hương tôi cũng như quê mọi người. Giàu hay nghèo cũng là nơi cha sinh mẹ đẻ. Lần đầu tiên, ngày đầu tiên mình cất tiếng khóc chào đời ở đó. Tiếng khóc oe oe là bài ca hay nhất của mỗi một con người sống trên trái đất này. Tiếng khóc làm nụ cười méo mó vì sung sướng trên gương mặt người cha. Tiếng khóc làm khuôn mặt mẹ ứa ra hai giọt ngọc. Xấu hay đẹp cũng là nơi chốn mình đã lớn lên, được học hành và trở thành người có ích. Quê hương xiết bao thân thiết với từng người con khi phải đi xa. Quê hương với tôi ví như mẹ như chị. Có người ví quê hương như cây, như quả, như con đường, như dòng sông, ngọn núi... Quê hương dù rách rưới hay lành lặn. Quê hương dù đói ăn hay thừa thãi thóc gạo. Quê hương với mọi người con, đều tuyệt vời như nhau cả. Bởi thế một tấc đất, một giọt sương, một ngọn cỏ... đều có hồn thiêng sông núi trú ngụ. Quê tôi lại nằm trên vành đai biên giới. Nơi đang có muôn vàn bất trắc bất an ẩn tàng rình rập. Nên mỗi ngọn núi, mỗi hòn đá từ khi sinh ra, đều thức dậy tinh thần yêu nước giữ nhà.

Sớm mai tôi lại lên đường về xuôi, tiếp tục sống những ngày luân lạc, kiếm ăn nơi đất khách xứ người. Tôi là đứa con tự nguyện hiến mình cho hai chữ lưu vong. Cả đời bay nhảy như chim chóc, đùa cợt với số phận như bướm ong. Tủi hổ đấy nhưng không thể khác được. Số phận đắng cay dường như đã an bài lên tôi rồi. Thân xác thì đi, nhưng hồn còn ở lại quê nhà. Hễ nghe tiếng sỏi lăn trên đường, là hồn tôi rơi ra. Xin người hàng xóm cao lớn nhỏ bé đừng giật mình. Sỏi đá chính là tôi

Y.P