Tom Stoppard (sinh năm 1937) là một nhà viết kịch và biên kịch tài năng người Anh gốc Séc. Ông viết kịch bản cho truyền hình, đài phát thanh, điện ảnh và sân khấu với các vở kịch nổi tiếng như: Arcadia, The Coast of Utopia, Every Good Boy Deserves Favor , Professional Foul, The Real Thing, Travesties, The Invention of Love... Mới đây, tác giả Hermione Lee, với cuốn sách về cuộc đời Tom Stoppard đã tiết lộ nhiều bí mật về ông. Nổi bật nhất là việc ông vốn không phải con đẻ của người cha hiện tại và là người gốc Anh như ông vốn nghĩ. Đến tận 60 tuổi, bà Marta - mẹ ông mới kể, ông chính là người Do Thái, con của một bác sĩ.

Tom Stoppard chụp năm 1976.
Stoppard cũng viết kịch bản cho các bộ phim điện ảnh: Brazil, The Russia House hay Shakespeare in Love. Ông đã nhận được một giải Oscar và bốn giải Tony. Tác phẩm của ông chủ yếu viết về nhân quyền và tự do chính trị, đi sâu vào các chủ đề triết học hơn các vấn đề xã hội. Stoppard là nhà viết kịch của Nhà hát Quốc gia và là một trong những nhà viết kịch quốc tế được trình diễn nhiều nhất trong thế hệ của mình. Năm 2008, tờ The Daily Telegraph xếp ông vào vị trí thứ 11 trong danh sách “100 người quyền lực nhất trong văn hóa Anh”.
Tom Stoppard – A life của Hermione Lee là một nghiên cứu có chiều sâu về Tom Stoppard gồm nhiều chi tiết mô tả các bữa tiệc và những người bạn danh tiếng của ông, đồng thời cũng chỉ rõ các nguồn cảm hứng sáng tác tạo nên các sáng tác của kịch gia lỗi lạc này.
Trong vở kịch The Invention of Love, Tom Stoppard đã mô tả nhân vật Oscar Wilde một cách rất cô đọng là “một mớ hỗn tạp mà từ đó đời sống thực của chúng ta phát lộ ra ngoài”. Thật là một cú chạm đầy rung cảm đến nỗi dòng trích dẫn đó được lặp lại tới hai lần trong hồi kí về nhà văn ấy. Gần như cả 1.000 trang hồi kí đều viết rất nhiều về “mớ hỗn tạp” này, bởi vậy có lẽ tốt nhất là độc giả không nên cố gắng tìm hiểu ngụ ý “đời sống thực của chúng ta” trong các vở kịch của ông, bởi câu nói như vậy sẽ dẫn đến những bài thuyết giáo dài dòng về lí thuyết hỗn mang.
Những cảm nhận và chiêm nghiệm của chúng ta khi xem các vở kịch của Stoppard liên quan ra sao đến đời sống của chúng ta ngoài đời là một câu hỏi chưa có câu trả lời, khơi dậy các cuộc thảo luận để xác định lập trường viết kịch của Stoppard. Nghệ thuật kịch đột phá của ông đánh đố trí tuệ và nhận thức về thời gian của chúng ta nhưng chúng ta say mê thử thách đó, để rồi khi về tới nhà, chúng ta cứ nghĩ mãi về nó, đến thao thức mãi và dễ dậy trễ giờ đi làm sáng hôm sau. Điều đó chứng tỏ các vở kịch của ông ấy chỉ là một “màn trình diễn ngôn từ” dí dỏm, thông minh nhưng vô nghĩa, hay chúng đề cập đến các chủ đề sâu sắc về trải nghiệm cuộc sống của con người? Ít nhất các tác phẩm của ông đã chứng tỏ một nỗ lực không ngừng nghỉ để giải mã các bí ẩn về sự tồn tại của con người. Như Hannah, một nhân vật trong một vở kịch thuộc hàng được yêu thích nhất của ông tên là Arcadia, đã từng nói: “Chính cái khao khát được hiểu biết khiến chúng ta trở nên khác biệt. Nếu không, chúng ta cũng sẽ đi ra không hơn gì cái lúc chúng ta đã đi vào”.
Có một số nhận xét cho rằng các vở kịch của Tom Stoppard thuộc thể loại kịch mà người ta chỉ xem một lần. Song nhiều người nghĩ rằng, kịch của ông hấp dẫn hơn một số thể loại hư cấu về chủ đề tội phạm, khi xem đến lần thứ hai khán giả sẽ cảm thấy kém thu hút vì đã tỏ tưởng đường đi nước bước của tác giả. Để tránh hiện tượng này, nhiều chuyên gia muốn hồi sinh các vở kịch hay nhất của ông, tùy theo tác phẩm và lượt biểu diễn, các nhà phê bình đã tán thưởng hết lời và khích lệ người xem nên chú ý để thấy được chiều sâu tác phẩm mà ở lượt xem đầu họ có thể đã bỏ lỡ. Thật ấn tượng khi một kịch gia nổi tiếng, đã được tôn vinh ở các giải thưởng điện ảnh và nghệ thuật lớn nhất như Oscar đến Huân chương công trạng (Order of Merit) vẫn thu hút mọi đối tượng của mọi tầng lớp, thuận chiều và trái chiều.

Bìa cuốn hồi kí về Tom Stoppard.
Thực tế là, kịch của Stoppard quá nổi bật, vì thế chính các tác phẩm đặc trưng chất Stoppard đã xây dựng danh tiếng cho ông trên cả hai phương diện. Thứ nhất, mạch truyện trong các vở kịch Stoppard viết được mô tả “ngang tầm Beckett và tác phẩm hài kịch phát thanh The Goon Show”, vừa “bắt kịp Pinter và kịch hài sân khấu Beyond the Fringe”. Stoppard đã học từ Beckett và Pinter và sáng tạo thủ thuật nén và ẩn giấu thông tin. Khán giả bị thách thức trong mê cung trận của tư duy, họ hoang mang suy nghĩ và bị cuốn hút như thôi miên. “Tôi thích người xem phải chú ý đến từng diễn biến kịch trong bóng tối và chỉ mãi về sau mới biết mình bị dẫn dắt tới đâu”. Thứ hai, những vở kịch làm nên tên tuổi kịch gia tài hoa điêu luyện đó, thường hàm chứa một khoảng lặng đáng kinh ngạc. Tất cả đều khiến khán giả phải tập trung chú ý, đôi khi bị cuốn hút tới mức chìm đắm trong suy tư. John Wood, một diễn viên dường như được cõi trên phái xuống trần gian để nhập và hóa thân thành một vài nhân vật thông minh, hóm hỉnh nhất của Stoppard, nổi tiếng là đã từng khiến cho các khán giả đang gà gật trong buổi xem kịch ban chiều chuyển sang phấn khích khi đang biểu diễn vở Travesties và cáu kỉnh yêu cầu: “Ồ, cứ diễn tiếp như thế đi chứ!”. Khán giả hứng thú tận hưởng một buổi tối xem kịch của Stoppard, là một niềm vui, sự khích lệ lớn lao, đáng để chúc mừng.
Chúng ta đã quá quen thuộc với những cuộc phỏng vấn của báo chí về Tom Stoppard cùng tiểu sử sơ lược về ông. Tuy vậy, tác giả Hermione Lee lại có dịp tiếp cận ông ở hậu trường của các vở kịch, được biết thêm những chi tiết hiếm có. Từ đó, cô có thể kể các câu chuyện với các tình tiết đặc sắc không thể tìm thấy bất cứ nơi đâu. Đặc biệt nhất là câu chuyện về nguồn gốc xuất thân của kịch gia Stoppard. Ông vốn không phải con đẻ của người cha hiện tại và là người gốc Anh như ông vốn nghĩ. Đến tận 60 tuổi, bà Marta - mẹ ông mới kể, ông chính là người Do Thái, con của Tomáš Sträussler (một bác sĩ) quê tại Zlín, nơi mà sau đó trở thành Tiệp Khắc rồi chịu sự xâm lược của Hitler; Nhật Bản. Gia đình họ đã phải bỏ xứ tìm đến mảnh đất mới. Ba mẹ con đến Bombay trước, còn người cha theo sau không may mắn đã chết trên con tàu mà quân Nhật đánh chìm. Sau này, gia đình ông dừng chân tại Darjeeling, mẹ ông gặp gỡ và tái hôn với một sĩ quan người Anh tên Kenneth Stoppard. Người cha dượng này đã đưa cả gia đình trở lại nước Anh năm 1946. Hai anh em ông được sống tại một đất nước mới, lớn lên như những người Anh, biết chơi cricket và diễn kịch…
Cuốn sách cũng tiết lộ những bí mật thú vị của Stoppard. Đó là, nhiều vở kịch của ông sau này trở thành các tác phẩm cần đọc ở nhiều trường đại học, song chính nhà viết kịch này lại chưa từng học đại học. Năm 17 tuổi, ông bắt đầu làm phóng viên cho một tờ báo địa phương ở Bristol. Thiếu sót kinh nghiệm của ông được bù trừ bằng sự liều lĩnh, táo bạo: trở thành phóng viên chuyên mục đua xe thể thao của một tờ báo mà không để lộ sự thật là ông không biết lái xe. Càng về sau, ông càng viết nhiều bài đánh giá cảm nhận về kịch nghệ sân khấu và rồi theo tiếng gọi của ước mơ, ông bỏ việc và chuyển tới London để theo nghiệp sáng tác kịch.

Một cảnh trong vở kịch Arcadia của Tom Stoppard tại Nhà hát Hoàng gia tại Brighton, năm 2015. Ảnh: Tristram Kenton/ The Guardian.
Cuốn hồi kí không quên kể sơ lược về quá trình phát triển sự nghiệp của Tom Stoppard, từ các tác phẩm ban đầu. Ví dụ như vở kịch ngắn Tom Stoppard: The Years of Struggle (tạm dịch: Tom Stoppard : Một năm tranh đấu) kể về chuyện khi kịch gia chưa tròn 28 tuổi, Đoàn kịch Hoàng gia Shakepeare đến thu nhận ý tưởng của ông vào vở kịch về Rosencrantz và Guildenstern, hai nhân vật phụ trong Hamlet. Những đạo diễn tại Nhà hát Quốc gia đã liều mình đánh cược cho Stoppard thời còn vô danh. Kết quả là, vào tối thứ ba, ngày 11/4/1967 tại Old Vic vở kịch thành công mĩ mãn và “những ngọn đèn đã dừng lại và chiếu thẳng vào hai người đàn ông mặc trang phục thời Elizabeth, hai con người đã tung đồng xu đặt cược khi đó”.
Vở kịch Rosencrantz và Guildenstern Are Dead (tạm dịch: Cái chết của Rosencrantz và Guildenstern) của Stoppard sau này được trình diễn liên tiếp ba năm từ khi ra mắt; sau đó được diễn lại, biên dịch và chuyển thể vô số lần. Faber đã tái bản tác phẩm này 23 lần trong vòng 30 năm sau đó, và rồi tiếp tục bán được nửa triệu bản sao chỉ từ năm 2001 đến năm 2008. Một khán giả nữ xem lần trình diễn tác phẩm đầu tiên ở New York đã tình cờ gặp tác giả của vở kịch và hỏi ông: “Vở kịch này nói lên điều gì?”. Theo như giai thoại tương truyền, nhà viết kịch đã trả lời: “Vở kịch nói lên rằng tôi sắp được phát tài nhờ nó”.
Việc viết các vở kịch tiếp theo: từ Jumpers (1972), Travesties (1974), The Real Thing (1982), Arcadia (1993), The Invention of Love (1997), The Coast of Utopia (2002), Rock’n’Roll (2006)… cho đến vở kịch mới nhất Leopoldstadt; công việc viết kịch bản cho bộ phim Shakespeare in Love, kịch bản phim cho nhiều bộ phim điện ảnh và phim chuyển thể khác cùng nhiều giải thưởng lớn mang về cho Stoppard số tiền ngoài sức tưởng tượng; giúp ông có thể duy trì một cuộc sống sung túc; những chuyến bay xa, những lần kết hôn và cả cuộc sống không hôn nhân, vô vàn các bữa tiệc và cả một kho thuốc lá tệ hại...
Hình tượng Stoppard từ cuốn hồi kí dưới góc nhìn đầy trìu mến và đồng cảm là một con người nhút nhát tìm cách thể hiện mình; một con người gần như không tin vào vận may của mình nhưng cũng gần như không có niềm tin đối với bất kì điều gì khác nữa. Simon Grey đã nắm bắt được điều này một cách trọn vẹn khi ông viết: “Đó thực sự là một trong những thành tựu của Tom, một điểm mà không ai ghen tị với ông ấy chút nào hết, không giống như ghen tị với diện mạo, tài năng, tiền bạc và sự may mắn của ông ấy. Trở nên thật đáng để ghen tị nhưng không bị ghen tị thật là một điều mà con người ta mơ tưởng tới”.
Cuốn hồi kí của Hermione Lee viết rất dày dặn, phong cách, chứa đựng nhiều kiến thức song vẫn khiến người đọc dễ tiếp nhận. Độc giả sẽ hình dung rõ hơn về cuộc sống thời nổi tiếng Stoppard: ông có nhiều người bạn nổi tiếng ra sao, các bữa tiệc được tổ chức linh đình thế nào?. Tuy vậy, hồi kí có nhiều đoạn hơi lan man về đời sống sinh hoạt của nhà viết kịch.
Tom Stoppard – A life được đánh giá cao nhất ở chỗ, Hermione Lee là một tác giả tài năng, sáng tạo khi viết về Stoppard. Cô có kiến thức phong phú, đầy am hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của nhà viết kịch lỗi lạc, đặc biệt trân trọng tài năng, sự nghiệp của kịch gia cũng như đề cao vai trò của các nhà hát. Phần kiến giải sắc sảo và rõ ràng của tác giả về những sáng tạo tinh vi của Stoppard là một trong các điểm mạnh lớn của cuốn hồi kí. Bài phê bình tận tâm của tác giả về các chủ đề và cốt truyện phức tạp của vở kịch Arcadia rất xứng đáng để người đọc bỏ số tiền lớn mua vé vào cửa xem kịch. Kịch gia Stoppard thường bị chỉ trích là “lãnh cảm - vô tình” hoặc quá thuần túy “trí óc – lí trí”, nhưng đó là một trong những thành tựu phê bình văn học của Hermione Lee khi cô chỉ ra được dòng cảm xúc đã trở thành nguồn cảm hứng thúc đẩy rất nhiều tác phẩm của ông, đặc biệt là các kiệt tác thời kì trung đại như vở kịch Arcadia và The Invention of Love.
Stoppard đã duyệt sửa và lược bỏ thẳng thừng các chi tiết khi vở kịch của ông đang được diễn tập và ngay cả đang được biểu diễn, để đem lại phiên bản sát sao, tốt nhất của vở kịch – sự kiện. Thật thú vị khi là một bậc thầy về cô đọng văn bản, ông luôn cắt đi, gọt giữa các kịch bản của mình, sửa tới cả phần kết của màn trình diễn phút áp chót; nhưng ông lại quyết định đặt niềm tin vào “cái mớ hỗn tạp” cuộc đời và sự nghiệp của mình, để người viết hồi kí của ông hoàn toàn tự do phóng tác.
Thật khó để biết lịch sử văn học sẽ đánh giá như thế nào về Stoppard. Giáo sư, tác giả Hermione Lee nhận định rằng “mọi người cảm thấy” ông ấy “đã khiến nền văn hóa của chúng ta trở nên khác biệt” nhưng thật không dễ để chỉ rõ đó là sự khác biệt nào. Wilde đã biến chuyển cả một phong trào văn hóa trở nên tuyệt vời khi viết nhiều vở kịch có tiềm năng trình diễn thành công tại các nhà thờ địa phương. Pinter đã mở mang ý thức của chúng ta về khái niệm vĩnh cửu của một vở kịch. Stoppard lại mang đến cho chúng ta những đêm tuyệt vời trong nhà hát, những dịp khiến chúng ta đôi khi suy tư, đôi khi cười phá lên, đôi khi khóc òa. Có lẽ như vậy là quá đủ: một nhà viết kịch còn có thể ao ước lời khen ngợi nào cao hơn thế nữa?
KIỀU HÒA theo The Guardian