Thứ Năm, 23/01/2020 06:55

Cuộc thi khép lại con đường mở ra

Qua hai năm phát động, Cuộc thi truyện ngắn mang tên Lửa Mới của Văn nghệ Quân đội đã kết thúc. Ngay từ tên gọi của Cuộc thi đã nói lên khát vọng tìm kiếm những tác giả mới, những giá trị văn chương mới

Qua hai năm phát động, Cuộc thi truyện ngắn mang tên Lửa Mới của Văn nghệ Quân đội đã kết thúc. Ngay từ tên gọi của Cuộc thi đã nói lên khát vọng tìm kiếm những tác giả mới, những giá trị văn chương mới, đóng góp vào tiến trình phát triển văn học nước nhà. Với quan điểm không giới hạn số lượng chữ, không giới hạn đề tài, đề cao các tác phẩm bám sát vào hiện thực đời sống xã hội Việt Nam đương đại; chấp nhận mọi khuynh hướng sáng tác, trân trọng phong cách truyền thống đồng thời khuyến khích những tìm tòi, cách tân với nhãn quan văn học và tư duy nghệ thuật mới mẻ, Cuộc thi đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo tác giả, từ Cộng hòa Liên bang Đức tới Thụy Sĩ, Pháp, Mĩ, Canada...; từ các tỉnh địa đầu Tổ quốc như Lạng Sơn, trải dài theo các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên đến miền Đông, miền Tây Nam Bộ. Các tác giả đã thành danh như Ma Văn Kháng, Nguyễn Văn Thọ, Y Ban, Nguyễn Thị Thu Huệ... đã gửi tác phẩm hưởng ứng và cổ vũ Cuộc thi ngay sau ngày đầu phát động. Cuộc thi có những cặp tác giả đặc biệt thú vị, đó là hai thầy trò của khoa Viết văn - Báo chí trường Đại học Văn hóa Hà Nội, PGS.TS. Văn Giá và sinh viên Phạm Thu Hà; hai thầy trò, vừa là đồng nghiệp giáo viên Phạm Hữu Hoàng và Lưu Thị Mười của huyện Phù Cát, Bình Định; hai chị em gái - hai cô giáo Trần Tú Ngọc và Trần Ngọc Diệp của Hà Tĩnh...

Tính đến ngày 31/11/2019, Ban Tổ chức đã nhận được 2014 bản thảo của 317 tác giả. Qua sự tuyển lựa khắt khe của Ban Biên tập, 128 truyện chất lượng của 61 tác giả đã được đăng trên các số tạp chí Văn nghệ Quân đội và Văn nghệ Quân đội online. Trong đó có 01 tác giả đã đăng 7 truyện , 01 tác giả đăng 06 truyện, 01 tác giả đăng 05 truyện, 06 tác giả đăng 04 truyện, 11 tác giả đăng 3 truyện, 12 tác giả đăng 02 truyện và 31 tác giả đăng 01 truyện.

Theo thống kê, đề tài chiến tranh cách mạng và người lính chiếm trên 50% lượng bản thảo gửi về tòa soạn. Không chỉ những cây bút đã trải nghiệm hoặc sống trong thời gian chiến tranh như Hùng Lý, Nguyễn Duy Liễm, Hồ Tĩnh Tâm, Mai Tiến Nghị, Nguyễn Thảo Nguyên, Phan Đức Nam... mà những tác giả trẻ cũng hăng hái thử sức với mảng đề tài được coi là thú vị nhưng cũng rất khó khăn này. Những câu chuyện từ chiến tranh thời chống Pháp, chống Mĩ, chiến tranh biên giới Tây Nam, chiến tranh biên giới phía Bắc cho đến những câu chuyện của bộ đội thời bình với những nhiệm vụ khó khăn nguy hiểm đều được chú ý. Viết về chiến tranh, nhắc đến chiến tranh nhưng ở cuộc thi này các tác giả đã chú trọng đi sâu tìm kiếm những giá trị thẩm mĩ ẩn chứa trong quá khứ dằng dặc máu lửa bi hùng của dân tộc.

Nổi bật ở mảng đề tài này là nhà văn Hữu Phương. Mặc dù ở lứa tuổi U80 nhưng ông vẫn thể hiện là một cây bút bền bỉ. Cả năm truyện ngắn Tóc xanh mấy mùa, Chuyện sực nhớ ở ấp Sơn Khê, Ngôi nhà trong hẻm núi, Ở thị trấn cửa sông của ông đều lấy cảm hứng từ chiến tranh. Tác phẩm của ông luôn có những tình huống trớ trêu đến bất thường, giữa lằn ranh mấp mé của sự cao cả và cái tầm thường, đòi hỏi nhân vật phải đưa ra những lựa chọn. Truyện của Hữu Phương hấp dẫn bởi chi tiết độc đáo, bối cảnh chân thực, thông điệp thấm đẫm nhân văn, nhờ vậy hình ảnh người lính cách mạng và những người dân trong chiến tranh hiện lên sáng đẹp một cách dung dị tự thân.

Bảo Thương là tác giả thế hệ 8x, sinh ra trong hòa bình nhưng lại rất tâm huyết với đề tài chiến tranh. Cả bốn truyện dự thi Qua khỏi dốc là nhà, Người trở về, Mùi hương gọi về, Bông điên điển hồng của chị đều đề cập đến những vấn đề hậu chiến. Đó là thân phận những người lính trở về và số phận những người dân sống trong vùng chiến tranh với những hệ lụy dai dẳng. Điển hình là tác phẩm Bông điên điển hồng. Lấy bối cảnh một vùng sông nước miền Tây Nam Bộ, truyện có nhiều lớp lang với những mối quan hệ chồng chéo của nhiều nhân vật tham gia chiến tranh ở cả hai phía với nhiều tình huống éo le, như một bản giao hưởng nhiều bè, có chiến tranh, có hòa bình, lúc vút cao, khi trầm lắng. Với khả năng quan sát tinh tế, nắm bắt thông tin nhanh nhạy, phân tích tình huống logic, tác phẩm của Bảo Thương không chỉ giúp người đọc hiểu và cảm thông cho mỗi số phận người trong thời bom đạn mà còn sáng lên tinh thần hòa giải: Chiến tranh đã qua đi, hận thù sẽ là quá khứ, chỉ còn tình người đọng mãi.

Lê Vũ Trường Giang, một tác giả 8x khác cũng là một cây bút trẻ có hứng thú với đề tài chiến tranh. Không gian nghệ thuật của Lê Vũ Trường Giang không chỉ giới hạn trong chiến dịch Mậu Thân ở Huế, quê hương của tác giả qua hai tác phẩm Chị HânPhía dưới cầu vồng, mà còn mở rộng sang bên kia Thái Bình Dương trong tác phẩm Từ bờ bên kia. Đây là tác phẩm đi sâu phân tích tâm lí của những cựu chiến binh Mĩ ám ảnh bởi tội ác đã gây ra trong chiến tranh Việt Nam. Trở về nước Mĩ, những người tham chiến đã luôn phải sống trong nỗi ám ảnh dằn vặt. Tội ác và trừng phạt, chính nghĩa và phi nghĩa, nhân văn và phi nhân tính..., đó là những vấn đề xoáy siết đòi hỏi lương tri phải lên tiếng, phải hành động.

Lê Quang Trạng, một tác giả 9x cũng tỏ ra là người có duyên với đề tài chiến tranh. Tiếng vọng, Chiêm bao đất, Khói biên phương là ba tác phẩm tạo được dấu ấn riêng với những câu chuyện chiến tranh và hậu chiến vùng biên giới Tây Nam.

Ở mảng đề tài người chiến sĩ hôm nay cũng có khá nhiều tác giả khai thác. Điển hình là những tác phẩm Miền gió của Nguyệt Chu viết về không quân, Tiếng rền của đá viết về công binh và Trên thảo nguyên xa thẳm viết về nhiệm vụ tham gia gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc của Trần Tú Ngọc, Đêm giao thừa có trăng của Ai Ta Yết Lam viết về công binh; Ngôi nhà trên đỉnh Thung Lau của An Bình Minh viết về người lính hoàn thành nghĩa vụ trở về lập nghiệp... Viết về người lính thời bình là một thách thức lớn, bởi hoạt động đặc thù của quân đội. Nhưng với tình yêu người lính và trách nhiệm công dân với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, các tác giả đã cố gắng tiếp cận thực tế, tìm tòi và thể hiện sắc nét chân dung người chiến sĩ trong thời đại mới. Dù đất nước đã bước vào thời kì hội nhập, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhưng những người lính vẫn luôn miệt mài huấn luyện, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, đối mặt với hiểm nguy, sẵn sàng chiến đấu, hi sinh.

Ở các đề tài lịch sử - xã hội là sự xuất hiện sôi nổi của nhiều tác giả, sinh sống ở nhiều vùng miền nên khả năng phản ánh hiện thực của các tác phẩm dự thi rất sâu rộng.

Đó là Triều La Vỹ với chùm truyện Mạc trà, Bóng rồng, Hoàng mai tửu, Dưới hiên Văn Miếu, Gương mặt thủy thần; Đoàn Ngọc Hà với chùm truyện Xông nhà; Người đàn bà giặt chiếu; Tây, ta và đàn bà; Nghệ thuật làm thuê; Nguyễn Thị Lê Na với Tiếng sáo người hát rong; Lí lẽ đàn bà; Vùng rừng sáng, Lê Hoài Lương với Và nơi đây mặt trời lên mỗi sáng, Vợ chồng già ngồi câu bên hồ nước; Trần Nhã Thụy với 03 truyện ngắn Ba tao bay ra ngoài cửa sổ, Những đứa trẻ tóc bạc, Hội xì gà; Trần Thanh Cảnh với Hậu duệ giáo sư Kê, Hoa vàng mấy độ. Vũ Thanh Lịch với chùm truyện ngắn Buồn vặt, Gió già, Ngủ một nửa, Nhà Thánh; Phạm Thu Hà với Mùa cói, Người về Tranh Sơn, Người kí ức; Nguyễn Thị Mai Phương với Tha hương, Tiệc trăng; Võ Thị Xuân Hà với Đoạn trường thảo kiêu hãnh; Lưu Thị Mười với PG, Những người đàn bà khóc, Cửa thiên đường, Sóng trên sông. Nguyễn Luân với Nhà không vách, Cánh bướm cuối rừng, Bóng người dưới trăng, Mây tía ngang trời; Trần Ngọc Diệp với Dốc thẳng, Khói mật hương, Đảo trong đêm; Kiều Duy Khánh với Trái tim sói tuyết, Gà trên đỉnh Cơi Pòn; Phạm Đình Hải với Những lỗ thủng, Anh hùng, Hiệp khách cuối cùng, Đỗ Quang Vinh với Thiên hạ đệ nhất kiếm, Vết sẹo; Dương Đức Khánh với Huynh đệ đường thôn, Xóm Rạch Cùng, Hỏa xa viên; Tống Phú Sa với Xóm trọ, Khói hoàng hôn, Nhớ mùa, Trần Hoài với Ngược nguồn; Hoàng Hiền với Sau lưng là rừng thẳm; Nguyễn Hải Yến với Đi dưới mặt trời; Phan Đức Lộc với Con chim lam về rừng; Nguyễn Đức Hạnh với Tiếng chuông chùa Tử Đằng; Lê Thanh Huệ với Chó robot; Nguyễn Toàn Thắng với Hoa cho người ở lại; Trương Thị Chung với Chị Dỡn; Trần Quang Lộc với Người con gái làng Krona; Phạm Thanh Khương với Kẻ ở nhờ; Hương Văn với Bơi đêm; Lương Minh Vũ với Không ở bên nhau, Trần Xuân Hà với Chiếc hộp thư khóa số; Vũ Minh Thúy với Quẩn nghiệp; Sơn Trần với Nàng, hắn và con chuột; Nguyễn Ngọc Đào Uyên với Trúng số; Đằng Miên với Game over; Trần Văn Thước với Nguồn sáng; Nông Quốc Lập với Buồng không cánh cửa; Hoàng Thị Trúc Ly với Người mang thánh giá; Văn Giá với Quạt giấy; An Thư với Bướm trắng hoàng cung; Thu Trân với Chị đi lấy chồng, Phía bên kia núi; Phùng Phương Quý với Ngọn đèn khuya ở bản Mây; Võ Diệu Thanh với Người đàn bà tìm nước; Trần Quỳnh Nga với Tháng ba, Vết lăn trầm...

Mỗi người một phong cách, một giọng điệu, một vùng sáng tác. Từ những người Việt sống chật vật trong nước cho tới thân phận những người Việt phải tha hương ngoài nước. Từ những thị dân sống trong ánh sáng phồn hoa đô thị cho tới những người nông dân sống ở nông thôn, miền núi; từ những khuất khúc trong lịch sử các triều đại phong kiến cho đến những sự kiện nóng hổi tính thời sự của hiện tại; từ đời sống tẻ nhạt của các công chức trong bộ máy hành chính nhà nước đến những hoàn cảnh thương tâm của những người xuất ngoại, hiến tạng, chuyển giới, đồng tính; từ tinh thần hòa giải dân tộc cho đến khát vọng hội nhập; từ kết cấu thượng tầng xã hội cho đến tổ chức hôn nhân gia đình thời kinh tế thị trường; từ những câu chuyện lớn của cộng đồng với những vấn đề thuộc về phong tục, tập quán, tín ngưỡng... cho tới những vấn đề thuộc về bản thể của mỗi cá nhân đều được các nhà văn phản ánh sinh động. Mọi thành phần xã hội, từ vua quan, cung tần mĩ nữ thời xưa đến quan chức, trí thức, công nhân, nông dân, nghệ sĩ đường phố, hoạt náo viên... thời nay đều trở thành hình tượng văn học, tạo nên một thế giới nhân vật phong phú.

Về nghệ thuật truyện ngắn, đúng như tinh thần của Lửa Mới, các tác giả đã không ngừng tìm tòi phương thức biểu đạt. Những lí thuyết và kĩ thuật văn chương của nhân loại được cập nhật; các dạng bút pháp tả thực, hiện thực huyền ảo, kì ảo, trào lộng, phúng dụ, huyền thoại, tượng trưng...; các kĩ thuật dòng ý thức, đồng hiện, tâm linh, giả kiếm hiệp, giả tưởng, dã sử, viễn tưởng... đều đã được các tác giả sử dụng để tăng sự hấp dẫn cho tác phẩm. Điều đáng mừng là dù viết về chủ đề gì, sử dụng bút pháp nào, âm hưởng ngợi ca hay phê phán thì mỗi tác giả tác phẩm trong cuộc thi này đều hướng tới mục đích nhân văn cao cả: xây dựng một đất nước hòa bình, phát triển với những con người có phẩm chất cao đẹp.

Với quãng thời gian hai năm, Cuộc thi truyện ngắn Lửa Mới đã tạo nên một luồng không khí sinh hoạt văn chương hấp dẫn độc giả cả trong và ngoài quân đội, cả trong nước và nước ngoài. Thành công của Cuộc thi không chỉ đã thu hút được hầu hết các tác giả truyện ngắn Việt Nam tiêu biểu, sung sức, mà còn giới thiệu được một lớp tác giả mới đầy triển vọng cho nền văn học nước nhà, trong đó có những tác giả tác phẩm xuất sắc tạo được ấn tượng mạnh đối với các thành viên Ban Chung khảo. Tiêu biểu là các tác phẩm Nhà Thánh của Vũ Thanh Lịch; Bông điên điển hồng, Người trở về của Bảo Thương; Người về Tranh Sơn của Phạm Thu Hà; Bóng rồng, Mạc trà của Triều La Vỹ; Tiếng rền của đá của Trần Tú Ngọc; Từ bờ bên kia, Quẩn mãi bóng người của Lê Vũ Trường Giang...

Từ hàng trăm tác phẩm dự thi, Ban Sơ khảo và Ban Chung khảo đã nỗ lực làm việc với tinh thần khách quan vô tư nhất, nhưng việc chọn một danh sách giải thưởng với chỉ mười tác giả là điều thực sự khó khăn. Bởi mặt bằng tác phẩm tương đối đồng đều, mỗi tác giả có một thế mạnh riêng. Do đó, giải thưởng mới chỉ là sự ghi nhận ban đầu đối với những tác phẩm đáp ứng được các tiêu chí về cả nội dung tư tưởng và nghệ thuật biểu đạt của Lửa Mới. Cuộc thi tuy khép lại, nhưng con đường sẽ mở ra. Điều những người tổ chức quan tâm hơn đó là sau cuộc thi này, các tác giả sẽ giữ vững được phong độ, chứng minh được nội lực của mình trên con đường văn chương rất dài phía trước. Văn nghệ Quân đội luôn tri ân và đồng hành với các nhà văn trong suốt quá trình sáng tạo. Và giải thưởng mà độc giả và thời gian dành tặng cho mỗi nhà văn mới thực sự lâu bền.

VNQĐ