Thứ Năm, 20/02/2020 11:06

Đằng sau câu hát

An ngồi trong quán cà phê với thầy Lê và một người bạn của thầy, hai người vừa từ Thanh Hóa vào. An rất vui và bồi hồi xúc động khi lần đầu tiên được diện kiến nhà thơ từ lâu anh hằng ngưỡng mộ.

.Truyện ngắn dự thi. PHAN ĐỨC NAM

An ngồi trong quán cà phê với thầy Lê và một người bạn của thầy, hai người vừa từ Thanh Hóa vào. An rất vui và bồi hồi xúc động khi lần đầu tiên được diện kiến nhà thơ từ lâu anh hằng ngưỡng mộ. Tuy vậy ba người ít nói chuyện mà trầm tư nhìn ra đường.

An được theo học thầy Lê từ cuối năm ngoái, khi thầy mới từ Vinh chuyển vào Sài Gòn dạy môn Ngữ văn hiện đại. Còn nhà thơ theo thầy Lê vào Nam lần này thì quá nổi tiếng, cuộc đời và thơ ông đã làm tốn không ít giấy mực. Thầy Lê và nhà thơ vừa đồng hao vừa đồng hương, họ biết nhau từ nhỏ. An trong bụng rất muốn nghe hai người nói chuyện, dẫu chuyện bình thường thôi nhưng biết đâu anh sẽ viết được cái gì đó, nhưng anh không dám gợi, chỉ nhấm nháp cà phê và lướt qua vài tờ báo, thầm nhủ, thôi để từ từ, sinh viên mới ra trường, tập tành viết lách như mình mà được ngồi với hai thầy đây là hạnh phúc lắm rồi.

Chiều Sài Gòn sau cơn mưa trở nên sạch sẽ mát mẻ, lá cây rụng đầy trên vỉa hè, người và xe cộ không còn hối hả mà êm đềm qua lại, cuộc sống bình yên như không hề có cuộc binh biến lớn tháng tư năm bảy lăm cách đây không lâu.

Tím cả chiều hoang! Ôi tím cả chiều hoang đến ngồi bên mộ nàng…

Không chỉ An mà nhiều người trong quán cà phê đều giật mình nhìn ra. Giữa hai bàn đầu của quán cà phê góc phố là một người đàn ông trên dưới ba mươi tuổi, dáng gầy gò khắc khổ, chiếc nón vải cũ rộng vành ướt sũng ôm sát mái tóc dài, những lọn tóc quăn quăn đọng bết nước mưa từ từ lan chảy xuống đôi má hóp. Anh ta đeo cặp kính đen to tròng quá khổ như muốn che bớt những vết nám trên gương mặt dãi dầu sương gió. Bước đi dò dẫm chầm chậm cho biết đó là một người khiếm thị. Những giọt mưa chạy viền quanh gọng kính lan xuống hai bên sống mũi như nước mắt. Giọng nam mạnh và trầm của người hành khất luyến láy có nghề, pha chút khàn tháng năm cay đắng, hát điệu buồn mà không rên rỉ sến nhão, chỉ âm ỉ gờn gợn đau. Anh ta chắc đã từng nếm, từng trải qua nỗi buồn lớn, đồng cảm với tác giả và cất lên lời ca. Trong tiếng hát có gì đó nghèn nghẹn nức nở. Sao chuyện buồn ngày xưa đến nay vẫn còn đau?

Khúc ca bi thương đang vút cao chợt nấc nghẹn, tiếp theo là một cơn ho.

Quán dường như lặng im.

Rồi có tiếng vỗ tay, nhiều tiếng vỗ tay. “Hát tiếp đi…”. “Hát nữa đi. Hát bài nào cũng được!”.

Người nghệ sĩ ngước lên, ngơ ngẩn gật đầu. Anh ta gỡ nón lau mặt, rồi rờ rẫm đặt ngửa lên một góc bàn gần đó. Lập tức có những bàn tay nhẹ nhàng đặt tiền vào. Người hành khất không thấy nhưng vẫn cúi đầu như vừa xin vừa cảm ơn. Sau đó anh ta ôm đàn đi lần về phía cuối quán chỗ An ngồi.

Giờ An mới thấy rõ người ấy không những mù mà còn cụt mất bàn tay phải. Thật kinh ngạc và đáng phục, anh ta chơi đàn bằng năm ngón tay trái. Những đầu ngón tay ấy to bè và chai sần bởi thường xuyên bấm mạnh lướt miết trên những dây đàn. An từng chơi guitar nên biết đây là sự khổ luyện kì công, để đánh được tiếng đàn như thế phải bao lần ngón tay rướm máu. Thảo nào An nghe âm vang tiếng đàn ấm ức. Và nữa, cùi tay phải của nghệ sĩ hành khất được quấn băng vải để vỗ thùng đàn cho êm, thay cho tiếng trống. Cùi tay ấy thò ra một ngón cái giả được vót bằng tre gỗ để khẩy dây đàn, quanh cổ tay đeo hai vòng lục lạc chập cheng, xập xèng réo rắt, tung tẩy theo nhịp vỗ ngẫu hứng. Tiếng hát lạ với dàn nhạc đơn sơ tự chế hòa hợp một cách điệu nghệ.

Minh họa: Nguyễn Văn Đức

An gật gù, quả là sáng tạo và nghệ sĩ.

Cây đàn guitar có dây đeo quàng trước ngực của người hành khất đã quá cũ và ọp ẹp, gặp người khác chắc họ bỏ. Nhưng nó từng là cây đàn hay của một thời. Bộ khoá dây cũ còn chắc nhưng cần đàn và nhiều phím đã mòn nhẵn, trước ngực đàn và bên hông có vài chỗ nứt bể, đã được băng dán cẩn thận. Lớp véc ni nâu ố bong tróc loang lổ được quét lại bằng sơn đen. Cây đàn bị thương ấy giống như người chủ của nó, gắng gượng nương tựa nhau, lang thang mưa nắng kiếm cơm bằng âm thanh tiếng hát giúp vui cho người.

Nghệ sĩ hành khất tiếp tục chơi đàn và hát. An liếc nhìn nhà thơ, những ngón tay ông run run, râu tóc bạc cũng run run, thở dài ngước mặt lên trời. An chần chừ chưa kịp nói thì thầy Lê đã nắm tay nhà thơ rồi đứng lên vỗ vai người hành khất: “Cậu hát hay lắm! Đề nghị cậu hát lại cho chúng tôi nghe bài hát vừa rồi. Cậu có biết bài hát đó phổ thơ của ai không?”.

Người hành khất lắc đầu: “Dạ… Tui hổng biết…”.

Thầy Lê cười: “Thơ của bác đang ngồi đây đấy, là nhà thơ Hữu Loan”.

Người hành khất thốt lên: “Vậy sao?”, rồi cúi đầu, gần như sụp xuống, khum tay lạy lạy. Lúc sau, mới ngẩng đầu lên thổ lộ: “Bác nhà thơ ơi! Bữa nay con thiệt may mắn! Thiệt vinh hạnh. Con rất thích bài Màu tím hoa sim, hợp với tâm sự và chất giọng con. Hễ con hát bài này là có nhiều người cho tiền. Con cám ơn bác nhiều lắm. Còn mấy bài hát phổ thơ hoa sim của bác nữa, con xin hát đây…”.

Nhà thơ gật đầu, đăm đăm đôi mắt đỏ nhìn người hành khất, rồi hỏi: “Gia đình vợ con cậu ra sao?”. Người hành khất sa sầm nét mặt: “Thôi… buồn lắm bác ơi!...”. “Sao mà buồn?” - nhà thơ hỏi, tay đưa vào túi lục tìm gì đó, thập thò, cuối cùng rút ra bàn tay không. Vẻ mặt nhà thơ buồn bã, héo hắt. Người hành khất lắc đầu, rồi cúi xuống búng đàn, trống đệm và chập cheng lại nhịp nhàng réo rắt...

Từ khi gặp người nghệ sĩ hành khất trong quán cà phê góc phố, dễ phải đến mươi ngày sau, một chiều, An leo lên gác xép tìm cuốn tự điển thì nghe tiếng lạch cạch sau kệ sách, lúc đó anh mới chợt nhớ mình có cây đàn treo phía sau. Anh bần thần nghĩ, trách mình sao hôm đó không hỏi thăm người hành khất để giờ có thể tặng anh ta cây đàn bỏ quên này. Sau đó, cứ có dịp là An để tâm tìm và nuôi hi vọng. Cảm thấy mình như mang món nợ tình cảm riêng tư chưa trả tự buộc vào, mà đã tự buộc thì thường khó gỡ.

 

*

* *

Chuyện về người nghệ sĩ hôm nào gặp trong quán cứ thế mòn phai đi theo nhịp vận động của xã hội mới. Những sinh viên miền Nam mới ra trường còn trụ lại sau thời gian học tập đường lối cách mạng thường được phân bổ đi những vùng sâu vùng xa để phục vụ, thử thách tư tưởng và nghị lực. An đang chờ phân bổ thì năm bảy tám, chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra. Thanh niên lớp vào bộ đội, lớp đi thanh niên xung phong. An học mĩ thuật, trước đây ăn trắng mặc trơn, chỉ biết cầm bút và cọ vẽ, giờ mới biết thế nào là lao động, là cây leng cây thuổng.

Sau nửa năm đào kinh thủy lợi ở nông trường Dương Minh Châu, Tổng đội Thanh niên xung phong của An được điều sang Campuchia cầm súng cùng bộ đội chống nạn Pol Pot. Đối diện với bom đạn, máu lửa, chết chóc, An đã thực sự nếm mùi vị chiến tranh. Những đêm đào hầm trên đồi Kim Cương giáp biên giới Thái Lan và Campuchia, thỉnh thoảng An và đồng đội thấy lóe lên những hạt sáng lấp lánh trong đống cát đá. Nghe nói thương nhân Hoa kiều và Thái Lan tranh mua những hạt sáng này. Có phải vì những hạt lóng lánh đó đã làm sáng rỡ những đôi mắt đục, làm cháy đỏ những tham vọng, dẫn đến mưu mô tranh đoạt vùng đất này? An cứ suy nghĩ vẩn vơ khi ôm súng thao thức trong chiến hào, khi cáng thương đồng đội. An rùng mình trước bao thương vong. Kẻ địch điên cuồng hung hãn như con thú bị thương khi rút chạy. Những xác địch trẻ măng không toàn thây. Thần chiến tranh mỉm cười như ác quỷ ẩn hiện sau những gương mặt thâm hiểm đầy tham vọng.

Thời gian này, trên Tổng đội Thanh niên xung phong cần thêm một họa sĩ cho tờ báo Tuyến đầu nên An được rút về làm bìa và minh họa. An xa dần chiến trường, từ đất bạn trở về thành phố của mình. Hành trình làm báo của An bắt đầu từ đó, trải qua nhiều tòa soạn, đi đâu anh cũng vẫn giữ liên lạc với thầy Lê, thỉnh thoảng hỏi thăm sức khỏe nhà thơ Hữu Loan. Câu chuyện về nhà thơ cùng người nghệ sĩ năm nào thỉnh thoảng An có nhớ, muốn viết thành tấm thành món mà vẫn chưa làm được. Bởi An vẫn chưa tìm được người cần tìm - cái mảnh còn thiếu, quan trọng nhất của bài báo. Số phận anh ta thế nào, cuộc sống ra sao... Giá chỉ kể một câu chuyện đơn thuần thì riêng cái tên Hữu Loan cùng Màu tím hoa sim đã đủ hút người đọc, người nghệ sĩ hành khất chỉ là nhân vật phụ đứng cạnh. Nhưng An không muốn thế. An muốn cái gì đó sâu thẳm, đáng giá hơn chứ không chỉ hời hợt bề ngoài.

Chiến tranh biên giới qua đi, thầy Lê về hưu nhưng ông vẫn được mời dạy hợp đồng ở Đại học Thủ Dầu Một. Khi An lập gia đình, thầy Lê rủ An về Bình Dương đi Chùa Bà và thăm nhà ông, rồi duyên văn nghệ đã gắn An với vùng đất này. Một hôm thầy Lê đến tìm An, nói: “Hôm qua nhà thơ Hữu Loan gọi điện cho tôi, báo tin vui là ông vừa được một công ti gì đó mua bản quyền bài thơ Màu tím hoa sim đến những trăm triệu, trừ thuế đi còn chín mươi triệu, ông chia cho vợ con, giữ lại ba mươi triệu để in thơ, thăm thú bạn bè. Anh Loan có nhờ tôi và anh tìm hộ người hành khất mà mình gặp ở quán cà phê cách đây mấy chục năm. Anh còn nhớ không?”. “Dạ nhớ ạ…”. “Anh Loan nói với tôi là lúc đó ông không có tiền để tặng người hành khất tội nghiệp đó. Giờ ông gửi tôi một triệu, nhờ tôi và anh tìm hộ anh ta”. An ngẩn người ra. Thời gian qua lâu rồi, nhiều lúc An đã quên, nhưng nhà thơ thì vẫn nhớ.

Nhân việc này, An mới nói với thầy Lê về ý định tặng người hành khất cây đàn cũ của mình mấy chục năm trước. Rồi khoảng thời gian sau An có tìm nhưng không gặp. Giờ đã lâu quá rồi, không biết anh ta lưu lạc nơi đâu, có còn sống không... Theo anh thì khi nào có dịp về quê, thầy nói chuyện với nhà thơ Hữu Loan rồi gửi lại số tiền đó. Một mặt hai thầy trò vẫn để ý tìm, nếu may mắn gặp lại được người hành khất đó thì đưa anh ta số tiền một triệu, nói là nhà thơ Hữu Loan tặng. Và An cũng sẽ tặng anh ta cây đàn mới.

Thế là sau mấy chục năm, chuyện cũ được hâm nóng, có dịp về Sài Gòn là An lại lân la vào những quán cà phê. Nhưng sau đó vài năm, cho đến khi nhà thơ mất, An vẫn chưa gặp được người hành khất cũ.

 

*

* *

Câu chuyện tưởng đến đây là hết, bài báo kia của An tưởng thế là dang dở, nhưng không phải. Một chiều có việc lên thành phố Hồ Chí Minh, tiện An tạt vào Câu lạc bộ nghệ sĩ tìm gặp Minh là bạn thời thanh niên xung phong, tính rủ vài người bạn nữa làm trận nhậu mai mới về lại Bình Dương. Thấy bạn đến, Minh níu An hỏi về người hành khất mà có lần An đã đến nhờ Minh tìm, đã gặp được chưa. An giật mình bảo chưa. Minh nói cho An biết người hành khất đó mới bị xe tông cách nay nửa tháng, lúc qua đường vào quán thì bị hai thằng nhóc chạy ẩu tông phải, ngất xỉu tại chỗ. Lúc đó, Minh đang phụ việc bà xã, vội chạy ra cùng mấy người khách giữ hai thằng nhóc lại, rồi dùng xe honda chở người hành khất đến bệnh viện Bình Dân. Y tá hỏi tên người bị nạn, Minh ú ớ không biết. Sáng hôm sau Minh vào thăm, cũng để đưa ổng số tiền mà những khách quen gom góp, thì thấy ổng đã tỉnh, chân phải bó bột tới tận hông. Mới hỏi thăm được vài câu thì có hai anh bộ đội tới, họ vừa làm xong thủ tục xin chuyển ông ta về bệnh viện Bình Dương. Hỏi thì một anh bộ đội nói là anh ổng đang chờ ngoài xe.

An chú ý lắng nghe. Minh vỗ vai An: “Ổng tạm ổn rồi. Tôi có theo ra, thấy một ông mặc áo bộ đội bạc màu ngồi ở băng trước xe cứu thương, cạnh tài xế - chắc là ông anh. Ổng giơ tay chào tôi. Lúc đó cửa bệnh viện đông người lắm, bảo vệ hối, sợ kẹt xe, tôi chỉ kịp nói với ông em bị nạn: Chúc anh mau mạnh khỏe”.

Không kịp cám ơn bạn, An ra lấy xe phóng ngay đến bệnh viện Bình Dân. An suy tính sẽ nhờ tra hộ danh sách bệnh nhân nhập viện cấp cứu cách đây nửa tháng. Không biết tên, nhưng trường hợp đặc biệt này chắc họ nhớ. Cần biết thêm tên ông anh, địa chỉ hay người đứng tên xin chuyển viện. Hi vọng sẽ tìm ra.

Và mọi việc sau đó suôn sẻ đến không ngờ. An đã biết được họ tên người nghệ sĩ hành khất đó. Nguyễn Văn Lâm, đúng, Nguyễn Văn Lâm, nằm ở khoa Chấn thương chỉnh hình khu B.

Sau gần bốn mươi năm, An vẫn nhận ra người nghệ sĩ đáng thương dù ông ta đã già ốm đi nhiều. An đứng lặng vì bất ngờ và cảm động khi thấy hai anh em người hành khất. Ông anh cao lớn hơn, đi đứng khệnh khạng bởi một chân gỗ giấu trong ống quần thụng đang nhận thuốc và cháo cho em. Ông em nằm quay mặt vào trong tường. An nhẹ nhàng bước vào phòng.

“Anh có quen em tôi?” - ông anh quay ra và hỏi. An gật, chậm rãi nói: “Chắc em ông đã quên tôi. Đã lâu lắm rồi, cách đây mấy chục năm, trong một quán cà phê, em ông hát bài Màu tím hoa sim. Tác giả bài thơ đó có gửi tôi một triệu nhờ tặng em ông. Giờ tôi tìm được ông ấy nên mang lại”.

Người em tưởng ngủ đã quay mặt ra lắng nghe cuộc đối thoại từ lúc nào hực lên khóc nấc. Ông anh vỗ về em một lúc sau đó kéo An ra ngoài, ngồi xuống băng ghế, giọng trầm buồn than:

“Tội nghiệp Lâm. Tôi thương nó lắm! Nhiều lần tôi la nó, biểu đừng lang thang ca hát ăn xin nữa, mà nó không chịu nghe. Nó muốn đỡ gánh nặng cho tôi. Tôi nói tao may còn mắt còn tay nên tao còn làm lụng được, tao dư sức nuôi vợ con, nuôi mày. Tao chỉ cần mày bỏ đi những mặc cảm, tự ti. Nó khóc, nó lạy tôi, nói em biết anh thương em, nhưng xin cho em được ca hát, không ca hát em buồn lắm. Tôi đành ừ, nói mày đàn hát hay thì phải ráng luyện, cái nghề cái nghiệp mà. Lâm nghe tôi, tham gia đội đàn ca tài tử, hát tân cổ giao duyên. Từ đó nó có thêm bạn, đỡ cô đơn. Nhưng lâu lâu nó lại năn nỉ xin tôi đi vài bữa, có khi cả tuần, cả tháng. Nó nói anh yên tâm, em đi rồi em về với anh mà. Chứ giờ em biết về đâu?”.

An gật đầu, nhớ ngày xưa nhà thơ có hỏi về chuyện gia đình thì ông Lâm nói buồn lắm và không muốn kể. Giờ qua người anh, An muốn biết hoàn cảnh cụ thể của ông Lâm thế nào. Câu chuyện quá khứ không đợi đột ngột như thác ùa về…

Ngày ấy, cậu bé họ Võ tên Tuấn có người cha theo cách mạng, các anh chị lớn trong nhà đều vào du kích. Vì muốn người con trai út của mình ở nhà lo việc hương hỏa, thờ tự sau này nên cha gửi Tuấn cho người bạn thân là thầy giáo ở Sông Bé nhận làm con nuôi. Tuấn được cha nuôi làm lại giấy khai sanh đổi thành họ Nguyễn để dễ bề qua mắt địch. Thời loạn làm giấy tờ cũng dễ, chỉ cần hai người chứng, cho tụi hành chánh tư pháp chỉ vàng nữa là xong. Từ đây, Tuấn với Lâm cùng họ, là anh em “ruột” trong nhà, đi học cùng nhau. Tuấn lớn tuổi hơn, mạnh mẽ bảo vệ Lâm, còn Lâm có khiếu văn nghệ, từ hồi trung học đã là trưởng ban nhạc của trường.

Khi Tuấn mười tám tuổi nghe tin cha ruột hi sinh sau một trận càn, hai người anh cũng lần lượt bị bắt, bị tra tấn đến chết trong tù, Tuấn xin cha nuôi được vào bưng chiến đấu trả thù cho cha và anh. Anh bàn với cha nuôi tung tin là thằng Tuấn vì sợ bị bắt lính, lên Sài Gòn học rồi trốn đi đâu không biết. Về phần mình, Tuấn không lo. Chỉ lo mình trốn đi rồi thì Lâm sẽ không được hoãn quân dịch. Tuấn cứ đắn đo, dùng dằng mãi, nửa muốn đi nửa không. Giữa một bên cha sinh một bên cha dưỡng chẳng biết làm sao cho trọn. Cuối cùng, cha nuôi gạt nước mắt nói Tuấn cứ đi, mọi việc ở nhà để ông lo. Riêng Lâm, đàn hát hay nếu cực chẳng đã phải đi lính sẽ lo lót cho vô lính văn nghệ, gọi là tâm lí chiến để đỡ phải ra chiến trường.

Tuấn vào bưng rồi được đưa về hoạt động trong đơn vị biệt động Sài Gòn. Còn Lâm phải vào lính Cộng hòa đúng như Tuấn từng lo lắng. Một lần về phép, Lâm đi Vũng Tàu đàn hát trong một ban nhạc được một cô gái miền Tây mê. Cô ta bán bia và hải sản ở bãi biển. Hai người bập lại, ăn ở với nhau có người con trai được gần một tuổi. Chuyện tình tưởng thế là có một kết thúc viên mãn, Lâm sẽ đưa cả vợ lẫn cháu về vừa là chịu tội chưa cưới hỏi gì đã ăn ở với nhau, vừa là cho cháu nhận ông, con dâu nhận cha.

Nhưng Lâm chưa kịp làm việc ấy thì nghe tin Tuấn bị thương mất một chân trong cuộc tấn công tết Mậu Thân. Địch đã bắt được Tuấn và giam ở khám Chí Hòa. Dù đã khai tên khác nhưng tụi điều tra chụp hình lăn tay cuối cùng cũng biết anh là Nguyễn Văn Tuấn, con ông Nguyễn Văn Long dạy học ở Sông Bé. Từ đấy, chúng lần ngược hồ sơ và tìm ra Lâm. Với lí lịch là em ruột Việt cộng, Lâm bị chuyển đơn vị, chuẩn bị ra tiền đồn làm bia đỡ đạn. Nhận lệnh, Lâm rối trí. Rồi Lâm nghe bạn chơi nước liều, rút kíp nổ tính phá bay ngón chân cái, thà đi tù còn hơn phải làm lính chiến. Không ngờ kíp nổ quá mạnh, làm mù mắt, mất bàn tay phải của Lâm.

Sau giải phóng, Lâm nhiều lần lang thang bãi biển Vũng Tàu ca hát kiếm ăn, với hi vọng vợ con còn ở đâu đó, nghe tiếng hát mà nhận ra. Chưa hết, Lâm còn lang thang về miệt Sóc Trăng quê vợ, dù chỉ nghe kể qua chứ chưa đến một lần...

“Cho đến bây giờ Lâm nó vẫn đi tìm. Thôi, kể sơ với anh vậy. Giờ tôi phải vô với Lâm. Tội nó! May lúc tỉnh lại nó còn nhớ số điện thoại của tôi. Cảm ơn anh và bác nhà thơ nhiều nghe. Anh làm báo ở Bình Dương phải không? Lúc nào rảnh mời anh tới nhà tôi chơi. Anh cứ đến Hội Cựu chiến binh phường Phú Lợi hỏi tên tôi là họ chỉ tới”.

An bần thần lắng nghe rồi gật đầu. Bài báo dự định mấy chục năm đã đầy đủ các dữ kiện, nhưng giờ An hiểu rằng, dù mình có cố gắng mấy cũng không thể viết hết được nỗi đau buồn của những con người trong câu chuyện này. Lúc ra về nhìn vào phòng, thấy ông anh đang đỡ em dậy, bóng hai người đổ lẫn vào nhau

 

P.Đ.N