Thứ Bảy, 22/08/2020 00:36

Đấu tranh chống sự xuyên tạc "Nhật ký trong tù" của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Có những ý đồ không tốt đã xuyên tạc, bịa đặt ra rằng tác giả tập thơ Nhật kí trong tù là một người tù đã chết, Hồ Chí Minh lấy làm của mình. (PGS.TS NGUYỄN THANH TÚ)

. PGS.TS NGUYỄN THANH TÚ

Có những ý đồ không tốt đã xuyên tạc, bịa đặt ra rằng tác giả tập thơ Nhật kí trong tù là một người tù đã chết, Hồ Chí Minh lấy làm của mình. Vấn đề này Lê Hữu Mục viết Hồ Chí Minh không phải là tác giả Nhật ký trong tù in trên Làng Văn (Canadda) tháng 3 năm 1989, từ số 67 đến 70. Tháng 11 năm 1990 Trung tâm văn bút Việt Nam hải ngoại in thành sách xuất bản, Làng Văn phát hành. Quyển này hiện vẫn trôi nổi trên mạng.

Lập luận của Lê Hữu Mục bắt đầu từ vấn đề tên tuổi tác giả: “Đầu tiên, ta thử hỏi về tên tuổi của người viết. Người viết thường tự xưng là ta, tôi một cách chung chung, nhưng có hơn một lần anh xưng là lão phu”. Ông ta lập luận bằng cách đưa ra cách giải thích “theo chiều sâu văn hoá” phương Đông: “Lão nghĩa là già nói chung, nghĩa là từ 50 tuổi trở lên, 60 tuổi thì gọi là kỳ như nói kỳ mục, 70 đến 80 là điệt, 80 đến 90 là mạo, nhưng ta chỉ được tự xưng là lão phu khi ta đi quá tuổi kỳ để đến tuổi điệt. Như vậy, người viết Ngục trung nhật ký là một ông già”.

Sau khi phân tích về cách gọi tên nhân vật, Lê Hữu Mục đã vội vã khái quát: “Con người tự xưng là lão phu ấy không thể là Hồ Chí Minh vì tính đến năm 32-33 Hồ mới khoảng ngoài 40, nếu có tính đến 42-43 chăng nữa, Hồ cũng mới chỉ ngoài 50, chưa có quyền xưng với người khác là lão phu, xưng như thế sẽ tỏ ra hỗn xược, hoàn toàn không biết gì về những phong tục cổ truyền của Á Đông, nhất là về xưng hô. Vả lại, họ Hồ vốn rất ghét những người chưa già mà đã xưng mình già”[1].

Lập luận này chỉ đánh lừa được những người ít hiểu về Hán học và văn hoá phương Đông. Chúng tôi xin phép ghi lại lập luận phản biện Lê Hữu Mục của nhà Hán học hàng đầu Việt Nam - PGS Phan Ngọc: “Dù có tự hào về Hán học đến đâu, không ai dám nói Đỗ Phủ không biết làm thơ, không hiểu phong tục cổ truyền Trung Hoa, cũng không dám chê Đỗ Phủ dốt nát. Đỗ Phủ chính là vị thầy về thơ chữ Hán của Hồ Chí Minh…Ông Đỗ này luôn luôn tự xưng mình là lão (già)”[2]. Học giả Phan Ngọc chứng minh Đỗ Phủ xưng “lão” trong thơ năm 38 tuổi (trong bài Đầu Giản Hàm, Hoa lưỡng huyện chư tử/ Thư gửi các vị hai huyện Hàm Dương, Hoa Nguyên), năm 45 tuổi (Ai giang đầu/ Nỗi đau xót đầu sông), năm 51 tuổi (Đào trúc trượng/ Cây gậy trúc đào)... Đó là những căn cứ của sự thật nên không thể một ai bác bỏ!

Như thế Bác Hồ xưng “lão phu” trong Nhật ký là điều hoàn toàn tự nhiên!

Trong bài phản biện (Câu chuyện tác giả Ngục trung nhật ký) đặc sắc, mạnh mẽ, quyết liệt mà tài hoa này, Phan Ngọc vạch ra “tám lỗi về hình thức” thực sự “khoá mõm” đối tượng Lê Hữu Mục. Xin trích lại một khái quát cuối bài của Phan Ngọc, một khái quát của chân lý nghệ thuật, của lẽ phải đời thường, cũng là nhận định của chung con cháu Bác Hồ - chúng ta, thế hệ đang Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh: “Theo tôi, muốn viết nổi tác phẩm này, giỏi làm thơ là chuyện nhỏ. Cái quan trọng là một ham muốn suốt đời đấu tranh cho nhân loại bị áp bức, một chí khí gang thép, nhưng chủ yếu là một tâm hồn trong sáng của Đức Phật, Xôcrat (Socrate), Giêsu (Jésus), Găngđi (Gandhi) mới làm được”[3].

Ngoài “tám lỗi” cơ bản mà Phan Ngọc đã phản biện lại một cách đích đáng, đến lượt chúng tôi xin chỉ ra một vài bắt bẻ một cách rất vô lối của Lê Hữu Mục khi ông ta đi sâu vào từng bài, tìm ra từng chi tiết theo kiểu “chẻ sợi tóc làm tư”.

Để phá vỡ tính chỉnh thể của hình tượng thơ vốn lung linh trong sự mơ hồ đa nghĩa, Lê Hữu Mục dùng thủ thuật xuyên tạc, thêm thắt và quy kết người dịch sai: “Các nhà biên tập Ngục trung nhật ký đã tìm mọi cách để lái câu thơ vào quĩ đạo mà họ đã định trước, điển hình là trong bài 62 nhan đề là Thụy bất trước (Không ngủ được), họ đã tô thêm màu vàng và ngôi sao năm cánh để giải thích rằng ngay trong giấc ngủ, Bác cũng chỉ nhìn thấy tổ quốc được tượng trưng bằng ngôi sao vàng. Nguyên văn chỉ nói: “Mộng hồn hoàn nhiễu ngũ tiêm tinh”, nghĩa là hồn mộng cứ luẩn quẩn loanh quanh ở chỗ ngôi sao năm cánh, trong giấc mơ, lòng chỉ hướng về ngũ tinh liên châu tức là hướng về đoàn tụ gia đình, nghĩ đến vợ con mà lâu ngày mình đã xa”.

Nghĩa chữ Hán trong câu thơ Mộng hồn hoàn nhiễu ngũ tiêm tinh là: Hồn mộng đã quẩn quanh nơi ngôi sao năm cánh. Chê người để lôi cuốn sự chú ý của độc giả vào “cái sai” của người, trong khi đó chính ông ta lại bịa đặt nghĩa bằng cách thêm ý “lòng chỉ hướng về ngũ tinh liên châu tức là hướng về đoàn tụ gia đình, nghĩ đến vợ con mà lâu ngày mình đã xa”. Bịa đặt để lái vấn đề sang nghĩa khác: người tù đã có vợ con rồi!

Vấn đề “quốc tịch” của tác giả được Lê Hữu Mục đặt ra để “nghiên cứu”:

“Nếu quốc tịch Việt của con người trong tập thơ chỉ được nêu lên một cách mơ hồ với một dáng lên gân rõ rệt là quá sức thì ngược lại, quốc tịch Trung Hoa của con người trong tập thơ nổi bật lên một cách dễ dàng…”. Ông ta bám vào hai chữ “Hán gian” ở trong các bài Thế lộ nan (Đường đời hiểm trở): Khước bị hiềm nghi tố Hán gian (Thế mà bị tình nghi là Hán gian) và bài Nhai thượng (Trên đường phố): Nhai thượng nhân tranh khán Hán gian (Ngoài phố tranh nhau xem Hán gian) và quả quyết: “Muốn làm Hán gian thì đầu tiên phải là người Hán đã chứ, làm sao một người Việt Nam có thể làm Hán gian, dù anh hoạt động trong nước Trung Hoa?”.

Lôgich học gọi đây là thủ thuật “đánh tráo”. Thế mà bị tình nghi là Hán gian. Ai nghi? Tức bọn cai ngục nghi ngờ người tù là “Hán gian”. Người khác nghi như thế chứ không phải “người tù” nhận thế. Mà người khác nghi là quyền, là việc của người ta. Nhưng Lê Hữu Mục đã đánh tráo chủ thể “nghi” từ “bọn cai ngục” (bị ẩn đi) ép sang cho tác giả câu thơ (người tù), để hiểu: Vì là người Hán nên tác giả câu thơ (tức Già Lý) rất buồn bị nghi là Hán gian!

Lê Hữu Mục đã tách hai chữ “Hán gian”, đưa ra khỏi văn cảnh câu thơ để căn cứ vào nghĩa của hai chữ này mà bắt người khác phải hiểu cả bài.

Thế là ai cũng thấy ông ta sử dụng thủ thuật tách rời và đánh tráo khá tinh vi!

Từ cách “lập luận” “bắt ép” kỳ quái ấy Lê Hữu Mục đi tìm “con người tác giả” của tập thơ: “Con người có quốc tịch Trung Hoa này là ai, ông từ đâu lạc vào Ngục trung nhật ký? Làm thế nào mà thơ của ông đã lọt vào tay Hồ Chí Minh?”.

Sau đó Lê Hữu Mục chứng minh chỉ “Già Lý” này mới làm được những bài như Phu lục lộ, Nghe gà gáy, Cột cây số… Thực ra lập luận của Lê Hữu Mục rất yếu, chủ yếu là sự suy diễn, ví như ông ta “biện luận” về bài Tảo giải: “hai chữ chinh nhânchinh đồ: Khách đi xa và đường xa vắng là những chữ nói về một con người tự do. Nếu người đó là tù nhân, vì lý do gì mà lính gác bắt anh ta phải đi ngày đi đêm như thế, nhất là lính gác ở đây là lính Quốc Dân Đảng, “ăn bám” và “lười biếng”? Ông ta đúng ở ý đầu “hai chữ chinh nhânchinh đồ: Khách đi xa và đường xa vắng là những chữ nói về một con người tự do. Nhưng ý sau thì ông ta gán ghép: “Nếu người đó là tù nhân, vì lý do gì mà lính gác bắt anh ta phải đi ngày đi đêm như thế, nhất là lính gác ở đây là lính Quốc Dân Đảng, “ăn bám” và “lười biếng”?”. Cái sai của ông ta là cố tình quan niệm: đã là tù nhân thì không được tự do!

Có thể với nhiều “tù nhân” khác thì là vậy, nhưng với Hồ Chí Minh thì không vậy. Một là, ông ta chỉ nhìn thấy lôgich hình thức là người tù thì chịu gông cùm mà không chịu nhìn thấy lôgich nội dung ở người tù Hồ Chí Minh. Ông Lê Hữu Mục đã cố tình quên mấy câu Đề từ mang tính tuyên ngôn ở ngay mở đầu tập Nhật ký: “Thân thể tại ngục trung/ Tinh thần tại ngục ngoại” (Thân thể ở trong lao/ Tinh thần ở ngoài lao). Hai là, khi bắt bẻ “lý do gì mà lính gác bắt anh ta (tù nhân) phải đi ngày đi đêm như thế” là ông ta lại quên hay cố tình quên đã là “tù nhân” thì bị mất quyền sống, kẻ có quyền thì cần gì phải có “lý do” để hành hạ. Ba là quy kết chẳng có căn cứ gì cả: “nhất là lính gác ở đây là lính Quốc Dân Đảng, “ăn bám” và “lười biếng”?”, tức đã là “lính Quốc dân Đảng” thì lười lắm, chẳng chăm chỉ đến mức giải người tù “đi ngày đi đêm như thế”. Đúng là vu vơ và mơ hồ!

Khẳng định Hồ Chí Minh là tác giả Nhật ký nhưng Nguyễn Đăng Mạnh trong Hồi ký lại xuyên tạc thời điểm xuất hiện của tập thơ với mục đích hạ thấp con người Bác không khiêm tốn như mọi người hiểu mà cũng muốn thể hiện. Với thủ thuật “mượn lời” người khác rất nguy hiểm, ông ta tung hoả mù, tạo ra một ảo giác “có người nói” về cái “sự thật” mà mình đưa ra: “Về tập Nhật trong , có người nói, ông Hồ đánh mất ngay sau khi ra khỏi tù. Thực ra không phải. Ngày 16 - 9 -1943, ông Hồ được trả lại tự do, cuốn Nhật trong vẫn được ông giữ cẩn thận”. Nguyễn Đăng Mạnh dựng chuyện: “Ngày 14 – 9 – 1955, ông đưa tác phẩm này cho ông Nguyễn Việt, trưởng ban tổ chức triển lãm cải cách ruộng đất tại phố Bích Câu: “Tôi có quyển sổ tay cách đây mười mấy năm còn giữ đượcđến bây giờ, các cô, các chú xem có triển lãm được thì dùng”. Nguyễn Việt đưa vào triển lãm, bầy ở phòng “Ngọn đuốc soi đường của Đảng Cộng sản Đông Dương”. Đây là những chi tiết hoàn toàn bịa đặt!

Xuyên tạc nội dung Nhật ký trong tù, Vũ Thư Hiên nhận định theo lối chủ quan, gán ghép, suy diễn mà không căn cứ vào đặc trưng loại hình cũng đặc trưng hình tượng thơ: “Bây giờ tôi mới hiểu: thì ra con người đối với Hồ Chí Minh chẳng là cái gì. Ông mơ thấy cưỡi rồng lên thượng giới, sao vàng năm cánh mộng hồn quanh. Con rồng, ai cũng biết, là biểu tượng của nhà vua (chúng tôi xin nhấn mạnh). Ông mơ cưỡi nó thì ông đâu phải là một người trong chúng ta. Than ôi, lũ dân thường chúng ta làm gì có những giấc mơ như thế. Chúng ta chỉ mơ thấy cưỡi trâu, cưỡi bò, cưỡi ngựa…Bác Hồ của tôi từ lúc đang phải sống lẩn lút để làm cách mạng đã ôm ấp mộng ước làm vua. Ông có chí lớn để thực hiện nó. Và ông đã thực hiện được”[4].

Khởi đầu là một suy nghĩ “con rồng, ai cũng biết, là biểu tượng của nhà vua” mà ông ta nhận định thiếu căn cứ “Bác Hồ của tôi từ lúc đang phải sống lẩn lút để làm cách mạng đã ôm ấp mộng ước làm vua”. Trong khi đó con rồng trong văn hoá Việt là một biểu tượng đa nghĩa (biểu tượng luôn đa nghĩa), ngay chỉ trong tục ngữ, ca dao cũng cho thấy con rồng là biểu tượng dòng giống sang trọng, phú quý: “Trứng rồng tưởng nở ra rồng/ Ai ngờ lại nở ra dòng liu điu”. Là biểu trưng cho hoàn cảnh tốt đẹp, giàu có, vương giả: “Một ngày tựa mạn thuyền rồng/ Còn hơn một kiếp ở trong thuyền chài”. Là biểu trưng cho người con trai, con gái trong tình yêu: “Mấy khi rồng gặp mây đây/ Để rồng than thở với mây vài lời/ Nửa mai rồng ngược mây xuôi/ Biết bao giờ lại nối lời rồng mây”. Rồi: “Khi xưa thì đắp chiếu chung/ Vì ai ném gạch cho rồng xa mây”…Qua đây ta thấy quả thật Vũ Thư Hiên suy diễn hẹp hòi quá!

Vẫn về chuyện “đạo văn”, Vũ Thư Hiên “chụp mũ”: “Nếu hai tác phẩm của Trường Chinh là đạo văn thì cuốn Sửa đổi lề lối làm việc của ông Hồ Chí Minh cũng đạo văn nốt. Nó là bản diễn Nôm cuốn Chỉnh đốn văn phong của Mao Trạch Đông cộng một chút Sự tu dưỡng của người đảng viên Cộng sản của Lưu Thiếu Kỳ”[5]. Chúng ta hẳn đã đọc Sửa đối lề lối làm việc của Bác đều thấy ở đó tư duy Hồ Chí Minh rất rõ, viết về con người, hoàn cảnh xã hội cụ thể, tâm lý, tính cách phong cách hoàn toàn Việt Nam không hề ảnh hưởng chứ chưa nói tới “sao chép”.

Tại sao một số người lại tập trung xuyên tạc Nhật ký? Vì đó là “bảo vật” quốc gia, một bảo hiểm “bằng vàng” về con người Bác Hồ đại nhân, đại trí, đại dũng, đã được cả thế giới khẳng định giá trị nội dung bất hủ và hình thức nghệ thuật điêu luyện. Kiệt tác đã được dịch ra 25 thứ tiếng trên thế giới!

N.T.T


[1] Lê Hữu Mục- Hồ Chí Minh không phải là tác giả Nhật ký trong tù, bản pdf, tr 53, 54, 55.

[2] Viện Văn học (1993). Suy nghĩ mới về Nhật ký trong tù. Nxb Giáo dục, tr 620, 621.

[3] Viện Văn học (1993). Suy nghĩ mới về Nhật ký trong tù. Nxb Giáo dục, tr 627.

[4] Vũ Thư Hiên - Đêm giữa ban ngày, bản pdf, tr 341

[5] Vũ Thư Hiên - Đêm giữa ban ngày, bản pdf, tr 244.