Thứ Bảy, 16/10/2021 06:25

“Cuốn sổ vàng” - Những Sisyphus lăn đá lên đồi

Cấu tứ của Cuốn sổ vàng cũng khiến ta nhớ đến Lessing như một trong những nữ nhà văn cải cách một cách toàn diện cấu trúc tiểu thuyết đương thời.

Xoay quanh nhân vật chính Anna Wulf, Cuốn sổ vàng là hành trình nhìn nhận và phản ánh mình ở mặt ngoại hàm lẫn nội vi tâm hồn. Trong những năm tháng hết nhập lại rồi tan, bốn cuốn sổ là nơi cô ghi hết mọi việc. Cuốn màu đen cho những hồi ức từ trong quá khứ, cuốn sổ đỏ cho quãng thời gian cho làm việc cho Đảng Cộng Sản, cuốn màu xanh là những trải nghiệm trong những phiêu lưu tình ái và cuốn sổ vàng sau cùng là trộn lẫn của tất cả.

Cuốn sổ vàng có thể nói là tác phẩm phức tạp, hoành tráng và lớn nhất của Doris Lessing. Với cuốn sách này, người phụ nữ lớn tuổi nhất từng chiến thắng Nobel văn chương bằng giọng văn sắc lạnh, ngạo nghễ và không khoan nhượng đã họa nên một bức tranh tổng thể về thời đại và thế hệ mình - nước Anh những năm 50 và những người trẻ ôm một khao khát cải tiến thế giới đến mức utopia như trong tiểu thuyết của Huxley hay Moore. Nhưng sau tốt, tất cả chẳng còn lại gì.

Như một thừa nhận, cô phải sắp xếp và chia chính những thực tại - mộng mơ ấy ra làm 4 vì nó quá phức tạp, và không thể không nhầm lẫn nếu cứ viết chung một cuốn. Trong những khoảnh khắc ta có thể thấy dòng suối tuôn ra ào ạt về lại Trung Phi nơi nhà nghỉ ở Mashopi với các anh lính không quân, những nam thanh nữ tú tụ tập quanh cụm bạch đàn mơ về những lí tưởng cao đẹp… Nhưng cũng song song đó, với những ảo ảnh, những giấc mơ chếnh choáng; Anna cũng tự thâm nhập vào chính bản thân mình, để khám phá những nứt vỡ và đổ gãy trong cuộc hôn nhân, những nhập - khắc của nhiều alta ego rất riêng phân mảnh.

Tác phẩm "Cuốn sổ vàng" bản tiếng Việt do Nhã Nam in và phát hành.

Điểm chung nhất mà mọi bài viết khi nhắc đến Cuốn sổ vàng là đều cố gắng phác họa chất nữ quyền của nó. Rõ ràng, Lessing không che giấu ý tưởng này khi khung xương chính của cuốn sách được chia làm 5 phần với tên gọi được đánh số của ‘Phụ nữ tự do’. Bắt đầu bằng 2 người phụ nữ ngồi trên tầng cao một buổi sáng London, Anna và Molly là 2 cá thể dẫn dắt xuyên suốt mạch truyện. Ở một khoảnh khắc nào đó và cả sau này, Anna, Molly hay chính cái tôi phân mảnh Ella mà cô viết ra dưới hình thức truyện lồng trong truyện, đang xóa tan những đường biên mờ, ở trong nhau và lồng trong nhau.

Anna trước hiện thực cuộc sống ấy cũng phân mảnh mình ra nhiều nhân dáng. Từ Anna cô gái London đến Anna con gái của bố cô; từ Anna nhà văn đến Anna mẹ của Janet… tất cả cho thấy một sự khủng hoảng từ trong niềm tin. Từ đầu đến cuối, Anna luôn giữ sự tự do như cái bóng hằn chiếu con người mình. Cô khinh thị sự gắn kết của đàn ông và đàn bà, cô nhận ra được sự tương tác hay trao đổi chất của những cá thể với nhau, qua cuộc phiêu lưu ái tình giữa Ella và Paul Tanner, giữa Anna và Michael hay sau này là Saul Green, cô nhận ra chính mối liên kết gắn bó với nhau độc hại đến mức độ nào, và do đó, dĩ nhiên, cô đã dối trá hầu hết mọi lúc, đeo lên mặt nạ, diễn những vai diễn ra trước cuộc đời.

4 cuốn sổ là chứng nhân cho những gì là Anna nhất, nó vừa là kiểu nhật kí đậm tính suy tư, nhưng cũng có khi ngập tràn trong đó là những mẫu báo được cắt ra và ghép nối với nhau. Anna trong suốt 4 cuốn sổ đó là một nhân dáng nhợt nhạt, người mà như Tommy - cậu chàng nhiều suy tư bị ảnh hưởng bởi cuộc hôn nhân đứt gãy, bởi những lí tưởng về một xã hội mới mà mẹ và bạn của họ gieo vào óc cậu - cho rằng Dì sợ phải viết ra những điều dì nghĩ về cuộc đời, bởi vì có thể dì sẽ thấy mình đang ở vị thế bị phơi bày, có thể dì sẽ phơi bày bản thân, có thể dì sẽ cô đơn. Chính sự dối trá trong những khoảnh khắc đời sống cuối cùng đã thúc đẩy Tommy đến việc tự sát. Một mặt nào đó, nhân vật Tommy của Lessing cho ta nhiều sự trùng hợp với Hazel Motes của Flannery O’Connor, khi cả hai đều tự hoặc cố ý gây cho mình mù lòa. Để được che mắt trước một đời sống đến mức phỉ báng hoang tàn, trước bầu không khí cô độc độc hại, trước con mắt thứ ba của thời đại đầy giả dối; để trở về nguyên bản nhất, với bản thân mình, với cái tôi của mình, với bóng tối, suy tư và một vị Chúa tư nhân nào đó.

Cuốn sổ vàng, Lessing dường như đem câu chuyện của chính bản thân mình vào đầy. Vốn từng sống ở Zimbabwe trong thời tuổi trẻ và từ chối hệ thống phân biệt chủng tộc tàn bạo bà được thừa hưởng; do đó, khi chuyển đến Anh, sự bất bình đẳng và ước mơ về một thế giới tốt đẹp, thống nhất dường như luôn ám ảnh bà. Đó là nguyên nhân vì sao ta có những ước mơ đã chết ở Mashopi với các nhân vật theo đuổi những dục vọng riêng bản thân, thế nhưng, không ai cảm thấy chính họ như đang phục vụ cho một điều gì cụ thể. Rosemary bị ám ảnh mãi với cái chết của anh trai - người mà có đôi lúc chập choạng cô coi đó như tình nhân mãi mãi. Trong khi Anna rơi vào cuộc tình tay ba và bị dằn xé như mạt sắt ở 2 phía cực - giữa Willi và Paul - những người khôn ngoan nhưng giỏi giễu nhại bậc nhất của thế hệ cô. Jimmy và cơn yêu đến mức mù lòa khao khát Paul, George và sự ô nhục khi bỏ rơi người tình mãi mãi ở nhà hàng của bà Boothley…

Họ - những ngày tuổi trẻ ở nhà hàng Mashopi chốn Trung Phi một năm nào đó - bây giờ chỉ còn là kí ức quá hạn của Anna. Nói quá hạn vì chính trong cuốn sổ đen, mỗi khi nhớ lại những thời khắc ấy, cô luôn nhận ra những gì mình từng bỏ lỡ. Cái mơ ước đầy niên thiếu, to lớn ấy chuyển biến sang cuốn sổ xanh đầy ám thị và nhiều thực tại hơn. Trong cuộc nói chuyện với Saul, người cầm trịch công việc phi lợi nhuận mà cô tham gia, đã cho rằng rốt cuộc sự nghiệp mà cả cô và anh đang dự phần vào chẳng khác gì Sisyphus lăn đá lên đồi (1).

Có một ngọn núi đen rất lớn. Đó là sự ngu xuẩn của người đời. Có một nhóm người vần tảng đá ngược lên ngọn núi đó. Họ cứ lên được vài bước thì chiến tranh, hoặc cách mạng không đúng cách lại nổ ra, và tảng đá lại lăn xuống - không phải xuống đến tận đáy, nó luôn dừng lại ở chỗ cao hơn vài phân so với điểm xuất phát. Vì vậy nhóm người đó ghé vai vào tảng đá và lại bắt đầu đẩy […] Cả đời mình, em và anh, chúng ta sẽ dành trọn sức lực, dành trọn tài trí, để vần một tảng đá khổng lồ đi ngược lên đỉnh núi. Và cứ như Sisyphus lăn đá lên đồi, những giấc hoài vọng của những người trẻ ấy mãi mãi là hoang đường, bởi như một câu mà Lessing thừa nhận, tốc độ của những cuộc đấu tranh luôn luôn thay đổi, bởi nó sẽ luôn chậm hơn những cuộc chiến tư tưởng khác. Và bà viết ra chỉ như đánh dấu để tạc ghi một lần nào đó tính nữ vượt lên, nhưng suốt bao năm qua, nó vẫn ở đó và giậm chân tại chỗ.

Nhà Văn Doris Lessing. Nguồn: Nature

Trong lời nói đầu của lần xuất bản vào năm 1962, Lessing đã không che giấu một tham vọng lớn lao rằng bà muốn Cuốn sổ vàng thể hiện được hết cái xám nhạt và không mấy tươi tỉnh của bầu không khí xã hội Anh đương thời. Nếu Nga có Tolstoy, Pháp có Stendhal, Anh thời Victoria có Hardy; thì cũng nơi chốn ấy những năm 50 có Lessing. Bà quăng cuốn tiểu thuyết này vào một thời điểm rất nhiều nhạy cảm, với những xung đột leo thang, những tư tưởng chính trị mới, những nền móng lâu đời của phân tâm học, chủ nghĩa đấu tranh và nhiều hiểm nguy về phía tương lai như bơm H… Trên nền của một cuộc chiến tưởng như chỉ định làm rõ khác biệt giữa đàn ông và đàn bà, Lessing cũng cho thấy được Một lời nói dối nhỏ có thể lan ra thành một lầm đầy dối trá và đầu độc mọi thứ, và đó dường như là bức tranh chung nhất đời sống đương thời.

Và một mặt khác, với Cuốn sổ vàng, Lessing đặt nhân vật chính của mình là một nghệ sĩ - một nhà văn - bị mắc kẹt trong những rắc rối cuộc sống sau cuốn sách đầu tay gây nhiều tiếng vang Những biên giới chiến tranh; mà thật ra chính cô cũng xem thường nó. Bà đặt ra dấu hỏi về chức năng của tiểu thuyết, trong riêng thời đại đó, rằng liệu nó đang thay đổi, đang trở thành tiền đồn của báo chí, bị phân mảng bởi những đấu tranh chủng tộc, khác biệt giới tính hay những phân rã xã hội đang tồn tại? Xã hội con người ngày chia nhỏ hơn, phân ra nhiều tầng nhiều lớp, mỗi một con người giờ đây đã nhỏ lại càng thêm nhỏ, phản ánh một trật tự hỗn loạn của các hạt vật chất cấu thành nên một vũ trụ thu nhỏ.

Cấu tứ của Cuốn sổ vàng cũng khiến ta nhớ đến Lessing như một trong những nữ nhà văn cải cách một cách toàn diện cấu trúc tiểu thuyết đương thời. Trong Lời nói đầu, bà cho rằng một cuốn sách có sức sống, có sức nặng và tính thuyết phục là khi độc giả không đoán được nó ở bất kì khía cạnh nào, và đó là lí do vì sao Cuốn sổ vàng vốn bản thân phân mảnh và được bao hàm trong nhiều lớp vỏ khác nhau, nhưng từ khi ra đời đến nay, nó vẫn được ca ngợi là tác phẩm lớn nhất của một trong những nhà văn có sức ảnh hưởng nhất. Người ta gọi Từ điển Khazar là tiểu thuyết đầu tiên của thế kỉ 20, nhưng không ai biết rằng hơn 20 năm về trước chính Lessing lại là người khởi nguồn cho tư duy ấy. Người ta ca tụng 2666 của Robeto Bolaño đầy đổi mới nhưng lại cũng không biết rằng, chính ông trong tiểu thuyết ấy, cũng đưa tên Lessing vào một góc trong trò nối đỉnh của vị giáo sư già, cho thấy một sự quan trọng - một sức ảnh hưởng đến nền văn chương đương thời của bà.

Khi được hỏi về cảm tưởng sau khi giành Nobel văn chương năm 2007, bà đã nói rằng “Không thể nói là tôi quá đỗi ngạc nhiên được. Tôi đã gần chín mươi rồi, và bọn họ không thể trao giải Nobel cho người đã mất, nên tôi nghĩ là họ cho rằng cần phải trao giải cho cụ bà này sớm thôi trước khi cụ ý ngoẻo mất”. Ở đó ta thấy vẫn là một Lessing ngạo nghễ, táo tợn và không thỏa hiệp. Với Cuốn sổ vàng - một cuốn sách có thể nói là tiên phong và thuộc thiểu số những tác phẩm giương cao quan niệm của thế kỉ 20 về mối quan hệ nam nữ - ta thấy một sự phản ánh mới, đầy đủ, thụt lùi, tiến lên và chênh vênh giữa những mặt đấu tranh, những công cuộc cách mạng mới. Doris Lessing sẽ mãi vĩ đại và bất diệt như tác phẩm này của bà, một cuộc giải phóng phụ nữ, giải phóng cái tôi, và khi giải phóng cái nôi của nhân loại, đó cũng là khi tất cả đều được giải phóng.

NGÔ MINH

---------------------------------

1.Trong thần thoại Hy Lạp, Sisyphus bị các vị Thần trừng phạt suốt đời phải đẩy một khối đá lớn lên đỉnh núi, khi lên tới đỉnh, anh phải đứng nhìn khối đá lăn xuống chân núi, và Sisyphus phải đẩy lại hòn đá lên đỉnh, cứ như vậy lặp đi lặp lại trong vô hạn.